Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Sinh Viên Tìm Việc Và Nỗi Lo Thời Gian

Mình có đứa em hiện đang là sinh viên, mấy tháng nay tìm việc mà không nổi. Hỏi ra mới biết nó tìm được cũng nhiều, khổ nỗi thời gian bên tuyển dụng yêu cầu eo hẹp quá, nơi thì bắt làm cả ngày, nơi thì bắt làm cái giờ dở dở ương ương, nơi đúng khung giờ thì lại không đúng việc nó cần.

10415610_10201241108468145_8220266669692385855_nHỏi qua mấy bạn sinh viên, thì cái lý do giờ giấc bao giờ cũng là nỗi lo hiện hữu và thường được “ưu tiên hàng đầu” trong quá trình tìm việc.Một thời mình cũng phải cân đo đong đếm thời gian như vậy. Khi thì rảnh sáng, khi thì rảnh chiều, khi thì rảnh… mỗi tối. Lúc đó mình mới đặt ra 2 câu hỏi, và cũng tự trả lời luôn…

1. Làm thế nào để thời gian học trên trường được “linh động” hơn?

• Chủ động liên hệ với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên từng bộ môn trình bày lý do 1 vài buổi sắp tới sẽ vắng mặt do đi làm… kiếm sống, mong họ châm chước cho các buổi học không điểm danh.

• Một số bộ môn bạn tự tin về khả năng am hiểu của mình, hãy gặp trực tiếp giáo viên bộ môn đó để xin miễn các buổi học trên lớp, bạn chỉ cần cam kết thi vẫn qua là được.

• Nếu chưa có một vài người bạn (hơi hơi) thân trên lớp, hãy cố gắng tìm kiếm nhé. Họ sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc… điểm danh hộ, in phao, nhắc lịch,…

• Nếu mới chỉ là ý định, đừng nói cho bố mẹ vội, bố mẹ (hầu như sẽ) không cho bạn đi làm đâu, chẳng bố mẹ nào muốn con họ vất vả sớm cả, và bạn cũng thế. Việc của bạn, bạn cứ làm. Làm được một thời gian, có một ít tiền tiêu vặt rồi lúc đó hãy nói. Tin mình đi, nếu bạn không muốn ngày nào cũng được nghe bài ca: “Mày đi làm làm gì cho khổ, ai khiến mày đi làm, nghỉ đi!”…

2. Và làm thế nào để thời gian dành cho công việc được “linh động” hơn?

• Quan hệ tốt với đồng nghiệp, đó là ưu tiên đầu tiên dành cho bạn. Thỉnh thoảng có việc thì còn nhờ vả nhau được, sau bị sếp mắng trễ deadline còn có người nói đỡ, nghỉ việc đi chơi với bồ còn có thằng nó nói giúp bị ốm nằm nhà sắp chết cho sếp biết.

• Không nên khiến sếp ghét mình dù trong bất cứ trường hợp nào (không là mệt lắm), vì khi sếp quý, mọi điều bạn nói, mọi việc bạn làm, dường như dễ hơn gấp vài lần, việc xin nghỉ quá định mức cho phép cũng vậy, đôi khi lại còn được du di cho mấy phút đi trễ chứ.

• Nếu bạn làm những công việc mang tính dự án, có deadline, làm việc ở công ty và làm việc ở nhà dường như chẳng có gì khác nhau, mà thời gian lại eo hẹp. Hãy thử lên gặp sếp và nói rằng: “Thưa anh, thời gian tới em có chút việc abc xyz còn vướng bận vào thời gian làm trên công ty, anh có thể cho em nghỉ trong khoảng thời gian đó không? Hiệu quả và tiến độ công việc em đang phụ trách sẽ được đảm bảo ở mức tốt nhất, và em sẽ báo cáo công việc đúng theo quy định.”. Còn nếu bạn vẫn run, hãy viết một email gửi riêng đến sếp.

• Luôn hoàn thành công việc một cách tốt nhất có thể, nếu bạn không thể làm tốt công việc trong một môi trường làm việc “đúng nghĩa” thì sẽ không ai cho bạn mang việc về nhà làm đâu.

Trên đây là một số “mẹo nhỏ” mình từng áp dụng trong quá trình làm việc, và cá nhân cảm thấy rất hiệu quả. Ví dụ như hồi từng làm nhân viên quèn cho một công ty, mình xin nghỉ liền một tháng lấy lý do bị xì-trét, sếp còn bảo ổng vẫn sẽ trả lương cho tháng nghỉ đó, hay như hồi làm quản lý cho một công ty, mình xin sếp nghỉ chỉ phải đi làm 3 buổi trên 1 tuần, ổng đồng ý cái rụp.

Thực chất, việc xin sếp hay giáo viên của bạn “linh động” thời gian cho bạn, cũng giống như việc đàm phán. Mà đã là đàm phán, phải cho họ thấy cái lợi họ mới chịu chứ. Xin sếp nghỉ mà tiến độ công việc vẫn hoàn thành, thậm chí còn hiệu quả hơn, thì ổng nghĩ bớt được một mạng ngồi điều hòa cũng mừng. Xin giáo viên nghỉ mà vẫn cam kết được kết quả thi thì giáo viên nào chả mừng, mừng cho trò, mà cũng mừng vì đỡ mệt hơn xíu.

Nguồn : trungduc.net

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,007 lượt xem