Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public4 năm trước

[ToMo] Cách Giải Thích Lý Do Nhảy Việc Trong Thư Xin Việc, Buổi Phỏng Vấn

Nếu bạn đang muốn tìm cách giải thích lý do bạn nhảy việc trong những lá thư xin việc hay những buổi phỏng vấn, thì đây chính xác là bài viết dành cho bạn.

Tôi sẽ cho bạn thấy tất cả những bước cần thiết để giải thích tại sao bạn lại đổi công việc, và thế là bạn vẫn có được công việc bạn mong muốn dù bạn đã từng nhảy việc lúc trước.

Đồng thời, chúng ta sẽ cùng xem qua lợi ích và bất cập của việc nhảy việc, và định nghĩa của hai từ “nhảy việc”. Từ đó, bạn sẽ biết rằng bạn có thể nhảy việc như thế nào để vẫn đảm bảo có được công việc tốt sau này.

Bây giờ thì hãy cùng bắt đầu nào!

Định nghĩa “nhảy việc”:

Những nhà tuyển dụng khác nhau sẽ có những định nghĩa cho riêng họ, nên không có một định nghĩa chính xác nào cho cụm từ này cả. Tuy nhiên, chúng ta có thể cùng xem cách mà đa số nhà tuyển dụng định nghĩa về cụm từ “nhảy việc”.

Nhìn chung, bạn sẽ được “gắn mác” cho một người là ứng viên hay nhảy việc khi bạn làm một công việc trong khoảng một năm đổ lại. Nói cách khác, đó là một phần định nghĩa về hai từ “nhảy việc”.

Thông thường, bạn vẫn sẽ có một đến hai “vé thông hành” trong sự nghiệp của bạn, (nó còn phụ thuộc vào thời gian bạn đã làm việc). Không phải công việc nào cũng thích hợp, nên nếu bạn đổi một công việc sau tầm một năm bắt đầu làm việc thì đó hoàn toàn là điều bình thường và rất dễ để giải thích.

Cùng lúc đó, nếu như bạn đã làm việc vài năm hoặc thậm chí là rất nhiều năm trong nghề, nhưng bạn chưa bao giờ đồng hành cùng một công ty quá hai năm, nó có thể khiến bạn trở thành một người nhảy việc.

Lấy ví dụ, nếu như bạn đã làm 3 công việc khác nhau kể từ lúc tốt nghiệp, và bỏ việc sau 15 tháng, 19 tháng và 12 tháng, thì điều đó có thể đem lại những ái ngại cho sự nghiệp của bạn, ngay cả khi ở mỗi công việc, bạn đều ở lại ít nhất 1 năm.

Vậy bây giờ, chúng ta hãy cùng tóm gọn lại định nghĩa về nhảy việc:

Thay đổi công việc khi chưa làm việc đến 1 năm, đặc biệt là khi bạn làm điều này nhiều lần.

Hay lịch sử công việc bạn đã từng đảm nhiệm bao gồm rất nhiều công việc khác nhau, nhưng bạn chỉ đảm nhiệm công việc đó trong tầm hơn 1 năm (và chẳng bao giờ qua đến năm thứ 2 cả).

Bây giờ bạn đã có định nghĩa về nhảy việc và cách thức bạn có thể tự cho bản thân một điểm trừ trong mắt nhà tuyển dụng nếu bạn nhảy việc không đúng cách. Dưới đây là cách để bạn giải thích về lý do nhảy việc của bạn cho nhà tuyển dụng trong thư xin việc và những thứ khác.

Cách Trình Bày Lý Do Nhảy Việc Trong Thư Xin Việc

Bạn đang nộp đơn xin việc và cần lý do hợp lý để giải thích cho những lần nhảy việc của bạn trong thư xin việc.

Nếu như bạn đã đọc về định nghĩa “nhảy việc” ở trên, bạn chắc sẽ biết được rằng liệu trường hợp nhảy việc của bạn có phải là một mối e ngại hay không. Nếu chẳng may đúng như vậy, có lẽ bạn sẽ muốn “chiếm thế thượng phong” và giải quyết hết những bất lợi này ngay từ thư xin việc.

Các bước để giải thích lý do nhảy việc trong thư xin việc:

1. Hãy tập trung vào khoảng thời gian nhảy việc nào có thể khiến cho nhà tuyển dụng để tâm về bạn.

2. Chủ động đề cập đến khoảng thời gian ấy trong thư xin việc của bạn, đồng thời đưa ra lý do để giải thích cho quyết định khi đó của bạn.

3. Lưu ý rằng, đừng bao giờ than vãn hay nói xấu người lãnh đạo của bạn như một cái cớ cho sự thay đổi công việc.

4. Hãy cố gắng thể hiện rằng việc bạn thay đổi vị trí trong công việc là để tìm kiếm thêm những cơ hội mới hơn và tốt hơn ngay khi có thể.

5. Hãy thẳng thắng và dùng từ ngữ một cách rõ ràng. Nếu bạn xin nghỉ việc vì công việc đó không suôn sẻ, hãy nói rằng, “Tôi chọn cách xin nghỉ việc bởi vì….”. Đừng nói rằng, “tôi bỏ việc” hay những cụm từ gây hoang mang khác.

6. Hãy kết thúc bằng cách thể hiện cho họ thấy những gì bạn muốn trong vị trí tiếp theo của bạn, và công ty của họ là những gì mà bạn cần. Họ sẽ không thuê bạn nếu như bạn không thể cho họ thấy những lý do thích đáng rằng tại sao bạn lại muốn vị trí đó tại công ty của bạn.

Một trong những phần khó nhất để giải thích lý do bạn nhảy việc trong đơn xin việc là cách dẫn vào và đề cập đến điều đó.

Sau đây là một cách để bạn có thể bắt đầu nói về vấn đề này: “Nếu như anh/chị nhìn vào hồ sơ cá nhân của tôi, anh/chị sẽ thấy tôi đã có vài lần chuyển công tác giữa những công ty khác nhau….”

Sau đó hãy đề cập ngay đến lý do: Tôi chọn nghỉ việc công ty XYZ vì….. Tôi nhận thấy vị trí trong công ty ABC….:

Tuy nhiên, giải thích một cách ngắn gọn với một đoạn văn ngắn 2 đến 3 câu hoặc ngắn hơn.

Đừng viết thư xin việc với hàng tá lý do cho việc bạn đổi công tác. Mục đích của việc này chỉ là giải thích ngắn gọn cho quyết định của bạn, để cho họ thấy sự chân thành và sẵn lòng giải thích thêm trong buổi phỏng vấn.

Đó là lời khuyên của tôi cho việc giải thích lý do nhảy việc trong thư xin việc.

Những lý do thích hợp để giải thích tại sao bạn chọn rời xa một người lãnh đạo

Bây giờ có lẽ bạn đang thắc mắc làm cách nào để biết liệu lý do bạn viết trong thư xin việc cho sự thay đổi công việc của bạn đã đủ “tốt”?

Dưới đây là vài ví dụ về những cách thích hợp để giải thích cho lý bạn nhảy việc nhưng vẫn làm hài lòng nhà tuyển dụng:

Người lãnh đạo cũ của bạn đã chuyển đi và môi trường làm việc bị thay đổi.

Vai trò của bạn đã bị thay đổi và nó không còn giống với vị trí ban đầu họ thuê bạn.

Bạn gặp những trở ngại trong công việc và không thể phát triển như ý bạn mong muốn.

Một cơ hội tốt hơn, hấp dẫn hơn mà bạn muốn nắm bắt (đa số những nhà tuyển dụng sẽ hiểu rằng đây là việc hết sức bình thường mà bạn có thể làm ít nhất 1 lần trong sự nghiệp của bạn).

Bạn gặp vấn đề cá nhân – ví dụ như phải chăm sóc thành viên trong gia đình, cần phẫu thuật gấp hay vấn đề ý tế, sức khỏe,…

Bạn lựa chọn ở nhà để nuôi dạy con nhỏ.

Đổi công việc để học cao hơn về ngành nghề của bạn.

Trên đây chỉ là vài ví dụ trong rất nhiều lý do mà bạn có thể đưa ra.

Cách giải thích “nhảy việc” trong buổi phỏng vấn

Nếu như bạn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giải thích lý do cho sự nhảy việc của bạn trong thư xin việc thì bạn sẽ được mời đến buổi phỏng vấn. Nhưng làm cách nào để trả lời những câu hỏi sâu hơn liên quan đến những lần nhảy việc của bạn trong một buổi phỏng vấn?

Trước hết, hãy đọc lại thư xin việc mà bạn đã gửi và đi thẳng đến câu chuyện của bạn.

Bạn sẽ không muốn nói thứ gì đó kỳ lạ hay khiến cho câu chuyện của bạn trở nên rối bời trong một buổi phỏng vấn đâu. Bạn cần phải 100% kiên định trong buổi phỏng vấn.

Và nếu như rất nhiều người phỏng vấn bạn, bạn cũng cần cho họ một câu chuyện duy nhất. Nên hãy chắc chắn rằng bạn biết chính xác những gì bạn viết trong thư xin việc TRƯỚC KHI bước đến buổi phỏng vấn, cho dù đó là phỏng vấn qua điện thoại hay phỏng vấn trực tiếp.

Tiếp đó, hãy thẳng thắng và có trách nhiệm với những gì bạn thể hiện.

Đừng tỏ ra bạn cảm thấy không thoải mái hoặc đang giấu diếm điều gì đó. Điều đó sẽ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy không thoải mái khi họ thuê bạn.

Mục tiêu của bạn trong buổi phỏng vấn là phải thật bình tĩnh giải thích những lý do bạn đã đề cập đến trong thư xin việc. Hãy cho họ biết thêm nhiều thông tin và giải thích về chính bản thân bạn đến khi nhà tuyển dụng tỏ ra hài lòng (nếu bạn không chắc chắn liệu câu trả lời của bạn đã khiến họ cảm thấy thoải mãn hay chưa, bạn có thể hỏi rằng “liệu những điều đó đã đủ để giải đáp thắc mắc của bạn chưa ạ, hay liệu tôi có nên nói thêm không ạ?”)

Cuối cùng, kết luận bằng cách cho họ thấy lý do bạn rất mong chờ vào vị trí này.

Hãy giải thích những gì bạn đang tìm kiếm bấy giờ với công việc của bạn, và bạn nhận thấy rằng tại sao công việc này thích hợp với khả năng của bạn và những gì bạn đang hướng tới trong sự nghiệp sắp tới của bạn.

Nếu như bạn tỏ ra không chắc chắn về những gì bạn đang hướng tới, hay không thể đưa ra lời giải thích rõ ràng về lý do bạn muốn công việc này thì họ sẽ không chọn bạn.

Lợi ích và bất lợi của việc nhảy việc

Bạn đã biết cách nhà tuyển dụng định nghĩa về nhảy việc, và cách giải thích về sự thay đổi công việc. Bây giờ hãy để tôi đề cập đến những lợi ích và bất lợi của việc nhảy việc. Bằng cách đó, bạn có thể đưa ra những quyết định đúng đắng nhất cho bản thân trong tương lai.

Chung quy lại, tất cả đều cần có sự cân bằng.

Là một nhà tuyển dụng, những người có đồng lương ít ỏi nhất mà tôi từng gặp là những người ở lại một công ty trong 15 đến 20 năm.

Nên đây không phải là biện pháp tốt.

Đồng thời, tôi cũng đã từng nhìn thấy những người chật vật tìm kiếm công việc sau khi làm việc ở 3 đến 4 công ty chỉ trong vòng 2 đến 3 năm.

Một khi bạn đã bị gán nhãn như là một người nhảy việc thương xuyên, thì rất khó để thoát ra khỏi cái nhãn dán đó. Nên tất cả đều cần có sự cân bằng và hòa hợp – thay đổi công việc vài lần nhưng đừng quá thường xuyên.

Sau đây là những lợi ích và bất lợi mà nhảy việc đem lại:

Lợi ích:

Cơ hội có thu nhập cao hơn. Bạn thường nhận được những cơ hội tăng lương khi thay đổi công ty (hơn cả khi công ty cũ của bạn tăng lương hàng năm cho bạn).

Bạn sẽ được trải nghiệm trong rất nhiều môi trường công việc khác nhau. Nó là một phần trong việc khám phá ra bạn thật sự thích gì là trải nghiệm làm những điều mới! Bạn không thể biết bạn thích hợp với điều gì hơn nếu bạn chỉ làm việc cả đời trong một công ty.

Nhảy công việc một hoặc hai lần tốt hơn là cứ chịu đựng những tình huống tồi tệ. Có thể bạn có một ông chủ tồi tệ cố gắng níu giữ bạn lại. Hay có thể bạn đang ở trong một môi trường làm việc độc hại. Tìm cách thoát ra thực chất tốt hơn nhiều so với gắn bó và chịu đựng đau khổ trong một môi trường tồi tệ.

Tạo nên nhiều mối quan hệ hơn. Nếu bạn làm việc trong nhiều công ty, bạn sẽ tiếp xúc với nhiều người hơn trong suốt sự nghiệp của bạn.

Bất lợi:

Khó khăn khi tìm việc mới. Ở một thời điểm nào đó, việc bỏ việc trở nên "quá nhiều" và sẽ làm cho người tuyển dụng lo ngại và lúc đó bạn khó có thể tìm được việc làm, hoặc ít nhất bạn phải bỏ ra rất nhiều nỗ lực để có được công việc mới.

Từ đó, bạn sẽ có nguy cơ trở thành một người biết mỗi thứ một ít (và một người chẳng rành rọt điều gì). Thử 3 công việc khác nhau trong 3 năm cũng không sao, nhưng bạn sẽ không xây dựng được kiến thức giống như những người chỉ đảm nhận một công việc duy nhất thông thường. Và điều này có thể ảnh hưởng xấu đến thu nhập của bạn nếu bạn tiếp tục làm việc này quá lâu.

Những mối liên hệ sâu sắc và bền vững hơn. Làm việc với cùng một ông chủ hoặc đồng nghiệp trong một thời gian dài sẽ xây dựng một mối quan hệ bền chặt hơn và khiến họ dễ giúp bạn (hoặc tiếp tục thuê bạn) sau này. Chất lượng các mối quan hệ của bạn thường quan trọng hơn số lượng.

Nếu bạn đọc đến đây, thì giờ đây bạn biết cách giải thích cho các nhà tuyển dụng về việc nhảy việc, cộng với những ưu điểm và khuyết điểm của việc nhảy việc về lâu dài. Điều này sẽ giúp bạn có việc nhanh hơn và cảm thấy tự tin hơn khi đưa ra quyết định.

------

Tác giả: Biron Clark

Link bài gốc: How to Explain Job Hopping in Cover Letters, Interviews and More

Dịch giả: Nguyễn Ngọc Anh Thư - ToMo - Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Nguyễn Ngọc Anh Thư - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

330 lượt xem

lh-fulllh-x