Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] 10 Mẹo Học Tập Hàng Đầu Để Học Như Sinh Viên Harvard

Làm quen với khối lượng bài vở nặng nề ở đại học có thể là một thách thức, nhưng 10 mẹo học tập sau đây sẽ giúp bạn luôn sẵn sàng và tập trung.

Việc bắt đầu một chương trình học mới ở đại học có thể khiến bạn cảm thấy choáng ngợp, nhưng tối ưu hóa thói quen học tập sẽ giúp bạn thúc đẩy sự tự tin và thành công cả trong lẫn ngoài lớp học.

Việc chuyển tiếp từ bậc trung học sang môi trường học thuật khắc nghiệt ở bậc đại học có thể là một cú sốc đối với nhiều sinh viên và việc tìm ra phương pháp học hiệu quả nhất với một khối lượng môn học mới có thể là một quá trình đầy thách thức.

Những phương pháp học tập hiệu quả hoạt động tốt vì chúng tận dụng nhiều cách tiếp thu kiến thức khác nhau. Khi nhà tâm lý học kiêm giáo sư tại chương trình viết lách trường đại học Harvard, Jessie Schwab chỉ ra rằng chúng ta có xu hướng đánh giá sai sự học của mình. Khả năng thuộc lòng thông tin ghi nhớ không đồng nghĩa với việc thực sự tiếp thu và hiểu nó.

“Một điều mà hàng chục năm nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học nhận thức đã chỉ ra là người học thường đánh giá thấp quá trình học của họ” Schwab cho biết. “Việc ghi nhớ có thể trông giống như việc học, nhưng trên thực tế, chúng ta có thể chưa xử lý thông tin đó đủ sâu để có thể nhớ lại sau vài ngày hoặc thậm chí chỉ vài giờ sau.”

Lên kế hoạch trước và tìm kiếm sự hỗ trợ trong quá trình học là chìa khóa giúp bạn thành công ở đại học. Bài viết này sẽ chia sẻ những mẹo và chiến lược học tập không chỉ giúp bạn sống sót mà còn phát triển mạnh mẽ trong lớp học đầu tiên của mình.

1. Đừng cố nhồi nhét kiến thức!




Có thể bạn sẽ cảm thấy cám dỗ khi dồn hết việc học vào phút chót trước kỳ thi lớn, nhưng nghiên cứu cho thấy cách học nhồi nhét không giúp ích cho việc ghi nhớ lâu dài.

Một bài viết từ Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association) chỉ ra rằng dù sinh viên có thể thực hiện tốt bài kiểm tra bằng việc nhồi nhét, nhưng điều đó không có nghĩa là họ thực sự tiếp thu được kiến thức đó. Thay vào đó, nghiên cứu đã chứng kiến phương pháp học hướng đến việc ghi nhớ lâu dài nhìn chung mang lại hiệu quả tốt nhất.  

2. Lập kế hoạch trước - và tuân thủ nó

Có một kế hoạch học tập với những mục tiêu cụ thể có thể giúp bạn cảm thấy tự tin hơn và có một lộ trình để bám sát. Schwab cho biết sự trì hoãn thường là một sai lầm phổ biến mà sinh viên mắc phải khi chuyển lên bậc đại học.

“Thông thường, nhiều sinh viên từng quen với khối lượng bài tập nhẹ hơn ở thời trung học, nên một trong những lời khuyên quan trọng nhất của tôi đó là đừng cố nhồi nhét kiến thức” - Schwab nói. “Hãy tự lên kế hoạch học tập từ sớm và kiên trì thực hiện”.

3. Hãy nhờ sự trợ giúp

Bạn không cần phải vật lộn với những kiến thức khó nhằn một mình. Nhiều sinh viên không quen tìm kiếm sự giúp đỡ khi còn là học sinh trung học, nhưng việc tìm kiếm sự hỗ trợ lại là điều rất phổ biến ở đại học.

Như hướng dẫn về ngành sinh học của chúng tôi đã giải thích, “Hãy chủ động xác định lĩnh vực mà bạn cần sự hỗ trợ và tìm ra sự hỗ trợ đó ngay lập tức. Bạn càng chần chừ, bạn càng trở nên khó khăn để theo kịp tiến độ.”

Có rất nhiều nguồn hỗ trợ dành cho bạn, bao gồm giảng viên, trợ giảng, gia sư và cả bạn cùng lớp. Trung Tâm Tài Nguyên Học Thuật Harvard (Harvard’s Academic Resource Center) cung cấp các dịch vụ học thuật như cố vấn học tập, hội thảo, gia sư theo nhóm và các buổi học có giám sát nhằm giúp sinh viên đi đúng hướng.

4. Học Theo Nhóm (Áp dụng hệ thống Buddy)

Những người bạn cùng lớp cũng có thể đang gặp phải những khó khăn tương tự bạn. Hãy kết nối với họ và lập nhóm học tập để cùng nhau ôn bài, trao đổi ý tưởng, và hỗ trợ nhau vượt qua thử thách.

Học theo nhóm giúp bạn có cơ hội giải thích kiến thức cho nhau, kiểm tra lẫn nhau, và xây dựng một mạng lưới hỗ trợ mà bạn có thể dựa vào không chỉ trong suốt khóa học mà còn sau này.

5. Tìm ra phương pháp học phù hợp với bạn

Có thể sẽ mất chút thời gian (và cả thử nghiệm) để xác định phương pháp học nào hiệu quả nhất với bạn. Có nhiều cách khác nhau để kiểm tra mức độ hiểu bài thay vì chỉ xem lại ghi chú hay dùng thẻ ghi nhớ. Schwab khuyến nghị thử nhiều chiến lược khác nhau thông qua tư duy siêu nhận thức (Metacognition). Đây là quá trình suy nghĩ về cách não bộ hoạt động (quá trình nhận thức của bản thân), giúp bạn nhận ra phương pháp học phù hợp nhất với mình.

Schwab gợi ý làm theo theo các bước sau:

  • Trước khi bạn bắt đầu đọc một chương mới hoặc xem một bài giảng, hãy xem lại những gì bạn đã biết về chủ đề đó và dự đoán những kiến thức mới mà bạn sắp học.
  • Trong khi bạn đọc hoặc nghe giảng, hãy ghi chú những thông tin mới, chẳng hạn những chủ đề liên quan mà bạn nhớ đến  hoặc những mối liên kết với những môn học khác. Đồng thời, hãy ghi lại những câu hỏi nảy sinh trong quá trình học.
  • Sau đó, hãy thử tóm tắt những gì bạn học được và tìm câu trả lời cho những thắc mắc còn lại.

6. Nghỉ giải lao hợp lý

Não bộ chỉ có thể tiếp thu một thông tin nhất định tại một thời điểm. Theo Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health), nghiên cứu cho thấy rằng nghỉ giải lao giữa các buổi học giúp cải thiện khả năng ghi nhớ.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trạng thái nghỉ ngơi tỉnh táo đóng vai trò quan trọng không kém việc thực hành khi học một kỹ năng mới. Nghỉ ngơi cho phép não sắp xếp và lưu trữ thông tin vừa học một cách hiệu quả hơn.

Hãy đảm bảo rằng bạn có đủ thời gian thư giãn và ngủ đủ giấc giữa các buổi học để bộ não được phục hồi và sẵn sàng tiếp thu kiến thức mới.

7. Tạo không gian học tập hiệu quả

Nơi bạn học cũng quan trọng không kém cách bạn học.

Hãy tìm một không gian không có yếu tố gây sao nhãng và được trang bị đầy đủ tài liệu, dụng cụ cần thiết. Trước khi bắt đầu, hãy ăn nhẹ và chuẩn bị một chai nước bên cạnh để đảm bảo bạn có đủ năng lượng trong suốt buổi học.

8. Tự thưởng cho bản thân 

Học tập có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức cả về tinh thần lẫn cảm xúc, và việc duy trì sự bền bỉ sẽ là một thử thách.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng tự thưởng cho bản thân trong quá trình học có thể làm tăng sự hứng thú và niềm vui khi thực hiện một nhiệm vụ nào đó.

Theo một bài báo trên Science Daily, nghiên cứu cho thấy những phần thưởng nhỏ xuyên suốt quá trình học sẽ giúp duy trì động lực tốt hơn so với phần thưởng cuối quá trình.

Thời gian tới, sau khi hoàn thành một buổi học đầy thử thách, hãy tự thưởng cho bản thân một que kem tươi mát hay cày một tập phim mà bạn yêu thích.

9. Ôn luyện, ôn luyện và ôn luyện

Cách tốt nhất để ghi nhớ kiến thức là thực hành lại thông tin bạn đã học.

Hai nhà nghiên cứu Elizabeth và Robert Bjork lập luận rằng “những khó khăn đầy mong đợi” có thể giúp nâng cao khả năng tiếp thu. Chẳng hạn, tự kiểm tra bằng thẻ ghi nhớ sẽ khó hơn việc chỉ đọc lại sách giáo khoa, nhưng về lâu dài sẽ giúp bạn học hiệu quả hơn.

“Một phép so sánh phổ biến là tập tạ - bạn phải thực sự “rèn luyện cơ bắp” thì mới có thể tăng cường trí nhớ của mình” - Schwab bổ sung.

10. Đặt mục tiêu cụ thể

Việc đặt ra các mục tiêu cụ thể trong suốt hành trình học tập giúp bạn theo dõi được tiến bộ của mình. Tạp chí Psychology Today gợi ý sử dụng phương pháp SMART:

    • Tính cụ thể (Specific): Đặt mục tiêu rõ ràng với kế hoạch hành động, chẳng hạn “Tôi sẽ học mỗi ngày từ 2 đến 4 giờ chiều tại thư viện.”
    • Đo lường được (Measurable): Lên kế hoạch học tập trong một thời gian nhất định hoặc đặt mục tiêu nâng điểm số lên một mức cụ thể để có tiêu chí đánh giá rõ ràng.
    • Tính thực tế (Realistic): Một điều quan trọng là mục tiêu phải phù hợp với khả năng của bạn để tránh gây nản lòng. Ví dụ, nếu hiện tại bạn đang học 2 giờ/ tuần, hãy tăng dần lên 3 - 4 giờ thay vì tăng lên 10 giờ ngay lập tức.
    • Giới hạn thời gian (Time-specific): Đảm bảo mục tiêu phù hợp với lịch học và các trách nhiệm khác của bạn

Áp dụng những mẹo học tập này sẽ giúp bạn tận dụng tối đa tài nguyên trên lớp, tạo nền tảng vững chắc cho sự thành công trên con đường học thuật và còn hơn thế nữa!

---------

Tác giả: Lian Parsons

Link bài gốc: 10 Mẹo Học Tập Hàng Đầu Để Học Như Sinh Viên Harvard

Dịch giả: Vũ Thị Ánh Tuyết - ToMo - Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: [Tên dịch giả] - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

25 lượt xem

lh-fulllh-x