Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Phẩm Giá "Ma Mới"


"Em nghĩ mình đáng giá bao nhiêu tiền trong một ngày làm việc?" Câu hỏi kỳ hoặc và đáng nhớ nhất mà tôi được hỏi vào những ngày đầu tiên đi làm. Tôi đã từ chối thẳng thừng cách quy đổi tầm thường và kệch cỡm như vậy. Khi lấy tiền làm thước đo giá trị công việc của bản thân thì chúng ta sẽ không bao giờ đau đầu giữa lựa chọn công việc mình yêu hay chọn công việc mình phù hợp. Đam mê và vật chất sẽ không khiến chúng ta cảm thấy khổ sở hay đắn đo. Nên nhớ bạn đáng giá hơn bạn tưởng.

Bất kỳ ai cũng có lòng tự tôn nên khi ai đó lấy giá trị của mình đem quy đổi thì đừng dại chốt cho mình một con số cụ thể bởi nó chỉ khiến giá trị của bản thân hạ thấp. Tôi chấp nhận, anh cho tôi công việc và tôi tình nguyện làm việc để giúp công ty của anh phát triển, chúng ta cùng tiến bộ nhưng tôi chắc chắn đáng giá hơn tiền mà tôi kiếm được cho công ty của anh bởi, nếu tôi không làm việc cho công ty này thì tôi vẫn có thể tạo ra lợi nhuận cho một công ty khác vậy nên, tiền không thể định mức cho giá trị của tôi. Đó chính là phẩm giá khi bắt đầu một công việc. Điều đầu tiên và duy nhất bạn phải nhớ, bạn làm việc vì tiền nhưng một phần cũng vì yêu thích vậy nên chẳng ai có thể quy đổi bất kì người nào bằng bất kỳ thứ gì, đặc biệt là tiền. Tự hỏi bản thân mình, bạn đang làm việc vì ai, vì cái gì, vì mục đích gì. Cuối cùng, giữa vòng xoay vật chất, mỗi người cần giữ chút gì đó cho bản thân trước thời điểm bị đá đi không thương tiếc theo quy luật đào thải bất di bất dịch; phẩm giá.


Dễ bị bắt nạt, không dễ bị hạ thấp

Câu hỏi ban đầu tôi đưa ra là một kiểu bắt nạt mang tính chủ đích. Khi nhân viên thể hiện không tốt với vị trí công việc hiện tại thì người quản lý sẽ trực tiếp đánh mạnh vào cái tôi của mỗi người nhằm tạo cho nhận viên thái độ làm việc tích cực và tiến bộ hơn. Tôi nhận thấy, người quản lý với câu hỏi đột ngột đó là một người tốt nhưng câu hỏi của anh ta thực sự rất thực dụng. Ý tốt và lời nói không đi đôi với nhau, ở đây anh ta đã chọn nhầm đơn vị đo lường và chung quy lại câu hỏi lại mang hàm ý bắt nạt. Hãy nhớ, công việc giúp bạn sống nhưng phẩm giá mới khiến bản thân sống tốt hơn. Quy luật đào thải là điều dễ hiểu, bất kỳ công ty hay doanh nghiệp nào cũng có quy định và chính sách để loại đi những người chưa xuất sắc. Đồng nghĩa, chúng ta phải thay đổi để tiến bộ và mau chóng bóc đi lớp vỏ “tân binh” của mình. Bị bắt nạt, bị sai vặt, hãy chấp nhận nó vì vị trí đứng của tân binh đã từng là nơi tiền bối đồng nghiệp phải làm. Thế nên họ làm được bạn cũng làm được. Câu hỏi là, thế nào để không bị hạ thấp? Kinh nghiệm thực tế cho thấy, trong mỗi vị trí hay bất kỳ công việc nào khi phát hiện những sai sót hay vấn đề cần sửa chữa thì hãy mạnh dạn “cãi” ngay, ai cũng mắc sai lầm và sếp của bạn cũng vậy. Đôi lúc, hãy tự cho bản thân cái quyền được đứng ngang hàng với sếp để bày tỏ ý kiến của mình khi nhận thấy việc làm của sếp là sai. Nhút nhát, sợ sệt chỉ khiến chính bạn chịu tổn thương nhiều hơn đồng thời công việc cũng dần bị thụt lùi. Do đó, ai cũng sẽ chịu thiệt, và thiệt thòi nhất là những lính mới thấp cổ bé họng cộng thêm thỏ đế, rụt rè. Biết gì không? Cánh cửa mang tên “đào thải” đang gọi mời bạn.


Nét mặt thay đổi theo hoàn cảnh

Đừng đem tâm trạng bực dọc từ nhà biểu lộ trên khuôn mặt tại công ty. Bạn có thể đổ lỗi và biện minh cho nhiều lý do nhưng chung quy lại, đồng nghiệp và cấp trên chỉ là quan hệ bạn bè quen biết, vấn đề của chính bạn sẽ chẳng ai thèm quan tâm vì họ cũng đang có cuộc sống của riêng mình nên, dù bạn có đang khó chịu, hằn học thì cũng đừng khiến người khác nghĩ bạn bất đồng hay thái độ thiếu chuyên nghiệp. Ở đây, tôi hoàn toàn không cổ xúy cho việc chịu đựng tổn thương nhưng tổn thương của bản thân thực tế không được dẹp bỏ tại công ty thì hãy tạm gác nó ở nhà. Hãy nhìn nhận sự thật hiển nhiên đó là tất cả ma cũ đều từng là lính mới. Họ đã làm việc trong thời gian ta đang chật vật để xin vào vị trí hiện tại thì những gì họ có thể chịu đựng và làm tốt trước đó thì bản thân bạn cũng có thể làm tốt giống như họ đã từng.

Ma mới phải luôn trong tình trạng của một chiếc ra đa, quan sát cẩn thận nét mặt, thái độ của cấp trên và đồng nghiệp đã làm việc lâu năm. Bạn phải thật khôn ngoan và mềm mỏng đối với những ma cũ có nhiều năm làm việc tại công ty hơn mình. Có thể bạn có một nền tảng lý thuyết vững chắc cộng một ít kinh nghiệm ở những công việc trước đây nhưng bạn vẫn là ma mới ở nơi hiện tại. Nhiều người ở công ty không có bằng cấp như bạn hiện có nhưng chính xác họ đã có kinh nghiệm gấp bạn hàng trăm lần trong nhiều năm liền trong khi bạn đang chật vật để có tấm bằng. Dân bản địa và dân tái định cư ai sẽ làm chủ dễ dàng mảnh đất mình đang sống. Câu trả lời đã nằm trong chính câu hỏi, vậy nên lính mới cần phải nhìn nhận đúng vị thế của mình ở đâu. Phẩm giá của lính mới là khi gió ngả chiều thì bản thân cũng cần thông minh để phán xét tình huống. Trong môi trường làm việc hiện nay, nhà tuyển dụng vẫn coi trọng kinh nghiệm nhiều hơn là bằng cấp. Do đó, bằng cấp có thể là một phần lý do giúp bạn đặt chân vào công ty nhưng ở lại lâu dài hay không mới là điều quan trọng.


Bơ đi mà sống

Ma cũ trong công ty đôi lúc sẽ chơi trò “bánh bơ” tỏ thái độ lạnh lùng, thờ ơ đối với ma mới. Do đó, lính mới cũng đừng vội buồn vì chính bản thân bạn đang vội vàng tạo mối quan hệ trong khi đồng nghiệp lại dựng tấm chắn kiên cố, hoàn toàn không có nhã ý muốn thân thiết với ma mới. Chính vì vậy, trong trường hợp nếu bạn không có một mối quan hệ nào để làm bệ đỡ trong công ty thì nên tạo cho mình phong thái của một ma mới đầy kinh nghiệm. Trước hết, đó không phải là kinh nghiệm trong công việc mà là kĩ năng sống hằng ngày. Nếu được, hãy tập làm quen với những trò “bơ đẹp” kiểu dân công sở của những ma cũ. Sự thật là, bất kỳ ma cũ nào cũng không thật hào hứng với những người mới vào vì thế đừng vội vàng tỏ ra thân thiện quá mức để rồi bị ghẻ lạnh lại đau buồn, mau nước mắt. Chuyên gia tâm lý Robert B. Cialdini cho rằng: “Khi bạn mới chân ướt chân ráo bước vào công ty, bạn cần chuẩn bị sẵn cho mình một tâm lý vững vàng để đối mặt với mọi tình huống có thể xảy ra. Một trong số đó là sự ganh đua, tị nạnh của những đồng nghiệp khác. Rất có thể bạn sẽ trở thành nạn nhân của những trò chèn ép hay những cuộc bàn tán xôn xao”

Không thứ gì có thể dễ dàng đạt được kể cả mối quan hệ, khi tính cạnh tranh, ganh đua trong môi trường công việc càng cao thì lính mới cần phải tỉnh táo trước những đòn tâm lý cũ rích của ma cũ tạo ra. Áp lực văn phòng chỉ là phép thử để đánh giá bản lĩnh của mỗi người liệu có vững vàng hay không. Lính mới cũng nên học bơ đi những trò khó dễ nhẹ nhàng, bĩnh tĩnh để xử lý, đến khi vấn đề phát sinh thật sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc của mình thì hãy thẳng thắn trình bày vấn đề với sếp để được giải quyết. Xem công sở như cuộc sống của nàng dâu mới tại nhà chồng, dần dần thay đổi để có thể hòa nhập tốt hơn vào môi trường công việc hiện tại và trên hết phải tiến bộ, phát triển bản thân qua mỗi giai đoạn. Thần thái cũng tốt nhưng thái độ cũng phải phù hợp. Nếu bạn giỏi thì chỉ mình bạn biết, ma cũ giỏi như bạn thì tất cả mọi người đã biết vậy nên, đừng cố tỏ ra ngạo mạn, kiêu căng bởi bạn cũng chỉ là một chú cừu non hoàn toàn thiếu kinh nghiệm và cực kỳ lúng túng, đang bị lọt thỏm vào vũ trụ văn hóa ứng xử nơi văn phòng. Chuyên môn dù có giỏi nhưng thái độ không tốt cũng là con dao hai lưỡi khiến ma cũ và sếp của bạn ghét bỏ và cho bạn ra rìa ngay lập tức.

Kết luận cuối cùng không quan trọng, ma mới thì thời đại nào cũng có, bắt nạt thì nơi nào cũng diễn ra tùy theo mức độ ít hay nhiều. Theo quy luật đó những ma mới cần có mục tiêu và ý chí kiên định để có thể vượt qua những thách thức và vấn đề nơi công sở, chỉ khi bạn vượt qua được chặng đầu non nớt, thiếu kinh nghiệm thì mới chính thức là một thành phần tại công ty. Tóm lại, giá trị của bạn là bao nhiêu? Tuyệt đối đừng vội chung quy giá trị của bản thân bằng tiền, để trả lời cho phép so sánh kệch cỡm, tầm thường này, hãy đáp trả bằng cách tự cho giá trị của bạn ngang bằng giá trị của một loại đá quý không thể mua được bằng tiền. Ai cũng là những viên ngọc cần được mài dũa, ngọc càng mài càng sáng vậy nên chính bạn đều là những viên ngọc thô cần được thử thách và rèn luyện nhiều hơn. Phẩm giá ma mới nằm ở chỗ, bạn tự tạo cơ hội và lựa chọn cho bản thân, hoặc bước tiếp để phát triển hoặc dừng lại, buông bỏ và chấp nhận thua cuộc. Phẩm giá của người mới mà tôi muốn nhắc đến đó là, khi người ta muốn dìm mình xuống thì mình phải ngụp thật sâu rồi hãy bật lên thật cao. Tôi tin, quyết tâm được nuôi dưỡng từ tâm lý tồi tệ nhất khi bị chèn ép, hay bị cảm giác bế tắc. Tôi nhận ra, khi chúng ta càng bị đả kích, thiệt thòi thì tâm lý bản thân lại trở nên hèn nhát và càng muốn từ bỏ, chính xác đó là hai điều mà ma cũ mong muốn như vậy. Càng như thế thì bạn càng phải nói không với bỏ cuộc vì đa số người thành công đều giỏi chịu áp lực, từ bỏ đồng nghĩa thừa nhận bạn không phải kiểu người sẽ thành công. Tự cảm thấy vui khi bị bắt nạt bởi nếu bạn quá dễ dàng để leo lên càng cao, đến thời điểm khi bị người khác kéo xuống thì bản thân càng không thể xoay sở kịp, kéo theo tâm trạng thất vọng, bi quan, không tin tưởng. Tôi học được, khi con người ta bị bắt nạt càng sớm thì càng dễ chủ động và có động lực, quyết tâm cao hơn.

Trong công việc cũng như trong cuộc sống, cuộc đời sẽ luôn có những bước thụt lùi nhất định, không phải để chấp nhận thất bại ban đầu mà để nhìn thấu bản chất của hoàn cảnh, điều kiện bên trong. Từ 1 bước lùi đầu tiên chúng ta mới có thể bật cao 3 bước tiến, cứ như thế động lực của mỗi người tạo ra chính là tại thời điểm bạn chịu chấp nhận để bản thân lùi về phía sau, tích góp kinh nghiệm. Một bước ngoặt nhỏ để tạo nên một thành công lớn, dễ dàng gì thành công, dễ dàng gì thất bại thật sự nếu chưa từng có định nghĩa quyết tâm hay ý chí kiên định. Đừng vội dễ dàng từ bỏ bất kỳ một điều gì khi chưa cố gắng hết sức, vì có một điều chắc chắn mà ai cũng đang sở hữu, phẩm giá.

Tác Giả: Tiểu Thiên - SV Đại học Sư phạm

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: www.facebook.com/tacgiadinh 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là ""Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ"". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

253 lượt xem, 248 người xem - 248 điểm