Nguyễn Thị Nga@Kỹ Năng
tháng trước
[ToMo] Cách Cải Thiện Khả Năng Ghi Nhớ Cho Kỳ Thi
Khi nhắc đến các kỳ thi, một trong những thách thức lớn nhất đối với học sinh là ghi nhớ tất cả thông tin.
Bạn không phải là người duy nhất nếu từng ngồi làm bài kiểm tra và đột nhiên quên sạch mọi thứ.
Tin tốt là có những phương pháp đã được chứng minh giúp bạn ghi nhớ tốt hơn và làm bài thi hiệu quả hơn.
Hãy cùng khám phá những kỹ thuật tăng cường trí nhớ này, đồng thời phân tích cách hoạt động của chúng để bạn có thể tự tin hơn trong kỳ thi sắp tới.
Tại sao khả năng ghi nhớ lại quan trọng?
Khả năng ghi nhớ (memory retention) là khả năng lưu trữ và gọi lại thông tin.
Khi học cho các kỳ thi, ghi nhớ tốt không chỉ giúp bạn nhớ được các dữ kiện mà còn hiểu và vận dụng được những gì đã học.
Hãy tưởng tượng bộ não của bạn giống như một thư mục trong máy tính—nếu các ghi chú được lưu trữ một cách có tổ chức, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy chúng khi cần.
Nhưng ghi nhớ không chỉ là việc lưu thông tin. Nó còn liên quan đến việc bạn hiểu và tái hiện thông tin đó như thế nào.
Hãy hình dung thế này: nếu bạn cất giữ mọi thứ một cách lộn xộn, sẽ rất khó để tìm lại khi cần. Một chiến lược ghi nhớ hiệu quả phải bao gồm cả việc tổ chức tài liệu học tập và luyện tập những cách ghi nhớ hiệu quả.
Các kỹ thuật đã được chứng minh để tăng khả năng ghi nhớ
Dưới đây là một số kỹ thuật hữu ích giúp cải thiện trí nhớ và đạt kết quả tốt trong kỳ thi.
1. Gợi nhớ chủ động (Active Recall): Phương pháp tăng trí nhớ được khoa học chứng minh
Gợi nhớ chủ động là phương pháp cố gắng nhớ lại thông tin mà không nhìn vào ghi chú.
Thay vì chỉ đọc lại tài liệu, bạn hãy gấp sách lại và tự kiểm tra xem mình nhớ được bao nhiêu.
Tại sao hiệu quả: Phương pháp này khiến não bạn phải làm việc nhiều hơn, từ đó giúp ghi nhớ tốt hơn. Nó giống như việc tập thể dục cho cơ bắp—càng luyện tập nhiều thì trí nhớ càng mạnh mẽ.
Cách thực hiện: Sau khi đọc xong một chương, hãy viết ra mọi thứ bạn có thể nhớ mà không nhìn vào sách. Đừng lo nếu chưa hoàn hảo—việc này giúp bạn luyện kỹ năng gợi nhớ.
Ví dụ: Giả sử bạn vừa đọc về các nguyên nhân của Chiến tranh Thế giới thứ hai. Hãy gấp sách lại và viết ra tất cả các nguyên nhân bạn nhớ được. Sau đó, mở sách để kiểm tra xem bạn bỏ sót gì. Việc này giúp bạn phát hiện những điểm còn yếu và cải thiện trí nhớ.
2. Lặp lại cách quãng (Spaced Repetition): Giãn cách thời gian học
Lặp lại cách quãng là việc ôn lại những gì bạn đã học theo thời gian, thay vì nhồi nhét tất cả trong một lần.
Tại sao hiệu quả: Mỗi lần bạn ôn lại thông tin, não bộ sẽ củng cố các liên kết ghi nhớ, khiến việc ghi nhớ trở nên dễ dàng hơn. Đây được gọi là “hiệu ứng cách quãng” (spacing effect).
Cách thực hiện: Hãy ôn lại tài liệu mới ngay trong ngày bạn học, sau đó ôn lại vào ngày hôm sau, vài ngày sau nữa, và một tuần sau. Cách này giúp chuyển thông tin từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn.
Ví dụ: Nếu bạn đang học môn sinh học, hãy ôn lại chương về cấu trúc tế bào vào ngày bạn học, sau đó ôn lại hai ngày sau, và một lần nữa vào tuần kế tiếp. Điều này giúp bạn ghi nhớ lâu hơn.
3. Phương pháp ghi nhớ bằng mẹo (Mnemonic Devices): Lối tắt cho trí nhớ
Mnemonics là những công cụ giúp bạn ghi nhớ thông tin thông qua các mẫu, cụm từ, hoặc hình ảnh.
Ví dụ, bạn có thể nhớ các màu trong cầu vồng bằng cách dùng từ viết tắt ROYGBIV (Red, Orange, Yellow, Green, Blue, Indigo, Violet).
Tại sao hiệu quả: Phương pháp này giúp đơn giản hóa thông tin phức tạp bằng cách liên kết nó với điều gì đó quen thuộc hoặc dễ nhớ.
Cách thực hiện: Tạo các từ viết tắt, câu vần, hoặc hình ảnh trong đầu để nhớ những điều bạn cần học. Những mẹo này giúp thông tin "bám dính" trong trí nhớ.
Ví dụ: Để nhớ thứ tự các phép toán trong Toán học, bạn có thể dùng từ viết tắt PEMDAS (Parentheses – dấu ngoặc, Exponents – lũy thừa, Multiplication – nhân, Division – chia, Addition – cộng, Subtraction – trừ). Bạn cũng có thể nhớ bằng câu: “Please Excuse My Dear Aunt Sally” (dịch tạm: "Làm ơn tha lỗi cho người dì Sally đáng yêu của tôi").
4. Luyện tập kết nối thông tin (Elaborative Rehearsal): Liên hệ kiến thức mới với những gì bạn đã biết
Luyện tập kết nối nghĩa là bạn lấy thông tin mới và liên hệ nó với những kiến thức bạn đã có. Cách này giúp bạn hiểu sâu và ghi nhớ tốt hơn.
Tại sao hiệu quả: Càng nhiều mối liên hệ trong não với một thông tin nào đó, bạn càng dễ nhớ nó hơn. Giống như xây dựng một mạng lưới kiến thức.
Cách thực hiện: Nếu bạn đang học về quang hợp, hãy nghĩ xem nó liên quan thế nào đến các loài cây bạn từng thấy. Việc kết nối với thực tế giúp thông tin dễ ghi nhớ hơn.
Ví dụ: Khi học về các định luật chuyển động của Newton, hãy liên hệ với việc bạn đạp xe. Định luật thứ ba của Newton, “mỗi hành động đều có một phản ứng bằng và ngược chiều”, giống như khi bánh xe đẩy xuống mặt đất thì bạn được đẩy về phía trước.
5. Phân nhóm (Chunking): Chia nhỏ thông tin thành các phần dễ tiếp thu
Phân nhóm là phương pháp chia nhỏ thông tin thành các phần nhỏ hơn, dễ nhớ hơn. Thay vì cố gắng ghi nhớ mọi thứ cùng lúc, bạn hãy chia chúng thành các nhóm.
Tại sao hiệu quả: Trí nhớ ngắn hạn của chúng ta chỉ có thể lưu trữ một lượng thông tin giới hạn. Phân nhóm giúp biến một lượng lớn thông tin trở nên dễ quản lý hơn.
Cách thực hiện: Khi học một chủ đề lớn, hãy chia nó thành những phần nhỏ. Ví dụ, trong một kỳ thi lịch sử, bạn có thể chia các sự kiện theo từng giai đoạn thời gian.
Ví dụ: Nếu bạn cần ghi nhớ một danh sách dài các từ vựng, hãy nhóm chúng theo chủ đề. Chẳng hạn, nhóm tất cả các từ liên quan đến động vật vào một nhóm và các từ về thực phẩm vào một nhóm khác.
6. Kỹ thuật Feynman: Dạy để học
Kỹ thuật Feynman là một cách để hiểu và ghi nhớ thông tin bằng cách dạy lại cho người khác bằng ngôn ngữ đơn giản.
Tại sao hiệu quả: Việc dạy lại buộc bạn phải phân tích và diễn giải thông tin một cách đơn giản nhất. Nếu bạn có thể giải thích dễ dàng, nghĩa là bạn thật sự hiểu.
Cách thực hiện: Hãy tưởng tượng bạn đang giải thích khái niệm cho một người bạn không biết gì về nó. Dùng những từ ngữ và ví dụ đơn giản.
Ví dụ: Nếu bạn đang học về trọng lực, hãy thử giải thích cho em nhỏ hoặc bạn bè bằng cách nói: “Trọng lực giống như một nam châm vô hình giữ chúng ta lại trên mặt đất.”
7. Sơ đồ tư duy (Mind Mapping): Trực quan hóa các mối liên hệ
Sơ đồ tư duy là các hình vẽ thể hiện cách các ý tưởng liên kết với nhau. Việc tạo sơ đồ tư duy giúp bạn nhìn thấy các mối liên hệ giữa các chủ đề.
Tại sao hiệu quả: Sơ đồ tư duy giúp ghi nhớ vì nó kết hợp cả logic, ngôn ngữ và hình ảnh trong quá trình học.
Cách thực hiện: Bắt đầu với một ý chính ở giữa trang và vẽ các nhánh nối đến các chủ đề phụ có liên quan. Dùng màu sắc và hình ảnh để tăng sự sinh động.
Ví dụ: Nếu bạn đang học về Chiến tranh Thế giới thứ nhất, hãy viết chủ đề chính ở giữa và vẽ các nhánh ra các mục như: nguyên nhân, các trận chiến quan trọng, nhân vật chủ chốt và hậu quả. Vẽ đường nối giữa các ý có liên hệ, ví dụ như vụ ám sát Thái tử Franz Ferdinand dẫn đến việc các liên minh quân sự được kích hoạt.
Mẹo để cải thiện sức khỏe trí nhớ
Cải thiện trí nhớ không chỉ liên quan đến các kỹ thuật học tập—sức khỏe của bạn cũng đóng vai trò rất quan trọng. Dưới đây là một số mẹo bổ sung giúp tăng cường trí nhớ:
Ngủ đủ giấc: Hãy đảm bảo ngủ từ 7–9 tiếng mỗi đêm. Giấc ngủ giúp não bộ tổ chức và lưu trữ ký ức. Nếu bạn đang ôn thi, hãy ngủ đủ vào đêm trước kỳ thi thay vì thức trắng. Ngủ đủ sẽ giúp bạn ghi nhớ những gì đã học.
Tập thể dục đều đặn: Hoạt động thể chất làm tăng lưu lượng máu đến não và giúp bạn học hiệu quả hơn. Một buổi đi bộ 30 phút hoặc chạy nhẹ cũng có thể giúp bạn cảm thấy tỉnh táo và nhớ lâu hơn.
Ăn thực phẩm tốt cho não: Những thực phẩm chứa omega-3 (như cá) và chất chống oxy hóa (như quả mọng) rất tốt cho trí nhớ. Hãy ăn một ít việt quất vào bữa sáng hoặc ăn cá hồi vào bữa tối trước một buổi học căng thẳng.
Giảm căng thẳng: Căng thẳng khiến bạn khó ghi nhớ thông tin. Hãy thực hành các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, thiền hoặc yoga. Trước khi học, hãy dành vài phút hít thở sâu để bình tĩnh và tập trung hơn.
Lời kết
Cải thiện trí nhớ là sự kết hợp giữa kỹ thuật học hiệu quả, chăm sóc sức khỏe và duy trì thói quen đều đặn. Hãy nhớ rằng, không phải học lâu là tốt mà là học thông minh mới quan trọng.
Bằng cách sử dụng các kỹ thuật như ghi nhớ chủ động (active recall), lặp lại cách quãng (spaced repetition) và mẹo ghi nhớ (mnemonics), bạn đang cho bản thân cơ hội tốt nhất để ghi nhớ những gì đã học.
Hãy bắt đầu áp dụng một hoặc hai trong số các chiến lược này ngay hôm nay, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn khi bước vào kỳ thi.
Sẵn sàng để vượt qua kỳ thi? Hãy chọn một hoặc hai kỹ thuật để thử áp dụng vào kế hoạch học của bạn và xem trí nhớ của bạn cải thiện ra sao. Bắt đầu càng sớm, hiệu quả sẽ đến càng nhanh!
----------
Tác giả: Ruby Anamong
Link bài gốc: How to Improve Memory Retention for Exams
Dịch giả: Nguyễn Thị Nga - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Nguyễn Thị Nga - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.
(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
12 lượt xem