Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

“Săn” Và Quản Lý Nhân Sự Thời Hi-Tech

Ngày nay, thông qua các ứng dụng công nghệ về quản trị nhân sự, lãnh đạo doanh nghiệp dễ dàng quản lý được hiệu quả công việc của nhân viên mình.


Ngày nay, thông qua các ứng dụng công nghệ về quản trị nhân sự, lãnh đạo doanh nghiệp dễ dàng quản lý được hiệu quả công việc của nhân viên mình.

Tại HR Tech Asia Conference & Expo 2017, sự kiện quy mô về các hoạt động liên quan công nghệ trong ngành nhân sự, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản trị nhân sự vừa diễn ra tại TP.HCM, các chuyên gia nhân sự đã có những gợi ý về giải pháp “công nghệ nhân sự” phù hợp với doanh nghiệp Việt.

Bên cạnh đó, các chuyên gia nhân sự cũng chỉ ra rằng, việc sử dụng công nghệ sao cho vừa đạt hiệu quả công việc, vừa giữ được sự gắn kết giữa nhân viên với doanh nghiệp và giữa nhân viên với nhau là việc không dễ dàng.


Công nghệ giúp doanh nghiệp dễ dàng “săn” nhân sự

Tại một hội thảo mới đây do TalentNet tổ chức, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software chia sẻ, công nghệ đã và sẽ thay đổi hoàn toàn môi trường trong doanh nghiệp. “Việc ứng dụng công nghệ hay không là quyền của doanh nghiệp. Nhưng tôi cho rằng, để tồn tại phải có công nghệ”, ông Tiến khẳng định.

Theo ông Tiến, những nhà máy không ánh đèn sẽ là hình ảnh quen thuộc trong tương lai gần, bởi robot sẽ thay thế con người. Mà robot thì không cần ánh đèn, không cần nghỉ ngơi hay… toilet. “Các anh chị có thể thấy xa với Việt Nam nhưng đây chính là hình ảnh của rất nhiều nhà máy trong tương lai. 10 năm tới, khoảng hơn 2 triệu công nhân may và 1 triệu công nhân giày tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi robot”, ông Tiến cho hay.



Tương tự, bà Bùi Thy Hương, Giám đốc Tư vấn quản lý nguồn nhân lực PwC Việt Nam cho biết, 6 năm trước, bà không sử dụng smartphone, nhưng nay thì buộc phải dùng, vì nếu không sẽ bị lạc lõng. “Hậu quả của tự động hóa là nó tác động lớn đến nguồn nhân lực, cụ thể là phải loại bỏ một số lượng lớn nhân lực. PwC đã thực hiện khảo sát đối với 2.000 nhân viên làm việc ở những quốc gia khác nhau xem mọi người nghĩ thế nào về tự động hóa và sự thay đổi về công nghệ. Kết quả khảo sát cho thấy, 26% số người được hỏi e ngại về tương lai, trong khi có tới 73% thấy hào hứng với công nghệ.

Một khảo sát được thực hiện bởi Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Đông Nam Á cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam chịu rủi ro cao nhất do tác động từ thay đổi công nghệ và cuộc cách mạng 4.0 với mức rủi ro lên đến 70%, cao hơn cả Campuchia (57%). Trong khi mức rủi ro trung bình ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong khu vực là 56%. Nguyên nhân là do chúng ta đang tận dụng nguồn nhân lực kỹ năng thấp, chủ yếu là dệt may và da giày nên vẫn còn e ngại tự động hóa.

Những ứng dụng của công nghệ không chỉ dần thay đổi việc sản xuất, mà để thích ứng tốt và tạo nên những bước phát triển đột phá cho doanh nghiệp. Các cấp lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp cũng cần “công nghệ hóa” chiến lược phát triển đội ngũ của mình, bắt đầu bằng việc tạo ra hệ thống công nghệ giúp đánh giá, ghi nhận năng lực và thành tích một cách trọn vẹn, công khai, minh bạch và dễ dàng truy cập. Nói cách khác, đó là việc ứng dụng hiệu quả công nghệ trong quản trị nhân sự.

Theo ông Tiến, nhờ công nghệ nhiều công ty tuyển dụng trên thế giới có dữ liệu vô cùng lớn và chi tiết, cập nhật liên tục. Từ những dữ liệu này, họ dễ dàng “săn” được những nhân sự sáng giá phù hợp với yêu cầu công việc.

Ông Tiến cho biết, Việt Nam đang có khoảng 63 triệu tài khoản trên facebook. Có nghĩa là hầu như mỗi người trong độ tuổi đi làm đều có tài khoản trên facebook. FPT Software có thể dựa vào các thông tin được cập nhật trên facebook của từng người như các dòng trạng thái, các bình luận, biểu lộ cảm xúc… để hiểu được cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của người đó. Dựa vào những dữ liệu như vậy, việc quản lý và tuyển dụng nhân sự sẽ có những cơ sở để điều chỉnh cho phù hợp.



Chia sẻ của bà Hương, PwC cũng khẳng định, đến năm 2030, công nghệ sẽ tác động đến mạnh mẽ lên toàn thế giới. Càng ngày sẽ càng ít nhân viên gắn bó cả đời với chỉ một doanh nghiệp. Và các cấp quản lý có thể sử dụng công nghệ để phân tích dữ liệu nhằm tuyển dụng được những nhân sự tốt nhất.

Ông Rahul Goyal, Giám đốc điều hành khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á của công ty ADP cho biết, thị trường ngày càng có nhiều công ty quy mô nhỏ hoặc vừa không cần văn phòng lớn, không nhiều nhân sự nên họ có thể phá vỡ những giới hạn về địa lý, họ có thể dùng công nghệ để tương tác từ nhiều văn phòng khác nhau trên thế giới, như trường hợp của Uber chẳng hạn. “Nhờ công nghệ, chúng ta sử dụng nhân công linh hoạt hơn, chúng ta có thể tuyển dụng họ khắp nơi, hiệu suất làm việc của người lao động cũng được nâng cao. Sự trỗi dậy của nhiều công ty khi họ sử dụng big data, IoT… để quản lý những công việc xung quanh công ty là những thí dụ điển hình”, ông Rahul cho hay.


Công nghệ giúp tiết kiệm chi phí

Theo khảo sát mới đây của PwC đối với các doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500 (Bảng xếp hạng 500 công ty lớn nhất của Hoa Kỳ), 73% doanh nghiệp thuộc nhóm này có hệ thống quản trị nhân sự ứng dụng nền tảng điện toán đám mây. Nhân viên có thể làm việc ở bất cứ đâu thông qua các thiết bị di động cá nhân; các báo cáo về chấm công, ngày phép, xin nghỉ phép… đều được tổng hợp tự động; thông tin cũng được cập nhật và chia sẻ giữa các bộ phận trong doanh nghiệp theo thời gian thực.



Bà Hương cho biết, có đến 30% nhân viên của PwC không đến văn phòng làm việc hoặc ít gặp quản lý, nhưng vẫn trao đổi công việc hàng ngày. Hay như Công ty Cisco, dựa trên công nghệ, từ năm 2005 đến nay đã tạo điều kiện cho nhân viên làm việc ở nhà và công ty đã tiết kiệm được 277 triệu USD.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ: “Việc công nghệ đang tạo ra vô vàn những thay đổi lên đời sống con người cũng như các tổ chức kinh doanh là một thực tế không cần bàn cãi. Công nghệ đang và sẽ tiếp tục mở lối cho một thị trường lao động mở hơn, nhưng cũng đồng thời cạnh tranh hơn về mọi mặt. Do đó, nếu chậm chân trong chiến lược nhân tài, một doanh nghiệp sẽ khó có thể nghĩ tới việc phát triển lâu dài và bền vững”.

Thế giới đã thay đổi rất nhiều nhờ công nghệ. Tuy nhiên, tại Việt Nam những thay đổi này chưa thực sự toàn diện. Ngoài ra, yếu tố văn hóa và vấn đề quản lý cũng chưa thể “cởi mở” như những doanh nghiệp nước ngoài.


Đừng biến mình thành robot công sở

Những ảnh hưởng tích cực của công nghệ trong quản trị nhân sự là rõ ràng. Tuy nhiên, công nghệ cũng có những mặt trái nhất định trong quản trị nhân sự. Theo ông Rahul, ADP, “công nghệ đang lấy đi tính “nhân văn” trong vấn đề chăm sóc, trải nghiệm của khách hàng với doanh nghiệp. Đôi khi khách hàng cảm thấy không thoải mái nếu như họ gọi điện đến doanh nghiệp để nhờ tư vấn hay chăm sóc và chỉ nhận được những lời phản hồi tự động (trên mạng xã hội hoặc tư vấn trực tuyến). Do đó, chúng ta cần phải chú ý để hài hòa giữa việc áp dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, quản trị nhân sự nhưng cũng không làm mất đi tính “nhân văn” trong hoạt động giao tiếp, tương tác giữa người với người”.



ADP đã làm một khảo sát mang tên ADP Research, thực hiện trên 3.400 người nằm ở nhiều nước khác nhau, ở độ tuổi trên 30 và thuộc các công ty từ 250 nhân viên trở lên tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi có có dân số trẻ và phát triển không ngừng nghỉ. Khảo sát chỉ ra, có 19 xu hướng đang ngày càng trỗi dậy trong thị trường lớn này, song có 4 nhu cầu chính liên quan đến nhân sự. Đáng chú ý, khả năng kiểm soát và tính linh hoạt của nhân viên đang xảy ra ở Úc, Ấn Độ, Singapore và Trung Quốc.

“Những nhân viên ở Trung Quốc đã chủ động tìm kiếm những cơ hội để có thể làm việc ở bất kỳ đâu trên thế giới. Thứ hai là sự học hỏi. Công nghệ hiện nay cho họ kết nối sâu sắc với những người ở cách xa nhau. 75% người Singapore cho biết, công nghệ giúp họ học ở bất kỳ nơi đâu và bất cứ khi nào. Ở Trung Quốc họ nói công nghệ cho phép họ thành công nhanh hơn. Đáng chú ý mạng xã hội là nơi cho phép họ kết nối với mọi người”, báo cáo này chỉ ra.

Tuy nhiên, cũng vì sự phát triển của công nghệ mà ngày nay, nhân viên không thấy sự gắn bó lâu dài, ổn định với một công ty, bởi họ có nhiều kỹ năng và cơ hội để tiếp cận với những nơi làm việc khác. Còn nhà tuyển dụng thì nghĩ, họ có thể tìm được nhân viên tốt nhất trên toàn thế giới. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước cho thấy họ có khả năng tìm kiếm nhân tài nhiều nhất và họ thích tìm nhân viên làm theo hợp đồng. Chính vì thế mà ngày nay, mỗi người là thương hiệu của riêng họ, họ có thể tự “kinh doanh” sự hiểu biết cá nhân và gắn kết với sự nghiệp của họ hơn là gắn với tập đoàn họ làm.

Từ những vấn đề trên, ông Rahul cũng đưa ra cảnh báo đối với nhân sự. “Quan điểm của tôi là duy trì sự kết nối giữa con người. Con người vẫn là quan trọng nhất, dù công nghệ hiện nay giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Đừng biến mình thành những con robot nơi công sở. Khái niệm tự quản lý bản thân, tức là cùng với công cụ, mỗi người có thể cải thiện bản thân của họ để đạt hiệu suất công việc tốt hơn”, ông Rahul Goyal nói.



Theo doanhnhanonline.com.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

104 lượt xem