[ToMo] Làm Sao Để Sống Đúng Với Bản Ngã Và Trở Nên Chân Thật Hơn
Mọi người lúc nào cũng nói: “Hãy là chính mình”, nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi điều đó có nghĩa là gì chưa? Sẽ thế nào nếu bạn không biết cách để là chính mình? Và khi bạn thậm chí còn không biết bản thân mình là ai thì làm thế nào để bạn không trở nên giả tạo?
Có thể bạn cho rằng những câu hỏi này là nguồn gốc cho các vấn đề của mình, nhưng thực ra không phải như vậy, việc bạn đặt ra những câu hỏi đó lại là một dấu hiệu tốt đấy. Nó thể hiện việc bạn đang chạy xa hơn rất nhiều so với những người khác - những người dành cả đời chỉ để chạy trốn những câu hỏi nhạy cảm này.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về việc khám giá bản thân, giúp bạn tìm ra lý do tại sao bạn cảm thấy mình đang sống không là chính mình, cũng như bạn có thể làm gì để tương tác một cách chân thật hơn với mọi người xung quanh.
Sống đúng bản ngã là như thế nào?
Sống đúng bản ngã bao gồm việc hiểu biết và thể hiện bạn là ai. Hiểu biết bản thân nghĩa là bạn hiểu rõ tính cách, phong cách giao tiếp, những thứ bạn thích và không thích. Nó cũng có nghĩa là bạn hiểu được những suy nghĩ, cảm xúc và khát vọng của mình. Thông thường, bạn cảm thấy bản thân “giả tạo” là khi lời nói và hành động của chính bạn không ăn nhập với những suy nghĩ, cảm xúc và niềm tin sâu bên trong.
Sau đây là một vài trải nghiệm phổ biến được những người cảm thấy họ không sống đúng bản ngã chia sẻ:
- “Tôi luôn mơ hồ không biết bản thân mình thực sự là ai.”
- “Tôi thường làm theo những gì người khác mong đợi hoặc yêu cầu tôi làm.”
- “Rất khó để tôi có thể bảo vệ được những niềm tin của mình.”
- “Tôi không thích sự thay đổi của mình khi có người khác bên cạnh hoặc khi tôi đang trong một mối quan hệ.”
- “Tôi đã cực kỳ cố gắng để hòa nhập và khiến mọi người thích tôi.”
- “Tôi quan tâm quá mức đến những gì người khác nghĩ về tôi."
Tại sao bạn cảm thấy mình sống không đúng bản ngã?
Cảm xúc này thường là kết quả của việc không biết bản thân là ai hoặc do bạn không thích bản chất thật sự của mình. Nếu bạn không biết bản thân mình là ai, thì bạn sẽ không bao giờ có thể phân biệt được sự “chân thật” hay “giả tạo’ của mình khi đối mặt với người khác. Còn nếu bạn không thích con người của mình, bạn sẽ tự ngộ nhận rằng mình thật dị hợm, và trở nên kiệt sức khi cố gắng trở thành một “phiên bản” khác với bản chất thật sự của bạn.
Khi bạn hiểu được những suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình, bạn sẽ dễ dàng biết được khi nào mình “sống thật” với mọi người và khi nào thì không. Việc tự nhận thức bản thân này rất thường xuyên xuất hiện trong các cuộc nghiên cứu về bản ngã của con người, nó cho thấy rằng việc hiểu rõ bản thân là bước đầu tiên cực kỳ quan trọng để có thể “sống thật” với người khác.
Đối với những người “sống thật”, họ sẽ có những mối quan hệ rất thân thiết cũng như cảm thấy hạnh phúc hơn, tự tin hơn và lành mạnh hơn những người chưa xác định được bản ngã của mình. Để sống thật hơn thì đây là một quá trình bao gồm: nhận thức về bản thân, học cách thích và chấp nhận bản thân, cũng như tương tác chân thật với mọi người xung quanh hơn. Sau đây là những hoạt động cũng như các chiến lược sẽ giúp bạn tìm thấy được con người thật của mình.
1. Tham gia các cuộc khảo sát để hiểu thêm về bản thân
Có hàng trăm câu đố được thiết kế để học hiểu về bản thân, và trong số đó có nhiều loại rất đáng tin cậy. Đó là các cuộc khảo sát được các nhà tâm lý học phát triển và sử dụng, chúng uy tín hơn những câu đố thông thường nhiều và cũng rất hiệu quả trong việc giúp bạn tự nhận thức rõ hơn về bản thân.
Sau đây là một vài nguồn khảo sát uy tín mà bạn có thể tham khảo:
- The Big Five là một trong những bài kiểm tra tính cách được các nhà tâm lý học sử dụng giúp bạn nhận dạng được các đặc điểm tính cách của mình.
- Core values quizzes có thể giúp bạn xác định xem các yếu tố cốt lõi nào có thể giúp bạn có một cuộc sống trọn vẹn và tràn đầy ý nghĩa.
- The Defense Style Questionnaire được xem như một công cụ giúp nhận dạng các cơ chế phòng vệ mà bạn đang sử dụng, bởi vì có thể chính những cơ chế này là lý do đang kìm hãm bản thân mình lại.
- The Young Schema Questionnaire là một bài kiểm tra tâm lý khác nữa mà bạn có thể sử dụng để mở ra những câu chuyện xưa cũ cũng như những niềm tin tiêu cực của bản thân - thứ rất có thể cũng là một trong những lý do đang bóp nghẹt bạn lại.
- Career quizzes sẽ giúp bạn xác định được những sở thích, điểm mạnh cũng như các khả năng của chính mình để giúp đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến nghề nghiệp.
- Những cuộc khảo sát chẳng hạn như PHQ-9 (về trầm cảm) và GAD-7 (về lo lắng) cũng được rất nhiều các chuyên gia tư vấn sử dụng để xác định các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm lý của bạn.
- Sử dụng thang đo “mức độ sống đúng bản ngã” để đánh giá mức độ “sống thật” của bạn với người khác.
2. Theo dõi những cảm xúc của bản thân để tìm ra vấn đề
Một cách khác giúp nhận thức bản thân rõ hơn là theo dõi những cảm xúc của chính mình. Hãy xem mỗi cảm xúc như những sợi dây liên kết dẫn đến các vấn đề của bạn. Mỗi lần bạn cảm thấy tức giận, sợ hãi, phấn khích hay khó chịu, là có nghĩa tất cả cảm xúc ấy đều đang cố gắng giao tiếp với bạn. Nếu bạn cố làm tê liệt hoặc lơ nó đi, hay thậm chí là ngay lập tức biến đổi nó để cảm thấy dễ chịu hơn, thì bạn sẽ không bao giờ có thể nhận được những thông điệp mà chúng đang cố gắng truyền tải đến.
Vì vậy lần tới, nếu bạn có phản ứng mạnh với một cảm xúc nào đó, thì hãy thử sử dụng các kỹ năng sau đây để thấu hiểu lý do tại sao cảm xúc ấy lại xuất hiện:
- Đặt tên cho cảm xúc (ví dụ: Cảm thấy xấu hổ khi bị nhận xét không tốt tại nơi làm việc)
- Xác định vị trí của cảm xúc đó trên cơ thể mình (ví dụ: Cảm giác buồn nôn xoáy trong dạ dày)
- Tiến sâu vào cảm xúc đó (ví dụ: Hít thở và cảm nhận cái cảm giác buồn nôn ở phần dạ dày đó)
- “Chạy” cùng cảm xúc đó (ví dụ: Theo sát cảm xúc buồn nôn đó cho tới khi nó giảm tốc độ và biến mất)
- Tìm ý nghĩa cho cảm xúc đó (ví dụ: Tự hỏi bản thân “Bị nhận xét không tốt ảnh hưởng rất quan trọng với mình sao?” và xác định rằng lý do cảm xúc này xuất hiện là vì bạn muốn hoàn thành tốt công việc và muốn thành công)
Bạn càng giao tiếp nhiều với cảm xúc của mình thì bạn sẽ càng hiểu rõ bạn là ai, bạn quan tâm đến điều gì, bạn cần gì và muốn gì. Có thể nói, những cảm xúc của bạn chính là các manh mối để tìm ra bạn là ai và điều gì là quan trọng đối với bạn (hay còn gọi là các giá trị cốt lõi của bản thân). Và khi bạn tiếp xúc được với những giá trị cốt lõi này, chúng sẽ giúp bạn kết nối tới bản ngã thật sự của chính con người bạn.
3. Sửa lại những "câu chuyện niềm tin" cũ
Như hầu hết tất cả mọi người, bạn có thể cũng có một tập truyện xưa cũ cho riêng mình chứ? Nơi bạn tự kể cho bản thân nghe về chính mình. Và các câu chuyện này chính là những niềm tin được bạn dùng để tạo nên bản ngã của mình, về những gì bạn có thể và không thể làm, hay bạn “nên” quan tâm tới những điều gì. Có rất nhiều câu chuyện trong số chúng được tạo ra từ thời thơ ấu nhưng vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đến quan điểm của bạn khi đã trưởng thành.
Vậy sau đây, hãy cùng xem một vài “câu chuyện niềm tin sai lệch” phổ biến có thể khiến cho mọi người bị kìm hãm:
- Các mốc thời gian: Bắt đầu sự nghiệp vào năm 25 tuổi, sau đó kết hôn và sở hữu một ngôi nhà vào năm 30 tuổi, và cuối cùng là có con vào năm 35 tuổi.
- Những kỳ vọng: Kỳ vọng trở thành bác sĩ, luật sư hoặc làm việc trong công ty gia đình.
- Những điều kiện: Tin rằng bản thân chỉ có thể hạnh phúc nếu (hoặc khi) đạt được một mục tiêu nhất định.
- Phải làm gì: Quy định về những gì bạn nên làm, nên trở thành, nên cảm thấy hoặc nên suy nghĩ.
- Những điểm yếu: Tin vào những điều bạn không giỏi hoặc không thể làm.
- Xấu hổ: Tin vào việc mình trở nên tệ hại, khác biệt hoặc câu nói “không bao giờ là đủ”.
- Những khác biệt: Tin vào việc bản thân không phù hợp hoặc không có điểm chung với người khác.
- Những quy tắc: Kỳ vọng về cách mọi thứ diễn ra hoặc không diễn ra, tin rằng làm việc chăm chỉ thì luôn được đền đáp, hoặc bản thân luôn bị đối xử bất công,……
Những câu chuyện niềm tin xưa cũ như thế này có thể kìm hãm bạn lại cũng như khiến bạn hình thành những quan điểm thành kiến đối với bản thân, từ đó làm bạn không thể nào nhìn rõ được con người thật của mình nữa. Nhận dạng và sửa đổi những “cốt truyện” sai lầm này là một cách tuyệt vời để nhìn thấu được những “bản ngã sai lệch” và giúp bạn kết nối tới “bản ngã thật sự” của mình. Và hãy đảm bảo rằng những “câu chuyện” mới của bạn phải là những câu chuyện giúp bạn thay đổi, phát triển và kết nối được với những người khác nữa nhé.
4. Tử tế nhiều hơn với bản thân
Càng tử tế và chấp nhận bản thân thì bạn sẽ càng sống chân thật với mọi người hơn. Nghiên cứu cho thấy rằng mọi người trở nên “sống thật” hơn vào những ngày họ có nhiều lòng trắc ẩn với bản thân hơn, điều đó chỉ ra rằng bạn sẽ dễ dàng sống đúng với bản chất của mình khi bạn thích và chấp nhận chính mình.
Bằng cách tử tế với bản thân và chấp nhận những gì còn thiếu sót cũng như những sai lầm và bất an của mình, bạn có thể sẽ không còn cần phải tốn thời gian để giấu nhẹm chúng với người khác nữa. Nó cho phép bạn tận hưởng và tương tác với người khác một cách tự nhiên và chân thật hơn. Không những thế, nghiên cứu cũng cho thấy những người có lòng tự trắc ẩn thường sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, tự tin hơn và có mối quan hệ với mọi người xung quanh tốt hơn.
Cũng hãy thử những bài luyện tập sau đây để có thể tự đối xử với bản thân tốt hơn:
- Thực hiện một trong những bài tập về lòng tự trắc ẩn chẳng hạn như viết một lá thư về lòng trắc ẩn với bản thân, hoặc học cách tự nói chuyện với bản thân như khi bạn nói chuyện với người thân.
- Xây dựng một thói quen tự chăm sóc bản thân như thường thời gian dành cho bản thân bằng cách thực hiện các hoạt động mà bạn cảm thấy thư giãn hoặc thú vị.
- Hãy biến những sai lầm của mình thành những “đòn bẩy” để học hỏi, phát triển và làm tốt hơn vào lần tiếp theo.
- Hãy tự viết cho bản thân “đơn xin phép” để trở nên kém hoàn hảo và ích kỷ hơn một chút, hoặc là “xin” làm điều gì đó tốt đẹp cho bản thân.
5. Suy ngẫm lại những điểm mạnh và điểm yếu của mình
Bạn có thể nghĩ rằng điểm mạnh và điểm yếu của bản thân là hai thứ đối lập, nhưng sự thật là chúng luôn luôn có mối liên kết với nhau đấy. Và thực ra thì điểm mạnh và điểm yếu của chúng ta cũng chỉ là những đặc điểm được thể hiện theo hướng có ích hay không có ích thôi. Hãy thử lập một danh sách các điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, sau đó suy ngẫm về mặt trái của từng ý đó.
Bạn có thể tham khảo các ví dụ sau về phân tích mặt trái để bắt đầu:
- Trung thực có thể là một điểm yếu nếu bạn quá thẳng thắn hoặc bộc trực, nhưng lại là một điểm mạnh giúp bạn trở nên chính trực hơn.
- Trung thành có thể trở thành một điểm yếu nếu nó khiến bạn phải đặt nhu cầu của người khác lên trước cả nhu cầu của bản thân, nhưng nó lại là một điểm mạnh giúp bạn nổi bật hơn về sự đáng tin cậy của mình.
- Nhạy cảm có thể là một điểm yếu khi bạn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi những lời nói của người khác, nhưng nó cũng là một điểm mạnh giúp bạn nhận thức rõ hơn về cảm xúc của chính mình và người khác.
- Tính kiểm soát có thể trở thành một điểm yếu khi bạn cố gắng kiểm soát những thứ ngoài tầm tay, nhưng nó lại là một điểm mạnh giúp bạn thận trọng hơn, có tổ chức hơn và khả năng quán xuyến được mọi việc (tất nhiên chúng phải là những việc trong tầm tay của bạn).
- Lười biếng có thể là một điểm yếu khi bạn quá trì hoãn, nhưng lại là một điểm mạnh giúp bạn trở nên thư thả, ung dung và dễ tính hơn.
Những điểm mạnh và yếu của bạn thực chất chỉ là những công cụ trong một “hộp dụng cụ” thôi. Một chiếc búa có thể giúp xây dựng mọi thứ, nhưng nó cũng dễ dàng trở thành một vũ khí nguy hiểm được dùng để chống lại chính bản thân mình. Điểm mạnh và yếu cũng tương tự thế, vì vậy, sẽ dễ dàng hơn khi bạn chỉ xem chúng như một loại công cụ và hiểu được những “sai sót” của mình, thì chắc chắn nó sẽ rất hữu ích cho bạn trong những tình huống cụ thể.
6. Ngừng giám sát và phán xét bản thân
Theo nghiên cứu, những người đang cảm thấy sống không là chính mình thường dành nhiều thời gian để giám sát, phán xét và chỉ trích bản thân. Bạn cũng có thể cảm thấy như vậy - một chiếc máy ảnh bên trong tâm trí bạn luôn luôn theo dõi và đánh giá mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của bạn. Và khi chiếc máy ảnh này bắt đầu quét xung quanh, bạn sẽ trở nên quá mức cẩn thận về mọi điều mình nói hay làm, và khiến bạn khó có thể chân thật được trước mặt mọi người.
Bạn có thể tự mình giải phóng chiếc máy ảnh đó bằng cách sử dụng các mẹo sau:
- Sự tập trung hướng ngoại: Lơ chiếc máy ảnh đó đi bằng cách dời sự chú ý của bạn sang đối phương. Cứ mỗi lần bạn thấy mình đang có nguy cơ phán xét bản thân trong đầu, thì hãy nhẹ nhàng bình tĩnh di dời sự tập trung trở lại lên đối phương.
- Sử dụng 5 giác quan: Thoát khỏi sự phán xét của bản thân bằng cách nhận thức rõ những thứ xảy ra xung quanh bạn hơn, tập trung vào các cảnh tượng, âm thanh, mùi, vị và những thứ bạn có thể cảm nhận được.
- Sự tỉnh thức: Tạo khoảng cách với những suy nghĩ vô nghĩa bằng cách tưởng tượng mỗi suy nghĩ trong đầu là một đám mây mà bạn chỉ có khả năng nhìn nó trôi đi thôi.
- Cho máy ảnh nghỉ ngơi: Hãy tưởng tượng bạn đang đi đến chiếc máy ảnh đó và nói “Mày đã làm việc rất chăm chỉ.…Ngày hôm nay hãy đi nghỉ ngơi cho khỏe đi”. Và cứ thế, mỗi khi bạn thấy nó bắt đầu rục rịch muốn hoạt động, hãy đến nhắc nhở nó rằng nó cần phải nghỉ ngơi.
7. Hãy ngừng cố gắng hòa nhập
Tác giả của cuốn sách bán chạy nhất kiêm nhân viên xã hội - Brene Brown - nói rằng hòa nhập có nghĩa là cố gắng trở nên giống người khác để được chấp nhận, thay vì trở thành bản ngã tốt nhất của bản thân. Và tất nhiên, đây hoàn toàn không phải là cách để bạn được sống là chính mình, hay khiến bạn thực sự cảm thấy mình được chấp nhận.
Mặc dù có những tình huống xã hội đòi hỏi bạn phải thay đổi để thích nghi, nhưng nó chỉ ở một mức độ nhất định nào đó thôi. Và hơn thế nữa, lý do khiến bạn không cảm nhận được sự chân thật của bản thân khi giao tiếp có thể là do bạn quá dễ thích nghi. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy bạn đang cố gắng quá sức để hòa nhập và không sống thật với chính bản ngã của mình. Vì thế, nếu bạn tập trung nhiều hơn vào sự chân thật của mình thay vì sự được yêu thích của người khác, thì việc trở thành chính mình sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
8. Phá vỡ những quy tắc
Nếu bạn đang mắc kẹt trong việc trở nên chân thật tại nơi làm việc hoặc với những người bạn vừa mới gặp, thì có thể là do bạn đang tuân theo một bộ "quy tắc" cứng nhắc cho các tình huống xã hội. Mặc dù những quy tắc này thường giữ bạn an toàn tránh sự hắt hủi, nhưng chúng cũng có thể trở thành một nhà tù và giam cầm bản ngã thực sự của bạn để không ai có thể xâm nhập vào.
Một số quy tắc xã hội phổ biến nhất đang giam cầm bạn khỏi sự chân thật bao gồm:
- Diễn tập trước mọi điều bạn nói: Thay vì luyện nói trước từng “câu thoại” cứng nhắc như vậy, hãy chỉ nghĩ sơ sơ kịch bản những điều bạn muốn nói thôi và tự tin nói những suy nghĩ chưa được lọc của bạn.
- Không nói về bản thân: Tất nhiên là bạn không cần phải chia sẻ quá nhiều về bản thân với những người bạn mới gặp, nhưng bạn cũng nên sẵn sàng chia sẻ một số thông tin cá nhân cần thiết về bản thân.
- Đồng ý với mọi thứ: Bạn có thể bị ép buộc phải đồng ý với mọi điều mà người khác nói, nhưng lúc đó hãy dũng cảm lên. Nếu bạn không đồng ý, đừng gật đầu hay mỉm cười và nói "chính xác!"; chỉ im lặng hoặc lịch sự nêu ý kiến của bạn thôi.
- Giữ vẻ ngoài lạnh nhạt: Hành động thờ ơ sẽ không giúp bạn thu hút bạn bè và trở thành nam châm hút người đâu. Trên thực tế, tư tưởng này có thể đẩy mọi người ra xa bạn hơn và thậm chí khiến họ cảm thấy lo lắng vì bạn.
- Sự giám sát bản thân: Chỉ tập trung vào mỗi bản thân có thể khiến bạn bỏ qua các tín hiệu giao tiếp xã hội. Điều này cũng có thể nuôi dưỡng sự lo lắng trong bạn và ngày càng khiến nó trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, hãy cố gắng cải thiện sự tập trung hướng ngoại vào đối phương hoặc môi trường xung quanh thay vì chỉ chăm chăm vào bản thân.
Khi bạn dựa dẫm quá nhiều vào những quy tắc này, cuộc trò chuyện của bạn có thể trở nên cực kỳ gượng ép hoặc khó xử. Hãy cố gắng phá vỡ chúng bằng cách “vi phạm” những quy tắc này, thoạt đầu bạn có thể sẽ cảm thấy rất đáng sợ, nhưng nó có thể giúp bạn sống đúng với bản ngã của mình và trở nên chân thật với mọi người hơn, cũng như giúp các cuộc trò chuyện diễn ra tự nhiên hơn.
9. Vô tư hơn
Bước cuối cùng để trở nên chân thật với người khác là thay đổi cách bạn tương tác với họ. Hãy cởi mở hơn, trung thực hơn và thể hiện đúng bản chất của mình khi nói chuyện trên mạng xã hội cũng như ở ngoài đời. Trở nên vô tư hơn có nghĩa là để cho người khác nhìn thấy thêm nhiều điều về bạn.
Bạn cho họ “cửa sổ cơ hội” để được nhìn vào tâm trí, cuộc sống và thậm chí là những cảm xúc của mình. Bạn có thể đã không nhận ra rằng bản thân đã dành bao nhiêu thời gian vô nghĩa cũng như những nỗ lực che giấu bản thân đã khiến cho mọi người xa lánh mình như thế nào, và thậm chí những điều này còn góp phần khiến bạn cảm thấy sống không còn là chính mình nữa. Vì thế, bằng cách cho phép mọi người được bước vào “bên trong” bạn, bạn sẽ cảm nhận được sự chân thực hơn khi giao tiếp, đồng thời tạo ra những cơ hội kết nối với mọi người một cách sâu sắc và tràn đầy ý nghĩa.
Bạn có thể trở nên vô tư hơn bằng cách:
- Cá nhân hóa: Hãy để mọi người nhìn thấy được những phần trong con người bạn mà trước đây bạn thường cố gắng giấu nó đi. Những thứ đó có thể là thông tin cá nhân về gia đình, bạn đến từ đâu, sở thích kỳ lạ của bạn hay thậm chí là khiếu hài hước kỳ quặc.
- Thể hiện mục đích của bạn: Khi bạn muốn một cái gì đó, có thể bạn sẽ nói vòng vo thay vì hỏi trực tiếp họ. Nhưng nếu bạn muốn kết bạn với ai đó, hãy thể hiện cho họ biết bằng cách nói chuyện với họ nhiều hơn, rủ họ đi chơi, hoặc thể hiện sự thích thú khi biết thêm nhiều điều về họ.
- Sử dụng mẫu câu “Tôi…”: Hãy thẳng thắn hơn với mọi người và sử dụng mẫu câu “tôi…” khi muốn nói lên cảm xúc hoặc suy nghĩ của mình, hoặc điều bạn đang muốn/cần,... sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc sống đúng với bản ngã của mình đấy. Ví dụ, hãy nói, “Tôi chỉ đang nghĩ…” hoặc “Tôi đang có cảm giác rằng…” sẽ như thể đang cho mọi người một lời mời chào mừng họ vào thế giới nội tâm của bạn.
Lời cuối
Sống đúng bản ngã là một điều quan trọng để có được hạnh phúc và hình thành nên các mối quan hệ ý nghĩa với người khác. Bằng cách chăm chỉ trong việc hiểu rõ bản thân hơn, yêu bản thân hơn và thay đổi những niềm tin tiêu cực cũ kỹ về bản thân, thì bạn hoàn toàn có thể có được sự tự nhận thức về chính mình. Và bằng cách cởi mở, thư thả cũng như để mọi người hiểu thêm về bạn, bạn cũng có thể tương tác với mọi người một cách chân thật hơn. Vậy khi nào bạn biết rằng mình đang sống đúng với bản ngã của mình? Là lúc bạn không còn cảm thấy giả tạo khi ở bên người khác, và là khi bạn không còn cố che giấu bản thân để có thể hòa nhập hay khiến người khác thích mình nữa.
----------
Tác giả: Hailey Shafir
Link bài gốc:
Dịch giả: Phạm Hoài An - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Phạm Hoài An - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.
(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
276 lượt xem