Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] 8 Lý Do Khiến Làm Việc Nhóm Trở Nên Quan Trọng Trong Công Việc

Ai trong chúng ta cũng sẽ đều phải tham gia vào các hoạt động làm việc nhóm vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Và thông qua từng thời điểm, tầm quan trọng của tinh thần đồng đội được thể hiện một cách vô cùng rõ nét. Nếu công việc không được hoàn thành theo đúng tiến độ, ở một mức độ nào đó, ta sẽ nhận ra nguyên nhân là do ta đang đùn đẩy trách nhiệm của bản thân cho người khác trong nhóm.

Tuy nhiên, tầm quan trọng của tinh thần làm đồng đội không chỉ đơn thuần là hoàn thành nghĩa vụ của bản thân đối với người khác. Có một câu tục ngữ từ Châu Phi nói rằng:

“Nếu muốn đi nhanh, bạn hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, ta hãy đi cùng nhau.”

Làm việc theo nhóm giúp chúng ta hoàn thiện bản thân và công việc tốt hơn so với khi chúng ta chỉ làm việc một cách “đơn phương độc mã” đấy.

Nếu không có tinh thần đồng đội thì sẽ không một công ty nào được thành lập. Vậy cho chính xác, thì lý do gì đã khiến nó trở nên quan trọng đến vậy trong môi trường làm việc?

1. Sự Đồng Cảm và Hỗ Trợ Các Thành Viên Khác

Theo khía cạnh cảm xúc thì mục tiêu cuối cùng của sự lãnh đạo là để có thể chiếm lấy sự chú ý mà bản thân tự cho là xứng đáng. Các cơ quan lãnh đạo đã phát hiện ra rằng: nhân viên có thể có sự tôn trọng đối với những vị sếp vô cùng “vô lý” của mình, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ được truyền cảm hứng từ những người sếp ấy.

Sự đồng cảm có thể giúp nâng cao mức độ trung thành, sự phối hợp, niềm vui vẻ, tính sáng tạo, và lòng tự nguyện sẵn sàng làm việc cùng nhau của các thành viên. Khi một nhóm làm việc và phối hợp thật sự chặt chẽ với nhau, chúng ta sẽ dễ dàng thấy sự đóng góp của từng thành viên trong nhóm đó.


Nhờ có sự đồng cảm, các nhân viên trong cùng một tổ làm việc sẽ có tinh thần trách nhiệm, luôn “ra tay” khi người khác cần sự giúp đỡ, và luôn nêu ý kiến khi có một ai đó trong đội cần nghỉ ngơi. Để đạt lấy sự thành công và để có những tác động tương hỗ mang tính thực tế và trực tiếp, họ sẽ phải phụ thuộc vào nhau, và cũng chính vì thế mà họ thường sẽ “đặt mình vào vị trí của người khác” hơn.

Hiện tại, nhóm tôi đã và đang sử dụng một nền tảng quản lý dự án được gọi là Teamwork để hỗ trợ lẫn nhau, và nó đã mang đến cho chúng tôi rất nhiều sự cải thiện trong cách chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau trong công việc. Khi tiến hành một công việc cụ thể, việc thông hiểu tư duy của người khác sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu tất cả mọi người cùng có chung một quan điểm về vị trí của dự án mà họ đang làm. 

2. Chia Sẻ Trách Nhiệm:

Cũng giống như trong bộ môn bóng bầu dục, mỗi một thành viên trong đội là mỗi một đặc điểm riêng biệt. Ngay cả khi cầu thủ húc ở vị trí bên phải chơi rất tốt trong mọi trận đấu thì cũng không có nghĩa là chiến thắng chắc chắn sẽ thuộc về đội bóng đó. Mà để giành lấy chiến thắng thì từng người chơi, từng thành viên trong đội phải làm đúng nhiệm vụ của mình và cũng như phối hợp với những đồng đội khác trong suốt trận đấu.

Sẽ chẳng có một chút mảy may chiến thắng nào cho một doanh nghiệp đang trên sàn cạnh tranh nếu chỉ có phân nửa số nhân viên của họ có ý chí phấn đấu hoàn thành công việc. Thử tưởng tượng xem, nếu có một cầu thủ trong đội đột nhiên cảm thấy không vui và không buồn chơi, dễ thấy các thành viên còn lại sẽ phải cùng nhau cố gắng “lấp đầy vào khoảng trống” mà người đó đã để lại. Và điều này khiến cho những thành viên đó không thể tập trung vào nhiệm vụ chính mà bản thân đã được giao.


Đưa ra những quyết định mang đến lợi ích chung cho đội, ngay cả khi điều đó có nghĩa rằng sẽ có thành viên nào đó phải chịu tổn thất, thiệt thòi - Đó chính là cách thức hoạt động của đội. Bản sắc nhóm là thứ có thể truyền cảm hứng cho một người dám đứng lên đấu tranh cho Tổ Quốc, hoặc tự nguyện làm thêm giờ vì kế hoạch chung của cả nhóm.

Khi bạn đã xác định bản thân sẽ là một phần của đội, mục tiêu của bạn sẽ bắt đầu được thay đổi. Giờ đây, bạn sẽ không còn tự hỏi “Mình sẽ nhận được gì từ việc này?”, mà thay vào đó, sẽ là “Những việc này sẽ mang lại lợi ích gì cho chúng mình?”. Điều này sẽ thúc đẩy bạn theo đuổi mục tiêu chung của nhóm, và từ đó, giúp cho một doanh nghiệp ngày càng trở nên vững mạnh.

3. Xây Dựng “Sợi Dây Gắn Kết” Giữa Các Thành Viên

Chúng ta, ai ai, ắt hẳn cũng đã đều thử qua trò chơi “trust fall” (một trò chơi thử thách tinh thần đồng đội, đòi hỏi người chơi thả mình ngã tự do, và mặc cho đồng đội của mình sẽ quyết định đỡ hay để mình ngã luôn xuống đất). Tuy rằng đây có thể nói là một hoạt động mang tính đồng đội phổ biến nhất, nhưng nó lại không phải là cách duy nhất khiến cho các thành viên trong nhóm trở nên gắn kết hơn. Trong môi trường làm việc của một đội nhóm, các thành viên phải cùng nhau trải qua hàng tiếng đồng hồ bên nhau và vì thế họ cần phải có lòng tin ở nhau nhằm bảo vệ kế sinh nhai của nhau.

Dưới đây là một vài cách giúp khuyến khích các thành viên gây dựng tình gắn kết chặt chẽ và phối hợp ăn ý với nhau:

Tổ Chức Trò Chơi và Các Cuộc Thi

Các công ty có thể khuyến khích, nâng cao tinh thần gắn kết chặt chẽ giữa các nhân viên của mình thông qua việc tổ chức các trò chơi và các cuộc thi. Các trò chơi như bóng rổ, bóng bàn, những cuộc thi hỏi nhanh đáp nhanh vòng hai phút, đều có tác dụng giúp “ tạm chia tay” công việc hằng ngày và khuyến khích mọi người làm quen với nhau một cách cá nhân trong bầu không khí vui vẻ và thân thiện.

Ăn Cùng Nhau

Còn có thứ gì khác có khả năng mang người ta sát lại gần nhau hơn đồ ăn? Chắc là chẳng có thứ gì đâu. Khuyến khích nhân viên dùng bữa cùng nhau. Đó có thể là trong một giờ nghỉ trưa được kéo dài hơn mọi ngày, hoăc cũng có thể đó sẽ là một ngày thứ sáu cuối tuần. Tận hưởng những giờ vui vẻ hoặc những món khai vị ngon lành sau khi làm việc cũng là một “kế sách” hoàn hảo.

Khuyến Khích Những Cuộc Trò Chuyện Cá Nhân Khi Không Làm Việc

Bản thân bạn tất nhiên sẽ không muốn nhân viên của mình suốt ngày cứ trêu ghẹo, đùa giỡn với nhau trong giờ làm việc, nhưng những cuộc trò chuyện phiếm khi họ vô tình chạm mặt nhau ở chỗ lấy nước lại thật sự có thể thúc đẩy năng suất làm việc và tinh thần đồng đội đấy.

Đó có thể là trao đổi hình ảnh của con trẻ, thú cưng nhà mình khi rảnh trong giờ làm việc, hay đó cũng có thể là cuộc hội thoại ngắn chia sẻ về sở thích, đam mê của bản thân, những cuộc hội thoại như thế này sẽ có tác dụng giúp các thành viên trong nhóm tìm thấy sợi dây liên hệ giữa nhau. Và những điều đó sẽ giúp củng cố “sợi dây gắn kết” và biến họ trở thành một đội ăn ý.

4. Cải Thiện Chất Lượng Phục Vụ

 Tinh thần đồng đội sẽ là thứ giúp cho một công ty tỏa sáng, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp không được biết đến bởi dịch vụ chăm sóc khách hàng của mình.

Cuốn sách mang tên “You Don’t have to be Ruthless to Win” (Tạm dịch: Bạn Không Cần Phải Thật Tàn Nhẫn Để Thành Công) của tác giả Jonathan Keyser, đã đặc biệt truyền cảm hứng cho tôi về lòng vị tha. Tác giả Keyser là người dẫn dắt một công ty, đang trên đà phát triển vô cùng nhanh chóng, chuyên về bất động sản thương mại, hoạt động với mục tiêu hướng đến “phụng sự không vụ lợi” đối với các thành viên trong đội nhóm và những người xung quanh họ. Bởi khi một đội nhóm muốn hoạt động tốt thì phải có đủ sự tán thành từ tất cả mọi người, và ông Keyser cũng xem khách hàng như một phần của văn hóa đó.

Học cách phục vụ các thành viên khác như một đội nhóm có thể sẽ rất gian nan và thử thách, nhưng cũng có thể vô cùng bổ ích. Với tinh thần phụng sự không vụ lợi, con người ta phải biết cộng tác và luôn sẵn sàng để làm việc hết sức. Mối quan hệ trong một đội nhóm phải được gây dựng từ niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau để các thành viên trong đó có những hành động với tinh thần rộng lượng, vị tha với nhau.

5. Thúc Đẩy Văn Hóa Tích Cực Tại Công Sở

Không phải ai cũng có mong muốn được làm việc theo nhóm, thay vì làm việc một mình. Nhưng cũng không ai muốn làm việc trong một nhóm mà bản thân cảm thấy không thoải mái. Những cuộc cãi vã và những lần căng thẳng nội bộ có ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần hăng hái của những thành viên trong nhóm.

Một người có kĩ năng làm việc nhóm tốt sẽ có những đồng nghiệp giỏi - thứ sau cùng tạo nên một nền văn hóa tích cực. Chúng ta thường có xu hướng dành nhiều thời gian cho đồng nghiệp, bạn bè hơn là gia đình. Vì lẽ đó, ta cần phải biết trân trọng mỗi khi ta ở cạnh người nào đó.

Để “hô biến” văn hóa nơi làm việc của bạn trở nên ngày càng thú vị và cũng như “giàu” năng suất hơn, điều cốt lõi mà bạn phải luôn nhớ đó là luôn động viên nhân viên của mình trở thành một người có kĩ năng làm việc nhóm giỏi. Những người này sẽ làm việc cùng nhau để tiến đến một mục tiêu chung là hoàn thành công việc, ngay cả họ sẽ tốn nhiều thời gian hơn những người khác một chút chút.

6. Nuôi Dưỡng Cảm Giác An Toàn Trong Công Việc

Vài năm trước, các nhà nghiên cứu thuộc Google đã đào sâu vào câu hỏi khiến các doanh nghiệp bấy giờ phải khốn đốn để tìm ra câu trả lời: Điều gì khẳng định đây sẽ là một đội nhóm hoàn hảo?

Và Google đã khám phá ra rằng yếu tố giúp khẳng định nên một đội nhóm hoàn hảo không phải nằm ở số năm kinh nghiệm, sự hòa hợp trong tính cách, hay bổng lộc. Mà chính là ở thứ được gọi là “tâm lý an toàn”. Về bản chất, một đội nhóm tốt sẽ có khả năng chịu thất bại, nêu quan điểm riêng, và tranh luận về những ý tưởng khác nhau mà không hề bận tâm về việc bị đánh giá hay tẩy chay.

Tâm lý an toàn và tinh thần đồng đội có tác động tăng cường lẫn nhau. Khi các thành viên trong một nhóm phối hợp ăn ý với nhau, họ sẽ luôn học cách cảm thấy an toàn với nhau. Sự an toàn đó có khả năng giúp phát triển những ý tưởng ngày càng sáng tạo và hiệu quả cho cả công ty nói chung.

Trong một bài phỏng vấn của báo Harvard Business Review, bà Amy Edmondson, vốn là một nhà nghiên cứu và cũng là người tạo ra thuật ngữ này, giải thích rằng an toàn tâm lý được tạo thành theo cấu trúc và hành vi. Trong đó, từ “tâm lý” mang ý chỉ về việc tạo nên một nhóm nhỏ với những thành viên đồng nhất, ngang hàng với nhau ; “An toàn” mang ý chỉ về việc những người dễ bị tổn thương và luôn phải nhận những nhận xét từ người khác.

7. Cân Bằng Giữa Công Việc và Cuộc Sống

Ở những công ty không xem trọng tinh thần đồng đội, cuộc sống và công việc của nhân viên ở đây thường hay xảy ra hiện tượng mất cân bằng. Khi các thành viên trong nhóm biết rằng các thành viên khác sẽ luôn ở đó và giúp đỡ họ, họ sẽ trở nên thoải mái và tự tin hơn khi quyết định gập laptop của mình xuống, ngưng thôi làm việc vào cuối ngày mệt mỏi, hay khi lên kế hoạch cho một chuyến nghỉ dưỡng và tận dụng PTO (chính sách nghỉ phép có lương) cho riêng mình.


Bởi khi họ nhận được sự quan tâm, họ sẽ luôn sẵn lòng, sẵn sàng làm việc hết sức để hoàn thành công việc khi được yêu cầu. Nếu một người đồng nghiệp cần thời gian nghỉ ngơi, thư giãn cho hoạt động du lịch nghỉ dưỡng hay các hoạt động cá nhân khác, những thành viên khác trong đội sẽ cùng nhau làm luôn phần việc mà người đó bỏ lại.

Ai trong chúng ta cũng đều xứng đáng để tận hưởng cho riêng mình một khoảng thời gian nghỉ ngơi, tránh xa khỏi công việc thường ngày. Có một người đồng nghiệp để giúp đỡ bạn, bảo ban bạn khi bạn cần nghỉ ngơi, chịu trách nhiệm với bạn cho việc thư giãn là tất cả những gì bạn cần trong lúc này.

8. Khuyến Khích Sự Đổi Mới

Một công ty chuộng tính đổi mới sẽ luôn nằm lòng tầm quan trọng của tinh thần đồng đội. Và rất hiếm khi, và có khi là chẳng bao giờ, sự đổi mới là sản phẩm của những ngày tự “giam cầm” trong phòng thí nghiệm của một nhà thiên tài nào cả.

Ông Keith Ayers, giám đốc của Công ty Integro Leadership Institute, đã phân vai trò của sự đổi mới ra làm 4 phần: sáng tạo, thúc đẩy, cải tiến và thực hiện.


Những người sáng tạo là những người trong đầu ngập tràn những ý tưởng. Trong mắt họ, không gì là không thể, ngay cả khi những ý tưởng đó không hề thực tế. Người thúc đẩy có nhiệm vụ thúc đẩy những ý tưởng trên, đảm bảo rằng chúng sẽ không gặp thất bại ngay giai đoạn đầu tiến hành. Người cải tiến là những người đảm nhiệm đào sâu vào ý tưởng: Họ sẽ liên tục đặt câu hỏi “nếu như” cho đến khi họ không thể hỏi được nữa. Và cuối cùng, người thực hiện tất nhiên sẽ chịu trách nhiệm biến những ý tưởng nằm trên giấy thành những sản phẩm ngoài đời thật. Đối với những người có tính tỉ mỉ và cẩn thận thì công việc này sẽ đòi hỏi mất khá nhiều thời gian để hoàn thành

Vài Dòng Tản Mạn Cuối

Tinh thần đồng đội không chỉ đơn giản là một thuật ngữ thông dụng và là một thuật ngữ được sếp của bạn ưu ái dùng liên tục. Ta có thể dễ dàng chứng kiến tầm quan trọng của tinh thần đồng đội, không chỉ ở các công ty thuộc Fortune 500, mà còn ở các khía cạnh khác trong cuộc sống, đó có thể là những mối quan hệ tốt đẹp giữa bạn bè và gia đình. Nếu không có tinh thần đồng đội, thế giới sẽ dường như không có các con đường an toàn để đi, cũng sẽ không có thực phẩm tươi để ăn, các thủ tục y tế phức tạp, và nhiều nhiều hơn thế nữa.

Tinh thần đồng đội chính là thứ giúp nhận biết đâu là một doanh nghiệp thành công. Và cuối cùng, không cần biết rằng bạn đang cố gắng hoàn thành thứ gì, nhưng hãy nhớ áp dụng từ khóa “tinh thần đồng đội” để luôn giành lấy chiến thắng, bạn nhé.

----------

Tác giả: Kimberly Zhang

Link bài gốc: 8 Reasons Why Teamwork Is Important at Work

Dịch giả: Âu Thị Hiền - ToMo - Learn Something New 

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: [Tên dịch giả] - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

138 lượt xem

lh-fulllh-x