Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Đời Tát Ta, Những Cái Tát "Tàn Nhẫn" Nhưng "Nhân Đạo"

 

 Chúng ta thường hay buồn rầu than phiền tại sao cuộc đời nhiều thăng trầm thách thức, tại sao con người lại phức tạp đến khó hiểu. Nhiều người trách cứ muốn đi tìm lí do cho sự tồn tại trong thế giới nhiễu nhương này của mình. Và nhiều người khác muốn ngừng cố gắng tìm kiếm hạnh phúc để chờ một phép màu tự hiện. Dường như chúng ta đang muốn đóng vai kẻ bị hại, là sinh vật cần được che chở giữa vũ trụ vô thường vậy. Khi tìm tên nhan đề cho bài viết, tôi đã loay hoay giữa những cái tên như  “Thực ra bạn không phải là nạn nhân đâu”, hay “Phần nhiều là tại mình”, hay những cái tên trừu tượng hơn như “Tại sao nội lực lại quan trọng?”. Nhưng rồi tôi quyết định đưa ra “cái tát” khó chịu đầu tiên cho bài viết khi đặt nhan đề, bởi tôi thích nói thẳng sự thật chân thành từ đầu hơn. Dù rằng khó nghe hay dễ làm mất lòng thì đối diện với nó từ đầu sẽ tốt hơn là vuốt ve sự dễ chịu mong manh các bạn nhỉ?


               1. Rốt cuộc cái tát tàn nhẫn và nhân đạo của cuộc đời là gì?

 Bạn bị từ chối, bị người khác hiểu lầm, bị tổn thương, bạn không giống với mọi người và bạn buồn vì nó làm bạn khó chịu, bạn không yêu bản thân mình như mình muốn và xứng đáng, bạn chẳng thể tập trung vào những điều bạn trân trọng bởi ngoài kia có vô số thứ kéo bạn ra xa quỹ đạo bạn dựng xây, bạn loay hoay tìm ra con người thật sự với đầy đủ điểm mạnh và yếu kém nhưng bị cản trở bởi tuổi trẻ còn cần phải vấp váp và trải nghiệm nhiều mới có thể hiểu được mình và những người xung quanh mình là ai. Nhiều nhiều thứ khác nảy sinh khiến cho những người trẻ cảm giác như mình cứ bị tát, tát hoài tát mãi và chẳng hiểu cách nào để “mạnh mẽ” sống giữa thế giới hỗn độn này. Cái tát mạnh hay nhẹ, tát đáng hay không là tùy vào quan điểm của mỗi người mà thôi. Nó cũng giống như có người tát bạn một cái nhẹ mà bạn bực mình và có khi ai đó tát bạn một cái đau điếng nhưng bạn vẫn muốn bị tát như thế chẳng hạn. Tuy nhiên, điều khác biệt là nhiều khi bạn không muốn bị tát và không nghĩ mình bị tát nhưng đời cho bạn một cú đánh nhớ mãi suốt từ đó về sau. “Tàn nhẫn” thì chắc tất cả chúng ta ít nhiều đều hiểu được. Nhưng cá nhân tôi nghĩ, bạn nên trân trọng hết những cú tát đó trong đời. Lí do của điều này và tại sao lại gọi tất cả những cái tát đó là “nhân đạo” thì tôi tin bài viết dưới đây mình sẽ được cùng các bạn khám phá phần nào.

 2. Đời tát ta, còn ta làm gì và được gì?

 Có một câu nói mà tôi rất thích từ lâu đó là “Người già buồn (bị trầm cảm) bởi con người họ đã từng là, người trẻ buồn (bị trầm cảm) khi đi tìm ra con người thật của họ. Câu nguyên văn là “The elderly suffer from depression because of who they were, and the young suffer from depression because of who they are.”. Người trẻ có thể dễ bị buồn và chông chênh khi loay hoay tìm cách xử lí những thứ mới mẻ họ gặp. Và trong chặng hành trình loay hoay gợi nhiều suy ngẫm đó, người trẻ sẽ tìm thấy họ là ai. Chủ đề đi tìm con người thật của bản thân là điều tôi luôn thích thú. Nhiều người đến đây sẽ thắc mắc rằng, “Ủa, chứ con người thật của bản thân mình thì mắc gì mà phải đi tìm?”. Thứ nhất, bạn là ai chưa được định hình hoàn toàn bẩm sinh từ khi bạn sinh ra bởi nó sẽ phụ thuộc vào môi trường giáo dục gia đình lúc nhỏ cùng ảnh hưởng của xã hội và chuỗi phản ứng của bạn đối với cuộc đời như thế nào trong quá trình bạn trưởng thành sau này . Thứ hai, thực ra bạn vẫn chưa hiểu hết bạn là ai đâu bởi có thể bạn vẫn đang khước từ cách thức não của bạn hoạt động chẳng hạn, hay bạn từ chối đón nhận những điều khác lạ so với vùng an toàn của bản thân để khám phá ra mình rõ hơn chẳng hạn. Qua quá trình bạn trải nghiệm và chiêm nghiệm bạn sẽ dần định hình và hiểu được tính cách của mình, hiểu hơn vùng não và trái tim bạn có.

 Tôi sẽ đem ra ví dụ để chứng minh bộ não và trái tim của mỗi người là khác biệt như thế nào, để rồi từ đó thấy rằng cá tính của mỗi người là hoàn toàn không thể giống nhau. Chẳng hạn như, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phạm vi hạnh phúc, hay nói đúng hơn là mức độ phản ứng của mỗi người trước sự việc sẽ khác nhau. Cụ thể, cùng trông chờ và vui về một điều như nhau, có người sẽ nhảy cẫng lên tha thiết vui sướng với mức độ hạnh phúc 8,9 trong thang 10, còn người kia sẽ chỉ bình tĩnh mỉm cười và vui sướng một cách tế nhị hơn với mức độ 6,7 mà thôi. Đó là bởi não của mỗi cá nhân là khác nhau ở sự phản ứng và lượng những loại hooc môn hạnh phúc được tiết ra trong cơ thể cũng khác nhau. Nên chẳng có gì phải than trách bản thân tại sao bạn lại không phản ứng quá vồ vập, vồn vã và mạnh mẽ như người ta, mặc dù bạn rất rất vui. Nhiều nhà tâm lí học nhân cách hiện thời đã chỉ ra có 5 nét tính cách chính mà tất cả chúng ta đều có: Sự cởi mở (Openness), sự tận tâm (conscientiousness), tính hướng ngoại (extroversion), tính dễ đồng ý hay sự dễ tính (Agreeableness), và tâm lí bất ổn (Neuroticism). Tùy thuộc vào mức độ cao hay thấp của những tiêu chí này mà chúng ta có những người xung quanh với những nét tính cách khác nhau. Ví dụ, có một kiểu người được giới khoa học gọi là “Kích động thái quá” (High neurotics). Giới khoa học đã nhận định rằng những người “kích động thái quá” mang một dạng đặc biệt của một loại hooc môn có tên là hooc môn vận chuyển Serotonin. Serotonin là loại hooc môn quan trọng của con người giúp cho chúng ta bình tĩnh và ở trạng thái ổn định. Chiếc xe hơi của bạn vừa kịp thắng trước khi đâm phải một chiếc xe hơi khác và gây ra tai nạn kinh hoàng, lúc này hooc môn adrenaline và cortisol của chúng ta tăng lên. Theo cơ chế bảo vệ thông thường của cơ thể, sẽ cần có sự điều hòa để hỗ trợ ta thoát khỏi tình trạng hoảng sợ hiện thời. Một người ít lo lắng hơn (low neurotic) sẽ bắt đầu tiết ra hooc môn serotonin và họ bắt đầu tự nhủ “Ổn rồi, mọi thứ vẫn tốt”, vài phút sau đó thì họ bật lại nhạc và lái xe như chưa có gì xảy ra. Nhưng đối với một người lo lắng nhiều (high neurotic), gen của họ đặc thù sẽ khiến cho họ tiết ra ít serotonin hơn và chậm hơn, điều này có nghĩa là adrenaline và cortisol sẽ tồn tại trong họ lâu hơn, họ vẫn còn đang hoảng hốt và khó chịu khi người ngồi kế bên đã vào trạng thái ổn định rồi chẳng hạn. Ngoài 5 nét tính cách trên, còn có vô vàn những khía cạnh khác nhau về tính cách và hành vi con người. Hiểu được chúng là điểm mấu chốt để bạn sống hoan hỉ không phán xét và trách móc hay buồn lòng. Nó sẽ giúp bạn bồi dưỡng nội lực tự thân của bạn, giúp bạn sống không bị thâu tóm bởi thế giới bên ngoài. Soi chiếu bản thân một cách thẳng thắn mới giúp bạn yêu thương bạn và người khác được. Để rồi bạn tĩnh tâm làm việc và cống hiến mà không hề bị ảnh hưởng quá nhiều bởi ngoại cảnh.

 Như vậy, đời tát bạn chỉ là cơ hội để bạn hiểu mình là ai và định hình bản thân rõ hơn trong vũ trụ này mà thôi. Để lần sau, nếu nó chưa đủ tinh vi để thay đổi chiến thuật, bạn né cú tát một cách thật nhẹ nhàng, dần dần những cú tát bất ngờ đến với bạn cũng rất dễ chịu và thú vị.

                                        ("Con người thực sự bạn cần kết hôn cùng là chính bạn" - Tracy McMillan)

 3. “Chủ nghĩa não cao su” và đừng lấy cá tính của mình để biện hộ cho bất kì hành động tệ hại nào.

 Vâng, bạn tôn trọng bản thân mình, nhưng ít nhất đừng lấy đó là cớ để làm điều tệ hại. Điều tệ hại thì có lẽ tự mỗi người sẽ có giới hạn riêng để định nghĩa.

 Nghiên cứu về hành vi con người đã chỉ ra cá tính chúng ta được định hình rất nhiều từ thời thơ ấu - khoảng thời gian kim cương 18 năm đầu đời. Đó là lí do tại sao khi nghiên cứu tội phạm, đặc biệt là khi muốn hiểu động cơ, lí do của hành vi gây án nhằm phục vụ việc điều tra hay có những phương hướng ngăn chặn thì người ta thường lục tìm về tuổi thơ của các tội nhân và thấy được rất nhiều những thứ có thể đã hướng hành vi của con người lúc trưởng thành như vậy. Điều này mở ra một nhận thức rằng việc giáo dục tính cách và rèn luyện bản thân ở những năm còn trẻ là vô cùng quan trọng và dễ dàng hơn so với giai đoạn sau này. Vào những năm 60 của thế kỉ XX, giáo sư Đại học Stanford tên Walter Mischel đã thực hiện một thí nghiệm mang tên “Thí nghiệm kẹo dẻo” cùng với những cộng sự của mình. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện thử nghiệm trên hàng trăm trẻ em khác nhau, chủ yếu từ 4 đến 5 tuổi. Lựa chọn đặt ra cho những đứa trẻ là: ăn cái kẹo duy nhất đang đặt trước mặt hoặc chờ thêm 15 phút để được tặng thêm một cái kẹo nữa. Nghiên cứu đã theo chân những đứa trẻ ngày nào cho đến khi họ 40 tuổi và nhận được một kết quả thú vị sau đó. Những đứa trẻ có khả năng kiềm chế bản thân để chờ đợi viên kẹo thứ 2 xuất hiện rồi mới ăn thành công trong nhiều lĩnh vực, xử lí stress tốt hơn, kĩ năng xã hội tốt hơn và cảm thấy hạnh phúc hơn những đứa trẻ ngày nào chẳng thể chờ đợi thêm một chút. Những nét tính cách mà chúng ta xây đắp khi còn trẻ quyết định phần nhiều cuộc đời của chúng ta sau này. Vậy nên, việc bạn chủ động rèn luyện những giá trị bạn có càng sớm càng tốt có ý nghĩa tối thượng đối với hành trình bạn sở hữu trong tương lai.

 “Não cao su” là gì và có liên quan gì ở đây? Tôi rất thích cách diễn đạt này bởi nó cho thấy rằng, đừng đổ lỗi cho gen, cho hoocmon, cho môi trường, … quan trọng vẫn là bản thân chúng ta. Mặc dù phải trong giới hạn cho phép để không bị hỏng, nhưng cao su có thể giãn và có tính đàn hồi tốt. Bạn không thay đổi được cách não bạn vận hành cùng những thứ khác biệt như đã nói ở phần trên, nhưng bạn thay đổi được thái độ và cách chung sống với nó cho phù hợp. Điều này có nghĩa là trong quá trình nhận thức và trưởng thành, bạn phải tìm thấy cách thức phù hợp để sống có ích với chính bản chất của mình. Có thể hiểu đơn giản là cùng được cho một hộp bút màu nhưng có người vẽ và tô đẹp, có người làm điều này rất tệ.

          4. Tất cả đều bất toàn và mỗi chúng ta đều cần sự liều lĩnh vĩ đại.

 Sự hoàn hảo của cuộc sống là ở chỗ chẳng có điều gì là hoàn hảo cả. Tất cả mọi thứ đều không cân xứng và nhiều điều bất toàn. Rau củ quả ngoài tự nhiên thì sẽ tốt cho sức khỏe hơn so với các loại rau củ quả gượng ép tươi ngon giả tạo nhờ thuốc hóa học mà chỉ cần bạn ngốn vào người một thời gian ngắn cũng có thể cảm nhận được sự ghê sợ từ cơ thể. Cũng giống như vậy, tôi tin việc ép mình để trở thành một ai khác sẽ thực sự độc hại cho bản thân bạn trước hết. Tôi là người cầu toàn yêu thế giới bất toàn ngoài kia. Cái gì thuộc về tự nhiên thì sẽ có khuyết điểm và nhiệm vụ của con người là giúp cải thiện nó để nó ít khuyết điểm hơn, tốt đẹp hơn.

 Chúng ta thường sợ những thứ mà mình không chắc chắn hoặc là nó không chắc chắn hoặc những thứ làm bạn cảm thấy không còn an toàn. Nhưng tuyệt nhiên, sự không chắc chắn mới làm bạn mạnh mẽ và trưởng thành được. Và thú vị hơn, sẽ đến một ngày nỗi sợ ở được hiền hòa trong bạn, sống với bạn chân thành như bạn vẫn mong chờ. Về vấn đề này thì tôi tin và hi vọng “Sự liều lĩnh vĩ đại” mà Brené Brown-Tiến sĩ tâm lí học và là tác giả của quyển sách cùng tên nổi tiếng đề cập sẽ tóm gọn lại tốt nhất tất cả những gì chúng ta cần làm trong thế giới này, bằng một cách thức vững vàng và nội lực nhất.


Tác giả: Trương Huyền Mi, sinh viên trường Đại học Kinh tế-Luật, ĐHQG TP

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại: https://www.facebook.com/huyenmi.truong

-------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là ""Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ"". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,737 lượt xem, 2,683 người xem - 2744 điểm