Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Đôi Khi Những Gì Bạn Cần Là Nốt Lặng Ở Vũ Điệu Nhịp Đập Của Con Tim


Lần đầu tiên trong đời tôi quyết định rời xa mẹ tôi ở độ tuổi 15 để lên thành phố học tại một trong những ngôi trường cấp 3 danh giá nhất cả nước. Đến giờ nghĩ lại thì đó vẫn là quyết định sáng suốt nhất của tôi. Tại sao à? Vì chính nơi đây đã cho tôi cơ hội phát triển bản thân mình rất nhiều, vì đó là môi trường mới, không ai biết con người ngày xưa của tôi như thế nào và tôi tự do thử những vai mới và tìm ra vai phù hợp nhất của mình, là nơi tôi những tưởng đã đánh mất bản thân mình rồi bỗng chốc nhận ra mình được cả, con người ngày xưa và con người mới mà giờ trông lại…tự thấy bản thân mình…thật tuyệt!

Tuổi trẻ như mây trời. Lang thang phiêu bạt khắp nơi. Trông bình yên đó, nhưng là vô định, vô phương, vô bến đỗ; là sự sợ hãi, cuống cuồng vì cuộc đua tìm ra định nghĩa bản thân; là sự tích lũy từng ngày, một chút một chút một, rồi đến cuối cùng khi cảm thấy đã đủ cũng là lúc bản thân thật xấu xí, cũng là lúc tuổi trẻ đã qua đi nhưng cũng thật nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng làm được gì đó cho đời, nhẹ buông những cơn mưa, mát lành và thơm ngát.

Hành trình của tôi ở chốn phồn hoa đô lệ bắt đầu là những ngày lạc lõng, tự tin nhưng cũng xen lẫn sợ hãi. Là những chuỗi ngày thoạt trông là bận rộn và tốt đẹp nhưng nhìn kĩ là nhàn rỗi và vô dụng trá hình. Lúc đầu là những hào hứng và trầm trồ vì sự mới lạ của thành phố, lúc sau là sự thất vọng và hoài niệm về những năm tháng mình vốn thuộc về.

Ngày đầu tiên đi học. Tôi nhát cáy. Bước vào lớp học mới, tôi lẳng lặng ngồi vào đầu bàn, bởi tôi sợ cảm giác bị bao vây bởi những con người xa lạ. Rồi bạn ngồi xuống cùng tôi, trở thành người bạn đầu tiên của tôi trong quãng đường cấp 3. Chúng tôi khá thân với nhau. Tôi ngưỡng mộ bạn, vì bạn thật giỏi, thật năng động và thật nhiều thứ mà tôi không thấy ở mình. Cậu lăng xăng làm quen cả lớp, tôi thì...lẳng lặng đi theo với những cái cười trừ. Tôi không cảm thấy thoải mái kết bạn. Tôi cứ cảm thấy sẽ thật giả tạo làm sao nếu tôi cứ cố gắng kết bạn với người không gây cho tôi sự hứng thú. Tôi muốn mọi thứ thật tự nhiên. Chứ không phải sự chủ động giả tạo kia.

Một ngày, cậu ngồi xuống, kế tôi. Cậu nói một câu làm tôi ấn tượng mãi, và nhớ đến tận bây giờ, và thấy buồn vì người có thể nói câu đó sao lại có thể làm y hệt đến bất ngờ. “Bà biết không? Lớp mình toàn những người giỏi, cái gì cũng có, chỉ thiếu sự sâu sắc trong suy nghĩ, dường như ai cũng sống quá vội.”

 

Trong xã hội ồn ào quá mức nó nên có, mỗi người cố gắng thể hiện tiếng nói và cá tính của mình, thì tồn tại một nhóm người quyết định con người mình là hướng nội vì cảm thấy không khớp nỗi với thế giới này. Bạn biết không, tôi từng ở trong số đó, từng cảm thấy mình thật đặc biệt vì điều này. Cho đến một ngày tôi nhận thấy có quá nhiều người tự nhận mình là người hướng nội. Vậy là tôi không đặc biệt nữa rồi. Sau đó thì tôi cảm thấy đó là một loại ảo tưởng, hoặc là một loại vỏ bọc để tách xa khỏi thế giới thật sự hơn là một mỹ từ dành cho những người có tính cách trầm lặng. Điều tôi thích và chú ý nhất trong bản mô tả người hướng nội đó là họ có khuynh hướng chủ yếu hoặc hoàn toàn quan tâm đến cuộc sống tinh thần của bản thân họ hơn là những hành động, trạng thái hay thói quen chủ yếu quan tâm tới việc làm vừa lòng những người khác – điều mà được cho là đặc trưng của người hướng ngoại (theo vi.wikipedia). Dù sao thì tôi không nghĩ một người có thể lệch hẳn về một phía. Như người hướng nội, để thích nghi với thế giới và điều kiện làm việc, họ vẫn phải giao tiếp và nói lên suy nghĩ của mình để đóng góp cho tập thể. Nếu cứ im im suốt ngày sẽ trông thật khó coi và dần dà sẽ bị đào thải. Con người sinh ra vốn đâu để sống một mình. Dù ở một mình thích thật (trong tâm lý người hướng nội) nhưng cái gì nhiều quá cũng không tốt. Tương tự với người hướng ngoại. Không thể kết luận rằng họ vì quá năng nổ và thích sự gắn kết với mọi người xung quanh mà kém chiều sâu trong tâm hồn. Bạn đâu ở trong tâm trí họ mà dám khẳng định rằng họ không bao giờ suy nghĩ chí ít cho bản thân mình. Tôi tin điều tuyệt vời nhất sẽ xảy ra khi ta linh động giữa hai thái cực. Tóm lại, nếu bạn là người hướng nội với sở thích suy nghĩ, quan sát mọi điều dù là nhỏ nhất cùng niềm yêu thích những hoạt động ít người, tôi ủng hộ bạn tiếp tục nhưng cũng ủng hộ bạn tiếp xúc với thế giới ngoài kia. Vì khi bạn thu mình lại cũng là lúc bạn bỏ lỡ bao chuyển động và tiến bộ của thế giới. Và bạn chỉ có thể dậm chân tại chỗ hoặc bước lùi. Con người bạn đôi khi sẽ hình thành những thứ xấu mà bạn khó nhận biết được vì bạn tiếp xúc với chính bạn hàng ngày. Cuối cùng là bông hoa trong bóng râm, đến một ngày sẽ thối rửa. Còn nếu bạn là người hướng ngoại với sự tự tin thể hiện, dũng cảm nói những gì mình nghĩ, dễ dàng hòa nhập với xã hội, tôi cũng sẽ ủng hộ bạn và đồng thời cũng ủng hộ bạn thử sống cuộc sống của người hướng nội, suy nghĩ nhiều hơn, nhìn mọi vật bằng nhiều lăng kính hơn, sống chậm hơn để cuối cùng không là cánh hoa tàn úa bị thế giới vắt kiệt năng lượng và đánh mất bản thân mình trong những vòng xoáy cuộc đời.


    Tuổi trẻ đẹp vì cái sự nồng nhiệt mãnh liệt của nó, rực rỡ như ánh mặt trời, tươi mới cuồn cuộn như nhựa sống. Nhưng liệu thứ cuối cùng thứ ta có được, là hồ nước đầy ắp, hay là sa mạc khô cằn? Đám mây đó rốt cuộc trước khi quyết định buông xuống những cơn mưa (hài lòng với con người mình) hay mãi mãi tan vào mây trời (đánh mất mình mãi mãi) phải trải qua những gì?

 

Những thứ nó phải trải qua đó là cuộc rượt đuổi theo những đám mây khác, là ganh đua, là nỗ lực tiếp nối nỗ lực. Là khi đạt được mức độ này lại muốn vươn lên mức độ khác. Là nỗi ám ảnh bởi những hình mẫu và tấm gương của người đi trước. Là những mục tiêu được đặt ra. Là tiếng thét gào trong lòng không được lãng phí tuổi trẻ, nhưng đâu đó vẫn đắm mình vào mạng xã hội quên giờ giấc. Nói chung tuổi trẻ cơ bản là cuộc đua thể hiện bản thân, tùy thuộc vào bạn muốn tham gia hay không và nếu tham gia thì theo cách nào. Tất nhiên có những người sợ sệt đứng ngoài cuộc chơi, có những người gục ngã buông bỏ, có những người kiên trì phấn đấu và gặt hái quả ngọt. Dù chọn cách nào, lòng ta cũng không thể nào yên, không bao giờ thấy đủ. Và cứ chạy đua như thế, lòng ta cũng chẳng thể để ý gì ngoài ta, ngoài mục tiêu của ta! Bởi vậy, thỉnh thoảng, điều ta cần làm thật sự là dừng lại và lắng nghe tiếng nói con tim mình. Để làm gì chứ? Để hiểu? Gì cơ? Bạn!

Tôi ngạc nhiên lắm vào một ngày nọ, khi tôi đang rất mệt mỏi với chính mình. Tôi cảm thấy tôi học không đủ giỏi, tôi cảm thấy mọi hình ảnh, suy nghĩ về chính bản thân mình sụp đổ, mọi kì vọng của mẹ tôi, tôi đều không thể đáp ứng. Tôi cảm thấy bị bỏ lại phía sau, hoàn toàn. Tôi về nhà và đứng trước gương. Tôi suy nghĩ một lúc rồi quyết định nói tất cả những u uất trong lòng với con người trong gương kia. Tôi khóc, khóc rất nhiều. Nhưng cũng thật nhẹ nhõm, cảm giác như tất cả gánh nặng đang ghì trên đôi vai cuối cùng cũng có bàn tay nhân từ gỡ bỏ xuống. Và ngạc nhiên làm sao khi chính tôi có thể an ủi tôi. Tôi tự dỗ dành chính mình, chỉ ra và phân tích những khúc mắc trong lòng, đưa ra lời khuyên về những điều cần thực hiện bây giờ. Bạn tưởng tượng được không? Là tôi như một con người khác hiện ra nói chuyện với chính mình. Tôi dần vui hẳn lên, cảm giác như được tiếp thêm sức mạnh để bước tiếp. Đó là lúc tôi nhận ra, có thể tâm sự và hiểu bản thân mình, nó thật tuyệt.

Rồi như bị nghiện, tôi thường xuyên nói chuyện với bản thân mình. Không nhất thiết là trước gương, không nhất thiết phải bật thành tiếng, chỉ cần nơi đó đủ yên tĩnh. Hẳn ai đó sẽ hình dung như tôi bị tự kỷ. Tôi không bị tự kỷ nên tôi không biết nó như thế nào. Có điều việc trò chuyện với chính bản thân mình khiến tôi vui và trở nên sáng suốt, không làm hại đến tôi cũng như những người xung quanh. Thế là được.

Là tôi nhận ra con người thứ hai của mình và nó luôn ở đó khi tôi cần.“Đừng lo. Thế giới này bỏ mày, ăn hiếp mày, tao sẽ nhất nhất bảo vệ mày, không rời bỏ mày. Mạnh mẽ không có gì sai. Vì mày không mạnh mẽ thì đợi ai ngoài kia mạnh mẽ giúp mày chứ. Họ có cuộc sống của họ, cô bé của tôi.”

Chúng ta cuống cuồng tìm cho mình một người để giải bày tâm sự khi có khúc mắc. Nhưng có bao giờ chúng ta dừng lại và nghĩ, họ không bao giờ hiểu rõ vấn đề ta đang gặp phải bằng ta không. Dưới giọng kể của ta, câu chuyện sẽ càng mang ý kiến chủ quan và vì thế lời khuyên đưa ra cũng không thật sự hiệu quả. Và tôi khá chắc là dù lời khuyên đó là gì, bạn ắt hẳn đã nghĩ tới nó một lần. Cái bạn cần là một người khẳng định lại một trong số đó để làm thỏa mãn bạn. Nhưng thỏa mãn hay không điều đó còn tùy? Đa phần là không. Hơn nữa việc bạn tìm lời giải cho vấn đề của bạn ở một người khác còn làm tốn thời gian của họ. Vì thế, đừng làm tốn thời gian người khác bằng những chuyện bạn hoàn toàn có thể tự giải quyết, trừ khi chuyện đó quá to lớn và đầu óc nhỏ bé của bạn không tài nào tìm ra câu trả lời. Tin tôi đi, câu trả lời tốt nhất luôn có sẵn trong bạn. Và chỉ có nó mới thỏa mãn mọi điều bạn muốn. Điều bạn cần làm là ngồi xuống và thật sự tìm kiếm nó, xem xét vấn đề của bạn dưới tất cả những góc độ bạn có thể nghĩ ra. BOOM! Câu trả lời sẽ hiện ra. Câu trả lời tuyệt nhất.

Bạn có tự tin rằng bản thân là cố vấn xịn cho chính mình không? Nếu bạn nói không cũng không sao, đấy là bạn biết mình hoặc là đánh giá thấp mình. Tất nhiên để trở nên sáng suốt và đưa ra được những quyết định sáng suốt, không phải ngày một ngày hai mà có được. Với tôi để có thể trở thành cố vấn xịn cho bản thân cần làm những bước nhỏ sau. Có thể không đủ và không phải sẽ hợp với tất cả, nhưng đó là những gì tôi đã làm và dự sẽ làm khi có thể. À, đừng kỳ vọng cái gì mới mẻ, vì nếu bạn là “khách quen” của những bài báo, những tips của người thành đạt, những cuốn sách kỹ năng sống, thì đây hoàn toàn là những cái đã được “xào đi, nấu lại” và bạn chắc cũng “ngấy” rồi.

1. Đọc sách:


 

Đọc để nâng cao kiến thức, để mở rộng cách nghĩ. Đọc chính là cách tôi luyện sự thông thái của người cố vấn bên trong bạn. Bạn muốn nghe lời khuyên từ một người dốt nát không? Chắc chắn là không rồi. Mà nói thật khi bạn dốt nát thì tầm nhìn hẹp hòi, mà tầm nhìn hẹp hòi thì khó nhận ra cái đúng, cái sai, mà như thế thì bạn cầu ai khuyên răng bạn đi chăng nữa thì cũng vô ích. Vì cái tôi ngu dốt của bạn sẽ đứng lên biểu tình mà họa hoằn lắm bạn mới có thể giành được phần thắng. Thế nên đọc sách chính là cách nhanh nhất giết đi sự ngu dốt của bạn. Vì bản thân sách được viết ra từ những con người thông thái. Tiếp xúc với sự thông thái nhiều ắt hẳn sẽ được thơm lây. Sách còn góp phần cấy vào đầu bạn những suy nghĩ mới, là nguyên liệu phong phú cho luồng suy nghĩ của bạn. Từ đó suy nghĩ của bạn cũng sâu sắc, bớt nông cạn đi. Hơn nữa tiếp xúc với những quan điểm đúng ngay từ đầu sẽ giúp tiết kiệm thời gian của bạn, tránh bị lún sâu vào những điều sai lầm, biết trước nhiều cái không tốt mà tránh.

Nói gì thì nói, đọc sách cũng phải có chọn lọc. Ừ thì nói mỗi người một gu đọc khác nhau. Nhưng nói thật có những cuốn sách đọc cho vui thôi chứ chả cải tổ được đầu óc bạn tẹo nào. Đọc như vậy tôi chỉ thấy phí tiền, vì bản thân sách giờ cũng chả rẻ, đọc phải đọc cho đáng. Sở thích đọc của tôi bắt đầu từ khi anh họ tôi đem qua nhà tôi ba, bốn cuốn self-help. Tôi thì thấy anh cho, tiếc của cộng không có gì làm nên cắm cúi đọc. Đọc xong thấy đầu óc xán lán hẳn ra. Thế là đâm ghiền. Cuốn đầu tiên tôi đọc mà có tác dụng tích cực với tôi tên là “Dám nghĩ lớn”. Đọc xong đâm ra tôi ghiền lây kinh tế, ấp ủ luôn ước mơ cũng từ đó. Nếu bạn muốn đọc mà không biết đọc gì thì tôi khuyên đọc hai cuốn sách của tác giả “Tony buổi sáng”: “Trên đường băng” và “Cà phê sáng cùng Tony”. Tên sách này phải nói là quá quen thuộc trong giới đọc sách. Đọc hai cuốn đó coi như là có nền tảng cơ bản của cư xử và đạo đức. Sau đó quyết định đọc gì là chuyện của bạn. Tôi tin lúc đó bạn không còn hứng thú với những đầu sách đặt những câu hỏi vẩn vơ, có đọc cũng chả thu được tẹo kiến thức nào, toàn hô hào sáo rỗng, chỉ tổ làm đầu óc bị ngập úng, sầu bi, héo mòn. Đọc ít mà chất cũng được, đọc mòn một cuốn sách cũng được, miễn sao cuốn sách đó có tác dụng tích cực cho bạn. Theo lời khuyên của cô giáo Văn dạy tôi thì nên đọc kết hợp self-help và tác phẩm văn học. Điều này sẽ giúp cân bằng suy nghĩ của bạn, không quá khô khan thực tế như self-help, cũng không quá mơ mộng ướt át như tác phẩm văn học. Bản thân tôi bây giờ cũng khá kén sách. Vì sách nhiều như thế nhưng thường viết những chủ đề trùng lặp. Đọc nhiều sẽ thấy có những cái được nhắc đi nhắc lại hoài. Cho nên chỉ nên đọc những tác phẩm tiêu biểu cho một vấn đề thôi. Dành thời gian cho thực tại nữa chứ đắm chìm trong thế giới chữ hoài mà không làm gì cũng chết. Đó là về self-help, còn văn học và những cuốn sách học thuật, đọc càng nhiều thì đầu óc càng phong phú, nên không lo cạn sách đọc đâu. Cá nhân tôi rất sợ tiếp xúc với những người ít đọc hoặc không đọc. Nói chuyện là biết liền, vì nhìn cái gì cũng phán mấy câu nông cạn đến mắc cười. Là tôi sợ cười nhiều quá sẽ chết mất. Tôi nói thật trong thế giới ai cũng nói về lợi ích của đọc sách tích cực thế nào mà bạn lại không đọc sách mà chỉ chăm lo cho những sở thích khác thì...bạn “cứng” thật đấy!

 

2. Mở rộng mối quan hệ:

          Mở rộng mối quan hệ thật sự có nhiều lợi ích ngoài tác dụng của nó cho suy nghĩ của bạn.

Nghe đến mở rộng mối quan hệ, hẳn bạn nào cho mình là người hướng nội sẽ la “ewww” rồi bỏ qua phần này luôn mất. Nhưng như đã nói ở trên, hướng nội nó cơ bản là ảo tưởng kiềm hãm bản thân thôi. Tôi đã từng trong giai đoạn này và hiện tại phần lớn con người tôi vẫn là hướng nội. Nhưng đâu ai cấm người hướng nội mở rộng mối quan hệ, là bạn tự giới hạn mình đó thôi. Và bản thân tôi vẫn có những người bạn thân. Khi gặp người mới thì vui vẻ nói chuyện (tất nhiên là với người tôi thấy thoải mái và thú vị thôi, vì tôi cũng không hướng ngoại cho lắm). Cũng đừng hiểu sai ý tôi. Tôi không nói bạn tỏ ra thân thiết với tất cả những người bạn gặp, khi đó sẽ là đi vào lối mòn của người hướng ngoại. Nhưng hãy cho phép mình cởi mở hơn với thế giới xung quanh. Khi đó những điều tốt đẹp của thế giới mới có cơ hội hòa nhập vào con người bạn. Đừng phán xét một người quá nhiều khi bạn chỉ nhìn không và nghe lời kể của người khác. Hãy để bản thân tiếp xúc với họ, rồi sau đó hãy quyết định tần số chơi với nhau sau. Và khi bạn để bản thân tiếp xúc với nhiều người, tức không ở một mình, suy nghĩ của bạn sẽ tích cực hơn, thoáng hơn và ít mang tính cá nhân hơn. Suy nghĩ của bạn sẽ được va chạm nhiều hơn, được “khía” thêm vài đường, nhờ thế mà phản chiếu được nhiều góc cạnh hơn, như viên kim cương được mài dũa vậy đó. Những câu chuyện bạn được nghe từ họ sẽ mở ra cho bạn những cách nhìn mới. Bạn sẽ thấy được cách nghĩ của mỗi người là khác nhau, điều đó lí giải vì sao điều bạn nói ra không phải ai cũng đồng tình, từ đó làm ta bớt cứng nhắc và thấy cảm thông hơn với quan điểm của mỗi người. Từ đó cũng sẽ giúp hình thành nhiều giọng nói bên trong đầu bạn hơn, phạm vi suy nghĩ của bạn sẽ rộng hơn và xác suất đạt được câu trả lời hoàn thiện nhất cho mỗi câu hỏi của bạn sẽ cao hơn.

Mối quan tâm các lĩnh vực của mỗi người là khác nhau. Tiếp xúc với nhiều người bạn sẽ được “hưởng ké” vốn hiểu biết của họ. Chúng ta còn có thể học tập kinh nghiệm của họ. Điều này không đơn giản là rèn luyện suy nghĩ, nó là nhu cầu cầu tiến của bản thân. Học nhiều từ sách là tốt, nhưng học những bài học từ con người bạn tiếp xúc thật ngoài đời phần nào có sức thuyết phục hơn với bộ não của bạn và sẽ nhớ lâu hơn. Một điều nữa là kiến thức ngoài kia bao la, điều bạn thực sự thích chưa chắc đã xuất hiện. Vì vậy , gặp nhiều, biết nhiều, trải nghiệm nhiều, sẽ rất có ích trong việc định hình con người bạn.

Mỗi người giống như một quyển sách, sẽ để lại cho ta một cái gì đó. Khi gặp những người giỏi hơn, ta học được từ họ nhiều điều và có động lực phấn đấu, có trách nhiệm hơn với những ước mơ của mình. Khi gặp những người mà theo bản thân ta cho là không tốt, hãy tập phân tích lối sống, lời nói, hành vi của họ để hiểu thật sự như thế nào là xấu, là để không lặp lại điều tương tự cho chính mình. Quả thật trong chính suy nghĩ của bạn đôi khi cũng bật ra những điều không tốt. Không biết nhiều để biết đó là sai thì thành ra lại hại mình. Còn với những người không tốt đó, ta nên giúp họ không? Nếu bạn tự tin có đủ sức ảnh hưởng, hãy làm. Nếu không, hãy để việc đó cho Chúa. Tôi nói điều này muốn nói rằng, chính bạn hãy cứu lấy bạn từ chính suy nghĩ của bạn. Đợi một người giúp bạn thì không khả thi lắm, họ còn cuộc sống của họ.

Cuối cùng, mở rộng mối quan hệ chính là hình thức quảng bá bản thân bạn, để người ta biết bạn là ai, làm được gì. Tạo mối quan hệ tốt sẽ giúp ích cho bạn ít nhiều bây giờ và sau này. Đây là điều tôi đúc rút được từ những người bạn của mình. Bạn muốn tự mình phấn đấu cũng không sao, nhưng đời mà, có mối quan hệ rộng rãi sẽ giúp con đường bạn dễ đi hơn nhiều.

 


3. Tập phân tích vấn đề đa chiều, rèn luyện kỹ năng phản biện, thường xuyên tham gia tranh luận cùng bạn bè:

 

Khi bạn suy nghĩ một vấn đề, sẽ có rất nhiều ý kiến trong đầu bạn và việc của bạn là chỉ ra ưu, khuyết điểm, đồng tình hay bác bỏ. Vậy tại sao không thực hành mô hình này thường xuyên hơn và sinh động hơn với những người bạn của bạn. Vấn đề tranh luận không nhất thiết phải cao siêu, nó đơn giản là xoay quanh bài học hoặc quyết định nên mua cái này hay cái kia hoặc có thể là về một con người (nôm na là nói sau lưng ý). Điều đó giúp bạn nhìn nhận một vấn đề đa chiều hơn và kĩ càng hơn. Bạn không thể đưa ra lý luận suông mà cãi với bạn bè của bạn, tương tự như bạn không thể đưa ra những quyết định bộp chộp khi chưa được sự đồng thuận của “hội đồng” trong đầu bạn. Tập kĩ năng phản biện càng nhiều, lí luận của bạn sẽ cáng sắc bén và tốc độ đưa ra quyết định của bạn sẽ nhanh hơn nữa.


4. Thiền:


Đây là điều trong danh sách mà tôi chỉ mới tập làm gần đây nên chỉ giới thiệu thôi chứ không thể nói nhiều về nó. Nhưng theo chị Rosie Nguyễn – tác giả tôi rất ngưỡng mộ - thiền giúp lọc suy nghĩ của bạn, mà theo chị mô tả là bạn sẽ phát hiện ra lúc nào bạn muốn suy nghĩ, và bạn sẽ cân nhắc suy nghĩ đó liệu có tốt không, nếu không thì giết ngay từ trong trứng nước. Theo đạo Phật thì khi bạn kiểm soát được suy nghĩ trong đầu, bạn sẽ tránh xa được những điều ác, điều không tốt.


5. Thực hành nhiều:


            Chắc chắn rồi, làm cái gì đó nhiều và đúng cách, ắt cái đó sẽ ngày một giỏi hơn.


         Suy nghĩ mọi thứ thật kĩ là điều tôi làm hàng ngày, nhưng tôi biết bản thân vẫn có nhiều suy nghĩ thật thiển cận, bảo thủ. Đâu ai hoàn hảo, nhưng đừng để bản thân tệ đến mức không cứu vãn được. Đó là lý do tôi cố gắng hoàn thiện mình mỗi ngày để hoàn thành những điều mình muốn mà tôi biết rằng cốt lõi để thành công là phải thật hiểu mình. Hiểu mình để biết mình thật sự muốn gì. Hiểu mình để thấy bản thân thiếu sót những gì để cải thiện. Hiểu mình để thấy mình thật sự giỏi những gì để mà phát huy hơn nữa. Với tôi đó cũng là “kĩ năng phải có” của tuổi trẻ, để bớt than vãn, để bớt đặt những câu hỏi vô nghĩa, để bớt tìm đến những lời an ủi xuôi tai, để bớt sống mù quáng, để bớt hối tiếc, để bớt hơn thua, đố kỵ, để bớt cái gọi là chọn sai nghề, làm sai việc, để bớt chán ghét bản thân không chịu cố gắng, để bớt đổ lỗi cho số phận, để bớt ti tỉ và ti tỉ thứ.

 

Hành trình cấp ba của tôi chỉ mới đi được một phần ba. Nhưng so với hồi đầu năm, tôi đã khác rất nhiều, nhờ cái đầu không chịu ngừng suy nghĩ và tìm ra chân lí cho bản thân. Tôi không còn tá hỏa khi phát hiện ai đó hơn mình cái này cái kia, học vô tội vạ cho bằng bạn bằng bè. Tôi không còn bị kích động khi ai đó nói gì trái ý tôi hay nói lời xúc phạm tôi, mà lúc đó luôn là cái đầu bình tĩnh phân tích. Tôi có những người bạn mới, tôn trọng tôi và dạy tôi rất nhiều điều. Tôi bớt đi những hiềm khích với những người xung quanh. Tôi không còn những kết luận vội vàng mà luôn từ tốn tìm ra câu trả lời thật sự. Tôi có những thành tựu nho nhỏ, nhiều cái tôi không ngờ mình có thể làm được, dần khẳng định được mình ở nơi ở mới. Tôi sống có mục tiêu rõ ràng vì hiểu được mình muốn gì, có thể làm gì. Cuộc sống của tôi giờ đây là vui vẻ tận hưởng tuổi trẻ, không phải là bất lực rượt đuổi tuổi trẻ. Và tôi biết cứ đà này, tôi chắc chắn sẽ thành công, sẽ đạt được điều tôi muốn.

Trên đây đơn giản là những điều tôi đã trải qua và đúc kết. Tôi không thể nói kĩ hơn nữa, vì không khéo lại thành áp đặt. Chắc chắn có những sai sót. Chắc chắn có những điều tuổi của tôi chưa trải qua nên chưa hiểu hết được. Mỗi người có cuộc sống và con đường riêng. Câu chuyện của tôi khác, của bạn khác. Nhưng sau khi suy nghĩ rất nhiều chủ đề về tuổi trẻ để viết, tôi vẫn chọn chủ đề này. Bởi với tôi, suy nghĩ tốt, khỏe mạnh cũng giống như có sức đề kháng tốt, có thể chống lại những điều tiêu cực và không dễ bị tác động bởi yếu tố ngoại lai và sụp đổ. Xin rất cám ơn bất kì ai đã đọc đến đây, tôi thật sự rất biết ơn và hy vọng những gì tôi viết giúp gì đó được cho bạn.

            Tác giả: Nguyễn Thu Hồng, học sinh trường Phổ thông Năng Khiếu

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100004626079166

--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
 (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là ""Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ"". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

784 lượt xem, 779 người xem - 901 điểm