Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] 6 Phương Pháp Học Tập Tối Ưu Nhất - Được Minh Chứng Bởi Các Chuyên Gia

Chúng ta đang sống trong một thế giới luôn luôn thay đổi và phát triển với những kỹ năng và nguyên tắc mới. Quá nhiều điều mới lạ cần học nhưng chúng ta lại có quá ít thời gian, vì vậy, việc áp dụng được đúng kỹ thuật học tập phù hợp quả là một kỹ năng cần có.

Nhưng:

Hầu hết các phương pháp học bạn được dạy trên trường lớp đều....không hiệu quả. 

Trên thực tế, nghiên cứu chỉ ra rằng đa số các phương pháp học mà học sinh, sinh viên áp dụng hiện nay đều không mang lại hiệu quả.

Tôi sẽ giới thiệu với các bạn trong bài viết này về các phương pháp học thật hữu hiệu, và một vài phương pháp khác giúp tôi đạt được bộ kỹ năng học tập vô cùng đa dạng.

Sau khi tham khảo bài viết, tôi mong bạn tìm được phương pháp học phù hợp với mình và học được tất cả những gì bạn muốn một cách hiệu quả.


Các phương pháp học tối ưu nhất


Đa số mọi người học theo kiểu đọc và gạch chân các cụm từ chính. Nhưng cả hai phương pháp đó đều vô dụng cả. Bạn thấy đấy, bộ não của chúng ta cần nhiều hơn là các biện pháp học chỉ để lưu giữ thông tin. Theo như các nghiên cứu, dưới đây là một số phương pháp học hiệu quả:


  1. Tập luyện phân tán (Distributed practice)


Bạn còn nhớ những ngày tháng ôn thi đại học, các bài kiểm tra khiến bạn cầy ngày cầy đêm chỉ để qua môn? Tôi cá là sáng hôm sau bạn chẳng nhớ gì hết chơn những gì đã học á. Nhưng cứ cho là bạn có nhớ đi chăng nữa, bạn cũng sẽ quên sạch sau khi ra khỏi phòng thi. Có thể cách đó vẫn có ích trong môi trường giảng đường, khi mà mục đích chính của bạn chỉ là để qua môn thôi. Nhưng để học được một kỹ năng thực sự thì lại là một vấn đề khác. Bởi vì bạn không thể học nhồi nhét các kỹ năng được… để học một kỹ năng mới bạn cần thời gian, thực hành và rèn luyện, như là một môn thể thao hay chơi một loại nhạc cụ.


Đây là lúc phương pháp Tập luyện phân tán "tỏa sáng". Trong phương pháp này, bạn cần chia nhỏ khoảng thời gian học và nghỉ ngơi thành nhiều quãng trước khi lại bắt tay vào học tiếp.


Có lẽ bạn đang thắc mắc:

Bạn nên dành bao nhiêu thời gian nghỉ trước khi học tiếp?

Chà, học nguyên một ngày ắt sẽ hiệu quả. Vì vậy, nếu bạn đang học chơi violin, bạn có thể có các buổi học vào các ngày luân phiên nhau.


Điều đó có nghĩa là biện pháp này sẽ chuyển tâm trí của bạn từ chế độ tập trung sang chế độ suy nghĩ phân tán.  Ở chế độ tập trung, bạn đang tích cực học (tức là chơi violin). Nhưng ở chế độ phân tán, bạn đợi cho đến buổi học tiếp theo và suy nghĩ về những gì bạn đã học được trong buổi học trước, và những sai lầm bạn mắc phải.


  1. Làm bài kiểm tra (practice testing)


Hỏi còn học đại học, lớp tôi chúng nó ghét nhất một người thầy. Và tại sao không chứ, vì cứ mỗi một tuần thầy lại cho chúng tôi làm 2 bài kiểm tra lận. Bạn biết gì nữa hông? Đó lại là môn chúng tôi đạt điểm cao nhất đấy. Từ đó tôi mới nhận ra sức mạnh của các bài kiểm tra thường xuyên.


Ở phương pháp này, bạn sẽ tự làm bài kiểm tra bằng cách nhớ lại những gì đã học mà không cần sự hỗ trợ từ sách vở hay bất cứ tài liệu gì. Điều thú vị của phương pháp này là khi làm bài kiểm tra thì bạn sẽ làm sai bét nhè. Nhưng bằng cách sửa từ những lỗi sai ngớ ngẩn đó lại giúp bạn nhớ được đáp án đúng lâu hơn. Nhiều người sợ làm bài kiểm tra vì họ sợ sai và bộc lộ điểm yếu. Nhưng đó mới là điểm mấu chốt của phương pháp này, để có thể biết được nhược điểm của bản thân và sửa chúng.

Thêm nữa, làm bài kiểm tra cho phép bạn chuyển những gì đã học từ vùng trí nhớ ngắn hạn sang vùng dài hạn.

Bạn không cần lúc nào cũng làm những bài kiểm tra như thật đâu. Dựa vào những gì bạn đã học, hãy cố thử thách bản thân xem bạn nhớ được bao nhiêu.

Theo dõi hiệu suất của bạn qua các bài kiểm tra, cố hoàn thiện và cạnh tranh với chính mình nếu bạn không muốn ganh đua với ai khác. Tôi có thể nói rằng, “cuộc đấu lớn nhất nằm ở trước mắt bạn, ngay trong cái gương đó.”


  1. Phương pháp thực hành xen kẽ (Interleaved practice)

Đối với tôi, đây là phương pháp thú vị nhất vì tôi có thể học được 2 thứ cùng một lúc.

Ở phương pháp này, bạn ôn tập và rèn luyện một môn gì đó lần lượt, luân phiên nhau.


Nói như này nhé, bạn đang học tiếng Pháp. Nhưng bạn không chỉ học tiếng Pháp một lèo từ sáng đến tối. Thay vào đó, bạn học một ít tiếng Pháp, sau đó bạn lại hướng sự tập trung của mình sang việc học một thứ khác trước khi lại quay lại học tiếng Pháp.


Có vẻ giống với phương pháp thứ nhất (phương pháp thực hành phân tán), kỹ thuật này giúp bạn chuyển từ chế độ tập trung thành chế độ suy nghĩ phân tán .

Tuy nhiên, phương pháp thực hành xen kẽ lại mang lại một lợi ích khác, đó là nó làm cho mọi thứ khó ghi nhớ và thực hành hơn. Và chúng ta đều biết rằng nếu bạn càng tập luyện chăm chỉ, bạn càng tiến bộ hơn.

  1. Phương pháp tự giải thích (Self-explanation)


Cho đến bây giờ, chúng ta đã thảo luận về một số kỹ thuật học tập có giá trị hiệu quả trong hầu hết các loại hình học tập. 

Tự giải thích, mặc dù không phải là một phương pháp phổ biến, vẫn là một phương pháp cho thấy kết quả đầy hứa hẹn. Với phương pháp này, bạn sẽ giải thích cho chính mình những gì bạn đang cố gắng học. Phương pháp này được áp dụng nhiều hơn khi nghiên cứu tài liệu học thuật hoặc lý thuyết.


Người tự giải thích sẽ tự dạy cho bản thân mình, giống như một giáo viên vậy đó. Vì vậy, nếu bạn đang cố gắng học Kế toán cho doanh nghiệp của mình hoặc đang nghiên cứu các kỹ thuật tiếp thị khác nhau, hãy thử giải thích cho chính mình cách thức và lý do tại sao các biện pháp mà bạn đang học sẽ hoạt động hiệu quả. Bạn không nên lo lắng quá nhiều về việc liệu những lời giải thích của bạn có hợp lý hay không. Trên thực tế, bạn có thể thậm chí sẽ không biết mình đang hướng về đâu khi bắt đầu giải thích các khái niệm cho bản thân mình.


Nhưng một khi bạn làm vậy, bạn sẽ khám phá ra những chi tiết và khái niệm mà bạn thậm chí không biết là chúng có tồn tại. Phương pháp này đặc biệt hữu ích cho những người suy nghĩ sâu sắc và những người muốn học về các khái niệm.


  1. Thẩm vấn phức tạp (Elaborative Interrogation)

"Thẩm vấn công phu" là một phong cách học tập tương tự như phương pháp tự giải thích. Do đó, nó cũng áp dụng nhiều hơn cho việc học lý thuyết.  

Trong phương pháp này, bạn luôn tự vấn bản thân trong khi học. Vì vậy, nếu bạn tình cờ gặp một kỹ thuật hoặc giải pháp cụ thể, bạn sẽ tự hỏi mình những câu hỏi như "tại sao?" và thử giải thích câu trả lời cho chính mình.

Trong ví dụ trước khi bạn đang cố gắng học Kế toán, bạn có thể hỏi những câu hỏi như "tại sao Kinh doanh XYZ lại có lãi?" và giải thích nó theo kiến ​​thức Kế toán của bạn.

Một nhược điểm lớn của phương pháp này là tiêu tốn nhiều thời gian. Dẫu là vậy, nó vẫn mang lại nhiều lợi ích cho người học. 

  1. Thực hành truy xuất (Retrieval Practice)


Thực hành truy xuất, một phương pháp được đưa ra bởi các Nhà Khoa học về Học tập, cũng tương tự như nhiều kỹ thuật khác trong danh sách trên. Tuy nhiên, nó duy trì một vị trí riêng biệt trong danh sách của chúng tôi vì nó chủ yếu tập trung vào thời gian bạn không thực sự học.


Tôi xin mạn phép giải thích thêm:

Bạn sẽ cố gắng nhớ lại những gì bạn đang học sau buổi học. Điều này thách thức tâm trí của bạn để khôi phục bất kỳ thông tin nào có trong chủ đề bạn học, mà không có môi trường thực hành hoặc thử nghiệm thực tế nào.

Thực hành truy xuất sẽ cung cấp cho bạn một ý tưởng về cách bạn sẽ hành động, nếu bạn phải sử dụng kỹ năng hoặc kiến ​​thức của mình trong một tình huống thực tế.


Vậy phải làm gì với những phương pháp không hiệu quả?


Bây giờ chúng ta cũng đã biết được kha khá các phương pháp học được khoa học chứng minh là có hiệu quả, chúng ta hãy nhanh chóng điểm qua các phương pháp học tập vô dụng khác nhé.


Và bản thân tôi không nói điều đó nha, chính các nghiên cứu đã kết luận rằng những phương pháp này không có ứng dụng thực tế sâu rộng. 


Kỹ thuật học vô dụng đầu tiên và quan trọng nhất là highlight và gạch chân. Nghiên cứu cho thấy cả hai phương pháp này đều không giúp cải thiện việc học.


Thứ hai, chúng ta có kỹ năng ghi nhớ (mnemonics).  Kỹ thuật này liên quan đến việc ghi nhớ các từ khóa theo một thứ tự cụ thể để nhớ một khái niệm phức tạp.


Mặc dù các nghiên cứu cho thấy phương pháp này hữu ích trong một số trường hợp nhất định, nhưng nó không có nhiều ứng dụng thực tế.


Đáng ngạc nhiên, đọc lại (re-reading) là một phương pháp học tập khác được các nhà nghiên cứu cho là vô dụng.  Mặc dù lặp đi lặp lại là chìa khóa để học tập, nghiên cứu cho thấy rằng đọc lại không phải là một phương pháp lặp lại hữu ích.


Nếu phương pháp học trên là điều bạn đang theo đuổi, tôi khuyên bạn nên thử (và thử lại) thử nghiệm thực hành.


Mở rộng và tạo ra phương pháp hỗn hợp riêng phù hợp với bạn


Chỉ sử dụng cố định một phương pháp học có thể gây ra nhiều vấn đề đó.


Tại sao vậy? Vì bạn sẽ trở nên quá cứng nhắc trong việc tiếp cận với việc học tập.


Bạn thấy đấy, những người thành công có tính cách linh hoạt. Họ học cách thích nghi và thay đổi theo những gì cần thiết. Tùy thuộc vào những gì bạn đang cố gắng học, bạn có thể phải sử dụng các cách học khác nhau. Vì vậy, bạn cần phải thích nghi để tiếp cận các phương pháp này, hoặc các phương pháp khác.


Vì vậy, trước tiên, hãy hiểu phong cách học tập nào phù hợp với bạn – đây là "sự kết hợp" của bạn. Bây giờ, hãy đánh giá kỹ thuật học tập nào bạn nên thực hiện và cố gắng mở rộng nó. Điều này không có nghĩa là bạn cần phải hoàn hảo trong tất cả các kỹ thuật học tập được đề cập trong bài viết này. Tuy nhiên, biết cách học nào phù hợp với bạn, và cách học nào bạn cần thực hiện là yếu tố then chốt để phát triển nhanh chóng.


---------------

Tác giả: Leon Ho

Link bài gốc: 6 Effective Learning Techniques that are Backed by Research

Dịch giả: Trần Thảo Linh - ToMo - Learn Something New 

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Tên dịch giả - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

752 lượt xem

lh-fulllh-x