[ToMo] Chữa Lành Từ Nỗi Hổ Thẹn: Làm Thế Nào Để Ngừng Cảm Thấy Mình Đã Thực Sự Sai Lầm
Có một
loại hổ thẹn đặc biệt được kích hoạt trong tôi khi tôi ở giữa những thành viên
trong gia đình. Đó là cảm giác xấu hổ khi tôi nhớ lại những ngày còn thơ ấu, cảm
thấy vô cùng tồi tệ vì đã trở thành một thảm họa của loài người. Một đứa trẻ tồi
tệ, vô dụng, ngu ngốc, và có lẽ, nếu tôi thành thật, thì nó còn hơn cả một nỗi
hổ thẹn.
Cảm
giác hổ thẹn trong người tôi gần giống như khi mình đang vừa bị đuối nước vừa bị
nghiền nát từ bên trong. Tôi cũng có một cảm giác buồn nôn kinh khủng về bản thân
tôi, giống như một chứng bệnh theo đúng nghĩa đen.
Để cố
gắng cứu bản thân khỏi bị chìm trong nỗi hổ thẹn, tôi có thể cố gắng làm thân với
người mà tôi đang nói chuyện. Làm cho mình có vẻ dễ chấp nhận hơn, tươm tất
hơn, ít ghê gớm hơn. Hoặc có thể trở nên lý trí và cố gắng giết chết cảm giác bên
trong mình bằng cách át đi giọng nói dường như đang kích hoạt những xúc cảm
trong tôi.
Những trải nghiệm này trở thành vòng xoáy hổ thẹn trong cuộc đời tôi. Nơi mà linh hồn thực sự của tôi, bất kể tính tự ái hay lòng tự trọng của mình, đã bị nghiền nát trong một hố sâu của khổ đau. Một lời nhắc nhở rằng tôi thực sự là một người tồi tệ và đáng khinh như thế nào.
Gia
đình là những vũng lầy đáng kinh ngạc trong việc kích hoạt cảm xúc. Những cảm
xúc bị kìm nén được sinh ra — từ việc đổ lỗi, cảm giác hổ thẹn, tội lỗi, phẫn uất,
giận dữ, thất vọng, v.v. — luôn âm ỉ, thỉnh thoảng bùng lên, bị ném vào nhau, làm
kích hoạt nhiều cảm xúc hơn.
Mặc dù,
gia đình thường là những người mà chúng ta khao khát nhận được sự chấp nhận và
yêu thương vô điều kiện nhất. Nhưng họ thường là những người cảm thấy khó trao
cho nhau những điều đó nhất.
Cuộc
hành trình của tôi với nỗi hổ thẹn đã kéo dài vì trong một thời gian dài, tôi
không biết phải làm thế nào với nó. Trong nhiều năm, tôi cảm thấy như thể tôi
đã chạm vào nỗi hổ thẹn trong mọi ngóc ngách của cuộc đời mình. Và nó có quá nhiều
góc ngách.
Trong
công việc của mình, tôi đã đấu tranh để được nhìn nhận, để trở thành người mà
tôi muốn trở thành và làm những gì tôi muốn.
Trong
các mối quan hệ của mình, tôi cố gắng giữ bình tĩnh vì tôi thấy xấu hổ khi là một
người phụ nữ béo lùn, không cuồng nhiệt, tự do và hấp dẫn.
Trong
các mối quan hệ bạn bè của mình, tôi thường là người bạn hữu ích, giúp giải quyết
vấn đề — bởi vì nếu là một con người bừa bộn, rắc rối tôi sẽ hủy hoại hình tượng
của mình trong mắt bạn bè.
Trong việc
nuôi dạy con cái, điều đó thật quá sức. Tôi không phải là một nữ thần điềm
tĩnh, ăn uống lành mạnh, năng động và kiên nhẫn. Tôi thiếu kiên nhẫn và mất tập
trung, và tôi sợ phải chơi với con mình.
Tôi sợ
hãi khi bị từ chối, bực bội với cảm giác bị mọi người lợi dụng, và lo sợ rằng sẽ
chẳng đi đến đâu trong cuộc đời vì chủ nghĩa hoàn hảo đã siết chặt lấy tôi khiến
tôi phải vật lộn trong việc bắt đầu bất cứ việc gì.
Bây giờ
tôi thấy rằng nền tảng của tất cả những điều này là nỗi hổ thẹn. Thật xấu hổ vì
tôi đã sai lầm trong cuộc sống ở nhiều mức độ, và thực sự, tôi đã không cố gắng
đủ nhiều. Nhưng khi tôi cố gắng hơn, cũng không có hiệu quả. Tôi sẽ mất đi động
lực, bị suy sụp và sau đó tôi muốn trốn một mình trong một căn phòng, nơi không
ai có thể nhìn thấy tôi.
Tôi thậm chí còn không nhận ra rằng điều đó thật đáng xấu hổ. Tôi nghĩ rằng mình chỉ tự ái, hay một chút ngại ngùng, cần phải chỉnh đốn lại bản thân. Tôi là một người cầu toàn. Tôi có tiêu chuẩn cao. Tôi muốn mọi thứ phải đúng.
Nhưng
bây giờ khi tôi đã biết nhiều hơn về các cảm xúc, tôi có thể thấy mình đã bị đắm
chìm trong nỗi xấu hổ. Hoàn toàn chìm đắm trong ý niệm rằng tôi đã làm sai tất
cả, và tất cả là lỗi của tôi.
Nỗi hổ
thẹn là mong muốn được trở nên vô hình, biến mất, không ai nhìn thấy.
Nỗi hổ thẹn là cảm giác muốn trốn tránh. Để
không bị dòm ngó. Bởi vì khi bị nhìn thấy có nghĩa là mọi người có thể thấy
chúng ta là ai dưới lớp vỏ bọc, thấy được chiếc mặt nạ mà chúng ta đang mang.
Nỗi hổ
thẹn thường sinh ra khi việc là chính mình trở nên không an toàn, thường là khi
còn nhỏ hoặc khi mọi thứ đang xảy ra xung quanh chúng ta mà chúng ta không hiểu,
cảm thấy không bình thường. Khi chúng ta cảm thấy chúng ta phải che giấu bản
thân hoặc nguồn gốc gia đình của mình. Khi cha mẹ chúng ta không cảm thấy thoải
mái khi được là chính họ, chúng ta sẽ thấy xấu hổ.
Điều
đáng xấu hổ là chúng ta không nhận ra có bao nhiêu thứ như vậy xung quanh mình.
Như Brené Brown nói, nó lớn lên từ những bí mật và phán xét. Hầu hết mọi người
không đi khắp nơi và nói, “Này, hãy nhìn vào nỗi hổ thẹn của tôi! Hãy đến xem
những kẽ nứt sâu thẳm, tăm tối đầy sai lầm và tệ hại trong tâm hồn tôi”.
Nhiều
người thậm chí không biết rằng trong họ có một nỗi hổ thẹn, vì nó ẩn dưới những
cảm xúc khác như tức giận, sợ hãi hoặc buồn bã.
Nhưng
dù nó đang lẩn trốn, dù chúng ta không thể nhìn thấy nó, nó vẫn có thể kiểm
soát cuộc sống của chúng ta như lực hấp dẫn điều khiển chúng ta trên trái đất
này. Chúng ta không nghĩ về lực hấp dẫn, nhưng lực hút của nó giữ chúng ta bám
rễ vào mặt đất. Nỗi hổ thẹn có thể làm theo cách tương tự, sức mạnh của nó quyết
định hành động và hành vi của chúng ta, kéo chúng ta đi theo hướng có lợi cho nỗi
hổ thẹn, nhưng không phù hợp với con người chân chính, có tinh thần tự do mà
chúng ta khao khát trở thành.
Nỗi hổ
thẹn phục vụ cho chính nó, và chỉ mình nó. Nỗi hổ thẹn không quan tâm đến mong
muốn của bạn về tính trung thực và bình tĩnh, thiền định, hòa bình, vui vẻ và tình
yêu cuộc sống. Điều đó nghe thật đáng sợ và đáng xấu hổ.
Nỗi hổ
thẹn muốn chúng ta tiếp tục nhỏ bé, ẩn mình và không chân thực. Điều đó nghe có
vẻ an toàn hơn.
Nó
không muốn chúng ta nhảy lên và nói, “Nhìn tôi này! Hãy nhìn tôi như một cá thể
độc lập, đang làm những điều mới mẻ và tuyệt vời!”
Nó
không muốn chúng ta được tự do, hạnh phúc và tràn ngập trong tình yêu và ánh
sáng.
Nó muốn giữ chúng ta an toàn bằng cách nhắc nhở ta rằng mình thực sự khủng khiếp như thế nào.
Nỗi hổ
thẹn là căn nguyên của rất nhiều thứ gây hại cho chúng ta — sự thiếu thân mật
trong các mối quan hệ của chúng ta, sự bất lực trong việc đạt được những gì
chúng ta muốn trong cuộc sống và có được những tình bạn thoải mái, chân thực và
cảm giác bế tắc trong công việc.
Nó có
thể được thể hiện qua cảm giác luôn bị từ chối, chìm trong giếng sâu của cảm giác
không xứng đáng, hét lên giận dữ như một cách để che giấu phản ứng xấu hổ, hoặc
nỗi hổ thẹn méo mó hay chứng sợ xã hội.
Nỗi hổ
thẹn là cơn ác mộng tồi tệ nhất trong danh sách những giới hạn luôn hiện hữu
trong cuộc sống của bạn.
Nỗi hổ
thẹn là nhà phê bình tồi tệ nhất khi phân tích hiệu suất của bạn trong mọi việc.
Lý do mà
nỗi hổ thẹn trở nên kinh khủng là vì nó không giống như cảm giác tội lỗi, thứ gợi
lên cảm giác về những điều chúng ta đã làm sai. Nỗi hổ thẹn lan tỏa rộng hơn thế
rất nhiều. Nỗi hổ thẹn là cảm giác rằng bản thân con người chúng ta đã xấu xa.
Trải
nghiệm sự xấu hổ là cách nói giảm nói tránh của một trải nghiệm khủng khiếp.
Làm thế
nào để chúng ta thoát khỏi nỗi hổ thẹn? Chà, nó không phải là một thứ có thể
nhanh chóng thay đổi. Đó là một quá trình, cần có thời gian và sự an toàn về mặt
cảm xúc.
Sự an toàn
về cảm xúc là sự nhận thức từ trong cơ thể, bộ não và hệ thần kinh của chúng ta
rằng cảm xúc là an toàn. Nhiều người trong chúng ta không có được sự an toàn về
mặt cảm xúc, vì vậy chúng ta chạy trốn, che giấu, kìm nén, phớt lờ và đánh lạc
hướng bản thân hoặc cố gắng đẩy mình ra khỏi cảm xúc bằng mọi cách. Khi còn trẻ,
nhiều người trong chúng ta đã học được rằng một số cảm xúc nhất định không an
toàn và nỗi hổ thẹn thường là một trong số đó.
Nhưng
để xử lý nỗi hổ thẹn, để giảm bớt sự hiện diện của nó trong con người và cuộc sống
của mình, chúng ta cần đưa nó ra ánh sáng. Chúng ta cần thể hiện nó với tình
yêu, sự chấp nhận và sự đồng cảm. Từng chút, từng chút một.
Một
cách hiệu quả để làm điều đó là chia sẻ những việc đáng xấu hổ nho nhỏ của
chúng ta với những người thân yêu và đáng tin cậy nhất của mình. Một khi sự xấu
hổ được thể hiện ra, nó sẽ biến mất! Chúng ta sẽ thoát khỏi nó.
Chúng
ta chỉ nói về sự xấu hổ của mình với những người mà chúng ta cảm thấy hoàn toàn
an toàn. Chúng ta không nói chuyện với những người mà ta cảm thấy không an
toàn. Không phải là một người lạ trên xe buýt, một người bạn luôn buôn chuyện với
mọi người, hay trong cuộc hẹn hò giấu mặt của bạn.
Bạn chỉ
cho phép mọi người tiếp cận với sự xấu hổ của bạn nếu họ đã cho bạn thấy rằng họ
hoàn toàn có trách nhiệm với lòng tin của bạn; nếu bạn có thể nói cho họ biết
những điều đó và họ sẽ không đổ lỗi hay đánh giá bạn (điều mà sẽ dẫn đến thêm một
trải nghiệm đáng xấu hổ). Họ đến với sự đồng cảm, chấp nhận và yêu thương.
Họ rất
tôn trọng khi bạn chia sẻ những bí mật sâu kín nhất của bạn với họ. Họ sẵn sàng
chịu trách nhiệm khi cần.
Và nếu chúng ta không có một người như thế trong cuộc đời mình thì sao? Đôi khi, khi chúng ta có quá nhiều nỗi hổ thẹn, thật khó để hình thành những kiểu mối quan hệ thân mật, dễ tổn thương và đáng tin cậy này. Nỗi hổ thẹn muốn khiến chúng ta xa lánh và tách biệt nhau. Đó là cách giúp chúng ta sống sót và an toàn, bằng cách không bao giờ cho ai biết chúng ta thực sự là ai. Bởi vì có lẽ đã một lần, cách đây rất lâu, chúng ta đã học được rằng sống là chính mình thì không an toàn. Và vì vậy chúng ta đã chọn một con đường an toàn hơn – trốn tránh.
Vì vậy,
trong khi chúng ta xử lý nỗi hổ thẹn, chúng ta có thể bắt đầu cuộc hành trình
này với chính mình. Nói với bản thân về những gì chúng ta thấy khi nghĩ về nỗi
hổ thẹn của mình. Hãy có những cuộc trò chuyện dịu dàng, hào phóng và yêu
thương với chính mình. Hãy viết hoặc ghi lại những hồi tưởng.
Và
chúng ta làm điều này khi biết rằng chúng ta có thể đồng cảm với chính mình.
Bởi vì
tất cả chúng ta đều biết những cuộc trò chuyện đó khi chúng ta chìm trong hố
sâu của sự xấu hổ và nói chuyện với chính mình rồi khiến nó trở nên tồi tệ hơn
- chúng ta càng thêm xấu hổ, phán xét nhiều hơn, cảm thấy tội lỗi hơn.
"Tại
sao tôi làm điều đó? Tại sao tôi lại ngủ với anh chàng đó/ không đi làm/ gửi bản
tóm tắt cho khách hàng đó muộn? Tôi biết tại sao - bởi vì tôi là một kẻ thất bại.
Tôi luôn làm những điều ngu ngốc như thế này. Lúc nào cũng vậy."
Đó
không phải là một cuộc trò chuyện đồng cảm.
Nỗi hổ
thẹn sinh ra từ những cuộc trò chuyện như thế.
Nỗi hổ
thẹn cần điều này:
"Tại
sao tôi làm điều đó! Không thể tin được! Ồ, giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy xấu hổ
vì đã ngủ với gã đó/ không đi làm/ gửi bản tóm tắt muộn cho khách hàng đó. Và nỗi
hổ thẹn này thực sự tai hại. Vì vậy, bạn biết gì không, hỡi nỗi hổ thẹn? Tôi sẽ
ở lại với bạn, cho bạn một chút tình yêu, một chút giúp đỡ, một chút dịu dàng,
bởi vì ôi, nỗi xấu hổ kia. Bạn thật là đáng thương."
Chúng
ta không thể làm giảm nỗi hổ thẹn bằng cách liên tục tự làm xấu mình.
Chúng
ta cũng không thể xóa bỏ sự xấu hổ bằng cách cải thiện bản thân. Bằng cách làm
nhiều việc hơn, trở thành hiện thân tốt hơn của con người chúng ta. Chúng ta chỉ
có thể xóa bỏ nỗi hổ thẹn bằng sự đồng cảm, yêu thương, chấp nhận và kết nối.
Đó là
viên thuốc mà chúng ta phải sẵn sàng nuốt. Rằng chúng ta xứng đáng được đồng cảm,
yêu thương, kết nối và chấp nhận.
Chúng
ta phải bắt đầu bỏ qua những gì mà nỗi hổ thẹn đang nói với chúng ta.
Lời
khuyên của Nỗi hổ thẹn là chúng ta chỉ nên dành phần đời còn lại của mình để cố
gắng trở thành người tốt hơn. Nhưng thành thật mà nói, chúng ta đã làm theo lời
khuyên đó trong suốt cuộc đời mình và hãy xem nó đã đưa chúng ta đến đâu — đến
nhưng nỗi hổ thẹn lớn hơn.
Vì vậy,
thay vì liên tục buộc tội bản thân, chúng ta hãy cố gắng làm gián đoạn vòng
xoáy hổ thẹn của mình bằng một chút tình yêu và sự đồng cảm?
Hoặc chúng ta hãy xác định rằng có thể đó chỉ là cảm giác chứ không phải dấu hiệu cho thấy chúng ta là người như thế nào? Hay là chúng ta cố gắng không tự trừng phạt bản thân với mỗi một lỗi lầm nhỏ.
Bước
thêm một bước trong việc yêu bản thân có nghĩa là xử lý những cảm giác hằn học,
phán xét và sức ảnh hưởng lớn từ nỗi hổ thẹn.
Nhưng
đó là việc có thể làm được. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra và tôi biết vì tôi
đã trút bỏ được rất nhiều nỗi xấu hổ khỏi bản thân mình trong vài năm qua.
Chúng
ta không cần phải bỏ rơi bản thân khi chúng ta thấy hổ thẹn. Chúng ta cần phải lấy
từng chút một, mỗi lần một ít, và đưa nó ra ngoài ánh sáng. Hãy chia sẻ với ai
đó, với chính mình, trở nên quen thuộc với nó, nhìn nhận nó, cảm nhận nó, chạm
vào nó — và lắng nghe nó.
Chúng
ta cần dành tình yêu thương và sự hỗ trợ cho nỗi hổ thẹn của chính mình. Dành
cho nó sự chấp nhận và thấu hiểu.
Đó là điều mà nỗi hổ thẹn của chúng ta đang khao khát, và khi chúng ta thay đổi cách nhìn về nó, chúng ta có thể bắt đầu thay đổi sức ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống của chúng ta.
----------
Tác giả: Diana Bird
Link bài gốc: Healing from Shame: How to Stop Feeling Like You’re Fundamentally Wrong
Dịch giả: ChamNguyen - ToMo -
Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc
về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là
"Dịch Giả: ChamNguyen - Nguồn: ToMo -
Learn Something New".
Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác
đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo -
Learn Something New để đọc
các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.
(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
197 lượt xem