Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Chứng Chỉ Tiếng Anh Thực Sự Không Quan Trọng Đối Với Nhà Tuyển Dụng

Đã bao giờ bạn đọc một bài tuyển dụng việc làm, dẫu cho bạn rất thích vị trí công việc đó hay công ty, tổ chức đó, nhưng ngay khi đọc xong, bạn liền bỏ qua nó? Ví dụ đơn giản như bạn rất thích làm trợ giảng tiếng Anh, nhưng đọc thông tin tuyển dụng yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh mà bạn chưa có, bạn liền bỏ qua nó. Hay bạn rất thích làm việc cho một công ty X, chỉ vì yêu cầu cung cấp chứng chỉ ngoại ngữ mà bạn cũng quên nó đi ngay lập tức. Và một lần khác, bạn thấy công việc Y có mức lương ngàn đô, nhưng cũng yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ và bạn từ bỏ. Như vậy, bạn đã bỏ qua bao nhiêu cơ hội việc làm chỉ vì chưa có chứng chỉ ngoại ngữ?


1.      Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới

Theo một nghiên cứu kéo dài 15 năm liền của trường Đại học Ulrich Ammon Dusseldorf (Đức) năm 2015, 3 ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới (về số lượng người sử dụng) bao gồm: Tiếng Trung(1.39 tỉ người sử dụng), tiếng Hindu-Urru (588 triệu người sử dụng) và tiếng Anh (527 triệu người sử dụng).



Biểu đồ mức độ phổ biến của các ngôn ngữ trên thế giới theo số lượng người sử dụng

 

Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, tiếng Anh là một trong số ngôn ngữ có nhiều người dùng nhất thế giới. Dù đứng vị trí thứ 3 nhưng mức độ chênh lệch giữa tiếng Anh và tiếng Hindu-Urru là không quá lớn. Và với dân số xấp xỉ 1,37 tỉ người (Theo Ngân hàng thế giới, năm 2015) thì không thể phủ nhận mức độ phổ biến của tiếng Trung.

Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu này, thống kê các ngôn ngữ theo số lượng các quốc gia sử dụng thì tiếng Anh được sử dụng ở trên 101 quốc gia. Tiếng Anh được coi là ngôn ngữ mẹ đẻ ở 35 quốc gia khác nhau và được coi là ngôn ngữ chính thức hay ngôn ngữ thứ 2 ở hàng chục quốc gia khác. Ngoài ra, thống kê sơ bộ trên toàn thế giới có khoảng 1,5 tỉ người đang học ngôn ngữ này.


Biểu đồ mức độ phổ biến của các ngôn ngữ theo số lượng các quốc gia sử dụng


Chính vì mức độ phổ biến ở nhiều khía cạnh của tiếng Anh trên toàn thế giới, cho nên không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của nó. Và trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, tiếng Anh đang trở thành ngôn ngữ của toàn cầu và các doanh nghiệp đang hoạt động trong bối cảnh thế giới phẳng không thể bỏ qua việc sử dụng ngôn ngữ này. Đó cũng chính là tầm quan trọng và nguyên nhân có rất nhiều doanh nghiệp tuyển dụng yêu cầu ứng viên có khả năng về ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh.


2.    2. Có bao nhiêu loại chứng chỉ ngoại ngữ

Theo Wikipedia, Chứng chỉ ngoại ngữ “là một loại giấy tờ chứng nhận trình độ am hiểu một ngoại ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ của mình”. Như vậy, chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là một tờ giấy, không hơn không kém. Vậy tại sao tờ giấy đó lại có giá trị như vậy? Bởi lẽ tờ giấy đó thể hiện được kết quả bạn đạt được thông qua bài kiểm tra về trình độ tiếng Anh của bạn. Và đương nhiên, một bài kiểm tra đôi khi không thể đánh giá hoàn hảo về thực lực của bạn, nhưng đối với thế giới, đây được coi là một phần quan trọng không thể thiếu để chứng minh khả năng của bạn đối với tiếng Anh.

Trên thế giới hiện nay có khá nhiều chứng chỉ tiếng Anh khác nhau. Tuy nhiên, ba loại chứng chỉ sau đây có thể coi là phổ biến và được công nhận nhiều nhất:

a.      Chứng chỉ TOEIC (Test of English for International Communication)

TOEIC viết tắt cho bài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế. Đây được coi là một trong các chứng chỉ tiếng Anh cần thiết dành cho những bạn đang có mong muốn làm việc trong môi trường nước ngoài hoặc sử dụng tiếng Anh để giao tiếp hằng ngày.

b.      Chứng chỉ TOEFL (Test of English as a Foreign Language)

TOEFL là bài kiểm tra tiếng Anh như một ngoại ngữ, dành cho những người nói tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ. Trong các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có giá trị hiện nay, mức độ đề thi TOEFL khá khó và thay đổi qua các năm, cho nên TOEFL được đánh giá khá cao.

c.      Chứng chỉ IELTS (International English Language Testing System)

Chứng chỉ IELTS được xem là một trong các chứng chỉ tiếng Anh phổ biến, quan trọng, đặc biệt đối với những người muốn đi du học ở các quốc gia lớn hay muốn định cư, làm việc lâu năm ở nước ngoài. Đây được xem là chứng chỉ có giá trị tại nhiều trường học và tổ chức trên thế giới, đánh giá chính xác khả năng ngoại ngữ của thí sinh, nên được quốc tế công nhận rộng rãi.

 

Và ở Việt Nam, hai loại chứng chỉ tiếng Anh được cho là phổ biến nhất, cũng như được các nhà tuyển dụng yêu cầu nhiều nhất bao gồm chứng chỉ TOEIC và chứng chỉ IELTS.

Thực tế, chứng chỉ TOEIC thiên về tiếng Anh giao tiếp, nên đối với những công việc không yêu cầu tiếng Anh quá cao, mà chỉ dừng ở mức giao tiếp thì có thể dùng chứng chỉ này là đủ. Tuy nhiên, một số công việc đặc thù liên quan đến ngôn ngữ thì chứng chỉ này là chưa đủ. Và đa phần các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam thường yêu cầu ứng viên có tiếng Anh giao tiếp với chứng chỉ TOEIC. Và nếu ứng viên có chứng chỉ IELTS, nghĩa là ứng viên chứng minh được khả năng tiếng Anh chuyên sâu của mình, không đơn thuần là tiếng Anh giao tiếp không quá phức tạp thì sẽ ghi được nhiều điểm hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Bởi vì thông thường, mối quan hệ của bạn với nhà tuyển dụng là những người xa lạ và chưa biết về nhau, nên thứ duy nhất chứng minh được bạn có thể sử dụng tiếng Anh ở mức tốt hay thông thạo chính là những chứng chỉ đó. Do đó, các nhà tuyển dụng đã coi đó là một yêu cầu bắt buộc đối với ứng viên khi đưa ra thông tin tuyển dụng.

Nhưng dù thế nào thì chứng chỉ cũng chỉ là một tờ giấy, và chúng không bao giờ có thể khẳng định đúng hoàn toàn khả năng về ngôn ngữ thực tế của bạn.


3.   3. Chứng chỉ ngoại ngữ cũng chỉ là một tờ giấy chứng nhận

Hiện nay, hầu hết các trường Đại học đều biết đến tầm quan trọng của tiếng Anh đối với sinh viên và vấn đề xin việc làm sau này nên đã đưa ra chuẩn đầu ra đối với sinh viên để tốt nghiệp là các loại chứng chỉ tiếng Anh theo nhiều mức độ. Một số trường về kĩ thuật có thể đưa ra chuẩn chứng chỉ TOEIC 400 trở lên, các trường kinh tế hay luật lại yêu cầu tối thiếu chứng chỉ TOEIC 500. Tuy nhiên, tiếng Anh đối với nhiều sinh viên vẫn là một cơn ác mộng. Và để đủ tiêu chuẩn ra trường, họ đã đi học thêm nhiều nơi, với hình thức đối phó, học mẹo để có thể thi đạt điểm cao và đủ chuẩn của trường yêu cầu. Có lẽ số lượng sinh viên chủ động học tiếng Anh để phục vụ cho chính bản thân mình trong tương lai không phải quá nhiều. Đó là một phần câu trả lời cho việc nhiều bạn trẻ ở TPHCMxếp hàng từ 3-4 giờ sáng chỉ để đăng kí thi chứng chỉ TOEIC trước khi đề thi này bị thay đổi cấu trúc.




Như vậy, có phải yêu cầu của nhà trường đã khiến cho việc học tiếng Anh của các sinh viên trở thành đối phó để đổi lấy một tờ giấy chứng nhận? Hay do chính sinh viên không nhận thức được tầm quan trọng thật sự của chứng chỉ kia. Họ chỉ mong học đủ để thi và để nhận một tờ giấy kết quả rất có khả năng đánh giá cao hơn năng lực của mình vì họ chỉ học để làm đúng theo đề thi, thực tế thì họ không thể nói và biết về tiếng Anh nhiều như thế. Và đương nhiên, với tờ giấy chứng nhận kết quả tương đối cao kia, thì nhà tuyển dụng rất có thể đánh giá cao ứng viên đó trong vòng hồ sơ.

Ngược lại, nhiều bạn sinh viên có khả năng tiếng Anh rất tốt. Vốn từ vựng phong phú, phát âm tương đối chuẩn xác và có thể nói trôi chảy, nhưng vì một lí do nào đó mà kết quả bài kiểm tra lấy chứng chỉ của bạn không cao, không thể hiện hết năng lực của bạn. Và trong vòng hồ sơ, có thể bạn không được đánh giá cao. Nhưng điều quan trọng là khả năng thực sự của bạn, và bạn hoàn toàn có thể thể hiện khả năng ấy trong vòng phỏng vấn với nhà tuyển dụng. Bạn có thể chủ động đề nghị phỏng vấn bằng tiếng Anh với nhà tuyển dụng, và đừng quên bạn cần chuẩn bị kĩ cho phần phỏng vấn đó bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt rồi.

Và bạn có thể vui mừng khi biết rằng, các nhà tuyển dụng sẽ không loại bỏ một ứng viên chỉ vì tiếng Anh của họ không tốt hay họ không có chứng chỉ. Theo khảo sát của công ty Anphabe thực hiện vào tháng 06/2016, có 3 yếu tố giúp các bạn trẻ xin việc thành công, đó là: kiến thức, kĩ năng và thái độ. Điều đặc biệt là kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ hay kĩ năng mềm chỉ chiếm lần lượt 4% và 26% trong quyết định lựa chọn ứng viên của nhà tuyển dụng. Trong khi đó, 70% quyết định đưa ra dựa trên thái độ của bạn.



Kiến thức là những thứ bạn học được, chủ yếu là trong quá trình học tập trên ghế nhà trường. Và nguyên nhân tại sao kiến thức chỉ chiếm 4% là vì trong quá trình học, đặc biệt là học ở trường Đại học thì các bạn được học chủ yếu là lý thuyết và những kiến thức nền tảng. Do đó, những kiến thức tích luỹ được của bạn dường như rất ít khả năng được áp dụng vào thực tế hay phục vụ được cho công việc, cho doanh nghiệp. Ngoài ra, kiến thức có thể tiếp nhận một cách dễ dàng từ nhiều cách khác nhau. Cho nên, đó không phải là yếu tố tiên quyết khi lựa chọn ứng viên, vì khi nhận vào công ty, bạn vẫn được học kiến thức chuyên môn để ứng dụng phù hợp cho công việc của bạn.

Và ngoại ngữ cũng thuộc một loại kiến thức mà bạn có thể tiếp thu và học hỏi theo thời gian. Có phải bạn học thuộc lòng những quy tắc phát âm, quy tắc ngữ pháp để có một câu hoàn chỉnh hay cách sử dụng từ ngữ trong hoàn cảnh phù hợp. Và ngoại ngữ, bạn có thể cải thiện trong một thời gian ngắn, có thể chỉ cần 6 tháng chăm chỉ luyện tập và học hỏi, vốn tiếng Anh của bạn từ cơ bản có thể lên đến mức trung bình. Nên ngoại ngữ không phải thứ quá khó khăn với bất kì ai.

Ngoài kiến thức thì kĩ năng mềm là phần quan trọng thứ hai để bạn có thể được lựa chọn. Nhà tuyển dụng thường mong muốn ứng viên có những kĩ năng cơ bản như giao tiếp, quản lí thời gian, thuyết trình, xử lí vấn đề,…và bạn hoàn toàn có thể cải thiện chúng theo thời gain. Và quan trọng nhất là thái độ của bạn đối với công việc, với công ty. Đơn giản như cầu tiến, ham học hỏi, đúng giờ cũng thể hiện thái độ của bạn. Và chúng là những thứ không dễ dàng mà ta học hỏi hay có được.


Hình ảnh có liên quan 

Tóm lại, chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là một phần nhỏ quyết định đến việc lựa chọn ứng viên của nhà tuyển dụng. Nhưng đó cũng là một lợi thế lớn để giúp bạn tìm được những công việc có mức lương cao ở những công ty lớn. Hãy luôn trau dồi và rèn luyện ngoại ngữ để tự tạo lợi thế cạnh tranh cho chính bản thân mình.



Tác Giả: Cactus Flower

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/quynh.cactusflower

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,921 lượt xem, 1,877 người xem - 1881 điểm