Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] Những Kỹ Năng Quan Trọng Trong Quan Hệ Công Chúng (PR) Và Cách Giúp Bạn Cải Thiện

Kỹ năng quan hệ công chúng được cho là rất cần thiết trong nhiều ngành nghề yêu cầu việc giao tiếp thường xuyên. Những kỹ năng này bao gồm: truyền thông tiếp thị, nghiên cứu và khả năng nắm bắt xu hướng của cộng đồng. Việc biết cách nâng cấp những kỹ năng này có thể giúp bạn trở thành một nhân viên sáng giá trong phòng truyền thông và marketing của công ty.

Bài viết này, chúng ta sẽ điểm qua một vài những kỹ năng quan hệ công chúng quan trọng nhất và cách bạn có thể cải thiện cũng như làm nổi bật chúng nhằm tạo lợi thế cho bạn.


Vậy những kỹ năng quan hệ công chúng là gì?

Kỹ năng quan hệ công chúng bao gồm rất nhiều loại khả năng và năng lực mà thường được xếp vào lĩnh vực truyền thông và marketing. Những kỹ năng này có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, từ việc giới thiệu sản phẩm hay dịch vụ mới đến quảng bá danh tiếng cho công ty. Trong hầu hết các trường hợp, những kỹ năng quan hệ công chúng giúp hình thành nên ý kiến trong cộng đồng, điều này là đặc biệt hữu ích khi công ty muốn làm mới thương hiệu của mình.


Ví dụ về kỹ năng trong quan hệ công chúng

Dưới đây là một số những kỹ năng mà những người làm trong lĩnh vực quan hệ công chúng thường phải có:

  • Kỹ năng giao tiếp

  • Kỹ năng truyền thông xã hội

  • Kỹ năng nghiên cứu

  • Kỹ năng quản lý thời gian

  • Sự sáng tạo

1. Kỹ Năng Giao Tiếp

Giao tiếp hiệu quả có thể giúp bạn sáng tạo ra những nội dung thu hút, hấp dẫn độc giả và việc khởi động những chiến dịch PR cũng sẽ có được hiệu ứng tốt hơn. Kỹ năng giao tiếp tốt giúp bạn làm việc nhóm cũng như trình bày ý tưởng hiệu quả hơn với đồng nghiệp.


2. Kỹ Năng Truyền Thông Xã Hội

Đa số hoạt động trong lĩnh vực quan hệ công chúng gắn bạn liền với những phương tiện truyền thông xã hội. Bạn phải hiểu được hành vi của đối tượng bạn hướng đến trên những phương tiện truyền thông đó, hiểu được điều gì thúc đẩy họ đưa ra quyết định và điều gì hấp dẫn họ. Bạn cũng cần phải thường xuyên cập nhật và nắm bắt các xu hướng truyền thông xã hội và nâng cấp chúng nhằm mang lại lợi ích cho khách hàng hay công ty của bạn. 

3. Kỹ Năng Nghiên Cứu

Nghiên cứu hẳn là một phần không thể thiếu của ngành PR. Biết được càng nhiều thông tin về khách hàng của bạn sẽ càng giúp ích cho bạn, và nghĩ ra ý tưởng làm thế nào để thu hút họ là điều quan trọng không kém. Việc nghiên cứu kỹ lưỡng có thể giúp bạn quyết định đâu là hướng đi hiệu quả nhất cho một chiến dịch và giúp bạn hiểu được những chi tiết mà có thể mang lại lợi ích cho khách hàng của bạn.

4. Kỹ Năng Quản Lý Thời Gian

Những chiến dịch PR thường gắn liền với yêu cầu về thời gian nghiêm ngặt. Với tất cả những việc bạn cần làm để vận hành và duy trì một chiến dịch, việc quản lý tốt thời gian là cực kỳ quan trọng. Việc quản lý thời gian hiệu quả như thế sẽ giúp bạn kiểm soát và làm chủ công việc và đạt được mục tiêu trong khi vẫn duy trì được mức độ chất lượng cần thiết.

5. Sự Sáng Tạo

Khả năng suy nghĩ sáng tạo là điều cần thiết cho một chiến dịch PR thành công. Mỗi tình huống PR là khác nhau, vì vậy bạn sẽ có thể áp dụng các phương pháp và kỹ thuật khác nhau để đối phó với từng kịch bản.


Làm thế nào để cải thiện kỹ năng quan hệ công chúng?

Quan hệ công chúng là một ngành phát triển nhanh, vì vậy bạn nên cải thiện kỹ năng của mình thường xuyên để duy trì tính cạnh tranh. Dưới đây là một số gợi ý về cách bạn có thể cải thiện kỹ năng quan hệ công chúng.

  1. Học các kỹ năng mới

  2. Nhận thức được xu hướng của ngành

  3. Thử các cách viết khác nhau

  4. Đặt mục tiêu cho sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp

  5. Tìm hiểu về mối quan tâm của khách hàng 

1. Học các kỹ năng mới

Công việc quan hệ công chúng có thể đặt bạn vào nhiều tình huống, trong quá trình đó bạn sẽ học được nhiều bài học quý giá. Hãy biến những tình huống này thành cơ hội để học các kỹ năng mới, trong đó một số kỹ năng bạn sẽ có thể áp dụng cho các chiến dịch khác trong tương lai.

2. Nhận thức được xu hướng của ngành

Bạn càng làm việc trong ngành PR lâu, bạn sẽ càng nhận thức rõ hơn về những gì người trong lĩnh vực của bạn đang làm. Hãy chú ý đến những người đang làm trong lĩnh vực của bạn, cũng như những gì đang diễn ra trong ngành công nghiệp lớn này. Sẽ có thể giúp ích cho bạn khi theo dõi các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội của các chuyên gia PR nổi tiếng và thường xuyên theo dõi các trang web hay ấn phẩm thương mại để theo kịp các xu hướng mới.

3. Thử các cách viết khác nhau

Hãy thử nghiệm các cách viết và văn phong khác nhau mà bạn có thể sử dụng khi giao tiếp với công chúng. Theo thời gian, bạn có thể thấy mình phát triển giọng văn riêng của mình và hầu như sẽ sử dụng lối viết đó trong các trường hợp, điều này có thể mang lại cho bài viết của bạn một dấu ấn cá nhân mạnh mẽ. Hãy thử dành một chút thời gian mỗi ngày để viết và giao tiếp với người khác để làm phong phú giọng văn của bạn và giúp bạn trở thành một chuyên gia PR linh hoạt hơn.

4. Đặt mục tiêu cho sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp

Để trở thành một chuyên gia quan hệ công chúng, việc đặt mục tiêu cho bản thân và phấn đấu để đạt được chúng là một chiến lược hiệu quả để cải thiện kỹ năng của bạn. Ví dụ: bạn có thể mong muốn sự tham gia nhiều hơn của khách hàng trong vài tháng tới hoặc tăng số lượt xem của một video cụ thể. Thiết lập các mục tiêu cá nhân và nghề nghiệp sẽ cho bạn động lực để tiến tới và giúp bạn đo lường sự tiến bộ của mình.

5. Tìm hiểu thêm về mối quan tâm của khách hàng 

Suy cho cùng thì công việc quan hệ công chúng chính là giúp khách hàng của bạn đạt được mục tiêu của họ. Cho dù họ đang tung ra một thương hiệu mới, tuyên bố một sự thay đổi trong định hướng của công ty hoặc nâng cao danh tiếng của công ty, vai trò của bạn là giúp họ đáp ứng các mục tiêu này một cách hiệu quả nhất có thể. Do đó, bạn nên luôn nỗ lực tìm hiểu nhiều nhất về khách hàng của mình và cách bạn có thể giúp họ hiện thực hóa mục tiêu của họ.


Kỹ năng quan hệ công chúng tại nơi làm việc

Có nhiều cách để bạn có thể sử dụng và phát triển các kỹ năng quan hệ công chúng tại nơi làm việc. Dưới đây là một vài ví dụ sử dụng một số kỹ năng quan hệ công chúng phổ biến:

  • Linh hoạt: Trở thành một chuyên gia quan hệ công chúng đòi hỏi bạn phải thích nghi nhanh chóng với hoàn cảnh thay đổi. Ví dụ: trong một chiến dịch quan hệ công chúng, trách nhiệm chính của bạn có thể là giới thiệu một sản phẩm mới. Mặt khác, nó có thể là để thông báo một sự thay đổi theo hướng của công ty. Bạn cần phải đủ linh hoạt để có hiệu quả như nhau trong cả hai vai trò.

  • Có sáng kiến: Tự tạo động lực là một khía cạnh quan trọng của công việc quan hệ công chúng. Bạn sẽ có thể nhanh chóng tìm ra cách bạn có thể mang lại lợi ích cho khách hàng của mình, cho dù bạn phải tìm hiểu về các chiến lược truyền thông mới hoặc nghiên cứu sâu hơn về ngành.

  • Làm việc nhóm: Các chuyên gia quan hệ công chúng hiếm khi làm việc một mình. Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ làm việc theo nhóm, trong đó có thể bao gồm các nhà nghiên cứu, nhà tiếp thị và những người khác có vai trò tương tự. Bạn cần có khả năng làm việc tốt với những người khác trong các tình huống áp lực cao để thực hiện chiến dịch hiệu quả nhất có thể.


  • Quản lý thương hiệu: Công việc quan hệ công chúng thường liên quan đến việc nâng cao danh tiếng của thương hiệu của công ty bạn. Bạn sẽ có thể tận dụng thế mạnh của thương hiệu và quảng bá chúng theo cách thu hút công chúng.

Làm thế nào để làm nổi bật các kỹ năng quan hệ công chúng?

Sau khi bạn đã phát triển các kỹ năng cần thiết để trở thành một chuyên gia PR hiệu quả, bước tiếp theo là làm nổi bật các kỹ năng này. Dưới đây là một số gợi ý để làm nổi bật các kỹ năng của bạn cho các nhà tuyển dụng tiềm năng:

1. Kỹ năng quan hệ công chúng trong hồ sơ lý lịch

Dưới đây là một số cách để làm nổi bật các kỹ năng quan hệ công chúng trong hồ sơ của bạn:

  • Quyết định các kỹ năng phù hợp nhất để trình bày. Lập danh sách các kỹ năng của bạn và lưu ý những kỹ năng phù hợp nhất với vai trò của một chuyên gia PR. Ví dụ như tập trung vào khả năng khởi động và duy trì một chiến dịch công hay các kỹ năng giao tiếp và tổ chức của bạn.


  • Áp dụng các kỹ năng của bạn trong các tình huống thực tế. Khi phác thảo các kỹ năng của bạn, hãy bao gồm các chi tiết về cách chúng được áp dụng như thế nào trong các tình huống cụ thể. Ví dụ, nếu bạn đề cập đến các kỹ năng giao tiếp thì hãy trình bày chi tiết cách các kỹ năng này giúp bạn tổ chức nhóm PR và khiến các thành viên tập trung vào nhiệm vụ của họ như thế nào.

  • Nhấn mạnh các kỹ năng gần đây nhất của bạn. Cố gắng thể hiện các kỹ năng mà bạn sử dụng gần đây. Điều này sẽ cho nhà tuyển dụng tiềm năng biết rằng bộ kỹ năng của bạn vẫn phù hợp với các tình huống hiện tại và bạn có thể duy trì mức độ chuyên nghiệp cao trong suốt công việc của mình.

2. Kỹ năng quan hệ công chúng cho một cuộc phỏng vấn

Dưới đây là một số bước bạn có thể thực hiện để thảo luận một cách hiệu quả về các kỹ năng quan hệ công chúng của bạn trong một cuộc phỏng vấn.

  • Đi sâu về kỹ năng của bạn. Trong cuộc phỏng vấn của bạn, hãy chuẩn bị để giải thích các kỹ năng bạn đã nêu trong sơ yếu lý lịch của bạn một cách chi tiết. Nhà tuyển dụng sẽ muốn biết rằng bạn có hiểu biết vững chắc về các kỹ năng cần thiết để trở thành một chuyên gia PR hiệu quả, vì vậy, hãy đảm bảo bạn có thể giải thích các khía cạnh khác nhau của các kỹ năng của mình và cách bạn có thể sử dụng chúng cho công ty.


  • Trình bày chi tiết những lợi ích thiết thực của kỹ năng của bạn. Trước cuộc phỏng vấn của bạn, hãy chắc chắn rằng bất kỳ kỹ năng nào bạn chọn để làm nổi bật có thể mang lại lợi ích hiệu quả cho công ty. Ví dụ kỹ năng tổ chức có thể hữu ích cho việc quản lý một chiến dịch PR dài hạn, trong khi kỹ năng viết có thể giúp bạn tiếp cận với độc giả nhiều hơn.

  • Bao gồm các kỹ năng liên quan khác. Bạn có thể sẽ muốn hỏi người quản lý tuyển dụng rằng liệu bạn có thể đề cập đến các kỹ năng khác liên quan đến công việc không. Mặc dù bạn có thể không nhất thiết muốn đưa các kỹ năng này vào sơ yếu lý lịch, nhưng đề cập đến chúng trong một cuộc phỏng vấn có thể giúp bạn tạo ấn tượng tốt. Ví dụ: có thể đề cập đến công việc tình nguyện trong một tổ chức xã hội hoặc kinh nghiệm của bạn với tư cách là biên tập viên của một tờ báo cộng đồng.

    ---------------------

    Dịch giả: Nguyễn Huyền - ToMo - Learn Something New

      (*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Nguyễn Huyền - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

        (**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

          (***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại:  https://bit.ly/ToMo-hiring.

          ----------------------------

          Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

          4,631 lượt xem

          lh-fulllh-x