Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Sales Logistics - Giải Thích Logistics Là Gì & Dành Cho Ai?

· Phần 1: Nghề Sales và Định Nghĩa Logistics
· Phần 2: Con Cò, Bố Già và Ông bác sĩ
Chuỗi Bài viết này để nói về nghề Sales Logistics, viết cho các bạn trẻ đang muốn tìm hiểu để dấn thân vào ngành hoặc anh em nào làm nghề đã lâu mà thấy bế tắc.
Chuỗi Bài viết trả lời câu hỏi: Sales Logistics là làm gì? Mình có hợp để làm Sales Logistics không? Viết một cách thực tế, dựa trên những câu chuyện mà tác giả - là người đã làm Sales Logistics được 10 năm – đã từng trải qua, hoặc nhìn thấy trong nghề.
Bài viết sẽ có 2 phần, một phần khô khan và một phần hơi sến. Mong các bạn có thể tìm thấy giá trị bổ ích trong cả 2 phần bài viết.
------------------------------------------------------------------------------
Đầu tiên, Sales Logistics là nghề Sales dịch vụ B2B (Business to Business).
· Nói tới nghề Sales thì ai cũng biết đó là đôi ngũ “Bán hàng”, là tiền tuyến, người chiến binh lao ra ngoài, sẵn sàng chiến đấu để giành giật, mang tiền về cho công ty.
· Người ta hay ví von “Thương trường là chiến trường”, vậy Sales là những người lính, Sales Manager là tướng quân vậy.
· Đời mà, lính thì hay chết nhiều, dăm ba hôm lại thấy một ông lính “chiếu mới” buông súng bỏ cuộc, nhìn trời thở ra một câu “Em không hợp với nghề này anh ơi”. Nhiều lần riết thì thành quen, chỉ tiếc nhiều người chưa hiểu hết nghề đã vội bỏ cuộc.
· Lẽ hiển nhiên, nghề làm lính vô cùng áp lực và nhìn thấy nhiều chuyện đổ máu, chết chóc. Sales cũng vậy thôi.
· Nghề Sales thì dễ hiểu rồi. Sales Bất động sản là bán nhà bán đất, Sales bột giặt thì bán … bột giặt. Sales ô tô thì bán xe. Nhưng mà Sales Logistics là bán cái gì? Câu hỏi tưởng chừng như dễ, ấy thế mà rất nhiều người chưa làm và đã làm nghề này nhiều năm vẫn không hiểu rõ.
------------------------------------------------------------------------------
Để hiểu về nghề Sales Logistics. Mình nói một chút về Dịch vụ Logistics đi. Hiểu dịch vụ là sẽ hiểu nghề Sales cái dịch vụ đó chớ khó gì đâu. Vậy Logistics là gì?

Thôi thôi, xin đừng viện dẫn định nghĩa trên sách vở làm gì. Anh đọc nhiều sách và báo cáo khoa học của các Giáo sư, tiến sĩ nhiều, sao càng đọc đầu anh càng ù ù cạch cạch. Cao siêu quá, không hiểu gì.

Ngành Logistics nó đơn giản vô cùng mấy đứa ơi!! Logistics ấy, chỉ có 2 mảng thôi: Kho bãi (Warehousing) và Vận tải (Transportation). Chấm hết. Đơn giản thế thôi, nhưng phân tích sâu vào trong thì nhiều mảng, nhiều kiểu lắm lắm nha.

LOGISTICS:
1. TRANSPORTATION: ĐÚNG THỜI GIAN, ĐÚNG ĐỊA ĐIỂM, ĐÚNG HÀNG, AN TOÀN VÀ TIẾT KIỆM.

1a. NỘI ĐỊA: Vận chuyển và giao hàng trong nước.
Vận chuyển bằng đường BỘ (Xe tải, xe container, xe máy, tàu hỏa) đường THỦY (Tàu, sà lan, ghe) đường HÀNG KHÔNG (Máy bay tuyến nội địa),… đều có tính chất khác nhau, dịch vụ khác nhau và cách Sales, cách vận hành cũng khác. Cty anh sản xuất mì gói và cần chở 5000 thùng mì gói từ Hưng Yên đi TPHCM? Thuê tôi đi, tôi chở cho. Cty anh cần vận chuyển Vắc-xin thú y từ TPHCM đi Hà Nội? Tôi nhận chở nhé, tôi thuê máy bay chở đi cho anh, đảm bảo an toàn, giao đúng chỗ, đúng giờ.

Làm vận chuyển trong nước thì lời 1 chuyến ít lắm (70-100k/ 1 chuyến), phải lấy số lượng lớn để bù vào, vận hành hàng trăm chuyến xe một ngày cũng lắm thứ đau đầu, nào là kẹt xe, trễ giờ, sai địa điểm, …

Mảng TRANSPORTATION NỘI ĐỊA quan trọng nhất là: Khả năng quản lý được việc vận chuyển hàng trăm, hàng nghìn đơn hàng đi ĐÚNG nơi, ĐÚNG giờ, ĐÚNG hàng, AN TOÀN mà lại TIẾT KIỆM chi phí nhất. Để làm được việc này, phải dùng phần mềm thôi. Gọi là TMS (Transportation Management System).

1b. XUẤT NHẬP KHẨU (XNK): Mang hàng trong nước Việt Nam ra nước ngoài, hoặc mang hàng nước ngoài về Việt Nam để bán.
Lần nữa, chúng ta cũng chia ra, đường LAND, SEA, AIR. Nhưng cái này thì chở bằng Tàu hoặc Máy bay là chính, cũng có vận chuyển đường bộ xuyên biên giới (Cross-border Trucking) nhưng ít hơn Tàu và máy bay.

Mảng này chiếm doanh thu và lợi nhuận to hơn (1 container XNK lời cũng được 30-100 USD, hiếm khi lời đến 300-700 USD nếu gặp khách sộp), có thể nói là phần có lợi nhuận “béo bở” nhất trong Logistics. Tuy nhiên, các cty Việt Nam bị lép vế trong mảng này, toàn bị cty nước ngoài giành gần hết. Làm trong mảng này cần có mạng lưới văn phòng đa quốc gia, kinh nghiệm vận hành Logistics quốc tế,

Xuất Nhập Khẩu còn dính tới 1 mảng hết sức phức tạp, đó là THỦ TỤC HẢI QUAN. Để có thể mang hàng hóa từ trong nước ra nước ngoài thì cần phải xin phép HẢI QUAN. Do đó, cần có người làm các THỦ TỤC HẢI QUAN XNK.
Yes, phần này đau đầu lắm. Tham vấn giá, áp mã HS Code, thủ tục hải quan, luồng xanh, vàng, đỏ… Để có thể Xuất nhập khẩu hợp pháp, cần phải hiểu về luật, nắm rõ ‘luật chơi’ và còn phải biết cách quan hệ nữa.

1c. MỘT SỐ HÌNH THỨC VẬN TẢI ĐÁNG LƯU Ý:
Vận tải hàng dự án, hay hàng OOG (Oversized – Overweight Goods) là dịch vụ vận chuyển những kiện hàng siêu to, nặng. Làm cái này cần nhiều kinh nghiệm và thường thì doanh thu, lợi nhuận cũng rất “đã”.
Riêng vận tải trong nước thì gần đây còn hot lên mảng E-commerce Logistics, hay là vận chuyển cho hàng thương mại điện tử. Mảng này Hot lên cũng dễ hiểu, bởi vì gần đây mọi người mua hàng Online quá nhiều. Vâng, anh đang nói đến em đấy, cô gái hay mua son và váy trên mạng ạ. Tuần này em đã đút bao nhiêu tiền cho Shoppee, Tiki, Lazada rồi?

2. WAREHOUSING: QUẢN LÝ, VẬN HÀNH KHO BÃI.
Trong quản lý vận hành kho có 6 hoạt động chính: Nhận, Cất, Lưu, Lấy, Gói, Xuất - Hàng

Nhận hàng vào, kiểm đếm phân loại; Mang vào cất lên kệ đúng chỗ, lưu thông tin; Lưu trữ an toàn; Lấy hàng từ nơi lưu trữ ra; Đóng gói; Xuất kho.

Ngoài ra còn có một số dịch vụ cộng thêm khác như: Dán nhãn, Co-packing, quản lý hàng tồn kho..v..v..
· Kho có nhiều loại kho, tùy loại kho khác nhau sẽ có đặc điểm và cách vận hành khác nhau 1 tí. Ví dụ: Kho Bonded (ngoại quan), kho CFS, Trung tâm phân phối (Chia theo chức năng), kho Ambient, kho lạnh, kho mát (Chia theo nhiệt độ)...v..v..
· 1 Chiếc kho xinh là 1 chiếc kho: Không mất hàng, không hư hàng, nhập hàng và xuất hàng nhanh gọn lẹ, không tai nạn, không cháy nổ, quản lý tồn kho xức sắc, dán nhãn, đóng gói xinh đẹp, dừa lòng khách.. vân vân và mây mây.
· Như vậy, mấy đứa sẽ thấy là vận hành một chiếc kho xinh chuẩn A rất phức tạp, nếu làm sai sót thì rủi ro gây ra mất mát hư hỏng.
· Để quản lý kho, bắt buộc phải dùng phần mềm, người ta gọi là phần mềm WMS (Warehouse Management System). Phần mềm này hiện đại và Optimized thì sẽ giảm được rủi ro sai sót.
Đội ngũ quản lý vận hành kho được áp KPI tính theo 0.05-0.1% sai sót. Nghề này mà tỉ lệ làm đúng đạt 99.00% thì cũng có thể ăn chửi rồi.
Như vậy thì dịch vụ kho cần có QUY TRÌNH, PHẦN MỀM và ĐỘI NGŨ CON NGƯỜI tinh nhuệ.

------------------------------------------------------------------------------
SALES LOGISTICS: QUAY TRỞ LẠI VỚI NGHỀ SALES LOGISTICS.


Vậy thì Sales Logistics là nghề: Đi bán dịch vụ Logistics. Mà dịch vụ Logistics thì như anh đã diễn giải ở trên, gồm 2 mảng WAREHOUSING và TRANSPORTATION.

Khách hàng của các cty Logistics là ai? Đó có thể là HEINEKEN cần dịch vụ vận tải, lưu kho cho nguyên liệu bia của họ. Đó có thể là CON CƯNG, cần kho lưu trữ hàng bỉm sửa và phân phối đi khắp 64 tỉnh thành Việt Nam (Gọi là trung tâm phân phối). Đó cũng có thể là đồ chơi My Kingdom, mỳ 3 miền, Panasonic….

Nhân viên Sales Logistics sẽ thuyết phục các cty khách hàng đó thuê ngoài dịch vụ WAREHOUSING / TRANSPORTATION và mang Doanh Thu, Lợi Nhuận về cho cty của mình.

Phần 2: SALES LOGISTICS NGHỀ DÀNH CHO AI? CON CÒ, BỐ GIÀ VÀ ÔNG BÁC SĨ.

Có người Sales suốt mùa xuân
Tỉnh ra không biết hiểu nghề hay chưa?
Có người Sales hết mùa mưa
Tỉnh ra mới biết vẫn chưa hiểu gì…
(Xin mượn thơ bác Ánh và sửa lại đôi chút).

Bước qua thăng trầm, 10 năm nghề Sales Logistics, anh chợt hiểu ra được, người làm Sales Logistics, không cần quan tâm là Sales dịch vụ gì, mảng nào trong logistics, thật ra có thể chia làm mấy loại. Và anh sẽ cố gắng giúp các bạn hiểu được những loại Sales Logistics qua các câu truyện ngắn bên dưới. Anh thử viết truyện để nó thêm phần thú vị, “nhai” đỡ ngán. Nếu thấy các bạn không thích, anh sẽ chuyển phương thức khác.

Không sao, chúng ta có thời gian, có lòng đi, thì không ngại không đến.

Đây cũng là những câu chuyện lột tả chuyển biến suy nghĩ về nghề Sales dịch vụ Logistics trong anh theo thời gian. Từ lúc mới ra trường, tới bây giờ.


CHƯƠNG 1: CON CÒ
20 tuổi, nó còn thậm chí chưa tốt nghiệp Đại học, đã bắt đầu đi Sales Logistics. Nó, là một thằng nhóc quê ở tỉnh lên thành phố học tập rồi ở lại vì những ước mơ tuổi trẻ. Nước da nó đen nhẻm, người gầy nhom vì hay bỏ bữa, tay chân thì khẳng khiu, nói có thể không ai tin, một thằng con trai 20 tuổi lại chỉ nặng có 50 cân. Trông từ xa, nó không khác mấy với một con cò lắm lem bùn đất sau một đêm miệt mài kiếm ăn.

Nhưng dưới vầng trán chưa nhiều nếp nhăn, nó có một đôi mắt sáng, đôi mắt sáng vì những ước mơ và tham vọng của tuổi trẻ. Những thứ ấy đã giữ nó lại với thành phố náo nhiệt và chói mắt này, chói mắt nhưng cũng sáng mắt.

Sáng mắt thật! Từ ngày bước chân vào nghề Sales Logistics, nó sáng mắt nhiều! Là một sinh viên ĐH Ngoại Thương, nó đã từng học qua không biết bao nhiêu sách vở về xuất nhập khẩu, đã dùi mài đến nhàu nát cái đũng quần trên đủ loại ghế, từ ghế gỗ trong lớp đến ghế đá sân trường, ghế quán café mở xuyên đêm… Ấy thế mà, chỉ vài ngày đi làm, nó nhận ra, mớ lý thuyết đó phải vứt đi hết sạch, không áp dụng được cái gì!!?

Mặt trời Sài Gòn chói chang ghê, bước ra ngoài đường, là mọi thứ liền được ánh nắng soi rọi sáng tỏ. Và nắng cũng mang đến sự thật trần trụi, một sự thật khó chịu y chang như cái nóng Sài Gòn giữa trưa. Nó, dù là một cử nhân, phải bắt đầu lại từ đầu.
Nhưng không sao, kể ra thì cái nghề này cũng dễ học! Sao chịu thua được? Ngày xưa không biết tạt dép, bắn bi, không phải chơi nhiều là biết đó sao? Nghĩ thế là nó bắt đầu lao đầu vào làm, vừa làm vừa học.

Làm được 1 tháng, nó kết luận luôn! Cái nghề Sales Forwarder này, chẳng khác gì với làm CÒ.

Thật là Cò còn gì? Cty Forwarder bán dịch vụ chính là cước (vận chuyển) tàu biển và cước máy bay để vận chuyển hàng đi nước ngoài. Nghe cũng oách và dễ hiểu, cứ đi tìm khách hàng là các cty có nhu cầu bán hàng hóa đi nước ngoài hoặc nhập khẩu hàng quốc tế về Việt Nam bán, rồi mồi chài, mời họ sử dụng dịch vụ vận chuyển của cty mình.

Thế nhưng chết ở chỗ, cty Forwarder bán cước tàu, mà lại không có tàu, bán cước máy bay, mà lại không sở hữu máy bay. Vậy phải làm sao? Phải đi thuê lại từ hãng tàu, hãng máy bay để bán cho khách. Gọi cho sang thì là đại lý hãng tàu, nhưng cứ theo nó thấy, quê nó người ta gọi là làm cò.

Nó lại càng thấy nghề mình giống cò, khi mà nhân viên Sales cũng kiêm luôn trách nhiệm đó là làm việc với các hãng tàu và hãng máy bay để… xin giá tốt. Và từ khi nào, nó phát hiện ra nó thường xuyên phải đi uống café với các anh Sales hãng tàu để…quan hệ, à nhầm, tạo mối quan hệ.

Sáng mặc sơ mi bỏ vào quần phẳng phiu đẹp đẽ để gặp khách, đến chiều thì ra café lề đường hay quán nhậu lê la với các anh em trong ngành. Người ta 1 đời lên voi xuống chó vài lần đã mệt, nghề sales thì lên xuống 1 ngày vài lần, cứ nhấp nhô, nhấp nhô lên xuống, mặc kệ theo tay khách và tay hãng tàu nhàu nặn.

Đi gặp khách giai đoạn này, cũng không hẳn là sang trọng gì, đa phần cũng là các cty quy mô vừa và nhỏ, có lúc nhỏ…xíu. Sau màn chào hỏi qua loa, chắc chắn sẽ quay về với vấn đề: GIÁ:
“Bên em mạnh nhất tuyến nào? Cước tuyến nào rẻ”
“Anh chị đang làm ổn định với đối tác hiện tại, mà giá cước của họ rẻ lắm, bên em sợ cạnh tranh không lại”
“Thấy em nhiệt tình, theo cũng mấy tháng rồi, nên chị quý lắm. Chị cho cái giá đề nghị thế này. Em làm được thì chị book bên em thử xem thế nào nhé”
Mà đấy là khách dễ thương, họ chịu cho giá đề nghị là mình vui lắm. Vì khách có trả giá, là khách mua. Mà nếu khách chịu mua, thì thật, nó cũng không biết vì sao khách hàng lại sử dụng dịch vụ của cty nó chứ không phải cty khác… Vì cơ bản, là cty không tạo ra giá trị gì rõ rệt, nhưng lại ăn lời khá cao. Mà trời đánh thay, cái đứa quyết định mức lời đó là nó, và mức lời liên quan đến hoa hồng của chính cá nhân nó.

“Cty em có gì khác với những cty Logistics ngoài kia?”

Làm nghề lâu, nó phải tập trả lời thật hay câu hỏi trên. Và nó học được.

Sau mỗi lần meeting khách như vậy, nó lại càng thêm vững tin: Trên đời này, cái gì mình cũng có thể bán được. Nó tin chỉ với bộ áo quần thật đẹp đẽ, nụ cười tươi trên môi và kỹ năng thuyết trình điêu luyện, nó có thể bán lược cho sư, bán nước biển cho dân Phan Thiết. Nó tìm xem những video clip “Cách để bán cây bút cho người khác”, “Kỹ năng bán hàng đỉnh cao”… Ôi, nó đã sai lầm biết bao. Nó say mê với nghề Sales, nhưng trong lòng thì dần dần rạn nứt.

Nó học cách khiến người ta tin tưởng. Và trên hết, là học cách để có được…giá rẻ. Vâng, giá cước rẻ là tất cả câu chuyện của giai đoạn này. Mà để có giá cước rẻ, thì phải chơi với hãng tàu, hãng máy bay…

Làm một thời gian, nó thấy sao mà càng làm càng khó, ngày càng nản lòng.

Làm cái việc này, không cảm thấy mình tạo được giá trị gì, chỉ có mỗi việc là đi “quan hệ” để kiếm giá tốt. Lương cao, tiền cũng nhiều thật (năm đó chưa ra trường, chưa có bằng ĐH, nó đã có mức lương cứng trên 12 triệu), nhưng càng lúc càng thấy Sales khó khăn. Nó cảm thấy như ngộp thở, và quá chán nản với cái kiếp làm CÒ như vầy. Nó thấy như nghề này cạnh tranh quá khốc liệt, thị trường đã bão hòa… Ngoài kia có hàng nghìn đứa Sales giống nó, càng ngày trả lời câu hỏi trên của khách càng khó khăn.
Nhưng, có một chuyện đã làm nó giật mình tỉnh ra. Não nó nở rộng và trái tim lung lay, sau sự kiện đó, nó chợt hiểu nghề SALES LOGISTICS không chỉ là làm CÒ. Nói theo thuật ngữ Pokemon, là nó tiến hóa…
Nó nhận ra mình đã non nớt và sai lầm biết bao…***
(Còn tiếp)
Phần tiếp theo: Sales Logistics - ÔNG BÁC SĨ
----
PHÂN TÍCH TRUYỆN
Lý do phổ biến hiện nay để 1 khách hàng mua dịch vụ từ nhân viên Sales Logistics (hay Sales Forwarder) là: GIÁ RẺ HƠN (hiện tại).
Hiện nay có rất nhiều nhân viên Sales Logistics trẻ trên thị trường hiểu về nghề nghiệp của bản thân như… 1 tay cò. Tức là, môi giới trung gian, mua cước của hãng tàu với giá rẻ, rồi Mark-up tiền lời và bán cho khách.

Những tay cò này thuyết phục khách hàng bằng năng lực “kiếm được giá rẻ”. Và nhóm đông khách hàng - trong mọi ngành nghề chứ không riêng Logistics - thì muôn đời, luôn thích giá rẻ hơn. Rẻ hơn để tiết kiệm chi phí Logistics. Rẻ hơn để buôn bán lời hơn. Chi phí Logistics rẻ hơn thì có thể bán hàng với giá thành rẻ hơn, và again lại lấy giá rẻ làm lợi thế cạnh tranh.
Nhìn từ Thế Giới, thì sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam, con người Việt Nam có một người bạn rất lâu đời, đó là chữ Cheap. Cái sự rẻ nó ăn mòn vào chúng ta từ đời thăm căn cú đế nào.

Lúc khởi đầu, lúc nghề còn “tranh tối tranh sáng”, những tay cò kiếm ăn tốt, bởi lý do đơn giản: khách hàng không hiểu biết nhiều về nghề, và giá cước ngành Logistics lại không minh bạch, không được Public.

Ngày nay lại khác, ngày nay khó khăn lắm. Cứ chạy đua giảm giá, và khách hàng ngày càng hiểu biết nhiều hơn, đã đến lúc mà những Con cò muốn có giá tốt, phải chịu khó đi “kiếm ăn đêm”. Kiếm ăn đêm bằng nhiều cách lắm, nhiều khi đậu phải cành mềm…
Để có thể có được giá tốt, còn phải “chơi” với hãng tàu, hãng máy bay. Phải chịu khó xây dựng mối quan hệ để có giá tốt. Phải làm thế nào để Sales hãng tàu cho mình giá siêu xịn mịn mà đánh bại đối thủ.
Cò là cách làm ăn đã cũ và đang dần trở nên lỗi thời, không còn chỗ đứng.

Vì sao thế? Vì các cty Logistics nước ngoài đổ bộ ầm ầm vào Việt Nam. Vì ngành Logistics VN bước vào thời kỳ “sáng sủa” hơn, thông tin minh bạch dần.

Khi mà nhiều cty Logistics lớn bắt đầu xây dựng phần mềm để khách hàng book tàu tự động. Khi các hãng tàu rục rịch Public giá lên mạng. Và đặc biệt là khi khách hàng ngày càng hiểu biết hơn…
Và, khi mà các cách bán dịch vụ Logistics khác xuất hiện ngày càng nhiều, thì “chén cơm” của Cò con bé lại.

Vì lý do đó, nhiều nhân viên Sales Logistics ngày nay cho rằng ngành này đã bão hòa.

Không! Ngành dịch vụ Logistics chỉ trở nên bão hòa với cách làm cũ mà thôi. Thật ra tổng thể ngành Logistics đang thăng hoa. Miếng bánh tổng ngành Logistics đang nở rộng, tuy nhiên, phần bánh của các Cty Cò làm theo kiểu truyền thống đang dần bị bóp hẹp lại. Họ phải cạnh tranh chật vật trong đó, vô tình tạo ra cảm giác khó thở và thấy mọi thứ bão hòa.

Theo Huỳnh Song Kha (Đăng tải tại Logistics Vietnam)

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,875 lượt xem