Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public3 năm trước

Trải Nghiệm Du Học Na Uy & Một Số Câu Hỏi Thường Gặp Trong Quá Trình Apply Du Học

Gia đình không có đủ điều kiện tài chính vẫn có thể đi du học được. 

Mình sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn nên từ bé chỉ biết đến đồng ruộng như bao đứa trẻ nông thôn khác. ‘Du học’ là một điều gì đó xa xỉ và khó chạm tới, với mình lúc đó du học chỉ là thứ mà con nhà giàu hay cực kì xuất sắc mới có thể làm được. Tất nhiên mình đã rất ngưỡng mộ những bạn được đi du học và ước rằng mình cũng có điều kiện để được đi du học. Mình còn nhớ vào một buổi chiều mùa hè năm lớp 11, mình mượn được một tờ báo Hoa Học Trò trong đó có chuyên mục du học và mình còn nhớ mình đã đọc được yêu cầu để đi du học là bạn phải đạt IELTS tối thiểu 5.0 hoặc TOEFL 60 gì đó. Tại thời điểm đó mình còn chưa biết IELTS hay TOEFL là gì. Cho đến những năm đại học khi việc du học dường như trở nên phổ biến hơn tuy nhiên mình vẫn nghĩ rằng mình không thể đi du học vì mình không quá xuất sắc để xin được học bổng toàn phần và nếu để đi du học tự túc thì bố mẹ không thể hỗ trợ được vì đi học ở nước ngoài quá đắt đỏ so với hoàn cảnh gia đình. Vậy là ước mơ du học vẫn chỉ là ước mơ. Bốn năm đại học cũng qua nhanh và mình tốt nghiệp rồi đi làm văn phòng một ngày 8 tiếng. Những ngày đầu đi làm thật sự nó không như những gì mà mình mong đợi, ngồi làm việc ở văn phòng một ngày 8 tiếng đã khiến mình nghĩ lại bản thân mình thực sự muốn gì. Lúc đó mình nghĩ mình chỉ mới 22 tuổi nếu suốt quãng đời còn lại mình cứ tiếp tục sáng đi làm và hết 8 tiếng rồi về nhà thì cuộc sống thật sự rất nhàm chán. Mình lại nhớ tới câu nói ‘You only live once - Bạn chỉ sống một lần mà thôi’, nên mình phải sống thật ý nghĩa và có được những trải nghiệm quý giá. Lúc đấy thứ duy nhất khơi gợi trong mình là ước mơ du học mà mình vẫn có từ lâu nhưng chưa bao giờ nghiêm túc nghĩ về nó và cũng chưa dám thử tìm hiểu kĩ càng. Vậy nên mình đã bắt đầu lên Google tìm kiếm kinh nghiệm xin học bổng và đúng như mọi người nói Google là công cụ ‘thần thánh’ vì tất cả mọi thứ đều có thể tìm thấy trên đó. Rồi trong vòng 1 tháng mình đã đọc hầu như tất cả các bài chia sẻ về xin học bổng toàn phần, bán phần, trao đổi,… Tuy nhiên, sau khi đọc các bài chia sẻ và thông tin thì thấy hầu như mọi người xin được học bổng đều rất xuất sắc, hơn nữa nghành học của mọi người đều thuộc nghành STEM hoặc về kinh tế, kinh doanh. Trong khi đó nghành học của mình - English Linguistics rất khó để xin được học bổng kể cả bán phần, lúc đầu mình có hơi nản nhưng không vì thế mà mình bỏ cuộc. Sau giờ làm, tối nào mình cũng đọc và tìm kiếm trên Google rồi tình cờ mình tìm thấy và đọc được về chất lượng của hệ thống giáo dục ở Bắc Âu gồm 5 nước: Phần Lan, Đan Mạch, Nauy, Iceland và Thụy Điển rất tốt. Hơn nữa, mình đã tìm hiểu và biết được rằng nếu được chấp nhận vào một trong các trường đại học công lập ở Nauy thì sẽ được granted 100% học phí nhưng việc xin học thì cực kì cạnh trạnh và chỉ có 3-4% số lượng sinh viên được granted. Mình đã đắn đo và cũng tìm hiểu các nước miễn phí học phí khác như Đức hay Pháp nhưng cuối cùng mình đã apply vào Nauy dù biết tỷ lệ đậu rất cạnh tranh. Từ lúc nung nấu ý định phải đi du học cho tới lúc mình nạp hồ sơ chỉ vỏn vẹn 6 tháng – từ tháng 6 đến tháng 12/2018. Và rồi vào ngày 24/04/2019 sau 4 tháng apply khi đang làm việc ở văn phòng thì mình nhận được email từ trường NTNU - Norwegian University of Science and Technology báo mình đã được granted vào ngành English Linguistics and Language Acquisition. Cảm giác lúc đó thật sự không gì diễn tả được niềm vui sướng khi biết mình sắp xa Việt nam và bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ của mình. Thật sự mình cảm thấy mình rất may mắn vì mình là 1 trong số 4% đươc granted và lớp mình chỉ có 6 bạn đến từ các nước khác nhau (Mỹ, Nauy, Lithuania và Việt Nam).

Qua đây mình muốn nhắn nhủ đến những ai đang có ý định đi du học nhưng cứ nghĩ ngành học của mình không có học bổng, cơ hội xin học thấp vân vân và mây mây thì hãy tin mình ‘CỨ TÌM RỒI SỄ THẤY’ chỉ cần bạn đủ kiên trì thì chắc chắn sẽ có cơ hội cho bạn. Bởi vì điều kiện của mình dường như đều không thể để đi du học từ ngành khó xin học bổng đến gia đình không có điều kiện hỗ trợ nhưng hôm nay ngồi gõ những dòng này thì mình vừa hoàn thành xong năm thứ nhất chương trình Thạc sĩ.

I. Cuộc sống ở Nauy như thế nào?
Du học Nauy chắc không được nhiều người biết đến như du học Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Hàn hay Nhật và đó cũng chính là lí do mà mình luôn được hỏi ‘tại sao lại du học Nauy mà không phải là các nước khác’. Dưới đây cũng có thể xem là câu trả lời:
Về Nauy:
Nauy là quốc gia Bắc Âu nằm ở Tây Bắc Châu Âu có lãnh thổ bao gồm phần phía Tây và Cực Bắc của Bán đảo Scandinavia có tổng diện tích là 385.207m2 nhưng chỉ có khoảng 6 triệu dân. Quy mô dân số nhỏ nhưng các chỉ số phát triển luôn thuộc top thế giới. Ví dụ, thu nhập bình quân đầu người cao thứ tư trên thế giới trong danh sách của Ngân hàng Thế giới và IMF. Na Uy đứng đầu trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2017 và hiện cũng đang đứng đầu về Chỉ số Cuộc sống Tốt của OECD, Chỉ số Chính trực Công khai và Chỉ số Dân chủ và cũng là một trong những nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất trên thế giới. Hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân và hệ thống an sinh xã hội toàn diện để đảm bảo sự bình đẳng trong xã hội. Mình cảm thấy rất may mắn khi được là một du học sinh tại Nauy bởi mình được đối xử như một sinh viên người Nauy được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội, y tế tốt nhất trên thế giới.
Thiên nhiên Nauy:
Đặc sản thiên nhiên của Nauy là các Fjords – vịnh hẹp và Aurora (Northern Lights) – Bắc Cực Quang kì ảo. Hơn nữa, rừng ở Nauy cũng rất hùng vĩ và mình đã rất nhiều lần phải mắt chữ O và mồm chữ A vì quá ngạc nhiên với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của Nauy. Điều làm mình rất ấn tượng đó là ý thức bảo vệ rừng cũng như tình yêu thiên nhiên của người Nauy. Từ người già tới trẻ nhỏ đều thường xuyên hiking vào rừng. Còn nhớ lần đầu tiên đi hiking mình đã rất ngạc nhiên khi một đứa trẻ chừng 4-5 tuổi đi cùng với mẹ đã leo lên tận đỉnh núi và đi qua chặng đường mà đối với người lớn cũng không phải dễ dàng. Chắc vì được trải nghiệm và quen với việc hòa mình vào thiên nhiên từ nhỏ nên người Nauy sống rất gần gũi với thiên nhiên. Người Nauy thường sẽ thích sống ở những vùng cách xa trung tâm thành phố, gần rừng núi và đặc biệt là nhà ở càng cao trên núi thì giá thành lại càng cao. Vào các kỳ nghỉ lễ người dân thường đi nghỉ ở các Cabin cao tít trên đỉnh núi cách xa nơi cư dân ở để thư giãn cũng như hòa mình vào thiên nhiên.
Tất nhiên vào mùa đông giá rét tuyết phủ kín mọi người không thể vào rừng nhưng mùa nào Nauy cũng có vẻ đẹp riêng. Mùa đông đặc biệt vào dịp Giáng sinh khi nhà nhà đều trang trí nhà cửa với đủ loại đèn trang trí thì với ánh sáng của đèn trang trí hòa cùng tuyết trắng tạo một bức tranh đẹp mê hồn.
Người dân Nauy có ý thức tốt trong việc bảo vệ môi trường nên môi trường ở đây rất sạch sẽ. Rác sẽ được phân loại, hạn chế sử dùng đồ nhựa nên khi đi siêu thị nếu muốn lấy túi nilon thì bạn phải trả 2 NOK (tương đương 5000 VND) cho mỗi túi - điều này giúp hạn chế việc sử dụng túi nilon.

Luật pháp Nauy:
Người dân Nauy có thể nói là sống và làm việc theo pháp luật. Thứ nhất, người dân có tính tự giác cao trong việc tuân thủ luật pháp. Thứ hai, nếu phạm luật thì bạn sẽ gặp rất nhiều rắc rối. Ví dụ, nếu một công ty bị phát hiện trốn thuế hay nhận tiền đen (tiền đen có nghĩa là số tiền đó không bị đóng thuế mà người chủ sẽ nhận 100% bằng tiền mặt) thì điều đầu tiên là công ty đó sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn, tiếp theo tiền thuế sẽ được tính từ ngày đầu tiên công ty đó mở cửa cho đến thời điểm hiện tại. Có nhiều công ty đã phải bán hết nhà cửa và tài sản chỉ để đóng thuế do việc vi phạm luật pháp. Hay ví dụ như uống rượu bia và lái xe thì người lái xe sẽ bị tịch thu bằng lái vĩnh viễn. Rồi tới việc đi xe bus, khi đi xe bus sẽ không có người kiểm tra vé và phải mua vé trước khi lên xe bus nhưng nếu bạn không mua và bị phát hiện thì bạn sẽ phải chịu phạt gấp nhiều lần giá trị vé gốc. Nauy đề cao tính tự giác, xã hội được vẫn hành dựa vào lòng tin tuy nhiên nếu vi phạm luật pháp thì sẽ bị xử phạt rất nặng. Đây cũng là điều mà mình thích nhất ở xã hội Nauy.

Con người Nauy:
Mình có đọc được đâu đấy nói rằng người dân Nauy lạnh lùng, khó gần nhưng theo như trải nghiệm của mình thì người dân Nauy rất thân thiện, tốt bụng và tử tế. Hơn nữa, họ luôn giữ khoảng cách an toàn và tôn trọng không gian riêng của người khác. Ví dụ khi họ lên xe bus, mỗi hàng sẽ có 2 ghế nhưng nếu đã có 1 người ngồi vào 1 vị trí hàng ghế thì họ sẽ tìm hàng ghế khác nếu còn trống. Nếu không còn hàng ghế trống thì họ sẽ chọn đứng thay vì ngồi cạnh người khác. Nhưng nói chung, họ rất tôn trọng không gian riêng của mọi người. Người dân Bắc Âu nói chung và Nauy nói riêng rất coi trọng các giá trị gia đình. Thường sau giờ làm, thì họ sẽ về nhà quây quần với gia đình, nấu ăn cùng nhau và chơi với các con. Bạn học người Nauy của mình đã lập gia đình và kể rằng sau mỗi lần xong công việc thì chỉ muốn về nhà với gia đình. Hoặc nếu bạn ấy không tìm được việc gần nhà thì bạn ấy sẽ không đi làm và sẽ chỉ ở nhà chơi cùng các con.

Việc làm:
Về cơ hội việc làm, dân số Nauy có trình độ học vấn rất cao hầu như họ đều có thể nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ của họ vậy nên thị trường việc làm rất rất cạnh tranh. Để xin được một công việc ở đây ngoài kĩ năng Tiếng Anh tốt thôi thì chưa đủ, bạn cần phải có chuyên môn thật xuất sắc cùng với nhiều kĩ năng khác nữa. Đối với người nước ngoài ở Nauy thì câu chuyện tìm việc làm bất kể là việc làm thêm hay công việc toàn thời gian luôn là một thách thức.
Tiền:
Nếu kiếm được tiền rồi thì tiêu thế nào? J Thật ra mình muốn nói về việc người dân rất ít dùng tiền mặt mà chủ yếu thanh toán bằng thẻ ngân hàng. Chính phủ Nauy kiểm soát tiền rất chặt nên đó là lý do mà bất cứ người dân Nauy hay người nước ngoài sinh sống hợp pháp ở Nauy đều phải có thẻ ngân hàng. Đúng là không có thẻ ngân hàng thì không làm ăn gì được ở đây. Ở tất cả các quầy dịch vụ, nhà hàng hay nơi có trao đổi mua bán thì đều có máy quẹt thẻ. Tất nhiên người ta vẫn chấp nhận tiền mặt nhưng chỉ với một số tiền nhỏ ngoài ra đều phải thanh toán bằng thẻ. Nếu bạn có một cục tiền mặt với giá trị lớn mang tới ngân hàng thì bạn chắc chắn sẽ gặp rắc rối vì người ta sẽ điều tra tiền của bạn từ đâu mà có, rồi vân vân mây mây hoặc bạn muốn đến ngân hàng rút tiền cũng như vậy bạn sẽ được điều tra kĩ là rút tiền để làm gì mặc dù đó là tiền của bạn gửi ở ngân hàng.

Nhịp sống:
Ở đây gần một năm thì mình nhận thấy mọi thứ ở đây dường như diễn ra chậm rãi từ cảnh vật, thiên nhiên đến con người nơi đây đều nhẹ nhàng, cuộc sống không ồn ào, nhộn nhịp như ở Việt Nam. Mình cảm thấy dễ thở hơn.

Đồ ăn:
Chắc chắn ai xa Việt Nam đều nhớ đồ ăn Việt Nam và mình cũng vậy. Mặc dù ở đây có các cửa hàng Châu Á, Việt Nam nhưng mình không hiểu sao vẫn nhớ đồ ăn Việt Nam. Có khoảng thời gian mình đã bị khủng hoảng vì đồ ăn, mình không biết ăn gì và ngày nào cũng nghĩ hôm nay ăn gì L Rồi giữa đêm thường bị đói vì ban ngày không ăn được. Mình và bạn cùng nhà còn nói đùa là đúng chỉ có food mới làm chúng ta hạnh phúc thôi. Vì mỗi lần được ăn món Việt Nam là mood lại được lên cao. Nên những bạn nào sắp đi du học thì mình khuyên nên mang đồ ăn Việt Nam nhiều vào và các thứ khác ít lại vì theo kinh nghiệm của mình bên này không thiếu bất cứ thứ gì và chất lượng đôi khi còn tốt hơn ở Việt Nam. Vì thế chỉ mang các vật dụng khác vừa đủ dùng cho 1-2 tuần đầu tiên thôi còn lại hãy mang nhiều đồ ăn Việt Nam vào không sang đây thèm lắmmm. Lúc trước khi đi mình cũng đọc bài chia sẻ của các anh chị về việc mang đồ ăn nhiều và các thứ khác ít nhưng do lần đầu đi ra nước ngoài nên mình vẫn mua rất nhiều thứ không cần thiết. Có những thứ mình mua qua đến nay đã hơn 1 năm mà mình vẫn chưa đụng tới.

Thời tiết:
Nãi giờ toàn khen nên đến lúc nói về những khó khăn khi sống ở Nauy nè. Cuộc sống ở Nauy cũng không phải dễ dàng bởi thời tiết rất khắc nghiệt. Do nằm gần Cực Bắc nên mùa đông khắc nghiệt thường kéo rất dài và mùa hè thì rất ngắn. Vào mùa đông thì hầu như sống trong bóng tối vì một ngày chỉ có 2-3 giờ sáng, mặt trời chỉ nằm ở chân trời chứ không mọc lên đỉnh. Còn mùa hè thì không có ban đêm, mặt trời mọc từ 2-3h sáng và lặn lúc 12h đêm nên đi ngủ phải kéo rèm hoặc che mắt mới ngủ được. Thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông do không có ánh nắng để hấp thụ vitamin D nên cơ thể mệt mỏi và hay buồn ngủ rồi chỉ ra ngoài khi cần thiết còn lại chỉ ở trong nhà. Đây cũng là lý do Nauy là quốc gia có tỷ lệ bị trầm cảm và tự tử rất cao.

Chi phí sinh hoạt:
Nauy cái gì cũng thuộc top cao nhất thế giới và chi phí sinh hoạt không phải là ngoại lệ. Lúc mới sang mình rất hay tính ra tiền Việt Nam nhưng bây giờ thì mình đã dừng việc đổi ra tiền Việt vì nếu đổi như vậy chắc không sống được ở đây. Chí phí từ tiền thuê nhà cho tới mua sắm, food, bus… đều rất cao. Nhưng cũng rất may vì là sinh viên nên thường có giá cho sinh viên nên cũng tiết kiệm được một số chi phí.
Tuy nhiên, nếu có việc làm thì mọi thứ lại trở nên dễ dàng hơn vì thu nhập Nauy cũng thuộc top cao nhất thế giới. Rồi thu nhập cao thì thuế cũng cao top nốt. Đúng là không có cái gì hoàn hảo mà. Thuế cao nhưng người dân luôn tự hào vì họ là nước đóng thế cao. Không chỉ Nauy mà các nước như Đan Mạch hay Thụy Điển cũng có mức thuế thu nhập cá nhân rất cao, càng làm nhiều thì phải đóng thuế càng cao, có những người đóng tận 50% thuế của tổng thu nhập. Tiền thuế được sử dụng vào việc đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội như hệ thống giáo dục miễn phí, chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh miễn phí, người thất nghiệp được hưởng lương,…

Góc nhìn cá nhân:
Mình nghĩ ai cũng nên một lần sinh sống và học tập ở nước ngoài dù là định cư hay trở về nước thì nó cũng giúp bạn có được cái nhìn đa chiều hơn và hơn nữa sẽ mang lại rất nhiều cung bậc cảm xúc mà không phải trải nghiệm nào cũng có được. Đối với mình, du học Nauy đã khiến mình lo lắng, hồi hộp, nhưng cũng đầy bất ngờ, cảm thấy may mắn và hạnh phúc. Hành trình du học của mình bắt đầu với vô vàn điều mới mẻ, thú vị và tuyệt vời. Đúng là lần đầu đi du học nên mình đã có rất nhiều thứ lần đầu tiên trong đời được trải nghiệm, thấy và làm. Lần đầu đi máy bay, lần đầu xa nhà, sống tự lập một mình, lần đầu thấy tuyết, trượt tuyết, lần đầu chơi các môn thể thao mới như zipline, lần đầu đi chợ Giáng Sinh, lần đầu xách balo đi du lịch 1 mình ở Châu Âu, lần đầu được học ở môi trường quốc tế với bạn bè khắp năm châu, lần đầu ở chung nhà với các bạn đến từ khắp nơi: Đức, Ý, Malawi, lần đầu có cảm giác như mình đang ở trong bộ phim học đường Âu Mỹ mà mình từng xem. Cảnh các bạn ôm sách ngồi giữa các bãi cỏ xanh mướt, nhâm nhi tách cafe rồi cặm cụi đọc sách hay các nhóm bạn cùng ăn trưa ở canteen trường. Sau giờ học hoặc giờ giải lao mình và các bạn cùng lớp thường ra canteen hoặc các bãi cỏ tám chuyện và chia sẻ về nhiều chủ đề khác nhau.
Du học chắc chắn sẽ là bước ngoặt của cuộc đời, là những trải nghiệm quý giá, là tuổi trẻ và cũng là ước mơ. Nếu đã lỡ mơ về nó thì hãy cố gắng để đạt được nó. Chúc cho các bạn có ước mơ du học sẽ thực hiện được ước mơ của mình, các bạn sắp đi du học sẽ có chuyến đi an toàn, và những bạn đang du học có được kết quả học tập tốt và những trải nghiệm quý giá. Đợt này do Covid-19 nên tình hình du học chắc chắn sẽ khó khăn cũng như có nhiều thay đổi, mình hy vọng các bạn cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

II. Một số câu hỏi thường gặp trong quá trình apply du học Na Uy
1. Du học Nauy học bằng tiếng gì? Nên học tiếng Nauy trước hay sau khi apply?
Trả lời: Nếu apply bậc cử nhân các ngành học không giảng dạy bằng tiếng Anh thì các bạn sẽ cần 1 năm đầu tiên học tiếng Nauy rồi sau đó học bằng tiếng Nauy. Tiếng Nauy và tiếng Anh đều là các ngôn ngữ có gốc Germanic nên cấu trúc ngữ pháp khá giống nhau, hơn nữa có rất nhiều "cognates" - từ giống nhau nên không quá khó để học. Nhưng nếu apply các ngành dạy bằng tiếng Anh thì việc học tiếng Nauy là sự lựa chọn nếu bạn thích thì học, tất nhiên ở Nauy người ta nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ nhưng người ta đề cao tính dân tộc nên có tiếng Nauy thì sẽ dễ hòa nhập với môi trường ở đây hơn. Một lưu ý là có không nhiều ngành giảng dạy bằng tiếng Anh cho bậc Cử nhân mà cho bậc Thạc sĩ nhiều hơn. Nếu apply Master thì chỉ có chương trình dạy bằng tiếng Anh cho sinh viên quốc tế vậy nên bạn cần có tiếng Anh.

Như lúc mình apply thì mình không biết mình có đậu hay không nhưng mình vẫn học vì biết thêm một ngôn ngữ thì tốt hơn mà đúng không.

𝟐. Quá trình apply như thế nào? Xin việc làm thêm ở đây có khó không? Đi làm thêm có đủ trang trải chi phí sinh hoạt không?
Trả lời: Hệ thống giáo dục Nauy miễn phí và áp dụng cho cả sinh viên quốc tế nhưng như mình nói là apply for admission cũng rất cạnh tranh vì sẽ được grant 100% học phí. Mình bắt đầu từ trang web chính thức của hệ thống giáo dục Nauy, mình sẽ để link ở đây: https://www.studyinnorway.no/

Các bạn vào link này, chọn "LEVEL" rồi chọn "SUBJECT AREA" thì sẽ có các ngành thuộc các trường ở Nauy. Và một điều các bạn nên nhớ nếu các bạn apply Master là ngành học của các bạn ở Bachelor phải "relevant" liên quan đến ngành mà bạn sẽ apply vì đó điều kiện tiên quyết để được xét. Sau khi chọn được nghành và trường thì các bạn vào đọc và tìm hiểu các yêu cầu của trường và của ngành học thật kĩ xem yêu cầu là gì để chẩn bị. Thông tin rất rõ ràng nên chỉ cần đọc và chuẩn bị kĩ các yêu cầu rồi nộp hồ sơ là ok thôi. Một điểm cộng là khi apply sẽ không mất phí nộp hồ sơ và mọi thứ đều nộp online trực tiếp trên trang web của trường. Hạn nạp hồ sơ của các trường ở Nauy cho sinh viên quốc tế ngoài EU thường bắt đầu vào tháng 10 và kết thúc vào tháng 12 hàng năm. Nauy chỉ có mỗi kì học mùa thu cho sinh viên quốc tế học chính quy còn các bạn exchange thì kì nào cũng có. Sau khi nộp xong hồ sơ thì chờ kết quả thôi.

Lưu ý: Trong hồ sơ xin học thì có ‘SOP’ (Statement of Purpose), cái thư xin học này đóng vai trò rất quan trọng và có thể nó quan trọng ngang với điểm số nên các bạn hãy lưu ý để chuẩn bị thật tốt. Một tip ở đây đó là các bạn viết rồi nhờ thầy cô hoặc các bạn có quen biết đã đạt được học bổng hoặc ít nhất đang đi du học ở nước ngoài đọc bài và sửa giùm thì sẽ tốt hơn. Trong SOP của mình, mình đã chia sẻ về hành trình của mình từ lúc khó khăn cho đến lúc học đại học rồi ước mơ của mình và mình nghĩ vì mình chia sẻ thật về câu chuyện của mình nên mình mới được accept. Sau khi mình viết xong thì mình cũng nhờ thầy cô và bạn của mình đọc lại và sửa giùm.
Các bạn nói đúng, ở Nauy tuy không mất học phí nhưng chi phí sinh hoạt rất cao. Hồi mình apply mình cũng biết vậy nhưng nghĩ là sang đây sẽ cố xin việc làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt vì bố mẹ không hỗ trợ được. Ở mục này mình nghĩ "networking" cực kì quan trọng vì nếu bạn chủ động network thì sẽ có cơ hội xin được việc làm cao hơn. Như mình lúc còn ở Việt Nam mình đã liên hệ với một bạn đã qua NTNU exchange 1 học kì và đợt đó bạn apply Master rồi sau đó connect với các anh chị người Việt ở bên này. Các anh chị ở đây lâu nên network cũng dày hơn nên sẽ có quen và biết nhiều nơi hơn hoặc ít ra học cũng có thể hỏi giùm. Ở Nauy nếu không nói tiếng Nauy thì xin việc làm rất khó. Như mình nói, họ nói tiếng Anh rất tốt nhưng họ vẫn muốn giữ gìn bản sắc của họ và nói tiếng Nauy. Nhưng vì mình đã network với các anh chị người Việt ở đây nên mình may mắn khi vừa qua là đã có việc làm luôn.
Nên là hãy "BE PROACTIVE" ha.

Là sinh viên quốc tế sẽ được đi làm thêm 20h/ tuần - 50%, ở Nauy mức lương được tính theo giờ và cao nên mình đã có thể trang trải được mọi chi phí sinh hoạt ở đây.

3. Mình có 300 triệu thì có thể đi học Nauy không? Vì mình muốn sang đó vừa đi học vừa đi làm để chi trả chi phí sinh hoạt.
Trả lời: Khi bạn được nhận học ở một trong các trường công lập ở Nauy thì bạn sẽ được grant 100% học phí. Tuy nhiên, bạn cần có số tiền 123,000 NOK (khoảng 300 triệu) để chứng minh tài chính cho việc bạn có đủ khả năng chi trả các chi phí sinh hoạt ở Nauy. Khi làm hồ sơ apply bạn cần in sao kê ngân hàng có đủ số tiền này (yêu cầu chi tiết về số tiền có ghi rõ ràng trong trang web trường và số tiền thay đổi mỗi năm) để nộp cho trường cùng các giấy tờ khác. Khi bạn nhận được giấy báo nhập học thì cần chuyển số tiền này sang tài khoản của trường, cho tới lúc bạn sang đây và có thẻ ngân hàng thì email cho trường để trường trả lại cho bạn. Trường hợp của mình thì mình nhờ bố mẹ mình vay khoản này rồi lúc mình sang đây thì mình gửi về lại bố mẹ vì mình tự trang trải đủ các chi phí ở bên này. Rồi hàng năm khi gia hạn visa bạn cũng cần có số tiền tương đương hoặc nếu sang đây có việc làm thêm thì bạn chỉ cần 1 khoản nhỏ rồi cầm theo hợp đồng lao động là okay.

À một điều nữa mà mình quên chưa nói đó là mỗi học kì bạn sẽ phải đóng 580 NOK (khoảng gần 1tr400 VND) phí học kì. Phí này xem như phí in ấn, quản lí của trường vì vào mỗi kì học thì trong thẻ sinh viên sẽ có 300 NOK và dùng thẻ đó để in tài liệu.

4. Mình cũng học English Linguistics và muốn xin học ngành Tâm lý học, bạn có lời khuyên gì không?
Trả lời: Như mình có đề cập thì ở Nauy không cho học trái ngành mà ngành học phải relevant với bậc Cử nhân hoặc có ít nhất 20 ECTS (The ECTS grading scale is a grading system defined in the European Credit Transfer and Accumulation System (ECTS) framework by the European Commission.) liên quan của Bachelor thì mới qualified nên nếu học Linguistics sao bạn không xin học đúng ngành luôn.

5. Điểm GPA bao nhiêu thì đủ apply? IELTS cần bao nhiêu?
Trả lời: "Applicants should hold a B.A. or an equivalent degree in English or Linguistics with a sufficient background in topics related to English language or linguistics. Only candidates with a minimum of 20 ECTS in English language/linguistics courses will be considered for acceptance. International applicants are evaluated based on their background, including their grades and the suitability of previous studies, including their background in theoretical linguistics.

Possible admission to the programme of study requires a minimum of an average grade of C or the equivalent. C is, however, not a guarantee for admission." Ví dụ đây là yêu cầu của ngành mình. Mọi yêu cầu đều có rất rõ ràng về điểm số hay giấy tờ nên các bạn chịu khó vào trang web mình có để link ở phía trên để đọc và có sự chuẩn bị tốt nhất. Nhưng theo mình thấy thì ít nhất các bạn cũng cần có điểm từ C trở lên vì điểm C theo thang điểm ở Nauy là điểm tốt (Good - A good performance in most areas. The candidate demonstrates a reasonable degree of judgement and independent thinking in the most important areas.) Tính theo thang điểm ở Việt Nam, mình nghĩ GPA từ 7.0 trở lên.

Yêu cầu IELTS cho từng ngành thường khác nhau và cho từng bậc học cũng khác nhau nữa vậy nên các bạn nên chọn ngành của mình muốn apply rồi vào web để xem chi tiết hơn.

6. Mình học ngành gì ở NTNU?
Trả lời: Mình học English Linguistics and Language Acquisition và ngành này liên quan đến Bachelor của mình là English Linguistics.
Ngoài việc mình chia sẻ về ngành học khó xin học bổng, hay admission, gia đình khó khăn thì các bạn cũng nên biết là mình không học đại học top ở Việt Nam như Ngoại Thương, Kinh Tế Quốc Dân, Học viện Ngoại giao hay Bách Khoa mà mình học ở Đại học Vinh – Nghệ An nhưng mình vẫn xin học miễn phí được thì các bạn cứ tự tin vào chính mình để apply đi học nhé!

7. Một số tips để “keep you grounded” – giữ vững niềm tin và chiến đấu cho giấc mơ du học
Mình nghĩ cần có một lí do hay nhiều cũng được để tạo động lực cho bạn khi bạn thấy mệt mỏi, muốn bỏ cuộc. Với mình thì mình có nhiều lí do:

Thứ nhất, mình nghĩ còn trẻ mình phải làm được, phải trải nghiệm vì nếu không đi bây giờ thì lúc nào mới đi với lại chỉ sống trên đời một lần thì phải làm hết, phải thử hết (còn có ước mơ xa vời là đi vòng quanh trái đất haha nhưng chắc khó).

Thứ hai, như mình chia sẻ gia đình mình khó khăn nên lúc còn đi học cấp 2, cấp 3 thường bị bạn bè coi thường. Mình còn nhớ, những năm cấp 3 hồi đó một số bạn đi xe đạp ASAMA, một số bạn đi xe đạp điện nhưng nhà mình không có điều kiện nên chiếc xe đạp mini cọc cạch màu xanh đã đồng hành với mình suốt những năm cấp 3. Trong lớp chắc mỗi mình là đi xe mini nữa thôi, vậy nên mọi người thường nhìn với ánh mắt là nhà mày nghèo vậy, không bảo bố mẹ mua cho xe mới đi. Có những lần mình đã khóc vì cảm thấy bị tổn thương nhưng đây cũng chính là động lực để mình không từ bỏ và cố gắng mỗi ngày. Bây giờ nhìn lại thì xe cọc cạch thì đã sao, mình vẫn thấy hãnh diện vì đã vì như vậy nên mình mới quyết tâm hơn, cố gắng hơn.

Thứ ba, mình thích BTS và cứ mỗi lần mình mệt mỏi, gặp khó khăn thì mình lại nghĩ đến các bạn ấy. Chỉ cần biết họ đã thức khuya, dậy sớm, làm việc chăm chỉ thì mình lại nghĩ tại sao họ làm được mà mình không làm được, họ cũng chỉ là con người như mình mà. Từ đó mình lại tiếp tục gượng dậy và bước tiếp.

Thứ tư là gia đình, mình muốn bố mẹ tự hào về mình và cũng muốn cố gắng học để rồi kiếm tiền cho bố mẹ đi du lịch vì bố mẹ đã làm lụng vất vả chỉ vì để mình được đi học.
Chúc các bạn tìm thấy điều mà các bạn đang tìm kiếm nhé!
Theo 
(Đăng tải tại group Scholarship Hunter)

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,977 lượt xem