[Top Tip] Top 10 Nguồn Dữ Liệu Thứ Cấp Đáng Tin Cậy Đối Với Sinh Viên Kinh Tế
Có phải bạn rất muốn thực hiện nghiên cứu khoa học cùng nhóm bạn đại học của mình để tạo ấn tượng học thuật khi còn đi học? Nhưng từ khi bắt đầu bạn đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn đề tài hay và tìm nguồn dữ liệu chất lượng. Việc thu thập dữ liệu có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quá trình nghiên cứu các hiện tượng kinh tế xã hội, nhưng lại tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí. Chính vì vậy, đối với các bạn sinh viên khi mới bắt đầu tìm hiểu về lĩnh vực nghiên cứu bạn hãy cân nhắc kỹ cho mình khi lựa chọn nguồn dữ liệu sơ cấp, hay dữ liệu thứ cấp để đạt kết quả tốt nhất. Đừng để việc lựa chọn nguồn dữ liệu làm cản trở con đường nghiên cứu khoa học của bạn, dưới đây là top 10 các nguồn lấy dữ liệu thứ cấp về kinh tế - xã hội mà các bạn có thể tham khảo phục vụ nghiên cứu khoa học cho mình.
1. THE WORLD BANK
Ngân hàng Thế giới cho người dùng truy cập miễn phí hơn 2.000 đầu dữ liệu. Các dữ liệu này được thu thập trong vòng 50 năm qua, gồm nhiều chủ đề như tài chính, kinh doanh, y tế, kinh tế, phát triển con người. Hiện người dùng đã có thể truy cập trên 7.000 chỉ số phát triển.
Trang web với địa chỉ data.worldbank.org cho người dùng 1 số cách truy cập dữ liệu mình tìm kiếm. Trang chủ đưa ra lựa chọn để người dùng truy cập dữ liệu trực tiếp qua cơ sở dữ liệu, sắp xếp theo quốc gia, chủ điểm, hoặc theo chỉ sổ.
Xem dữ liệu theo Quốc gia (Countries)
Trang Quốc gia (Countries) liệt kê tất cả các nền kinh tế theo vần ABC. Khi người dùng chọn 1 quốc gia trong danh sách, hệ thống sẽ đưa ra các dữ liệu phù hợp với lựa chọn đó. Phần trên của trang là thông tin chung: khu vực, nhóm thu nhập, GDP quốc gia, dân số.
Link: https://data.worldbank.org/country
Xem dữ liệu theo Chủ đề (Topics)
Trang Chủ đề (Topics) liệt kê 16 chủ điểm trong phát triển kinh tế sắp xếp theo vần ABC. Trang web có mô tả ngắn gọn chủ điểm, các chỉ số liên quan đến chủ đề, số liệu chung của khu vực, biểu đồ minh họa các dữ liệu chính. Người dùng cũng có thể chọn 1 chỉ số từ danh sách các chỉ số và xem dữ liệu của trên 200 nước về chỉ số đó trong 5 năm qua.
Xem dữ liệu theo Chỉ số (Indicators)
Trang Chỉ số (Indicators) liệt kê 331 chỉ số trong bộ Chỉ số Phát triển Thế giới (WDI) theo vần ABC. Hàng năm, Ngân hàng Thế giới tổng hợp dữ liệu phát triển từ các dữ liệu gốc của mình và các nguồn khác được công nhận trên toàn thế giới để xây dựng bộ Chỉ số Phát triển Thế giới. Đây là công cụ để đánh giá tiến độ phát triển các nền kinh tế.
Link: https://data.worldbank.org/indicator
Xem dữ liệu theo danh mục Dữ liệu (Data catalog)
Phần danh mục dữ liệu (Data catalog) liệt kê tất cả các nguồn dữ liệu hiện có của Ngân hàng Thế giới và giúp người dùng truy cập vào trên 7.000 chỉ số. Danh sách này sẽ liên tục được cập nhật mỗi khi có 1 nguồn dữ liệu bổ sung.
2. International Monetary Fund (IMF)
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cung cấp miễn phí các cơ sở dữ liệu về tài chính vĩ mô, kinh tế vĩ mô, thương mại, … của tất cả các quốc gia trên thế giới. Dữ liệu của IMF bao gồm nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau như: International Financial Statistics (IFS), Principal Global Indicators (PGI), Balance of Payments Statistics (BOPS), Coordinated Portfolio Investment Survey (CPIS), Direction of Trade Statistics (DOTS), Government Finance Statistics (GFS), …
Có thể tìm thấy các ấn phẩm chính và dữ liệu phổ biến của IMF tại mục Data, Publication, Research hoặc E-library.
Link: https://www.imf.org/en/Data
3. Google Public Data Explorer
Google Public Data Explorer được google tổng hợp từ các nguồn dữ liệu tin cậy và giúp cho các bộ dữ liệu lớn được công chúng quan tâm trở nên dễ dàng khám phá, hiển thị, và truyền tải. Các biểu đồ và bản đồ chuyển động theo thời gian, các thay đổi trên thế giới trở nên dễ hiểu hơn. Bạn có thể chuyển đổi giữa các chế độ xem khác nhau, thực hiện so sánh giữa các quốc gia và chia sẻ phát hiện của mình.
Link: http://www.google.com/publicdata/directory
4. Tổng cục Thống kê
Mục số liệu thống kê cung cấp thông tin thống kê hàng tháng, số liệu thống kê chủ yếu (sơ bộ, ước tính) và số liệu thống kê chính thức được chia theo nhóm các chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia hầu hết các ngành và lĩnh vực.
Link: https://www.gso.gov.vn/
5. Ngân hàng Nhà nước
Ngoài những chỉ số chính sách tiền tệ căn bản như các loại lãi suất chính sách và tỷ giá bình quân liên ngân hàng, mục “Thị trường tiền tệ” có các thống kê về VNBOR, hoạt động thị trường mở và đấu thầu trái phiếu chính phủ. Một địa chỉ nữa cho các bạn quan tâm đến tài chính, tiền tệ là Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, mặc dù hiện tại chưa có quá nhiều dữ liệu.
Link: https://www.sbv.gov.vn
6. BIS statistics
BIS statistics được biên soạn với sự hợp tác của các ngân hàng trung ương và các cơ quan chức năng tại nhiều quốc gia, được thiết kế để cung cấp thông tin phân tích về sự ổn định tài chính, tiền tệ quốc tế và tính thanh khoản toàn cầu. Mặc dù, BIS statistics không có nhiều số liệu và Việt Nam, nhưng sẽ rất hữu ích cho những bạn quan tâm đến số liệu ngân hàng và tài chính quốc tế.
Link: https://www.bis.org/statistics/index.htm?l=2
7. Federal Reserve Economic Data (FRED)
Trong số các website của các ngân hàng trung ương, đây là database lớn nhất và uy tín nhất với gần như toàn bộ số liệu macro của Mỹ, có những chuỗi thời gian dài gần 100 năm. Database này cũng có số liệu của một số nước phát triển khác. Ngoài ra Fed còn có một số data tại địa chỉ này và hầu hết các chinh nhánh Fed khác cũng cung cấp dữ liệu (New York, Kansas, Chicago).
Link: https://fred.stlouisfed.org/
8. ITC Trade Map
ITC Trade Map cung cấp nguồn số liệu quan trọng trong lĩnh vực thương mại như: số liệu xuất khẩu, nhập khẩu theo giai đoạn thời gian, theo quốc gia, khu vực và các loại hàng hóa.
Link: https://www.trademap.org/Index.aspx
9. Viện Tài nguyên Thế giới (WRI)
Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) là một tổ chức nghiên cứu toàn cầu kéo dài hơn 50 quốc gia, với các văn phòng ở Brazil, Trung Quốc, Châu u, Ấn Độ, Indonesia, và Hoa Kỳ, … WDI cung cấp những biểu đồ sẵn có về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, biến đổi khí hậu, … nhằm mục đích nghiên cứu để bảo vệ nguồn tài nguyên thế giới.
Link: https://www.wri.org
10. Vietdata
Vietdata là kênh thông tin trực tuyến về kinh tế, tài chính, bất động sản, vừa phục vụ hoạt động đầu tư của cá nhân và doanh nghiệp, vừa đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của các nhà phân tích, giảng viên và học sinh, sinh viên. Với mong muốn hỗ trợ việc tra cứu dữ liệu kinh tế, số liệu các ngành nghề được dễ dàng và nhanh chóng, Vietdata là website đầu tiên tại Việt Nam tổng hợp số liệu chính thức từ các Bộ, Ban, Ngành của Chính phủ Việt Nam và tiến hành phân loại một cách khoa học và có hệ thống. Đồng thời, chúng tôi còn cung cấp tiện ích vẽ biểu đồ minh họa trực tuyến, đẹp mắt và sinh động, giúp cho người đọc có thể minh họa và diễn đạt vấn đề một cách tiện dụng và tiết kiệm thời gian.
Link: https://www.vietdata.vn/DichVuVietData#tab011
Nguồn tham khảo:
Giới thiệu một số nguồn lấy dữ liệu thứ cấp đáng tin cậy - RCES
Nguồn lấy dữ liệu thứ cấp phục vụ nghiên cứu khoa học
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
8 lượt xem