Trần Mai Linh@Kỹ Năng
2 năm trước
[ToMo] 7 Dấu Hiệu Cho Thấy Bạn Đang Bị Bóc Lột Sức Lao Động - Và Cách Khắc Phục Tình Trạng
Phần thưởng cho hoàn thành công việc tốt thường là nhiều việc hơn. Dưới đây là cách xác định khi nào là đủ và bạn có thể làm gì để cải thiện tình hình.
Có một câu nói hay rằng, phần thưởng khi bạn hoàn thành công việc tốt là bạn sẽ nhận được nhiều công việc hơn. Hãy áp dụng sự thật đó vào CNTT - một ngành nổi tiếng với thời gian dài với deadline gần như không tưởng, thế là bạn đã có một công thức để kiệt sức hoặc tệ hơn.
Thực tế ngày nay cho thấy, những người tỏ ra yêu thích công việc của họ có nhiều khả năng bị lợi dụng trong công việc hơn. Theo một nghiên cứu gần đây từ trường kinh doanh của Đại học Duke, những người tự nhận là “đam mê” với công việc của họ thường có khả năng bị ngược đãi nhất.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người làm việc quá mức có nhiều khả năng bị yêu cầu làm thêm giờ mà không được trả lương, cuối tuần phải xa nhà để làm những việc còn không có trong mô tả công việc của họ. Nghiên cứu cho rằng, một số nhà quản lý quả thực coi việc lao động nhiều hơn là một dạng phần thưởng, hoặc đơn giản họ nghĩ rằng những người thích công việc của họ sẽ tình nguyện đảm nhận nhiều hơn.
Vậy thì làm sao bạn biết được khi nào yêu cầu cho công việc liên quan đến công nghệ của bạn là không hợp lý? Các chuyên gia cho biết một số dấu hiệu điển hình nhất bao gồm: bắt nhận thêm việc mà không được công nhận, bị đưa ra deadline không hợp lý hoặc thường xuyên bị hoãn lương.
Với lưu ý này, dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn đang bị bóc lột lao động, cũng như một số mẹo đối phó với một vị sếp khó tính và cách để giải quyết tình huống êm thấu.
1. Chỉ toàn việc là việc, không có niềm vui thú
Có lẽ đã đến lúc nói chuyện với quản lý khi công việc thú vị trước đây của bạn dường như đang đi vào ngõ cụt và chiếm cứ hết thời gian cá nhân của bạn.
"Có phải bạn đang đếm ngược từng phút cho tới lúc hết giờ làm việc?" Mari Hegyi - quản lý nhóm nhân sự cấp cao tại Limeade kiêm điều hướng viên nghề nghiệp của công ty cho biết. “Nếu bạn yêu công việc nhưng không có thời gian làm gì khác, thì đó dấu hiệu cho thấy khối lượng công việc quá nhiều.”
Nhưng sẽ ra sao nếu quản lý của bạn là kiểu người khó tính hay đàn áp? Nếu mối quan hệ giữa hai bên ổn định thì bạn đã không rơi vào trường hợp này, vậy thì làm sao để đối phó đây?
“Hãy sở hữu những gì bạn có thể sở hữu,” Hegyi nói. “Nếu có gì đó khiến bạn bực bội, hãy nói ra. Tôi thích sử dụng mô hình SBI - tình huống (situation), hành vi (behavior), tác động (impact) - khi đưa ra ý kiến phản hồi. Hãy nhớ lưu lại các cuộc trò chuyện của mình bằng cách theo dõi trong email. Nếu nỗ lực của bạn không đi đến đâu, hãy nói chuyện với một người nào đó trong bộ phận Nhân sự. Nếu bạn cảm thấy không an toàn - tôi hy vọng là bạn sẽ không thấy thế - hãy nói chuyện với một lãnh đạo khác mà bạn tin tưởng."
2. Vấn đề lương lậu
Một dấu hiệu điển hình cho thấy bạn đang bị bóc lột là khi tiền lương của bạn đến muộn - và liên tục như vậy. Nếu bạn được miễn làm thêm giờ, việc được trả lương trễ sau 30 ngày sẽ thực sự vi phạm luật lao động của tiểu bang.
"Bạn có được trả lương hàng tháng vào cùng một ngày không?" Hegyi hỏi. “Đọc sổ tay nhân viên để chắc chắn rằng bạn nắm rõ các quyền của một nhân viên. Đối chiếu với những người khác để xem trường hợp của họ như thế nào. "
Nếu tình hình không quá rõ ràng, chẳng hạn như nếu bạn được yêu cầu đảm nhận nhiều việc hơn nhưng không được trả nhiều tiền hơn, Hegyi nói rằng đã đến lúc cần kiểm tra lại bản thân.
“Bạn có cảm thấy có sự cân bằng giữa những gì bạn bỏ ra và những gì bạn nhận lại không?” cô ấy nói. “Đây có thể là sự đền bù nhưng đừng quên sức mạnh của công nhận, phát triển bản thân hoặc cơ hội thăng tiến.”
3. Ý chí bị mài mòn
Chris Nicholson, Giám đốc điều hành của Skymind, cho biết: Khi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống không được giải quyết thấu đáo, nhân viên công nghệ sẽ bị kiệt sức. Điều này đặc biệt đúng ở các công ty khởi nghiệp.
Nicholson nói: “Bạn phải thực sự cẩn thận, với tư cách là một người đóng góp cá nhân và một người quản lý. Rất nhiều người giỏi, đặc biệt là nếu trước đây họ chưa từng làm trong một công ty khởi nghiệp, sẽ chỉ đơn giản là khiến bản thân lao động quá sức.”
Nicholson cho biết, một người quản lý không hiểu quy trình có thể khiến nhân viên phải chịu deadline bất khả thi, cũng như nhiều giờ làm việc và ca làm muộn gây ra cảm giác bị lợi dụng.
“Đánh giá tình hình,” anh nói. “Công việc vẫn còn những điều khiến bạn thích? Bạn có đang giải quyết các vấn đề thu hút bạn không? Điều thứ hai để tự hỏi bản thân là: Công việc này khiến bạn tốn kém bao nhiêu, và nó có xứng đáng không? Bạn có còn thời gian cho gia đình không? Hay thời gian để chăm sóc bản thân? Mọi người nên rõ ràng về mục tiêu của họ. Nhưng có thể bạn muốn một công việc để bạn có thể trả tiền thuê nhà và xây dựng gia đình. Điều thứ ba cần hỏi là: Mọi thứ trong công việc đã thay đổi như thế nào theo thời gian? Bạn đang bị căng thẳng ít nhiều? Ban lãnh đạo đưa ra quyết định có hợp lý không? Khi họ hứa với bạn sẽ thực hiện một số thay đổi, họ có thực hiện không? Họ có trao đổi trung thực về điều đó không? ”
4. Làm quá nhiều việc cùng lúc
Nicholson chỉ ra rằng một số hợp đồng CNTT vượt giới hạn về an toàn sức khỏe lao động để chạy kịp tiến độ, dù các nhà quản lý có đáng trách đến đâu.
Nicholson nói: “Trong một số lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn như sản xuất game, nhân viên sử dụng các loại chất kích thích khác nhau để duy trì sự sáng tạo để theo kịp tiến độ. "Đó là một dấu hiệu xấu và không bền vững về lâu dài."
Trong một số trường hợp, vấn đề có thể không phải là mục đích xấu mà là một cơn bão hoàn hảo khiến nhân viên cảm thấy bị đẩy đến giới hạn, gây ra bởi sự thiếu hiểu biết về mục tiêu của chính họ.
Nicholson nói: “Trong các công ty khởi nghiệp, nguồn nhân lực hạn chế nghiêm trọng, những người sáng lập thì thiếu kinh nghiệm còn cả nhóm đang cố gắng giải quyết những vấn đề mới với những mốc thời gian khó ước tính,” Nicholson nói. “Trong những tình huống đó, giải quyết công việc của một số người chỉ là một phần của thỏa thuận. Bạn đang chạy đua về cái đích mà bạn không thể nhìn thấy."
5. Lạc lõng vô định
Giám đốc điều hành INAP Jeff Atkinson đồng ý rằng nhân viên có nhiều khả năng bị đối xử bất công khi họ không hiểu vị trí của mình.
Atkinson nói: “Đảm bảo rằng nhân viên của bạn có thể nhìn thấy mục đích của công việc. “Tạo sự cân bằng giữa công việc hàng ngày và các hoạt động giúp các thành viên CNTT gắn bó và làm việc hiệu quả cũng là điều cực kỳ quan trọng. Cuối cùng, đừng bao giờ quên các kỹ năng mềm như quản lý thời gian, giao tiếp, v.v. và vai trò của chúng trong việc giảm bớt tình trạng kiệt sức và thất vọng của nhân viên ”.
Ông nói, động thái tồi tệ nhất của người quản lý là phủ nhận vấn đề tồn tại. “Vấn đề sẽ không tự dưng mọc cánh mà bay, nhưng tài năng bị lạm dụng của nhân viên chắc chắn sẽ biến mất. Hòa hợp với nhóm của bạn và đảm bảo tất cả các nhân viên đều có một kênh để phát biểu ý kiến công bằng về vai trò, quy trình và cách tiến hành. ”
6. Không có miếng bánh lợi ích
Đôi khi mọi chuyện phát sinh khi quản lý không hiểu vấn đề mà cả nhóm đang cố gắng giải quyết. Syed Ahmed, người đồng sáng lập kiêm CTO của Tara AI cho biết điều này có thể dẫn đến việc thiếu sự tham gia tích cực khiến mức độ gắn bó với mọi người giảm sút, đặc biệt là trong khâu giai đoạn lên ý tưởng.
“Các nhà phát triển có thể cảm thấy thiếu thành tựu và như đang làm các dự án không tưởng,” Ahmed nói. “Các nhà quản lý kỹ thuật cũng có thể nhận được thông tin đã lọc khi họ tiến hành chuỗi lệnh, họ cần phải làm việc chăm chỉ để nắm rõ thông tin, tránh các nhóm làm việc quá sức. Họ không nên chỉ dựa vào các báo cáo từ quản lý dự án về dữ liệu định lượng, họ cũng nên luôn hướng tới việc bổ sung yếu tố con người khi quản lý nhóm của mình - đồng nghĩa rằng là các nhà phát triển cảm thấy như họ thiếu kiểm soát. ”
7. Việc tăng nhưng lương không tăng
Khi một đồng nghiệp chuyển đi và công việc dồn lên đầu bạn, bạn nên tự hỏi thế nào là quá đáng, đặc biệt nếu lương không được tăng và bạn không được công nhận. Nhưng nó có phải là bóc lột không?
Julia Kanouse, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghệ Illinois cho biết: “Không phải lúc nào chủ lao động cũng chọn phương án tăng lương, nhưng các lợi ích khác có thể được mở rộng để chứng tỏ rằng chủ lao động của bạn biết và đánh giá cao công việc bổ sung mà bạn đang làm”. Cô chỉ ra các khoản bồi thường thay thế như thêm ngày nghỉ phép hoặc tiền thưởng một lần.
Nhưng giải quyết tình trạng thiếu lương hoặc không được công nhận có thể khó đối với nhiều người, bên cạnh đó việc chuyển đổi vị trí không hẳn là một dấu hiệu đáng báo động. Điều đó nói rằng, bạn có thể sử dụng chúng để làm cơ hội tăng lương hoặc phúc lợi của mình.
“Một người quản lý không bóc lột nhân viên sẽ chủ động đưa ra những đặc quyền đó và sẽ xem khối lượng công việc bổ sung để chuẩn bị cho một người về công việc tiếp theo,” Kanouse nói. “Nhưng nếu bạn đang ở trong tình trạng việc cứ chồng chất mà ít hoặc không được ghi nhận, thì đã đến lúc đánh giá lại. Đó chắc chắn là cơ hội để thương lượng về việc tăng lương, tiền thưởng, thời gian linh hoạt - bất cứ điều gì quan trọng nhất đối với bạn. Giống như với bất kỳ cuộc đàm phán nào, điều quan trọng là bạn phải liên tục - có thể ghi lại công việc bổ sung mà bạn đã thực hiện và sẵn sàng bảo vệ lý do tại sao bạn cho rằng nó đảm bảo xứng đáng cho việc tăng lương."
Nếu bạn đang ở trong tình huống này, Kanouse khuyên bạn nên suy nghĩ về phong cách làm việc của người quản lý và điều chỉnh cách tiếp cận của bạn theo hướng đó để tăng ảnh hưởng của bạn.
“Nếu bạn có thể hiểu một người: cách họ đưa ra quyết định, cách họ thích làm việc, thì bạn có thể định hình tốt hơn cách bạn tương tác. Nếu quản lý của bạn là kiểu người đi thẳng vào vấn đề, hãy nhớ hạn chế nói chuyện phiếm. Nếu họ là kiểu người không vội vàng đi đến kết luận, nhớ đưa ra nghiên cứu sơ bộ và các dữ liệu then chốt khi đưa ra đề xuất. Các công cụ như DISC, một bài đánh giá tính cách tại nơi làm việc - ngay cả khi bạn chỉ đoán phong cách của người quản lý - có thể chỉ ra những bí quyết về cách làm việc với một kiểu người có tính cách rất khác với bạn."
----------
Tác giả: Paul Heltzel
Link bài gốc: 7 signs you’re being exploited at work — and what to do about it
Dịch giả: Trần Mai Linh - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Trần Mai Linh - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.
(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
151 lượt xem