Khiết Minh@Kỹ Năng
4 năm trước
[ToMo] Đừng Chỉ Làm Việc Chăm Chỉ, Hãy Làm Việc Thông Minh!
Chúng ta vẫn thường hay được bảo rằng phải hối hả mọi lúc cho đến khi kiệt sức. Song, dưới đây là quan điểm của tôi về cách làm việc chậm rãi và tại sao làm việc thông minh hơn không phải lúc nào cũng gắn liền với làm việc chăm chỉ hơn.
Hãy sử dụng triết lý làm việc chậm rãi để thực hiện công việc thông minh hơn, thay vì chăm chỉ hơn.
Đến thời điểm hiện tại, bạn có thể đã nghe đến định nghĩa "sống chậm" - một triết lý và trào lưu dành riêng cho nhịp sống thấu đáo và bền vững hơn.
Trong trào lưu sống chậm nói chung, có rất nhiều phạm trù con thuộc mọi lĩnh vực của đời sống từ ăn chậm, thời trang chậm (hay thời trang bền vững), cách giáo dục con từ tốn cho đến dòng tiền chậm và làm việc chậm rãi.
Lối sống chậm đang dần trở thành một trào lưu khá thời thượng và kết nối với tâm trí nhiều người thông qua xu hướng thẩm mỹ nhất định trên Instagram (chẳng hạn như vải lanh, màu sắc trung tính, giỏ đi chợ bằng rơm và đồ gốm thủ công). Tuy nhiên, trên thực tế, còn rất nhiều thứ liên quan đến trào lưu này hơn cả những gì diễn ra trước mắt.
Thế nào là sống chậm?
Cốt lõi của lối sống chậm rãi là trân trọng khoảnh khắc hiện tại hơn, sống trân quý tự nhiên hơn (như những thời khắc chuyển mùa và ảnh hưởng của điều này lên cơ thể chúng ta) cũng như cách cơ thể đòi hỏi được nghỉ ngơi.
Nói cách khác, sống chậm là việc đơn giản hóa và lựa chọn bình yên thay vì một cuộc sống hối hả.
Sống chậm còn có nghĩa là làm việc ít hơn nhưng hiệu quả hơn. Điều này có thể được hiểu là mua ít quần hơn nhưng lại chi tiêu nhiều hơn một chút cho những việc nhân đạo và có khả năng tồn tại lâu dài. Nó cũng có thể hiểu là dành nhiều thời gian hơn cho những bữa ăn và không chỉ đơn thuần xem nó là phương tiện để đạt được mục tiêu, mà là để thưởng thức và tận hưởng.
Blogger theo chủ nghĩa sống chậm kiêm tác giả cuốn Chasing Slow (Tạm dịch: Theo đuổi sự chậm rãi) - Erin Loechner đã viết một lời giải thích thế nào là sống chậm mà tôi rất yêu thích:
“Sống chậm là để kết nối, là vì cộng đồng; để nhìn thẳng vào mắt một nhân viên hướng dẫn người đi bộ qua đường khi ta nói lời cảm ơn họ; để dành thời gian giúp đỡ người phụ nữ tìm quầy bán ô liu giữa gian hàng số 9 trong siêu thị; hay để có không gian trong ngày nhằm chào đón một chuyến thăm ngẫu hứng từ những người hàng xóm và có một khoảng trống trong tâm hồn để mở rộng cánh cửa ngay cả khi phía ngoài hành lang chỉ là một mớ hỗn độn. Sống chậm là để chiêm nghiệm về cách chúng ta sống, cũng như tự đặt cho mình câu hỏi tại sao".
Sống chậm đặt các giá trị lên hàng đầu
Đối với tôi, sống chậm là lối sống được dẫn dắt bởi các giá trị của chúng ta và đặt những giá trị này lên hàng đầu, thay vì để sự tiện lợi, tốc độ hay lợi nhuận thuần túy đưa lối.
Sống chậm mời gọi chúng ta tạo nên cuộc sống tốt đẹp từ bên trong, thay vì một thứ chỉ có vẻ đẹp dựa trên những thước đo thành công bên ngoài.
Sống chậm còn gợi lên thông điệp rằng: Tôi muốn có một vài điều tốt đẹp và trân trọng chúng một cách sâu sắc, hơn là cố gắng có tất cả mọi thứ và sống trong trạng thái phấn đấu không ngừng và không bao giờ thấy đủ.
Sống chậm khuyến khích chúng ta biết thế nào là “đủ” - theo một cách tích cực
Điều này liên quan đến việc trau dồi nhận thức về thế nào là "đủ" đối với chúng ta.
Vậy, hướng tiếp cận cuộc sống này ảnh hưởng đến cách chúng ta làm việc như thế nào?
Liệu việc sống chậm lại và chọn không tham gia vào nền văn hóa luôn hối hả có tác động tiêu cực đến năng suất của chúng ta và cuối cùng đến tác động của chúng ta trên thế giới?
Câu trả lời ngắn gọn là không. Để chứng minh điều đó, đã có rất nhiều nghiên cứu thú vị về cách thức việc nghỉ ngơi có thể cải thiện tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề và năng suất của chúng ta.
Thế nào là làm việc chậm?
Nếu sống chậm nói chung là sống có chủ đích trong hành động, thì làm việc chậm là áp dụng cùng một cách tiếp cận này vào công việc của chúng ta.
Greg McKeown, tác giả của Essentialism: The Disciplined Pursuit of Less (Tựa Việt: Nghệ thuật theo đuổi sự tối giản) mô tả việc tiếp nhận công việc chậm chạp của anh ấy (mà anh gọi là "Chủ nghĩa tối giản") là “Học cách làm ít hơn nhưng tốt hơn để bạn có thể đạt được lợi nhuận cao nhất có thể trong mỗi khoảnh khắc quý giá của cuộc đời”.
Những người ủng hộ làm việc chậm cho rằng làm việc nhiều hơn (nhiều giờ hơn, ít nghỉ giải lao hơn, đa nhiệm giữa nhiều dự án khác nhau) không nhất thiết là làm việc tốt hơn. Trên thực tế, cách tiếp cận công việc chậm khuyến khích chúng ta làm việc thông minh hơn thay vì chăm chỉ hơn.
Nói một cách đơn giản, làm việc chậm là thừa nhận rằng bạn sẽ không thể làm tốt tất cả mọi việc, và do đó chọn nói "Không" với hầu hết mọi thứ để bạn có thể hoàn thành xuất sắc chỉ một số việc thực sự phù hợp với những mối ưu tiên hàng đầu.
Thay vì để những áp lực bên ngoài và những ưu tiên của người khác định hình cách chúng ta sử dụng thời gian và năng lượng, chúng ta cần quyết định điều gì quan trọng đối với bản thân.
Như Greg McKeown viết trong Chủ nghĩa tối giản: “Người theo thuyết tối giản biết rằng khi chúng ta từ bỏ quyền lựa chọn của mình, chúng ta trao cho người khác không chỉ quyền lực mà còn khả năng lựa chọn cho chúng ta”.
Tại sao nền văn hóa hối hả không thể bền vững?
Là một thực tập sinh của một tổ chức từ thiện môi trường lớn cách đây gần một thập kỷ trước, tôi đã bị ấn tượng bởi một điều mà giám đốc của tổ chức từ thiện đã nói với tôi khi giới thiệu tôi vào nhóm vào ngày đầu tiên:
“Giờ làm việc của chúng ta từ 9:00 sáng đến 5:00 chiều. Tôi hy vọng mọi người nên nghỉ trưa hợp lý và không ăn tại bàn làm việc, và nếu bạn thường xuyên làm việc muộn, điều đó cho tôi biết rằng bạn có quá nhiều việc hoặc có vấn đề với năng suất và sự tập trung”.
Thật không may, thái độ của ông ấy có vẻ cấp tiến vào thời điểm đó, và tận một thập kỷ sau điều này vẫn mang lại cảm giác trái với những quy chuẩn thông thường.
Sự thật là thế này: Khi bạn cố gắng làm quá nhiều và hiếm khi nghỉ việc, bạn chỉ đang đẩy bản thân đến một sự kiệt sức khủng khiếp.
Khoa học đằng sau sự hối hả khối ngừng
Theo Tổ chức Nghiên cứu Giấc ngủ, các nghiên cứu cho thấy rằng khoảng 19% người trưởng thành Hoa Kỳ không ngủ đủ giấc một cách thường xuyên; thiếu ngủ mang lại những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, tâm trạng, hiệu suất nhận thức và trí nhớ của chúng ta.
Trong cuốn sách của mình, Rest: Why You Get More Done When You Work Less (Tạm dịch: Nghỉ ngơi: Tại sao bạn làm được nhiều việc hơn khi làm việc ít hơn), Alex Soojung-Kim Pang - cố vấn tại Thung lũng Silicon (Thung lũng Silicon là phần phía Nam của vùng vịnh San Francisco tại phía Bắc California ở Mỹ. Ban đầu tên này được dùng để chỉ một số lượng lớn các nhà phát minh và hãng sản xuất các loại chip silicon, nhưng sau đó nó trở thành cái tên hoán dụ cho tất cả các khu thương mại công nghệ cao trong khu vực) lập luận rằng giải trí và nghỉ ngơi là những yếu tố quan trọng để làm tốt công việc và ông thách thức giả định của xã hội hiện đại rằng một tuần làm việc hơn 40 giờ là đủ tối ưu để đạt được năng suất.
Ông viết: “Chốn công sở ngày nay tôn trọng làm việc quá sức, mặc dù nó phản tác dụng và coi bốn giờ mỗi ngày là "thời gian lười biếng" mặc dù chúng tạo ra kết quả vượt trội”.
Thật vậy, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người sáng tạo sung mãn nhất thường có sản lượng tối ưu vào khoảng bốn giờ mà Alex Soojung-Kim Pang gọi là "làm việc sâu".
Phần còn lại của ngày làm việc có thể được dành để nghỉ ngơi và nạp năng lượng để chuẩn bị cho phiên làm việc sâu có hiệu quả cao tiếp theo, hoặc nhồi nhét những công việc không cần thiết khiến chúng ta bận rộn nhưng không thực sự có kết quả ngoài việc khiến bản thân mệt mỏi.
Ông cho rằng văn hóa làm việc hiện đại của chúng ta có nguy cơ mất đi sự hiểu biết về làm việc tốt có nghĩa là gì bởi vì ta coi trọng lượng thời gian dành cho một nhiệm vụ hơn chất lượng thực tế của đầu ra.
Thời gian hiếm khi tương đương với năng suất
Một nghiên cứu mà Alex Soojung-Kim Pang trích dẫn đặc biệt thú vị. Nghiên cứu được thực hiện vào những năm 1950 so sánh số giờ các nhà khoa học dành cho văn phòng với số lượng bài báo mà họ viết cho thấy rằng làm việc nhiều giờ hơn trước một thời điểm nhất định không những không làm tăng năng suất mà còn thực sự tác động tiêu cực đến nó.
Những người dành trung bình 10 đến 20 giờ mỗi tuần để làm việc xuất bản số lượng bài báo cao nhất, trong khi đó các nhà khoa học dành 25 giờ ở nơi làm việc không mang lại hiệu quả cao hơn so với những người chỉ dành 5 giờ.
Đồng thời, các nhà khoa học làm việc 35 giờ một tuần có năng suất bằng một nửa so với các đồng nghiệp của họ - những người dành 20 giờ làm việc một tuần.
Rõ ràng, cách chúng ta đo lường thành công và chất lượng, hiệu quả và tác động của công việc sẽ rất khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào mục tiêu, giá trị và dòng công việc của chúng ta.
Nhưng có một điều rõ ràng từ những nghiên cứu như thế này: Đã qua thời điểm mà lượng thời gian chúng ta dành cho công việc không tương đương với chất lượng hoặc năng suất, và nghe có vẻ phản trực giác, việc nghỉ ngơi có thể làm tăng sản lượng của chúng ta về lâu dài.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả các bằng chứng chứng minh điều đó, các ý tưởng về việc nghỉ ngơi giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn và tập trung vào ít thứ hơn thực sự nâng cao tác động của ta vẫn mang lại cảm giác đó là những lý tưởng cao cả. Trong một nền văn hóa trọng sự hối hả, dường như nói dễ dàng hơn rất nhiều so với thực hành.
Nền văn hóa này đã bình thường hóa việc đối xử với con người như máy móc, và nơi mà tình trạng làm việc quá sức (như làm việc nhiều giờ và ngay cả khi bị ốm hoặc được cho là đang đi nghỉ để trông đẹp mắt trước đồng nghiệp) đang ngày một tràn lan.
Làm thế nào chúng ta có thể thay đổi niềm tin vào lối làm việc hối hả bấy lâu nay? Sức mạnh của sự ảnh hưởng
Những người trong chúng ta có quyền ảnh hưởng đến văn hóa làm việc và gây áp lực lên các ngành, các nhà lãnh đạo mà ta đang tiếp xúc để họ phải lên tiếng về tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi và ủng hộ những thay đổi về văn hóa và chính sách.
Nếu chúng ta không làm điều đó cho chính mình, ta cần đấu tranh cho các bà mẹ đơn thân làm hai hoặc ba công việc để có một bữa ăn đầy đủ cho gia đình họ.
Điều này bao gồm các chính sách như nghỉ phép có lương, quyền chăm sóc sức khỏe, trợ cấp cho trẻ em, lương sinh hoạt tối thiểu, tăng lương và hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho những vai trò quan trọng và đầy thách thức.
Nó cũng có nghĩa là thực hiện những thay đổi về văn hóa mà tất cả chúng ta đều có thể ảnh hưởng — như bình thường hóa việc nghỉ phép, đề cập đến các cam kết của gia đình tại nơi làm việc và không trả lời email công việc khi chúng ta nghỉ ốm hoặc nghỉ phép.
Việc thiết lập và tuân thủ những ranh giới này không chỉ có tác động tích cực đến cuộc sống của chúng ta mà còn có tác động lan tỏa, truyền cảm hứng cho những người tiếp xúc với ta cũng làm như vậy.
Làm việc thông minh hơn, không phải chăm chỉ hơn: 7 bước để tiến hành cách làm việc chậm
Bây giờ có thể bạn đã hiểu được ý tưởng về làm việc chậm, nhưng làm thế nào để chúng ta thực sự áp dụng lý thuyết nghe có vẻ đáng yêu này vào thực tế đời sống công việc của mình?
Dưới đây là một số gợi ý để bắt đầu.
Bước 1: Xác định thành công bằng chính các định nghĩa của bạn
Miễn là bạn vẫn dựa vào các dấu hiệu thành công bên ngoài mà người khác hằng mơ ước thay vì lựa chọn và định nghĩa thành công thực sự có ý nghĩa như thế nào đối với bạn, công việc của bạn sẽ khiến bạn luôn cảm thấy trống rỗng và bạn sẽ không biết làm thế nào để phân biệt giữa “số ít trọng yếu và số nhiều tầm thường”, như Greg McKeown nói.
Thay vì làm cho bản thân trở nên không vững chắc và theo đuổi những ý tưởng hào nhoáng tiếp theo, hãy quyết định điều gì thực sự quan trọng với bạn và cách bạn đo lường các thành tích để có thể tạm dừng nhằm ghi nhận và ăn mừng khi khi đạt được chúng.
Bước 2: Làm rõ những ưu tiên hàng đầu của bạn
Bạn cần thừa nhận rằng, bạn không thể hoàn thành tất cả mọi thứ, thậm chí ngay khi bạn nghĩ rằng mình “có thể”, bạn hiểu ý tôi chứ?
Bạn có thể lựa chọn giữa việc làm cho bản thân trở nên không vững chắc và làm một công việc tầm thường hoặc kém cỏi về nhiều thứ hoặc trở nên lớn lao bằng cách chỉ cam kết thực hiện một vài điều quan trọng.
Đôi khi, chúng ta dường như cảm thấy như thể ta không có khả năng chỉ tập trung vào một hoặc hai thứ, nhưng chúng ta có thể học cách đẩy lùi điều này bằng một chút chủ ý.
Ví dụ, nếu sếp của bạn yêu cầu bạn đảm nhận các nhiệm vụ khác trong khi bạn đang làm việc gì đó, hãy lịch sự nói với họ những gì bạn đang làm và nói rõ rằng bạn cần phải tạm dừng việc đó để làm việc họ muốn bạn làm.
Yêu cầu cấp trên làm rõ ưu tiên hàng đầu của họ về khối lượng công việc của bạn và xem liệu bạn có thể đạt được cảm giác thoải mái và sự đồng cảm cho cả hai về cách khôn ngoan nhất để sử dụng thời gian của mình hay không.
Bước 3: Dừng lại thói quen làm việc đảm nhiệm
Nghiên cứu cho thấy đa nhiệm có ảnh hưởng khủng khiếp với công việc của chúng ta, tác động tiêu cực đến 40% năng suất, theo nhà sinh học phân tử John Medina.
Chúng ta thường đa nhiệm khi có quá nhiều công việc phải làm, hoặc không thể xác định việc cần ưu tiên hàng đầu. Điều đó cho thấy, việc xác định rõ ràng là vô cùng quan trọng.
Bước 4: Dành thời gian để suy ngẫm trong lịch trình của bạn
Greg McKeown là một người ủng hộ lớn cho việc lên lịch đúng lúc để suy nghĩ. Nghiên cứu của ông cho thấy hiếm khi mọi người làm được điều này, nhưng nó có thể mang lại hiệu quả to lớn cho chúng ta khi cố gắng giải quyết vấn đề.
“Bất kể bạn bận rộn thế nào, bạn vẫn có thể dành thời gian và kể cả không gian để suy ngẫm về ngày làm việc của mình,” Greg viết trong cuốn Essentialism (Tựa Việt: Nghệ thuật theo đuổi sự nghĩa tối giản).
"Jeff Weiner, tổng giám đốc điều hành của LinkedIn, chẳng hạn, lên lịch để trống hai tiếng trên thời khóa biểu của mình mỗi ngày ... Ban đầu, cảm giác đó giống như một sự buông thả, lãng phí thời gian. Nhưng cuối cùng, anh ấy thấy đó là công cụ năng suất chân thật và có giá trị nhất. Anh coi đó là cách để đảm bảo rằng bản thân phải có trách nhiệm trong ngày của chính mình, thay vì phụ thuộc vào nó".
Bước 5: Xác định kim chỉ nam hàng đầu thực sự của bạn
Khi bạn tự hỏi bản thân xem mục nào trong danh sách việc cần làm của bạn sẽ thực sự có tác động lớn nhất, bạn sẽ ngạc nhiên vì có bao nhiêu thứ không cần thiết và gây mất tập trung mà bạn có thể lược bỏ khỏi danh sách đó để giúp bạn chỉ tập trung vào làm một vài việc và thực hiện chúng một cách ổn thỏa.
Một ví cho điều này là sự dịch chuyển nội dung chậm trong tiếp thị, thứ khuyến khích mọi người suy nghĩ về việc dành nhiều thời gian hơn để tạo ra một phần nội dung dài được chăm chút cẩn thận như một bài đăng trên blog có thể đạt được lưu lượng truy cập tìm kiếm thường xanh (lượng truy cập thường xuyên, bền vững) theo thời gian.
Điều này khác rất nhiều so với tốc độ nhanh chóng của các bài đăng trên mạng xã hội — có thể thu hút sự chú ý, nhưng sau đó nhanh chóng bị chôn vùi trong bảng tin của mọi người.
Hãy tự hỏi bản thân nơi nào khiến năng lượng của bạn được sử dụng tốt nhất, sau đó tiến hành một số thao tác chọn lọc những điều trọng yếu nhất.
Bước 6: Đặt ranh giới
Hãy thực sự rõ ràng về thời gian làm việc của bạn — và ở cấp độ chi tiết hơn, về việc trả lời email trong hộp thư đến của bạn so với việc đang trong quá trình thực hiện một dự án chuyên sâu. Điều này không chỉ giúp bạn chủ ý hơn về thời gian làm việc mà còn giúp những người xung quanh tôn trọng thời gian của bạn hơn.
Bước 7: Tận dụng tất cả những ngày nghỉ lễ của bạn
Điều này nghe có vẻ không mấy thông minh, nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi nhiều người cảm thấy khó khăn thế nào để thực sự có được những ngày nghỉ phép có lương mà họ đáng ra được hưởng.
Là một người Anh làm việc ở Mỹ trong vài năm, tôi đã rất sốc khi phát hiện ra rằng công việc toàn thời gian của mình chỉ cho tôi 15 ngày nghỉ phép có lương một năm (bao gồm cả những ngày nghỉ ốm và nghỉ việc riêng), so với 28 ngày nghỉ phép được trả lương (không bao gồm những ngày nghỉ ốm) mà tất cả những người làm việc toàn thời gian được đưa ra theo tiêu chuẩn ở Vương quốc Anh.
Hơn hết, các đồng nghiệp người Mỹ của tôi không có thói quen sử dụng tất cả những ngày nghỉ có sẵn của họ.
Tôi ước điều này không cần phải nói, nhưng dành tất cả thời gian nghỉ lễ mà bạn được hưởng không đồng nghĩa với việc lười biếng — điều này sẽ chỉ giúp bạn trở thành một người lao động khỏe mạnh, hạnh phúc hơn, năng suất hơn và sáng tạo hơn.
Tại sao làm việc chậm lại là tương lai
Một trong những điều thú vị nhất về làm việc chậm là tác động tiềm tàng mà nó có thể mang lại đối với sự đa dạng và tính toàn diện tại nơi làm việc của chúng ta.
Chỉ khi chậm lại ở nơi làm việc, chúng ta mới có thể thực sự đánh giá cao những đóng góp độc đáo mà những người khác nhau có thể tạo ra trong một môi trường làm việc đa dạng.
Chúng ta cần phải chậm lại để:
Thực sự phân biệt rõ ưu tiên hàng đầu của ta là gì
Đặt nỗ lực vào những ưu tiên hàng đầu
Ngừng việc cố gắng làm tất cả mọi thứ
Dành thời gian để công nhận và ăn mừng những thành công
Dừng thói quen chuyển sang việc tiếp theo một cách không ngừng nghỉ
Việc đánh giá khả năng cơ bắp vượt qua bệnh tật và các thách thức khác chỉ tạo điều kiện cho sự tiến bộ của những người có thói quen "vượt qua" hoặc thường xuyên thức khuya tại nơi làm việc để loại trừ những người không thể (hoặc ít có thể) làm điều này.
Nó cũng thất bại trong việc thừa nhận rằng mỗi người trong chúng ta cần quan tâm đến sức khỏe và hạnh phúc của mình ngoài nơi làm việc, bất kể chúng ta có thể chất và năng lực như thế nào.
Cho dù chúng ta gọi đó là làm việc chậm, chủ nghĩa hiệu dụng hay một cái gì đó hoàn toàn khác, thì nguyên tắc cơ bản vẫn giống nhau: Làm chậm lại và có chủ đích về thời gian làm việc của chúng ta, giữ cho bức tranh toàn cảnh tác động đến những gì chúng ta muốn có trong đầu và để các giá trị của chúng ta hướng dẫn công việc của ta là cách tốt nhất để làm tốt công việc, không chỉ đối với công việc bận rộn.
Một số nguồn tài liệu về sống chậm
Bạn muốn tìm hiểu thêm về cách sống chậm? Dưới đây là một số tài nguyên được đề cập thông qua phần này cũng như một số tài nguyên khác mà bạn có thể thích.
Các tựa sách về sống chậm
Essentialism (Tựa Việt: Nghệ thuật theo đuổi sự tối giản) - Greg McKeown
Chasing Slow (Tạm dịch: Theo đuổi sự chậm rãi) - Erin Loechner
Rest: Why You Get More Done When You Work Less (Tạm dịch: Nghỉ ngơi: Tại sao bạn làm được nhiều việc hơn khi làm việc ít hơn) - Alex Soojung-Kim Pang
Một số trang blog về sống chậm
Design for Mankind (Tạm dịch: Thiết kế cho nhân loại) - Erin Loechner
Less Less More (Tạm dịch: Ít, ít hơn và nhiều hơn) - Brittany
No Sidebar (Tạm dịch: Không có thanh bên tiện ích) - Becoming Minimalist (Tạm dịch: Trở nên tối giản) (biên tập bởi Caitie Wiersma)
Simply + Fiercely (Tạm dịch: Đơn giản + Quyết liệt) - Jennifer
----------
Tác giả: Sophie Caldecott
Link bài gốc: Work Smarter Not Harder—Why Slow Work is Good Work
Dịch giả: Trần Khiết Minh - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Trần Khiết Minh - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.
(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
103 lượt xem