Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[TopTip] Top 08 Câu Chuyện Cổ Tích Trung Thu Để Kể Ngày Trăng Rằm

Trung thu hằng năm là dịp để những thành viên trong gia đình đoàn viên, tề tựu quanh bình trà nóng và chiếc bánh trung thu thơm lừng, người lớn thì uống trà ăn bánh, trẻ con thì rước đèn ông sao. Vậy các bé đã biết vì sao lại có ngày trung thu, vì sao lại có chú Cuội, chị Hằng, cây đa? Sau đây sẽ là những câu chuyện cổ tích về ngày trung thu để các bậc phụ huynh kể cho các bé trong ngày trăng rằm để cho buổi đoàn viên thêm thân mật, có ý nghĩa.

1. Sự ra đời ngày trung thu

Sử sách kể rằng vào thời vua Duệ Tôn đời Đường, nhân một đêm rằm tháng Tám, vua cùng các quan ngắm trăng ao ước được lên thăm cung trăng một lần cho biết. Pháp sư Diệu Pháp Thiên xin phép được đưa vua lên cung trăng. Lên tới cung trăng, vua Duệ Tôn được các chúa tiên trên cung trăng tiếp rước nhiệt tình. Mở tiệc đãi linh đình và cho hàng trăm tiên nữ xinh tươi mặc áo lụa trắng tung múa trên sân, vừa múa vừa hát, gọi là khúc Nghê – Thường Vũ Y.

Vua Đường rất thích, nhờ có khiếu thẩm âm nên vừa trầm trồ khen ngợi vừa lẩm bẩm học thuộc lòng bài hát và điệu múa mong đem về hoàng cung bày cho các cung nữ. Cuối năm đó, quan Tiết Độ Sứ cai trị xứ Tây Lương mang về triều tiến dâng một đoàn vũ nữ với điệu múa Bà-la-môn. Vua thấy điệu múa có nét tương đồng với điệu múa Nghê – Thường Vũ Y, nên chỉnh lại hai bài hát và điệu múa thành Nghê – Thường vũ y khúc. Về sau, các quan cũng bắt chước vua và dần dần phổ biến khắp dân gian.

Từ đó nhà vua truyền lệnh cứ đến rằm tháng tám là làm lễ tạ trời đất và thưởng trăng bằng khoai môn và bưởi. Ngày lễ vui tươi này được gọi là Tết Trung Thu. Tục lệ này được truyền sang Việt Nam và đã được người Việt sửa đổi để thích hợp với phong tục Việt. Là dịp để gia đình đoàn tụ bên mâm cỗ, kể cho nhau về những sự tích đêm rằm.

2. Sự tích bánh trung thu

Tại một vương quốc nọ, có một vị vua và hoàng hậu cùng nhau uống trà thường nguyệt và ăn bánh đêm trăng rằm. Nhà vua thấy món bánh rất hợp khi ăn với trà lại phù hợp với không gian ngày rằm, nên đặt tên bánh là bánh Nguyệt. Tin lành đồn xa, loại bánh này trở nên phổ biến rộng rãi để mọi nhà đều được thưởng thức. Phong tục ăn bánh Trung thu ngày rằm vẫn được gìn giữ cho tới hiện nay. Bánh có hình tròn, có ý nghĩa viên mãn hay tròn đầy, tượng trưng cho sự đoàn viên, sum vầy của gia đình Việt.

3. Sự tích chú Cuội cung trăng

Ở miền nọ có chàng tiều phu tên Cuội. Một lần đi qua rừng vào nhầm hang cọp, Cuội giật bắn mình leo thoắt lên cây cao trốn. Cọp mẹ về hang thấy đàn con chết vì đói liền đi đến gốc cây gần chỗ Cuội, đớp lấy một ít lá mang về mớm cho cọp con. Kỳ lạ là 4 chú cọp con quẫy đuôi sống lại. Cuội chờ cọp mẹ tha con đi chỗ khác, liền tìm đến cây lạ kia đào gốc đem về.

Trên đường đi, Cuội gặp lão ăn mày nằm chết trên bãi cỏ. Không ngần ngại, Cuội bứt ngay mấy lá cứu giúp và ông lão sống lại. Nghe Cuội kể đầu đuôi, ông kêu lên:

– Đó là cây đa có phép “cải tử hoàn sinh”, chăm sóc cây đừng tưới nước bẩn kẻo cây bay mất lên trời.

Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người người. Ai ai cũng kính nể. Một lần, Cuội cứu sống cô con gái sảy chân chết đuối cho lão địa chủ. Nét mặt hồng hào, sự sống quay trở lại, cô xin lấy Cuội làm chồng. Cuộc sống hạnh phúc. Nhưng cô vợ có tính hay quên. Những khi đi làm xa, Cuội dặn “có tiểu thì đi bên Tây, chớ tiểu bên Đông, cây dông lên trời” mà cô vợ như lú lẫn ruột gan, vừa nghe xong là quên ngay.

Một chiều, cô vợ không nhớ lời dặn cứ nhắm vào cây quý tiểu. Bỗng nhiên mặt đất chuyển động, gió thổi ào ào, cây đa đảo mạnh, bật gốc phi lên trời xanh. Vừa lúc Cuội đi kiếm củi về, hớt hải nhảy bổ đến níu cây lại. Nhưng sức người có hạn, cây đa kéo cả Cuội cứ thế bay lên cung trăng. Từ đấy, cứ mỗi dịp ngày rằm, ánh trăng sáng nhất, khi ngước nhìn lên, người ta thấy một vết đen hình cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc. Đó chính là chú Cuội đang chờ ngày được trở về trần gian.

4. Sự tích thỏ ngọc

Sự tích về Thỏ Ngọc bắt nguồn từ Trung Quốc từ thời kỳ Chiến quốc. Tương truyền xưa kia có 3 vị thần tiên đã hóa thành những ông lão tội nghiệp đi lang thang để xin thức ăn của 3 con vật là cáo, khỉ, thỏ. 2 con cáo và khỉ thì có đủ thức ăn để cứu giúp, chỉ riêng một mình thỏ là không có gì trong tay. Vì thế, thỏ đã tự nhảy vào đống lửa ngay bên cạnh mình, tự nướng mình để làm thức ăn cho ba ông lão. Các vị thần này đã vô cùng cảm động trước tinh thần của thỏ nên đã đưa thỏ lên cung trăng, làm bạn với Hằng Nga và từ đỏ thỏ có tên là Thỏ Ngọc. Thỏ Ngọc là người bạn luôn đồng hành bên nàng Hằng Nga và thường dùng cái chày để giã thuốc trường sinh cũng như trông coi cung trăng.

5. Sự tích chị Hằng

Tương truyền có chàng Hậu Nghệ rất giỏi bắn cung, bách phát bách trúng. Năm xưa khi chín mặt trời thiêu đốt nhân gian, chàng đã một mình bắn hạ tám mặt trời, chỉ để lại một mặt trời sưởi ấm mặt đất. Sau này, Hậu Nghệ đã lấy một người con gái đẹp người đẹp nết tên là Hằng Nga. Một hôm Hậu Nghệ đi săn đúng lúc gặp Vương Mẫu đi ngang, Vương Mẫu đã tặng chàng thuốc trường sinh. Trong số bạn bè của Hậu Nghệ có một người biết chuyện, hắn đã nổi lòng tham và âm mưu đoạt lấy thuốc trường sinh.

Ngày nọ khi Hậu Nghệ đi săn, chàng đã giao thuốc trường sinh cho Hằng Nga trông giữ. Sau khi Hậu Nghệ rời khỏi nhà, người bạn kia đã lẻn vào nhà ép hằng Nga đưa thuốc trường sinh cho hắn. Hằng Nga biết không thể giao thuốc này cho người có dã tâm nên đã nuốt viên thuốt. Hằng Nga uống thuốc xong, thấy cơ thể nhẹ bẫng rồi bay lên cung trăng. 

Tối hôm đó, khi Hậu Nghệ về đến nhà, các thị nữ vừa khóc vừa kể lại câu chuyện xảy ra lúc sáng. Trong lúc đau khổ, Hậu Nghệ đã ngửa cổ lên trời đêm gọi tên vợ hiền. Khi đó, anh kinh ngạc phát hiện ra, trăng hôm nay đặc biệt sáng ngời, mà còn có thêm một bóng người trông giống Hằng Nga. Hậu Nghệ vội sai người đến hậu hoa viên nơi Hằng Nga yêu thích, lập bàn hương án, đặt lên đó những món ăn và trái cây mà bình thường Hằng Nga thích ăn nhất, để tế Hằng Nga nơi cung trăng đang nhớ đến mình.

6. Sự tích đèn ông sao

Ở ngôi làng nọ có hai cha con kiếm sống bằng nghề làm đèn Trung thu. Công việc lặp lại quanh năm khiến người con thấy nhàm chán với những chiếc đèn đơn điệu. Một đêm, trong lúc đang mải ngắm trăng, anh nhìn thấy một vệt sáng lấp lánh kéo dài hình 5 cánh sao. Một ý tưởng sáng lên trong đầu, anh lén ra sau vườn hì hục đốn tre, chuốt chẽ thành từng mảnh rồi lắp ghép lại với nhau để tạo thành hình 5 cánh sao.

Chiếc đèn được sáng tạo và hoàn thành vào dịp Trung thu và được trẻ nhỏ vô cùng yêu thích. Những mùa Trung thu sau này, 2 cha con lại tạo nên những chiếc đèn ông sao hoàn mỹ hơn, nhiều màu sắc bắt mắt hơn. Chiếc đèn ông sao được ra đời kể từ đó, là vật không thể thiếu khi nhắc đến sự tích liên quan về Trung thu.

7. Sự tích trung thu ăn bưởi

Có thể thấy, cứ mỗi dịp Trung thu thì bưởi là loại quả không thể thiếu trong mỗi gia đình. Trong tiếng Hán, từ “bưởi” đồng âm với “Du Tử”, nghĩa là những người xa nhà, xa quê sẽ nhớ ngày này về đoàn tụ với gia đình. Đồng âm với “Hựu” – nghĩa là bình an vô sự, đồng âm với “Hữu Tử” để sinh con quý tử.

Trên đây là những thông tin liên quan về sự tích Trung Thu. Hi vọng sẽ đem lại những kiến thức hữu ích để dạy con cái ghi nhớ và hứng thú hơn mỗi dịp Trung thu về.

8. Sự tích đèn kéo quân

Tương truyền vào gần dịp tết Trung thu, nhà vua mở hội thi khéo tay khắp cả nước. Bấy giờ, tại ngôi làng nghèo khó nhất, chàng Lục Đức nằm mơ thấy vị thần râu tóc bạc phơ xuất hiện và phán rằng:

- Thái Thượng Lão Quân ta thấy người nghèo khó nhưng rất hiếu thảo với mẹ. Cho nên, hôm nay qua đây bày cách cho nhà người làm chiếc đèn tiến vua.

Thời gian trôi mau, khi đèn làm xong thì ngày rằm cũng tới. Dân chúng khắp nơi tiến dâng vật phẩm chế tác nhưng không ai làm vua hài lòng. Chỉ đến khi thấy chiếc đèn vừa là lạ, nhiều màu sắc, nhà vua tò mò hỏi ý nghĩa. Lục Đức theo lời Thái Thượng Lão Quân tâu:

- Muôn tâu bệ hạ, thân trúc giữa đèn đại diện cho trục khôn, chong chóng quay 6 mặt chiếc đèn biểu tượng 6 cảm xúc của con người: thương, ghét, giận, hờn, buồn, vui. Con người thay đổi căn do là đạo làm người chưa tới. Bởi vậy cần ánh sáng soi tỏ để người người sống tốt lành, có đạo đức.

Đèn đốt lên làm quay chong chóng. Hình ảnh nhà vua, quan và ngựa nối đuôi nhau quay vòng. Vua cảm động lắm, liền thưởng mẹ con Lục Đức rất hậu và phong làm Vạn Hộ Hầu.

_______________________

(*) Follow Facebook TopTip - Chia Sẻ Bí Kíp Học Tập, Nghề Nghiệp, Cuộc Sống Thú Vị để đọc các bài viết khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(**) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại TopTip để chia sẻ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại đây  

(***) Trở thành Đại sứ truyền thông TopTip tại đây

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,416 lượt xem

lh-fulllh-x