[ToMo] Bạn Đã Hiểu Hết Về Giá Trị Bản Thân Và Cách Nhận Biết Giá Trị Bản Thân Chưa?
Trên mạng, có vô vàn bài viết nói về “self” (bản thân). Có thể bạn đã đọc vài bài trong số đó trước đây và tự hỏi liệu bài viết này có khác gì với những bài khác không.
Yêu thương bản thân, tôn trọng bản thân, cảm thông bản thân, quan tâm bản thân, và mọi các “ ... + bản thân” khác đều thật sự là những giá trị tuyệt vời và độc đáo để ta thấm nhuần. Nhưng khái niệm quan trọng trên hết vẫn là giá trị bản thân.
Giá trị bản thân là gì?
Giá trị bản thân được định nghĩa đơn giản là mức độ quan trọng mà bạn đặt lên bản thân. Nó là bức tranh cảm xúc quyết định cách bạn cảm nhận về bản thân khi so với người khác.
Giá trị bản thân là nền tảng của con người, và nó điều khiển cách chúng ta nhìn nhận bản thân. Mọi thứ ta nghĩ, mọi cảm xúc ta cảm nhận, và thậm chí cách ta hành động đều là sản phẩm của những giá trị chúng ta gán ghép cho bản thân.
Giá trị bản thân vốn là một chủ đề nhạy cảm. Vì thế, dưới đây là một vài bước khuyến khích để bạn bắt đầu khám phá ra giá trị bản thân thật sự của bạn.
Lý thuyết về giá trị bản thân
Đối với nhiều người, ta chỉ cảm nhận được giá trị bản thân sau khi chiến thắng hay đang trong cuộc đua với người khác. Lý thuyết đưa ra là: Mục tiêu của một người là khám phá bản thân và sự khám phá này là sản phẩm từ những thành tựu của họ. Trong lý thuyết này, năng lực, lòng quyết tâm, cách bạn thể hiện, và lòng tự trọng là những yếu tố tiêu biểu.
Bốn yếu tố này kết hợp với nhau và giúp ta nhìn nhận bản thân. Dù lý thuyết này chỉ mang tính tương đối, nhưng liệu ta có nên xem trọng tầm quan trọng của những thành tựu để quyết định giá trị của mình không? Liệu có phải vượt qua người khác là cách duy nhất để khiến bản thân nhận thấy giá trị của mình không? Điều gì ảnh hưởng đến cảm nhận về giá trị bản thân của một người?
Nhân tố ảnh hưởng đến giá trị bản thân
Ngoài bốn yếu tố liệt kê từ lý thuyết trên, vẫn còn có những quy chuẩn khác được sử dụng để quyết định giá trị một người. Có rất nhiều thứ khác có thể cản trở một người trong việc nhận ra giá trị của mình. Đối với một số người, nguyên nhân có thể là do họ trải qua những sự kiện gây sang chấn thời thơ ấu, nhận con điểm kém, hay thậm chí bị bắt nạt.
Dưới đây là một vài cách định mức giá trị bản thân phổ biến:
Vùng tiếp xúc
Con người thường được đánh giá (hay tự đánh giá bản thân) thông qua số lượng người thành đạt mà họ thân thiết hay quen biết.
Bề ngoài hữu hình và vô hình
Ta thường đánh giá một người dựa trên vẻ bề ngoài của họ như cách họ ăn mặc, cách họ nói năng, hay cách xã hội nhìn nhận họ.
Nghề nghiệp
Đây là một thước đo khác được sử dụng để đánh giá giá trị một người. Chẳng hạn, một người có thể khiếm nhã với một người phục vụ nhưng lại niềm nở với một bác sĩ, bởi vì họ cảm thấy bác sĩ thành đạt hơn người phục vụ. Vì thế, lựa chọn nghề nghiệp của một người có thể có ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực lên cuộc đời của họ.
Vật sở hữu
Đây là yếu tố phổ biến để đánh giá giá trị một người. Vật sở hữu có thể là bất kỳ thứ gì từ mức lương của bạn đến loại xe và số lượng xe bạn có. Nó thường là tài sản vật chất.
Thứ gì không phải là giá trị bản thân
Địa vị hay vật chất thật sự không bao giờ nên được dùng để định mức giá trị một người. Có rất nhiều những ngộ nhận về giá trị bản thân khiến con người đánh giá bản thân sai với sự thật.
Giá trị bản thân không phải là nghề nghiệp
Nghề nghiệp của bạn không ảnh hưởng đến giá trị mà bạn gán lên cuộc đời mình.
Có rất nhiều trường hợp những chuyên gia có kinh nghiệm và đã được đào tạo phải chịu làm những công việc chân tay bởi vì không ai thuê họ làm việc. Nếu việc làm những công việc ấy cũng không khiến họ đánh mất trình độ chuyên môn của mình thì tại sao giá trị một người lại được đánh giá qua nghề nghiệp của họ? Điều duy nhất nên được quan tâm là mức độ hài lòng khi làm công việc đó.
Giá trị bản thân không liên quan đến thành tựu của ta
Đạt được thành tựu là một điều tuyệt vời, nhưng bạn không nên để những điều bạn làm hay đạt được ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận tầm quan trọng của bản thân. Không một cái mác, bằng cấp, hay huy chương nào có thể thể hiện được giá trị của bạn.
Giá trị bản thân không phải là độ tuổi của ta
Tôi không định khiến mình nghe thật sáo rỗng bằng cách nói rằng độ tuổi chỉ là một con số, nhưng tôi muốn nói điều này: việc bạn còn trẻ hay đã già không ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng của bạn cho bất kì điều gì.
Bạn chỉ cần sẵn lòng và hết mình, thế giới sẽ nằm trong tay bạn.
Giá trị bản thân không phải là đường tình của ta
Rất khó để không cố cảm thấy bản thân tuyệt vời vì có người cảm thấy bạn tuyệt vời. Lỡ may họ rời đi thì sao?
Dù độc thân hay không, đừng nên xem một mối quan hệ là nền tảng để bạn định mức giá trị của mình.
Giá trị bản thân không phải là những con điểm của ta
Bạn có phải là người thông minh nhất lớp từ dưới tính lên không? Hãy nhớ rằng bạn cũng có giá trị như cậu học sinh toàn điểm A bởi vì bạn có năng khiếu riêng và có thể xuất sắc ở những thứ khác mà cậu học sinh toàn điểm A sẽ bị đánh rớt thê thảm.
Giá trị bản thân không phải là tình trạng sức khỏe của ta
Bạn có bệnh lý nào đang làm giảm sút tinh thần của mình không? Có thể nói rằng những người lạc quan thường phục hồi nhanh hơn, vì thế nên hãy luôn lạc quan.
Giá trị bản thân không phải là tình trạng tài chính của ta
Việc bạn giàu hay nghèo không nói lên con người bạn. Chừng nào bạn còn hài lòng và còn đầy đủ để sống tiếp, chừng đó không có gì để lo lắng cả.
Giá trị bản thân không liên quan đến sở thích của ta
Người khác có nghĩ bạn cổ hủ hay quá sành đời đối với thế hệ này không? Ý kiến của họ không quan trọng miễn là bạn chấp nhận bản thân mình.
Giá trị bản thân đâu chỉ có liên quan đến mình bạn!
Thứ thật sự là giá trị bản thân
Bạn có thể cảm thấy phần nào choáng ngợp khi nhìn bản thân “thật sự” của mình mà không đi kèm với tài sản, công việc mơ ước, bạn bè. Đối với một vài người, điều này có thể rất đau đớn, và họ sẽ làm bất kì điều gì ngoại trừ việc bước tới giai đoạn nhận thức này. Một người cũng có khả năng cao sẽ sợ việc trở nên có ý thức về bản thân.
Việc con người cảm thấy sợ hay đau đớn là một lẽ tự nhiên. Quá trình này rất cần thiết cho công cuộc khám phá giá trị bản thân và ta không nên né tránh nó. Trên mọi cảm xúc có vẻ như đau đớn là sự tự do trường tồn, và bước đầu tiên của hành trình này là ý thức bản thân. Đây chính là chìa khóa cho công cuộc tìm kiếm bản thân.
Ai cũng có một bức tranh tưởng tượng về người mà họ muốn trở thành. Đôi khi người ấy không phải là họ. Việc mang tham vọng và có mục tiêu cuộc đời là lẽ thường, nhưng đừng bao giờ để ước mơ của mình khiến mình từ chối bản thân. Hi sinh bản thân là kẻ thù của giá trị bản thân. Điều này lí giải cho việc cảm thấy đau đớn khi trở nên ý thức bản thân. Hầu hết sẽ không bao giờ muốn buông bỏ những quan niệm về bản thân và chấp nhận con người thật sự của mình.
Giá trị bản thân không phải là một thứ tồi tệ. Nó chỉ giúp bạn chấp nhận những nhược điểm và học cách tập trung vào ưu điểm của mình. Ta có thể chưa khám phá ra những ưu điểm đó, và chỉ tới khi ta ý thức được bản thân, ta mới có thể tìm ra chúng.
Nói về giá trị bản thân, bạn có thể là người bạn thân thiết nhất của mình hoặc cũng có thể là kẻ thù lớn nhất của mình. Nếu bạn cứ trốn tránh ý thức bản thân thì bạn sẽ chỉ trì hoãn tự do và khả năng hồi phục của mình. Giá trị bản thân chỉ thật sự được tìm thấy khi bạn hiểu hoàn toàn bản thân và những tiềm năng mạnh mẽ mà mình có.
Tầm quan trọng của giá trị bản thân
Điều tuyệt vời nhất khi nhận ra giá trị bản thân là việc thấy được những tác động thực tế của nó lên hành vi của bạn. Giá trị bản thân gây ảnh hưởng đến những điều bạn làm và những lựa chọn có ý thức của bạn. Bạn bắt đầu tránh bất kì điều gì có ảnh hưởng tiêu cực lên quan điểm của bạn về cuộc đời, và bạn trở nên cởi mở hơn với những thứ được tạo ra để giúp bạn trở thành một con người tốt hơn.
Giá trị bản thân là những điều bạn hài lòng ngay cả khi tất cả những thành tựu, tài sản và thứ bạn sở hữu bị cướp khỏi tay bạn. Giây phút bạn chạm đến cấp độ lành mạnh của giá trị bản thân, cuộc đời trở nên ý nghĩa hơn nhiều.
Cách để nhận ra giá trị bản thân
Cuối cùng bạn cũng ý thức được bản thân, nhưng bạn lại cảm thấy bản thân mình không tốt. Không có điều gì làm bạn cảm thấy phấn khích về bản thân. Bạn nghĩ rằng bạn chỉ là một người bình thường, đi qua cuộc đời mà không đem đến điều gì đặc biệt.
Bạn bắt đầu cảm thấy bản thân cần một sự công nhận từ việc xác định giá trị bản thân. Bạn muốn hoàn thành những nhiệm vụ hay thậm chí làm một bài kiểm tra để định mức giá trị bản thân. Bạn nên biết rằng giá trị bản thân đến từ bên trong trước tiên.
Để nhắc lại về đoạn đầu của bài viết này, giá trị bản thân là mức độ quan trọng bạn định ra cho bản thân; bởi chính bản thân bạn! Chỉ bằng việc có mặt trên cõi đời này, bạn đã có trọn vẹn rồi.
Tìm kiếm sức mạnh
Bạn có thể tìm thấy sức mạnh trong giá trị bản thân bằng cách tìm kiếm những phẩm chất nổi bật của mình. Những phẩm chất này sẽ là những nhắc nhở thường kì mỗi khi bạn bắt đầu cảm thấy mình không có đủ giá trị.
Những thứ nhỏ nhặt như một danh sách các năng khiếu bạn có, những điều khiến bạn nổi bật, những thử thách bạn đã vượt qua, cách bạn giúp đỡ người khác, và những suy ngẫm khác là những ví dụ về câu hỏi mà đáng ra bạn nên biết câu trả lời. Sức mạnh của bạn nằm ở những câu hỏi ấy.
Hiểm họa của việc gán ghép giá trị bản thân với đồ vật và con người
Việc mải mê tìm kiếm sự công nhận trong đồ vật và con người là một quyết định không lành mạnh. Bạn sẽ không bao giờ có cơ hội thấy một bản thân đầy tiềm năng và sức mạnh.
Việc tìm kiếm sự công nhận bên ngoài chỉ khiến bạn thất vọng. Bạn đã tự đặt mình vào một chuỗi thất vọng liên tiếp. Hãy đặt giá trị của mình vào bên trong bạn. Đó chính là chìa khóa để có một cuộc sống lành mạnh.
Cách để bắt đầu gia tăng giá trị bản thân
Sau khi biết được những thứ có thể bào mòn giá trị bản thân, giờ là lúc học cách gia tăng, củng cố và duy trì nó. Bạn có thể bắt đầu bằng việc tập trung vào những thứ từng khiến mình cảm thấy có giá trị và thay thế chúng bằng những hoạt động năng suất hơn.
Dưới đây là một vài ví dụ:
Đối với những ai tìm kiếm sự công nhận từ việc phải xuất sắc ở trường hoặc nơi làm việc:
Hãy dành chút thời gian để nghỉ ngơi khỏi những tài liệu dài dằng dặc. Hãy làm hoạt động ưa thích của bạn. Hãy học một kĩ năng mới, chẳng hạn như cách để chơi một nhạc cụ hay cách nhảy điệu salsa. Hãy đọc một cuốn sách lạ.
Đối với những ai tìm kiếm sự công nhận từ mạng xã hội:
Hãy dành chút thời gian không hoạt động trực tuyến. Hãy vui chơi với những con người “thật”. Hãy có những buổi đi dạo lâu và ý nghĩa. Hãy chú ý vào lời nói và hành động. Hãy thể hiện với người thân và bạn bè của bạn là bạn quan tâm đến họ. Hãy hiện diện bằng xương bằng thịt trước mặt mọi người. Hãy có mặt vì họ.
Trên hành trình nhận diện giá trị bản thân, đừng bao giờ so sánh mình với người khác. Khi so sánh mình với người khác, bạn đã tự cướp khỏi mình ý thức bản thân và chặn mình cơ hội thấy được những tiềm năng mạnh mẽ của mình. Việc so sánh chỉ giúp bạn định mức giá trị bản thân trên tiêu chuẩn của người khác. Vậy còn xây dựng những quy tắc của riêng bạn thì sao?
Theo thời gian, việc giải thoát mình khỏi gánh nặng đi kèm với việc không có giá trị bản thân cũng trở nên dễ dàng hơn. Làm những điều mình tin tưởng sẽ dễ hơn làm những việc mình không có niềm tin nào. Đừng bao giờ nghi ngờ quá trình này. Hãy trấn an bản thân rằng hành trình tìm kiếm giá trị bản thân sẽ là trải nghiệm quý giá nhất cuộc đời bạn.
Hãy xem những cách thực tế để tăng cường giá trị bản thân sau:
1. Lập một danh sách năng khiếu hoặc kĩ năng
Ai mà chẳng có điều gì đó tốt đẹp. Con người sở hữu và có thể học hỏi những kĩ năng phi thường.
Bạn có điều gì? Hãy đánh giá kĩ năng và năng khiếu của bạn.
Bạn có thể làm điều tuyệt vời gì mà không tốn một giọt mồ hôi? Khi đã xác định được khả năng của mình, hãy khiến cái ưu “đánh chết” cái nhược.
2. Tha thứ cho bản thân
Bạn phải tha thứ cho những khuyết điểm của mình. Hãy học từ những lỗi lầm trong quá khứ. Nếu bạn cứ cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ, bạn sẽ không bao giờ có được một cảm nhận giá trị bản thân lành mạnh.
3. Mạo hiểm
Lý do duy nhất bạn chưa làm gì tuyệt vời cho bản thân là vì bạn vẫn còn đang do dự liệu mình có nên làm nó không. Đừng bao giờ sợ mạo hiểm để trở thành một phiên bản tốt hơn của bạn. Hãy thôi việc nghi ngờ khả năng của mình và cứ làm đi.
Nếu bạn không thành công trong lần thử đầu tiên, bạn sẽ rút được kinh nghiệm khỏi thất bại vào những lần kế tiếp. Hãy đứng dậy và làm những điều tuyệt vời.
4. Yêu bản thân
Hãy chấp nhận bản thân. Nếu bạn có những phẩm chất xấu, hãy cải thiện nó để trở thành người tốt hơn. Đừng bao giờ phạm vào sai lầm là sống trong sự chối bỏ. Bạn sẽ chỉ trì hoãn tự do của mình.
5. Ở bên những người lành mạnh
Lành mạnh hấp dẫn lành mạnh. Thói quen lành mạnh có thể được lan truyền nhanh như những thói quen tiêu cực vậy.
Hãy hướng đến những sự thay đổi mà bạn muốn có. Hãy ở bên những người đã vượt qua những nghi ngại về bản thân và, giống như bạn, đang trên hành trình tìm kiếm giá trị bản thân.
Ai cũng nên sống một cuộc sống lành mạnh cả về thể chất, cảm xúc, quan hệ xã hội, tinh thần và nếu không muốn vậy, cứ việc định mức giá trị bản thân. Ta phải làm những bước này một cách có ý thức để xây dựng và phát triển khả năng quan tâm người khác và quan trọng hơn, là bản thân ta. Giá trị bản thân lành mạnh đem lại sự hài lòng bất tận và bền vững trong cuộc sống.
Suy ngẫm cuối
Việc bắt đầu mất dần bạn bè trên hành trình nhận ra giá trị bản thân cũng rất đáng để lưu ý.
Những người kém việc nhận ra giá trị bản thân sẽ tìm sự an ủi khi ở bên người khác và vì thế sự tự tin mới của bạn sẽ trở thành một mối đe dọa. Điều đó cũng không sao. Hãy đảm bảo quá trình trưởng thành của bạn tạo cảm hứng cho họ, nhưng đừng ngại giữ khoảng cách với những người không ủng hộ cho sự trưởng thành của bạn.
----------
Tác giả: Jacqueline T. Hill
Link bài gốc: What Is Self-Worth and How to Recognize Yours
Dịch giả: Lê Khánh Vân - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Lê Khánh Vân - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.
(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
2,398 lượt xem