Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] Tôi Ghét Sếp Của Tôi! Cách Đối Phó Với 7 Loại Hình Sếp Tệ Nhất

Nếu bạn đã từng gọi cho mẹ của mình sau một ngày dài làm việc và thốt ra những lời này - "Con ghét sếp của con" - thì bạn không đơn độc đâu.

Ghét là một động từ mạnh, vì vậy hãy nói rằng bạn không thích sếp của mình — có thể là vô cùng không thích. Điều tồi tệ nhất là bạn bị chèn ép, bị lợi dụng hoặc đơn giản là bạn không được lắng nghe ở nơi làm việc. Có một "ông chủ tồi" có thể khiến bạn cảm thấy mất động lực và nói thẳng ra là khá tuyệt vọng.

Những ông chủ tồi về bản chất gắn liền với sự không vui vẻ của nhân viên, doanh thu cao và chất lượng công việc tại nơi làm việc. Trong một nghiên cứu của Gallup State of the Workplace, một nửa số người được hỏi đến từ Hoa Kỳ đã bỏ việc tại một thời điểm trong sự nghiệp vì một người: đó là ông chủ tồi của họ. 

Tuy nhiên, bạn đừng vội chấp nhận thế.

Có một số cách nhất định để tiếp xúc với sếp của bạn — để trao đổi về những thất vọng của bạn và xây dựng lại mối quan hệ một lần nữa. Thậm chí có thể có một số tình huống mà sếp của bạn không tệ — đơn giản là họ khó tính thôi — và bạn vẫn có thể phát triển từ những kinh nghiệm học tập mà họ mang lại cho bạn (bất kể họ có vẻ không hấp dẫn đến mức nào)

Bất kể vấn đề của bạn là gì với người sếp tồi của bạn, chúng tôi đều giúp bạn giải quyết. Bài viết dưới đây đã vạch ra một vài mối quan hệ phổ biến mà nhân viên có với sếp của họ — và cách giải quyết chúng một cách chính xác. 


SẾP TỒI # 1: NGƯỜI QUẢN LÍ VI MÔ

Dấu hiệu đầu tiên của một ông chủ quản lý vi mô là gì ?

Họ có thể sẽ nói với bạn, vào ngày đầu tiên, "Tôi không phải là người quản lý vi mô." Tôi có một ông chủ "không phải là người quản lý vi mô", điều này thật kỳ lạ vì ông ấy đã gửi email cho tôi và nhắn tin cho tôi suốt cuối tuần, gửi cho tôi những email ngắn và phê bình những điều nhỏ nhặt mọi thứ tôi đã làm. Khi tôi yêu cầu gặp mặt riêng, để ông ấy trình bày chính xác những gì ông cần ở tôi, ông lại nói với tôi - một lần nữa - "Tôi không phải là người quản lý vi mô." 

Cách xử lý một người quản lý vi mô: 

Trước khi từ bỏ sếp của bạn vì họ là người quản lý vi mô, hãy cân nhắc điều này. Có những điều nào bạn cần học hỏi từ sếp của mình không? Có những yếu tố nào trong công việc của bạn khiến họ liên tục sửa chữa ở bạn không? Với những người quản lí mới, việc có một cuộc trò chuyện có thể hỗ trợ làm giảm bớt đi sự quản lý vi mô.

Hãy dành một chút thời gian để đảm bảo rằng bạn hiểu tất cả các công đoạn cần xử lý của công việc của mình. Bạn thậm chí có thể chuẩn bị trước một bản phác thảo về trách nhiệm công việc của mình, tạo ra các mẫu template cho các dự án nhất định và thiết lập các cuộc họp hàng tuần trong 90 ngày đầu tiên của bạn. 

Luôn đặt câu hỏi và luôn giao tiếp thật nhiều với người quản lý vi mô. Bằng cách cho phép sếp của bạn nhìn thoáng qua chi tiết công việc bạn đang làm, bạn có thể giảm bớt sự thôi thúc trong họ khiến họ muốn tham gia một cách không cần thiết. 

Nếu sếp của bạn không ngừng quản lý vi mô đối với bạn, có lẽ đã đến lúc bạn phải có một cuộc trò chuyện gay gắt hơn. Trước khi nói chuyện với sếp, hãy dành một chút thời gian để đặt mình vào vị trí của anh ấy hay cô ấy. Liệu việc họ quản lý vi mô có phải là do bất an hay sợ hãi không? Nếu bạn có thể xác định lý do tại sao việc quản lý vi mô xảy ra, bạn có thể tìm thấy các giải pháp tốt hơn. 

Trò chuyện thẳng thắn, trung thực là cách tốt nhất để giải quyết bất kỳ vấn đề quản lý nào — nên hãy bắt đầu từ việc này. Và đoán xem? Rồi họ cũng sẽ dần thay đổi. Họ có thể không thừa nhận điều đó, nhưng việc phản hồi (nên) là một yếu tố quan trọng trong sự nghiệp của bất kỳ nhà quản lý nào. 

Nên nói gì với Người quản lí vi mô:

"Tôi biết rằng [Dự án XYZ] quan trọng đối với [tên Công ty] và tôi rất nghiêm túc trong việc hoàn thành công việc tốt nhất. Tuy nhiên, email và cuộc gọi điện thoại của anh/chị liên tục khiến tôi không thể xử lý công việc hiện tại. Chúng ta có thể sắp xếp một buổi gặp mặt hàng tuần không hoặc email hàng ngày, nơi tôi có thể thông báo những thông tin còn thiếu và nhận phản hồi từ anh/chị?"


SẾP TỒI # 2: NHÀ LÃNH ĐẠO TIÊU CỰC

Thật không dễ dàng để trở thành ông chủ.

Bất kể công ty của bạn có quy mô lớn hay nhỏ, thì việc lỗ hay lãi cũng cần họ xử lí và cũng đè nặng lên vai của họ. Nếu nhóm của họ không thể hiện tốt và nhận được sự phê bình từ cấp trên, bạn cũng sẽ được nghe về điều đó.

Có những lúc sếp của bạn hoàn toàn có lí do để cảm thấy tiêu cực. Nếu nhóm của bạn làm hỏng một dự án lớn (và — hãy đối mặt với nó — chúng ta thường biết khi nào chúng ta là bên có tội) thì đương nhiên sẽ có một số phản hồi tiêu cực.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi bạn có một người sếp lúc nào cũng tiêu cực? 

Làm thế nào để đối phó một người lãnh đạo tiêu cực: 
Sự tiêu cực giống như chứng cảm lạnh thông thường trong văn hóa công ty

Nó cực kỳ dễ lây lan và nó tiềm tàng trong tâm trí mọi người. Chống lại sự tiêu cực có thể dễ dàng như việc để sếp của bạn biết rằng điều đó không có ích cho tinh thần của nhân viên như thế nào. Sếp của bạn có thể rất dễ tiếp nhận lời cảnh báo này. Có một lần một người bạn của nói với tôi rằng tôi đang trở nên quá tiêu cực, và đó thật sự là một hồi chuông cảnh tỉnh. 

Nếu phản hồi của bạn không hiệu quả, hãy cân nhắc việc chống lại sự tiêu cực bằng — bạn đã đoán ra rồi đúng không — sự tích cực!

Hãy chủ động để cho nhóm của bạn biết rằng họ đang làm rất tốt, nêu bật (và chia sẻ) những thành công và phản bác lại những nhận xét tiêu cực bằng những nhận xét tích cực. Điều quan trọng là bạn không nên khiến chúng trở thành một hành vi gây hấn thụ động (passive-aggressively) — hãy đảm bảo rằng sự củng cố tích cực của bạn xuất phát điểm từ sự tích cực. 

Nên nói gì với một nhà lãnh đạo tiêu cực:

"Tôi biết bạn đang thất vọng với [tình hình XYZ] nhưng tôi nghĩ tinh thần của cả đội có thể được cải thiện với sự củng cố tích cực hơn." 

"Tôi biết rằng [Dự án XYZ] đã không diễn ra như kế hoạch, nhưng tôi nghĩ rằng [yếu tố tích cực] đã là một thành công và chúng tôi có thể xây dựng dựa trên điều đó trong tương lai." 


SẾP TỒI # 3: NGƯỜI LÃNH ĐẠO HỜI HỢT 

Đây là một loại sếp khá khó chịu. Tôi coi một người sếp tốt là người đã sống và học hỏi từ những kinh nghiệm của bản thân họ. Kết quả là, họ lại nhớ lại cảm giác khi họ không phải là lãnh đạo. Một người sếp nói một điều - chỉ để làm một điều hoàn toàn khác - quả thực là một kiểu người khó hiểu. Ngoài ra, để đổ thêm dầu vào lửa, kiểu ông chủ này thường hưởng hết công lao sau cùng. 

Đây chính là kiểu sếp "hời hợt", không biết chuyện gì đang xảy ra và không bao giờ tự mình xắn tay áo vào hành động. Tuy nhiên, điều đó không ngăn họ nói với bạn rằng những gì bạn đang làm là sai. Đây là dạng sếp không bao giờ có mặt trong văn phòng. Đây là dạng sếp giao cho bạn một ngày để hoàn thành một dự án cần hai tuần mới xong. 

Làm thế nào để đối phó với một ông chủ "hời hợt": 

Các nhà lãnh đạo giỏi nhất được xây dựng trong những hoàn cảnh ngặt nghèo. Họ hàng ngày có nhiệm vụ lãnh đạo nhân viên. Do vậy, họ biết cách ủy quyền tốt nhất, khi nào khối lượng công việc quá nặng và khi nào nên nhượng bộ một chút. Có một nhà lãnh đạo không sẵn sàng làm bất kỳ điều gì trong số này — điều đó là không thể chấp nhận được. 

Trao đổi với dạng sếp này sẽ tương đối khó khăn hơn, chủ yếu là vì kiểu sếp này rất khó để liên lạc được. Họ thậm chí có thể không biết về bạn. Trong một số trường hợp, đặc biệt là trong một nhóm lớn hơn làm việc dưới quyền của ông chủ này, bạn có thể đã đảm nhận một số công việc mà đáng ra họ phải làm — bạn có thể là người lãnh đạo thực quyền vào lúc này. 

Các cách đối phó cũng bao gồm một cuộc trò chuyện với sếp của bạn hoặc với bộ phận nhân sự. Việc bị lợi dụng một cách trắng trợn là điều không thể chấp nhận được — trong bất kỳ môi trường làm việc nào, bất kể chức danh công việc của bạn là gì. 

Nên nói gì với nhà lãnh đạo hời hợt: 

"Tôi đã làm việc rất chăm chỉ với [XYZ] và tôi cảm thấy rằng công việc của mình chưa được công nhận một cách xứng đáng. Tôi muốn nói chuyện với anh/chị về sự đóng góp của anh/chị trong [XYZ]"

Như đã đề cập, bạn có thể muốn đưa một vấn đề như thế này lên phòng nhân sự. Có vài chuyện riêng chỉ có nhân viên mới biết được, bạn là người hiểu rõ hơn về vai trò của sếp trong bộ phận của bạn. 


SẾP TỒI # 4: NGƯỜI LÃNH ĐẠO KHÔNG BIẾT ĐỒNG CẢM 

Bạn đã làm việc nhiều năm dưới quyền của một ông chủ thậm chí còn không biết bạn sống ở đâu?

Có thể điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng điều quan trọng là các nhà lãnh đạo phải biết lắng nghe nhân viên của mình. Luôn có những thách thức không lường trước được ở nơi làm việc — cả về chuyên môn và cá nhân. Có một người sếp không hiểu rõ về nhóm của anh/cô ấy, đặc biệt là khi đối mặt với nghịch cảnh, sẽ tạo ra những thách thức cho bộ phận của bạn.

Có (và tận dụng) sự đồng cảm ở nơi làm việc là cách nhanh nhất để xác định và giải quyết vấn đề. Nếu một khách hàng chỉ trích nhân viên vì thông tin sai lệch, một người sếp tốt sẽ thông cảm và cho nhân viên mượn những công cụ mà nhân viên cần để giải quyết vấn đề. Một người sếp không dành thời gian để thực sự hiểu rõ về nhóm của mình sẽ thấy doanh thu cao nhưng năng suất lại thấp. 

Nên nói gì với người sếp không có sự cảm thông:

"Tôi đã làm việc tại [công ty] trong [khoảng thời gian.] Tôi rất muốn hiểu rõ hơn về anh/chị và sắp xếp tốt hơn các mục tiêu của chúng ta. Anh/chị có nghĩ rằng chúng ta có thể dành thời gian cho một cuộc họp hay cho một bữa trưa để bàn về điều này không?"


SẾP TỒI #5: NGƯỜI LUÔN ĐỔ LỖI 

Bạn có nhớ dạng sếp hời hợt không? Rất có thể họ cũng là một người sếp hay đỗ lỗi nữa.

Dưới sự lãnh đạo tồi, sai lầm thường xảy ra. Khi những sai lầm này xảy ra, cùng với sự lãnh đạo tồi đã nói ở trên, thử đoán xem ai là người sẽ phải nhận lỗi? Đúng rồi! những ông sếp thích đỗ lỗi là những nhà lãnh đạo lúc nào cũng tìm cách nhanh chóng đổ lỗi lên đầu của một ai đó khác. 

Mọi người đều mắc sai lầm. Dù bạn có lên kế hoạch chi tiết thế nào cho một dự án nhất định, sai lầm vẫn xảy ra. Cộng thêm với sự lãnh đạo không tốt, những sai lầm này nhất định sẽ lớn hơn. Thay vì xác định gốc rễ của vấn đề (tức là do lãnh đạo tồi), những người thích đỗ lỗi sẽ tìm một cá nhân nào đó ra chịu trách nhiệm — và đưa ra hình phạt. 

Làm thế nào để đối phó với một cấp trên thích đỗ lỗi: 

Mặc dù các chế độ độc tài luôn là vui nhất, nhưng không ai muốn loại ông chủ này.

Lãnh đạo đòi hỏi sự tôn trọng, nhưng lãnh đạo dựa trên nỗi sợ hãi thì — thật ngu ngốc. Nếu bạn có một người sếp thường xuyên đổ lỗi cho mọi người (và mọi thứ) khác, bạn có thể khiến họ nhìn nhận sâu hơn để thấy được gốc rễ thực sự của các vấn đề, cho dù đó có thể là gì. 

Thay vì đổ lỗi cho một người về một sai lầm — từng trường hợp một — bạn có thể thử khám phá  những vấn đề sâu hơn trong văn phòng. Điều này có thể là quá trình tiếp xúc nhân viên mới chưa đầy đủ, giao tiếp kém hoặc việc ủy quyền không hiệu quả. 

Phải nói gì với một người sếp thích đỗ lỗi:

"Tôi biết rằng đã có [vấn đề] gần đây. Tôi nghĩ rằng, thay vì đổ lỗi cho [người hay việc], chúng ta, với tư cách là một nhóm, hãy xem xét các vấn đề giao tiếp của chúng ta và giải quyết vấn đề từ đó."


SẾP TỒI # 6: NHÀ LÃNH ĐẠO NHÂN BẢN

Đây là dạng sếp nghĩ rằng bạn nên giống như họ. Trên thực tế, họ nghĩ rằng mọi thành viên trong nhóm đều có thể làm tốt để giống họ hơn. Nhà lãnh đạo nhân bản cũng có thể có một số vấn đề về nhận thức bản thân, nhưng đó là ở một bài viết khác. 

Điều này khá phổ biến, vì thành kiến "giống tôi"có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình phỏng vấn. Trước khi bạn biết điều đó, xung quanh bạn là hàng tá người trông giống nhau, hành động giống nhau, suy nghĩ giống nhau — và tất cả những người đến văn phòng đều chán nản như nhau khi trường cũ của họ thua "the big game” cuối tuần qua.

Đọc lại theo tôi nào: những người khác nhau làm việc cùng nhau tốt hơn. Mỗi công ty cần có nhiều tính cách và thói quen làm việc khác nhau để bộ máy hoạt động. Có hai mươi bản sao của cùng một người? Nó sẽ không hoạt động. Những người sếp muốn mọi người giống mình là kiểu người khôn lanh. Trong tâm trí của họ, họ làm việc hiệu quả và đã tìm ra cách hoàn hảo để làm mọi thứ - theo cách riêng của họ. Không có gì khác có thể hiệu quả hơn được. 

Cách đối phó với một người sếp nhân bản:

Chà, cách của họ không cần phải là cách của bạn. Nếu bạn đang tạo ra các sản phẩm tốt, đúng thời hạn, thì đã đến lúc nói chuyện với sếp. Trước khi thực hiện cuộc trò chuyện này, hãy thu thập dữ liệu ở những nơi bạn có thể — đặc biệt nếu bạn muốn thay đổi “cách của họ”. Cho họ biết cách của bạn hoạt động hiệu quả như thế nào, cách đó khuyến khích những  nhân viên khác, những người bị xem nhẹ và nó tác động như thế nào đến lợi nhuận. Các ông chủ nhân bản có xu hướng yêu thích lợi nhuận ròng này. 

Nên nói gì với người sếp nhân bản:

"Tôi hiểu rằng anh/chị có [tập hợp các bước] mà anh/chị thích làm theo. Trong khi tôi đã thử theo cách đó, tôi thấy rằng ta sẽ đạt nhiều thành công hơn nếu làm theo [cách của tôi] Với bộ khung của mình, tôi đã tạo ra những sản phẩm xuất sắc, vì vậy tôi hy vọng anh/chị có thể hiểu rằng tôi muốn làm theo những [tập hợp các bước] này. "


SẾP TỒI # 7: ÔNG CHỦ KHÔNG TÔN TRỌNG 
Bạn có nhớ hết tất cả các dạng sếp ở trên chưa?

Chà, nếu bạn đã cố gắng nói chuyện mang tính xây dựng với họ — chỉ để thấy những thói quen tương tự lặp đi lặp lại — thì bạn đã có một người sếp không tôn trọng rồi đấy. Trong một nghiên cứu gần đây của Harvard Business Review, hơn 54% nhân viên khẳng định họ không được sếp tôn trọng . 

Đây là kiểu sếp không biết tên đối tác của bạn (mặc dù đã gặp mười hai lần), người không lắng nghe phản hồi, người hiếm khi làm bất kỳ công việc nào (nhưng luôn nhớ nhận lời khen ngợi khi một công việc hoàn thành tốt), và người không có giá trị cho đầu vào. 

Cách đối phó với một người sếp không tôn trọng:

Bạn có thể thử nói chuyện thẳng thắn với một sếp Không tôn trọng.

Tuy nhiên, những lời chỉ trích mang tính xây dựng của bạn có khả năng nước đổ đầu vịt. Trong trường hợp này, hãy chăm sóc bản thân mình. Cách tốt nhất để chống lại người sếp 100% không tôn trọng là trao quyền cho bản thân bằng cách học các kỹ năng mới, nâng cao các kỹ năng hiện có của bạn và bằng cách nói chuyện với phòng nhân sự về đề xuất thăng tiến. 

Nên nói gì với một người sếp không tôn trọng: 

"Tạm biệt." 

Tóm lại, nếu bạn có một ông chủ khủng khiếp, không có gì tốt, hãy tận dụng điều đó. Chuyển những thất vọng của bạn thành việc xây dựng tương lai của chính bạn. Tìm một người cố vấn. Cải thiện học vấn của bạn. Phát triển các kỹ năng hoàn toàn mới.

Có thể — chỉ là có thể thôi — thực hiện các bước trong sự nghiệp của bạn để trở thành ông chủ tốt nhất mà bạn chưa từng có

----------
Tác giả: CAREER CONTESSA

Link bài gốc: I Hate My Boss! How to Handle the 7 Worst Bosses

Dịch giả: Trần Nguyễn Huỳnh Phượng - ToMo - Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Huỳnh Phượng - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

920 lượt xem

lh-fulllh-x