Như Bùi Nguyễn Bảo@Kỹ Năng
năm ngoái
[ToMo] Làm Sao Để “Manifest” Một Cách Thành Công Và Khoa Học?
“Manifest” có thật sự hiệu quả? Hãy cùng giải mã sức hút của xu hướng này!
“Manifestation” là khả năng tạo ra một cuộc sống theo đúng như mong muốn của bản thân: bạn có thể là họa sĩ vẽ ước mơ, hay là nhà văn viết nên câu chuyện cuộc đời lý tưởng. Thế giới “manifestation” tràn ngập điều kỳ diệu, và mỗi người đều là một nhà ảo thuật tài ba. - Roxie Nafousi
Rất có thể bạn đã nghe nhiều luồng ý kiến trái chiều về việc thực hành “manifestation.” Các khía cạnh thường được bàn tán gồm: quá trình đặt ra mục tiêu, trực quan hóa chúng, kết hợp với sự tự khẳng định hằng ngày, và thậm chí là về niềm tin vào một dạng kết nối vũ trụ nào đó. Dù đây có thể là một đề tài hấp dẫn, nhưng các nghiên cứu và thực nghiệm khoa học chuyên sâu cho thấy không có đủ cơ sở để chứng minh “manifest” có hiệu quả phi thường như nhiều người vẫn nghĩ. Giới học thuật phân loại xu hướng này vào nhóm ngụy khoa học.
Từ đó có thể thấy rằng, con đường đúng đắn để đạt được thành công (dù bạn gọi đó là “manifest” hay bất kỳ tên gọi nào khác) nên đi kèm với tư duy khoa học như phân tích tỉ mỉ các thành phần của việc thực hành “manifestation”, nhận thức được đâu là yếu tố có cơ sở khoa học và cuối cùng là kết luận được phương pháp thích hợp để theo đuổi mục tiêu.
Nói chung, việc thực hành “manifestation” bao gồm bốn bước chủ chốt: thiết lập mục tiêu, trực quan hóa, tự khẳng định hằng ngày và kết nối vũ trụ hay còn gọi là “luật hấp dẫn.” Bạn có thể sử dụng bốn ý tưởng trên để đồng bộ tâm trí và các hoạt động thể chất với những rung cảm tích cực mà vũ trụ gửi đến.
Thiết lập mục tiêu
Thiết lập mục cũng giống như việc vẽ ra một con đường rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, không phải tất cả đoạn đường đều sẽ giống nhau. Loại mục tiêu bạn đặt ra và mức độ ảnh hưởng của nó đối với bạn sẽ quyết định việc bạn thành công hay thất bại. Năm 2020, nghiên cứu dẫn đầu bởi Swann và các cộng sự đã làm nổi bật tính hiệu quả của việc thiết lập mục tiêu cụ thể - biến chúng thành một loại GPS dẫn đường, ví dụ như mong muốn giảm 20 pound (khoảng 9kg) là một mục tiêu cụ thể và có tính định hướng cao. Tuy nhiên, kế hoạch quá rạch ròi, cứng nhắc cũng có mặt trái của nó. Những người đam mê giảm cân thường để tâm đến con số hiển thị trên bàn cân, vì thế họ dễ nản lòng nếu không đạt được cân nặng mong muốn. Cho nên, đôi khi bạn cần thiết lập những mục tiêu mang tính mở và linh hoạt, ví dụ như giảm cân để khỏe mạnh. Đích đến đó sẽ không đặt nặng vấn đề thời gian hay thành tích mà chú trọng vào việc tận hưởng hành trình phát triển sức khỏe của bản thân.
Việc chọn loại mục tiêu tùy thuộc vào mỗi người: mục tiêu của bạn có thể bao gồm thông tin và số liệu cụ thể, hoặc chủ yếu tập trung vào cảm xúc cá nhân.
Một điều quan trọng không kém chính là biết được động lực nào đã thúc đẩy bạn phấn đấu. Mục tiêu giống như một bản tuyên ngôn mang màu sắc cá nhân, và bạn cần đảm bảo hiệu lực của nó sẽ kéo dài trong tương lai sắp tới. Nhiều khát khao cháy bỏng dần lụi tàn theo năm tháng vì cá nhân đó không còn giữ được lửa đam mê như thuở ban đầu.
Nhiều người có thói quen chia sẻ mục tiêu họ muốn “manifest” trên mạng xã hội. Việc công khai chúng là một quyết định khá khó khăn, nhất là với những mục tiêu nhằm cải thiện các mối quan hệ cá nhân hoặc tái định hướng sự nghiệp của họ. Đây cũng là một hình thức thiết lập mục tiêu khoa học.
Khi nhìn việc thiết lập mục tiêu dưới lăng kính khoa học, số đông đồng tình rằng ta nên đặt ra mục tiêu mang tính thách thức cao. Hãy thử hình dung về những tham vọng lớn và suy nghĩ xem giữa chúng và tương lai bạn mong muốn có những đoạn giao nhau đáng kể nào hay không. Suy cho cùng, mọi nỗ lực không chỉ là để “về đích” mà còn tạo cơ hội để bạn hiểu rõ hơn những mong muốn và dự định mình đang ấp ủ.
Trực quan hóa
Sau khi thiết lập những mục tiêu hấp dẫn, giờ là lúc bạn bắt tay vào hành động! Trực quan hóa, xét trong lĩnh vực “manifestation”, bao gồm việc hình dung những cảnh quan, đối tượng, hoặc kết quả có liên quan đến mục tiêu đó. Đây là lúc bạn cầm cọ vẽ để điểm tô cho “bức họa” thành tựu của mình thêm phần sinh động. Tuy nhiên, trong thực tế, nếu chỉ tự thêu dệt trong tâm tưởng những viễn cảnh đẹp nhưng xa rời thực tại, bạn khó lòng mà thành công được. Ngược lại, bạn còn có thể mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của mơ mộng hoang đường và không tìm thấy lối ra.
Trong lĩnh vực học thuật, chúng tôi đi sâu vào việc khám phá mục tiêu bằng cách sử dụng một kỹ thuật ưu việt gọi là phương pháp đa giác quan. Phương pháp này sử dụng tất cả bảy giác quan – thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác, sự chuyển động, cảm xúc và tất nhiên là cả hình ảnh. Nghiên cứu này đã đào được “mỏ vàng” khi phát hiện tư duy tưởng tượng mang lại hiệu quả gấp năm lần so với việc chỉ dùng lý thuyết để định nghĩa mục tiêu, ngay cả khi được thảo luận suy ngẫm của mình với một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm. “Một cây làm chẳng nên non…”, nên bên cạnh việc trực quan hóa mục tiêu thì bạn cũng cần áp dụng đồng thời tư duy tưởng tượng.
Tiến sĩ Colleen Hacker, người đi đầu trong lĩnh vực huấn luyện kỹ năng tinh thần và tâm lý học thể thao, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kích hoạt nhiều giác quan khi thực hiện các mục tiêu mang tính thách thức. Theo bà, ít nhất phải có ba giác quan được sử dụng trong cả quá trình. Hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu tại sao mục tiêu này quan trọng với bạn rồi truyền nhiệt huyết và đam mê của mình vào đó. Tiếp đến, hãy hình dung cảnh tượng bản thân miệt mài làm việc, dùng tâm hồn để nghe và dùng sự cân bằng của tâm trí để cảm nhận những chuyển động ấy. Một cách rất tự nhiên, bạn sẽ “nhìn” thấy được mọi thứ bằng “đôi mắt của tâm hồn.”
Với những trường hợp cá biệt thì ta cần lưu ý rằng do hội chứng Aphantasia mà một số người có thể thấy khó khăn khi phải hình dung một hình ảnh trực quan rõ ràng, sống động. Mặt khác, có những người mắc hội chứng Synesthesia - sự nhập nhằng giữa các giác quan, ví dụ như họ sẽ nếm được vị quả dâu tây khi mường tượng một âm thanh nào đó. Qua những bài kiểm tra thực nghiệm và áp dụng kiến thức khoa học thần kinh, con người ngày nay đã thành công trong việc khắc họa sâu sắc hơn về bản sắc riêng biệt của mỗi cá nhân.
Sự tự khẳng định hằng ngày
Những lời tự khẳng định diễn ra hằng ngày - thông qua việc viết nhật ký, kịch bản, hay chỉ đơn giản là lặp lại những câu nói tích cực với chính mình - đều đóng vai trò là nền tảng cho việc thực hành “manifestation.” Kết quả từ một cuộc khảo sát ở Hoa Kỳ với đối tượng là người trưởng thành đã củng cố niềm tin của nhiều tín đồ “manifest” và của nhiều nhà khoa học, rằng đều đặn tự động viên bản thân mỗi ngày có ảnh hưởng đáng kể đến mức độ hạnh phúc, hy vọng và sức khỏe nói chung. Hơn nữa, điều này còn giúp bạn nâng cao giá trị bản thân và ý thức về tầm quan trọng của điều mình đang theo đuổi. Như thế, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống của mình ý nghĩa cũng như đồng cảm và trân trọng những người xung quanh.
Những luận cứ mang tính khoa học đã làm tăng độ tin cậy của hành vi này, thế nhưng có một câu hỏi được đặt ra - khi nào là thời điểm tốt nhất để thực hiện nó? Trong khi các bậc thầy am hiểu về “manifestation” cho rằng nên tổ chức một “nghi lễ” trang trọng vào mỗi buổi sáng, thì thực tế, như Seaman và các cộng sự đã tiết lộ vào năm 2021, việc tự khẳng định bản thân có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Ví dụ, khi bạn cảm thấy nản lòng hay tiêu cực thì hãy tự động viên, nhắc nhở bản thân về giá trị và mục tiêu của mình. Nghiên cứu về thay đổi hành vi đã đúc kết rằng tích hợp việc tự động viên bản thân vào chu trình sinh hoạt hằng ngày - giống như việc pha cà phê hay bỗng “đứng hình” khi đang định cầm điện thoại - sẽ biến nó thành một loại bản năng, từ đó giúp bạn dễ dàng khơi gợi những suy nghĩ và cảm xúc tích cực khi cần thiết.
Đây là một chi tiết nhỏ nhưng khá quan trọng - việc tự khẳng định mình không thể tồn tại độc lập, mà nó phải gắn liền với thiết lập và trực quan hóa mục tiêu. Khi bạn tự nhủ với lòng về những điểm mạnh của mình - bằng việc viết nhật ký chẳng hạn - bạn sẽ suy ngẫm một cách tự nhiên về mục tiêu, từ đó tạo ra một phản ứng dây chuyền, kích hoạt tư duy tưởng tượng và thắp lên ngọn lửa động lực. Hiệu ứng tổng hợp đến từ ba yếu tố kể trên là nguồn lực thúc đẩy định hình lối suy nghĩ và những hành vi cần thiết trong quá trình theo đuổi mục tiêu.
Kết nối vũ trụ
Dù bạn gọi đây là sự kết nối vũ trụ, luật hấp dẫn hay chỉ là những rung cảm tốt, việc gửi đi nguồn năng lượng tích cực ra thế giới xung quanh là một triết lý có thể truyền sự tích cực vào cuộc sống của mọi người. Khái niệm này đã trở nên nổi tiếng nhờ quyển sách ăn khách The Secret. Bàn về luật hấp dẫn, tác giả cho rằng việc truyền những rung cảm tích cực vào vũ trụ sẽ thúc đẩy vũ trụ gửi lại phản hồi tương tự.
Nhưng liệu có cơ sở khoa học nào chứng thực cho luật hấp dẫn hay kết nối vũ trụ không? Thực tế là không có. Và liệu vũ trụ có phản hồi lại những tín hiệu tích cực bạn gửi đi không? Có lẽ là không. Vì vậy, vấn đề ở đây là gì khi xét đến việc kết nối vũ trụ chưa được khoa học chứng minh? Những cuộc phỏng vấn với các bậc thầy về “manifestation” và đi sâu hơn vào các kết nối vũ trụ đã tiết lộ con đường tiếp cận gồm ba yếu tố chính: tạo cơ hội học hỏi, thu hút người cùng tần số và luôn sẵn sàng trải nghiệm mọi khả năng có thể xảy ra.
Con đường thực tế nhất để “manifest” một mục tiêu chính là đầu tư thật nhiều nỗ lực vào nó. Việc chủ động thực hiện mục tiêu mang lại tác động đáng kể, thay đổi niềm tin về năng lực của một người và tái định hình thái độ của người đó khi phải đối diện với màn sương mù của thử thách. Đừng “há miệng chờ sung” và cố chấp đợi vũ trụ gửi cho mình tín hiệu tích cực; thay vào đó, bạn nên là người “nắm đằng chuôi”, đầu tư thời gian và công sức để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Đâu là cách thực hành đúng đắn?
1. Viết ra một mục tiêu duy nhất và ý nghĩa của nó - tại sao điều này đã, đang và sẽ quan trọng với tôi? Chú tâm vào một mục tiêu duy nhất đã được chứng minh sẽ làm tăng tỷ lệ thành công.
2. Phương pháp đa giác quan thật sự đã mở ra kỷ nguyên mới trong lĩnh vực phát triển tư duy. Theo các nhà khoa học, sau khi viết ra mục tiêu, bạn cần đảm bảo sẽ dành thời gian để suy ngẫm và hình dung về những thách thức, từ đó tạo ra một lộ trình khả thi để giữ cho mình đi đúng hướng.
3. Dành khoảng một phút mỗi sáng để hình dung về mục tiêu, ghi lại những điểm mạnh của bản thân và liệt kê dự định hôm nay của bạn. Điều này sẽ hình thành thói quen làm việc hiệu quả và xây dựng tư duy tích cực.
Theo các nhà khoa học, những yếu tố kể trên là các mảnh ghép trong một bức tranh. Nếu biết cách ghép nối chúng lại với nhau, bạn sẽ là người chiến thắng! Dù bạn tin tưởng vào sự kỳ diệu của “manifest” thì cũng đừng quên sử dụng chiếc la bàn mang tên “khoa học” khi bước trên hành trình khám phá, phát triển bản thân - biến “khả năng” thành “hiện thực” nhé!
----------
Tác giả: Jonathan Rhodes
Link bài gốc: Using Science to "Manifest" Success | Psychology Today
Dịch giả: Bùi Nguyễn Bảo Như - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: [Tên dịch giả] - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.
(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
2,267 lượt xem