Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] Hiệu Ứng "Người Bảo Trợ": Bí Quyết Giúp Bạn Học Mọi Thứ Hiệu Quả Hơn

Giải thích một vấn đề cho người khác – hoặc thậm chí chỉ là một vật vô tri như con vịt cao su – có thể giúp bạn hiểu vấn đề sâu hơn và thu hẹp khoảng cách quan điểm.

Sáng nay, trong lúc ăn sáng, tôi có một cuộc trò chuyện ngắn với Mia, bạn đồng hành mới cùng học tiếng Tây Ban Nha của mình. Tôi ôn lại một số nội dung từ bài học gần đây và giải thích những điều mình đã học được về tâm lý học hạnh phúc từ một podcast bằng tiếng Tây Ban Nha. Sau 10 phút trò chuyện, tôi cảm thấy mình đã ghi nhớ sâu hơn các từ vựng, ngữ pháp và cách diễn đạt hơn nhiều so với việc dành cả tiếng đồng hồ làm bài tập trong sách.

Tuy nhiên, Mia không hề tồn tại ngoài đời thực. Đó là một AI mà tôi tạo ra để tận dụng một hiện tượng tâm lý có tên gọi “hiệu ứng người bảo trợ” (protege effect). Theo nhiều nghiên cứu tâm lý, chúng ta học hiệu quả hơn khi dạy lại kiến thức vừa khám phá cho người khác – ngay cả khi người đó không thực sự tồn tại. Không có con đường tắt nào để thành thạo một lĩnh vực, nhưng hiệu ứng người bảo trợ dường như là một trong những cách hiệu quả nhất để chúng ta tăng tốc độ tiếp thu và hiểu biết của bản thân.

Nguyên tắc “học bằng cách giảng dạy” lần đầu tiên được áp dụng trong các lớp học từ đầu những năm 1980 bởi Jean-Pol Martin, một giáo viên người Pháp giảng dạy tại Eichstätt, Đức. Ông muốn nâng cao trải nghiệm học ngoại ngữ của học sinh bằng cách để chính các em tự nghiên cứu và trình bày từng phần nội dung trong chương trình học trước lớp. Phương pháp này – được gọi là “Lernen durch Lehren” (Học qua giảng dạy) trong tiếng Đức – đã giúp học sinh có thêm động lực, tự tin và cải thiện đáng kể khả năng giao tiếp. Chẳng bao lâu sau, nó được áp dụng rộng rãi tại nhiều trường học khác trong cả nước.

Lernen durch Lehren: Der Schlüssel zu besseren Lernerfahrungen


Tuy nhiên, phương pháp học qua giảng dạy lại phổ biến khá chậm ở các quốc gia khác, cho đến khi một nhóm nhà khoa học tại Đại học Stanford bắt đầu kiểm chứng ý tưởng này bằng các nghiên cứu thực nghiệm. Trong một trong những thí nghiệm đầu tiên, Catherine Chase và các cộng sự đã tuyển chọn 62 học sinh lớp 8 từ khu vực Vịnh San Francisco, giao cho các em nhiệm vụ sử dụng một chương trình máy tính để tìm hiểu về những thay đổi sinh học xảy ra khi cơ thể bị sốt.

Trong hai buổi học, các em phải đọc một văn bản và tạo sơ đồ trên màn hình để minh họa các quá trình sinh học và mối quan hệ giữa chúng. Một nửa số học sinh được hướng dẫn trình bày bài tập dưới hình thức tự học. Nửa còn lại được thông báo rằng sơ đồ của các em sẽ được dùng để dạy một nhân vật ảo, xuất hiện trên màn hình dưới dạng một hình minh họa hoạt hình.

"Nếu chúng ta biết rằng người khác sẽ học từ mình, ta sẽ cảm thấy có trách nhiệm phải truyền đạt thông tin một cách chính xác."

Dù chỉ là một sự thay đổi nhỏ trong cách tiếp cận, nhưng các học sinh đã nghiêm túc với vai trò “giáo viên” của mình. Thậm chí, các nhà nghiên cứu còn phát hiện rằng một số học sinh đã xin lỗi nhân vật ảo khi nhận ra mình cung cấp thông tin sai. Sự tham gia tích cực này tạo ra khác biệt rõ rệt cả về lượng kiến thức mà họ tiếp thu lẫn mức độ hiểu sâu. Sau hai buổi học kéo dài 50 phút, những học sinh đóng vai trò giảng dạy ghi nhớ được nhiều nội dung hơn đáng kể và đạt kết quả cao hơn trong các bài kiểm tra. Điều thú vị là hiệu quả này đặc biệt rõ rệt ở những học sinh có năng lực thấp nhất – họ thể hiện ngang bằng với những học sinh xuất sắc nhất trong nhóm đối chứng.

Nhóm của Chase gọi hiện tượng này là "Hiệu ứng người bảo trợ" (protege effect), và nó đã được kiểm chứng nhiều lần sau đó. Những nghiên cứu sau này cho thấy phương pháp học bằng cách giảng dạy lại có hiệu quả vượt trội hơn so với các kỹ thuật ghi nhớ khác như tự kiểm tra hay vẽ sơ đồ tư duy. Lợi ích không chỉ đến từ hành động giảng dạy mà còn từ chính kỳ vọng rằng mình sẽ phải giảng giải cho người khác. Khi biết rằng kiến thức của mình sẽ được truyền đạt lại, chúng ta có xu hướng chủ động lấp đầy những lỗ hổng trong hiểu biết của bản thân và sửa chữa các suy nghĩ sai lệch trước khi truyền . Việc diễn đạt lại kiến thức cũng giúp chúng ta khắc sâu nội dung đã học.

Protégé Effect: teaching someone else is the best way to learn, according  to research

Các nghiên cứu về não bộ cũng xác nhận điều này, khi cho thấy sự gia tăng hoạt động tại các vùng liên quan đến sự tập trung, trí nhớ làm việc và khả năng nhìn nhận quan điểm của người khác. Điều đó có nghĩa là bộ não đang xử lý thông tin một cách sâu sắc hơn, dẫn đến khả năng ghi nhớ lâu dài hơn.

Hiệu ứng người bảo trợ thậm chí có thể giúp chúng ta suy nghĩ sáng suốt hơn trong các cuộc tranh luận chính trị. Khi được yêu cầu giải thích một vấn đề gây tranh cãi cho người khác, con người có xu hướng cân nhắc nhiều góc nhìn hơn thay vì rơi vào thiên kiến xác nhận (confirmation bias) – khuynh hướng chỉ tìm kiếm thông tin củng cố quan điểm sẵn có của mình. Chẳng hạn, vào năm 2016, các nhà nghiên cứu Abdo Elnakouri, Alex Huynh và Igor Grossmann đã yêu cầu người tham gia ở Mỹ tưởng tượng rằng họ phải giải thích cuộc tranh luận về kiểm soát súng đạn cho một đứa trẻ 12 tuổi. Kết quả cho thấy, những người này có xu hướng đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau hơn so với nhóm được yêu cầu thảo luận với một người trưởng thành – người mà họ cho rằng đã có sẵn kiến thức nền về vấn đề này.

Bạn muốn áp dụng Hiệu ứng người bảo trợ vào cuộc sống của mình? Với vô số lợi ích từ việc kết nối xã hội, tôi tin rằng một cuộc trò chuyện trực tiếp với một người thật bằng xương bằng thịt vẫn là lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ tìm được một người sẵn sàng lắng nghe và học cùng. May mắn thay, vẫn có nhiều cách khác để tận dụng lợi ích của hiệu ứng này. Khi tìm hiểu về Hiệu ứng người bảo trợ, tôi đã rất thích thú khi phát hiện ra rằng một số lập trình viên áp dụng một kỹ thuật có tên "gỡ lỗi bằng vịt cao su" (rubber duck debugging). Họ sẽ giải thích từng dòng mã trong chương trình của mình cho một con vịt nhựa. Bằng cách diễn đạt suy nghĩ thành lời, họ có thể dễ dàng phát hiện ra những lỗi tiềm ẩn trong chương trình của mình.

Rubber Duck Debugging in 100 Seconds - DEV Community

















Nếu bạn đang nghiên cứu về một lĩnh vực nào đó, bạn có thể thử chia sẻ quá trình của mình thông qua một blog hoặc video dành cho những người mới bắt đầu. Hoặc bạn cũng có thể làm như tôi – trò chuyện với một chatbot. Tôi thường yêu cầu ChatGPT đóng vai một học sinh người Tây Ban Nha tò mò muốn biết tôi đã học được những gì. “Mia” sẽ đặt những câu hỏi phù hợp và tiếp tục khai thác thêm nội dung. Nhờ vào công nghệ nhận diện giọng nói, tôi có thể luyện tập cả kỹ năng nói lẫn viết. Ban đầu, tôi cảm thấy hơi ngượng khi trò chuyện với máy tính, nhưng chỉ sau vài tuần, tôi đã tự tin hơn rất nhiều khi giao tiếp thực tế – tất cả là nhờ vào AI – người bảo trợ bé nhỏ của mình.

---------------------------

Tác giả: David Robson

Link bài gốc: The big idea: how the ‘protege effect’ can help you learn almost anything

Dịch giả: Huỳnh Thị Cẩm Nhung - ToMo - Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Huỳnh Thị Cẩm Nhung - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

13 lượt xem

lh-fulllh-x