[TopTip] Học Nhiều Mà Chẳng Nhớ Bao Nhiêu Phải Làm Thế Nào Bây Giờ?
Chắc hẳn bạn đã ít nhất một lần đối mặt với tình trạng “học trước quên sau”. Giai đoạn bão hòa này thường bắt đầu 30 phút đến 1 tiếng sau khi học bài xong. Đừng quá lo lắng vì không chỉ một mình bạn gặp phải nó , mà phần lớn học sinh, sinh viên, thậm chí người đi làm đều rơi vào tình trạng này mỗi ngày. Ban đầu nó chỉ gây mất thời gian khi cứ phải học đi học lại một nội dung hàng giờ liền. Nhưng nếu không có biện pháp khắc phục sớm, rất dễ khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi và chán nản với việc học. Vậy làm cách nào để có thể vượt qua vấn nạn “ học trước quên sau” này?
1. Nguyên nhân của việc “Học trước quên sau”:
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học nhiều nhưng chẳng nhớ bao nhiêu. Phổ biến nhất chính là những áp lực vô hình của việc học. Thông thường chúng ta có xu hướng học vì nghĩa vụ hơn là học vì mong muốn của bản thân. Nguyên nhân chính gây ra sức ép này có thể đến từ gia đình, thầy cô, bạn bè, các chuẩn mực xã hội hay chính bản thân chúng ta. Khi bạn cứ phải gồng mình và ép bộ não ghi nhớ nó thường mang đến tác dụng ngược.
Sự chi phối từ các yếu tố bên ngoài cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Cụ thể, khi bạn thực hiện nhiều công việc cùng lúc, não bộ chúng ta thường có xu hướng tập trung vào hoạt động thú vị hơn. Nói cách khác, các hoạt động giải trí như lướt mạng xã hội, nghe nhạc, chơi game thường được bộ não yêu thích hơn vì nó tạo cảm giác vui vẻ, thư giản, đây cũng là lúc nó “ngó lơ” việc dung nạp kiến thức.
Một chương trình học khô khan và không phù hợp với sở thích thường khiến chúng ta “học không vô”. Mỗi chúng ta đều có một sở trường khác nhau, có người thích văn học, có người lại thích toán học, số khác thì mỹ thuật, âm nhạc, lịch sử,…Vì vậy, việc buộc phải nhớ nằm lòng tất cả các môn gần như là điều bất khả thi. Thỉnh thoảng, dưới áp lực từ trường lớp, chúng ta có thể ghi nhớ kể cả những nội dung mình không thích. Tuy nhiên lượng kiến thức này không tồn tại lâu mà sẽ biến mất trong một khoảng thời gian ngắn sau đó.
2. Cách khắc phục
Tập trung cao độ
Một nghiên cứu giáo dục gần đây của Henry Roediger và Mark McDaniel, hai nhà tâm lý học tại Đại học Washington, cho rằng việc bạn buộc mình phải nhớ lại những chi tiết, kiến thức một cách nghiêm túc sẽ giúp mở rộng giới hạn của trí nhớ.
Như đã đề cập, não bộ chúng ta thường thích giải trí hơn là ghi nhớ một loạt thông tin phức tạp. Sau hàng giờ liền làm việc, thư giản được xem là cách thức giải phóng hữu hiệu, giúp việc ghi nhớ trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc dung nạp quá nhiều nội dung mang tính giải trí có thể khiến bộ não rơi vào tình trạng lười biếng. Thay vào đó, để “ép” não bộ vào khuôn mẫu chúng ta có thể áp dụng một số hình thức học như Flash card hay Mindmap, điểm chung của chúng là đưa ra các nội dung liên quan đến bài học và buộc bạn phải nhớ lại các kiến thức đã học.
Phương pháp học tập ngắt quãng
Phương pháp học tập ngắt quãng (Spaced Repetition) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1885, trong nghiên cứu mang tên Memory: A contribution to experimental psychology của nhà tâm lý học người Đức - Hermann Ebbinghaus. Lý thuyết của ông giải thích rằng mọi thông tin mới tiếp xúc đều sẽ được lưu vào khu trí nhớ ngắn hạn. Nếu như không được nhắc lại hay sử dụng thường xuyên, các thông tin này sẽ bị lãng quên nhanh. Sau một giờ, con người có thể quên hơn một nửa thông tin thu nạp, sau một tuần, lượng kiến thức còn lưu lại chỉ khoảng 20%.
Từ đây, phương pháp học giãn cách ra đời nhằm giải quyết vấn đề này. Lấy ví dụ, thay vì bạn học toàn bộ nội dung bài trong suốt 2 tiếng đồng hồ thì hãy chia ra 4 lần học một tuần, mỗi lần 30 phút. Bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần, kiến thức sẽ được củng cố và đưa vào bộ nhớ dài hạn. Nhờ vậy chúng ta sẽ ghi nhớ lâu hơn, về sau khi nhắc đến cũng không cần mất quá nhiều thời gian để hồi tưởng.
Liên hệ kiến thức mới với kiến thức cũ
Phương pháp này còn được biết đến với cái tên Lý thuyết kiến tạo ( Constructivism Theory ), được vận dụng khá nhiều trong môi trường giảng dạy hiện nay. Nó khuyến khích học sinh xây dựng cho mình một nền tảng kiến thức dựa trên những hiểu biết của bản thân trong quá khứ. Giả sử, khi thực hiện một bài báo cáo nào đó, thay vì làm theo hướng dẫn một cách thụ động, chúng ta có thể tự đề ra các ý tưởng, vận dụng những kiến thức đã học vào bài làm để tạo nên sản phẩm cuối cùng mang sắc thái riêng. Lúc này, người học chính là đối tượng trung tâm, còn giáo viên sẽ đóng vai trò định hướng, đưa ra nhận xét giúp hoàn thiện hệ thống kiến thức.
Quá trình này không chỉ gíup nâng cao tính tự giác của mỗi cá nhân trong học tập, mà còn góp phần khiến kiến thức không bị mai một dần theo thời gian. Chính sự kết nối này giúp lý thuyết sách vở được đưa vào thực tế, việc học từ đó cũng không trở nên khô khan và nhàm chán nữa.
Không ôm đồm quá nhiều thứ
Có một điều mà chúng ta vẫn hay lầm tưởng đó là làm nhiều việc cùng lúc sẽ mang đến năng suất cao hơn. Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi ôm đồm quá nhiều thứ, bạn sẽ dễ bị phân tâm bởi các luồn thông tin khác nhau, dẫn đến ghi nhớ kém hiệu quả. Hãy tưởng tượng, bạn vừa học xong một bài văn dài lại phải tiếp tục xử lý mớ công thức toán học, sau đó còn hoàn thành thêm bài tập vật lý. Khối lượng kiến thức quá nhiều sẽ khiến não bộ không xử lý kịp, toàn bộ thông tin gần như chỉ được lưu giữ ở bộ nhớ ngắn hạn và sẽ biến mất vào ngày hôm sau.
Thay vào đó, bạn nên xây dựng một kế hoạch học tập phù hợp với quỹ thời gian của mình. Ví dụ, hôm nay bạn cần học các môn Toán, Ngữ Văn, Vật lý, hãy ghi chúng vào danh sách kèm theo khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành. Từ đây, chúng ta dễ dàng kiểm soát việc học tập của mình, không phải lo sợ học dồn nhiều môn để rồi “nhớ nhớ quên quên”. Bên cạnh đó, lên kế hoạch học tập còn thúc đẩy tính kỷ luật, đây là một trong các yếu tố giúp bạn học hiệu quả hơn.
Quan tâm đến sức khỏe trí não
Đôi khi tình trạng “học trước quên sau” xuất phát từ việc sức khỏe trí não không được quan tâm đúng mức. Stress kéo dài luôn là nguyên nhân số một gây ra suy giảm trí nhớ ở cả thanh thiếu niên lẫn người trưởng thành. Trước áp lực cuộc sống đè nặng, rất nhiều người vẫn bám vào lý do “ còn trẻ phải chịu khổ” mà bỏ mặc các vấn đề tâm lý của mình. Tuy nhiên, việc bình thường hóa căng thẳng, mệt mỏi dần dần sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến chất lượng học tập và công việc.
Lời khuyên dành cho bạn là hãy cố gắng ngủ đủ giấc, ít nhất là 5 - 7 tiếng một ngày. Chúng ta sẽ không thể học tập hiệu quả nếu cứ rơi vào trạng thái ngủ gà ngủ gật. Một thực tế rằng rất nhiều người dành quá nhiều thời gian cho việc học mà bỏ quên giấc ngủ của mình. Ngoài ra, nên tích cực bổ sung một số thực phẩm như: cá hồi, cá ngừ, gan động vật, các loại hạt, trái cây chứa nhiều vitamin và khoáng chất,…nhằm tăng cường sức khỏe não bộ cũng như cải thiện trí nhớ.
-----------------
(*) Với mục tiêu chia sẻ và góp phần nâng cao kiến thức cho những người trẻ, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Trở thành Cộng tác viên hoặc thực tập sinh để đóng góp tri thức cho cộng đồng tại đây: https://bit.ly/CTV_TopTip"
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
107 lượt xem