[TopTip] Top 7 Nguyên Nhân Gây Ra Thói Quen Trì Hoãn Khiến Bạn Mãi "Bơi" Trong Deadline
Trì hoãn là căn bệnh mãn tính mà rất nhiều người đang phải đối mặt nhưng lại không biết giải quyết như thế nào. Chắc chắn bất kỳ ai trong chúng ta cũng từng bị rơi vào tình huống “nước đến chân mới nhảy”. Đó là khi kỳ thi quan trọng đang cận kề mà bạn vẫn chưa học bài, Deadline chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn mới bắt đầu làm hay tủ quần áo bừa bộn hết năm này tháng nọ vẫn không được sắp xếp gọn gàng. Chúng ta thường có xu hướng đưa ra những lời biện hộ cho sự trì hoãn, nghĩ rằng chúng sẽ không mang đến hậu quả gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến một ngày khi bạn nhận ra cuộc sống của mình đang trở thành một mớ hỗn độn bởi các kế hoạch dang dở, chưa được hoàn thành đến nơi thì mọi thứ đã ngoài tầm kiểm soát. Trì hoãn là một thói quen xấu gây cản trở sự thành công mà nhiều người vẫn đang “nuôi dưỡng” nó một cách vô thức. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra “ căn bệnh nan y” khó chữa này, hãy cùng mình tìm hiểu nhé!
1. Không có mục tiêu cụ thể
Tại sao không có mục tiêu cụ thể thường dẫn đến trì hoãn. Trong bất kỳ công việc nào, không xác định mục tiêu sẽ khiến bạn bị mông lung, không biết nên bắt đầu từ đâu, tại sao phải làm công việc này, hay nói cách khác là không có động lực làm việc. Hơn nữa, việc sở hữu các mục tiêu mơ hồ cũng khiến chúng ta dễ nản. Chẳng hạn, việc đưa ra mục tiêu “Giảm cân trong nửa tháng” sẽ khiến bạn cảm thấy khó lòng hoàn thành. Thay vào đó, mục tiêu “ Tập bụng vào thứ 2, đạp xe vào thứ 4, lắc vòng vào thứ 6 trong vòng 30 phút” sẽ cụ thể hơn và cho thấy khả năng có thể thực hiện được.
Khi bạn đã có cho mình một kế hoạch rõ ràng, bạn sẽ dễ dàng hình dung các nhiệm vụ của mình, đồng thời cân chỉnh sao cho hợp lý để vừa tiết kiệm thời gian mà lại mang đến hiệu quả cao.
2. Phức tạp hóa vấn đề
Chúng ta thường có xu hướng phức tạp hóa mọi vấn đề, điều này cũng có mặt lợi vì bạn sẽ cẩn thận và tỉ mỉ hơn trong công việc để hạn chế tối đa các rủi ro. Tuy nhiên, nếu quá đặt nặng nó sẽ vô tình gây nên một áp lực vô hình, khiến chúng ta đưa ra các quyết định một cách chậm trễ, dẫn đến công việc bị trì trệ. Giả sử, khi gặp một vấn đề có thể giải quyết thông qua vài bước đơn giản thì bạn lại nghĩ nó theo một hướng phức tạp hơn. Điều này không chỉ mang đến tác dụng ngược mà đôi khi còn tạo ra các vấn đề vượt quá khả năng xử lý của bạn. Một khi đối mặt với những rắc rối ngày càng gia tăng, chúng ta thường có xu hướng chối bỏ hoặc tránh đối mặt với nó và trì hoãn là một trong số đó. Thay vì vậy, chúng ta nên bình tĩnh phân tích vấn đề một cách kỹ lưỡng để tìm ra hướng giải quyết tối ưu nhất.
3. Không biết cách sắp xếp công việc
Có thể nói, trì hoãn chính là hậu quả của việc hay quên. Đối với những ai có khối lượng công việc nhiều, việc thiếu kỹ năng lên kế hoạch sẽ đưa bạn rơi vào hố sâu của sự trì hoãn. Đứng trước mớ giấy tờ chất chồng khắp bàn cùng đống ghi chú ngỗn ngang trên màn hình máy tính chắc chắn sẽ khiến bạn không biết bắt đầu từ đâu và nên làm những gì. Việc có quá nhiều deadline cần hoàn thành nhưng lại không có một kế hoạch cụ thể dễ khiến bạn rơi vào tình trạng quá tải, nghiêm trọng hơn là trễ deadline dây chuyền. Vì vậy, một danh sách các công việc cần làm sẽ giúp chúng ta dễ dàng kiểm soát tiến độ công việc và quan trọng nhất là nói không với trì hoãn.
4. Công việc không phù hợp
Lời khuyên là đừng bao giờ nhận một công việc mà bạn không có khả năng hoàn thành hoặc không thật sự hứng thú với nó. Điều này cũng dễ hiểu, mỗi người đều sở hữu các điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, cho phép bạn làm tốt nhiệm vụ này nhưng có thể không làm tốt một nhiệm vụ khác. Não bộ chúng ta thường có xu hướng hình thành những luận điểm có vẻ thuyết phục, cho phép chúng ta từ chối làm công việc mà mình không thích hoặc không giỏi. Trong trường hợp này, sự trì hoãn trở thành phương tiện cứu cánh giúp bạn kéo dài thời gian giải quyết vấn đề, nhằm tránh tình trạng bị chỉ trích hoặc khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
5. Thiếu tập trung
Chắc chắn không ít lần chúng ta bị rơi vào trạng thái phân tâm khi đang học tập, làm việc mà tác nhân chủ yếu chính là chiếc điện thoại thông minh. Hiện nay, đa phần các công việc đều được thực hiện thông qua các thiết bị có kết nối internet, điều này giúp tối ưu hóa năng suất làm việc nhưng cũng mang lại trở ngại lớn về mặt tâm lý. Cụ thể, khi làm việc trên máy tính hay điện thoại, bạn sẽ dễ dàng bị xao nhãng bởi các “thú vui ngoài lề” như lướt mạng xã hội, xem youtube, mua sắm online, đọc báo,...Cho đến lúc chợt nhận ra thì quỹ thời gian đã bị lãng phí mà công việc chính vẫn đang dang dở, chưa giải quyết xong. Thiếu tập trung là một thói quen xấu cần được loại bỏ, nó không chỉ gây trì trệ trong công việc mà còn khiến bạn đánh mất các ý tưởng hay ho ban đầu bởi các nội dung không liên quan.
6. Áp lực và Stress
Bất cứ công việc gì cũng tồn tại áp lực và stress, đây là yếu tố thúc đẩy bạn cố gắng hoàn thành mọi thứ đúng tiến độ nhưng đôi lúc nó cũng là nguyên nhân dẫn đến trì hoãn. Thông thường, sự trì hoãn được hiểu là một khoảnh khắc chững lại nhằm né tránh căng thẳng từ công việc chính đang dang dở. Mức độ căng thẳng càng cao thì xu hướng trì hoãn càng lớn. Các vấn đề tâm lý này thường bị xem nhẹ và không được giải quyết triệt để, gây ảnh hưởng rất tiêu cực không chỉ đến khía cạnh công việc mà còn là mọi mặt đời sống. Vì vậy, nếu không được xác định và giải quyết một cách triệt để, chúng sẽ còn đeo bám dai dẳng và phá hoại tiến trình của chúng ta.
7. Tâm lý lạc quan quá mức
Trái ngược với nguyên nhân trên, tâm lý lạc quan quá mức cũng chính là cái bẫy ngọt ngào khiến chúng ta rơi vào trạng thái trì hoãn. Không thể phủ nhận, lối tư duy tích cực và sức mạnh niềm tin luôn là yếu tố cần thiết khi bắt tay vào thực hiện một công việc nào đó. Tuy nhiên, như trong câu chuyện Rùa và Thỏ, khi sự lạc quan biến thành chủ quan và ngạo mạn nó thường dẫn đến thất bại nặng nề. Đối với các deadline dài hạn, chúng ta thường mang suy nghĩ còn nhiều thời gian để hoàn thành, nên cứ chần chừ và bỏ mặc quá trình. Cho đến khi thời hạn sắp hết mới bắt đầu cuống cuồng hoàn thành nhưng kết quả lại không như mong đợi vì thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu. Chính sự lạc quan độc hại này khiến bạn có một niềm tin vô nghĩa vào khả năng của mình, đến khi nhận ra thì mọi thứ đã trở nên vượt quá tầm kiểm soát.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
933 lượt xem