Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Bí Mật Để Thoát Khỏi Tình Trạng “Bực Bội” Tài Chính

Có bao giờ bạn cảm thấy “khó chịu” khi vừa nhận lương đã hết tiền?

Đã bao giờ bạn “ấm ức” vì khoản tiền thưởng mình vừa nhận được không cánh mà bay. Và dù bạn có ngồi “trầm ngâm suy nghĩ” mãi cũng không thể tìm ra bạn đã tiêu số tiền đó vào việc gì?

Bạn có muốn “hốt hoảng” chạy đi vay mượn khi một điều bất ngờ xảy ra buộc bạn phải dùng đến 1 khoản tiền lớn. Trong khi bạn nhìn lại ví mình chỉ còn đủ tiền ăn mì tôm đến cuối tháng?

Tất cả những cảm xúc “khó chịu”, “ấm ức”, “hốt hoảng” đối với tiền của bạn tôi gọi chúng là tình trạng “bực bội tài chính”. Đó là khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn nhưng vẫn không khác gì khi bạn kiếm được ít. Đó là khi bạn nhận được 1 khoản thưởng nhưng bạn chỉ nhớ là mình “đã từng” có mà không biết số tiền đó giờ ở nơi nao.

Khi bạn kêu than với bạn bè, đồng nghiệp rằng bạn hết tiền, rằng hàng tháng bạn không để ra được đồng nào, họ sẽ nói gì? Theo quan sát của bản thân, mình thấy thường mọi người sẽ khuyên bạn nên chi tiêu tiết kiệm hơn, nên tìm cách kiếm được nhiều tiền hơn. Vậy tại sao khi mình làm 1 khảo sát nho nhỏ về cảm nhận của vài người về tình hình tài chính cá nhân của họ, người lương 5 triệu/tháng có cảm nhận không khác gì người lương 10 triệu/tháng? Tại sao 2 người lương khác nhau đều có cùng cảm nhận là họ thấy không hài lòng với tình hình tài chính hiện tại?

BÙM! Bạn thấy không? Vậy vấn đề không phải chỉ đến từ số tiền bạn kiếm được. Bạn kiếm được nhiều tiền không đảm bảo bạn sẽ thoát khỏi tình trạng “bực bội tài chính” mà chỉ làm giảm nguy cơ mà thôi. 

Khi nhắc đến tiền chúng ta thường nói về những con số như là thu nhập bao nhiêu, tiết kiệm được bao nhiêu, tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Luôn luôn là con số. Nhưng sự thực là chúng ta sử dụng tiền dựa trên cảm xúc rất nhiều. Bạn cảm thấy bức bối với tình trạng tài chính của mình là vì cảm xúc của bạn đối với tiền của bạn. Thế nên nếu bạn kiếm được nhiều tiền nhưng bạn không hài lòng với tình hình tài chính của bản thân thì bạn vẫn trong tình trạng “bức bối tài chính” như thường. Mình có 1 người quen đang làm trưởng phòng tại 1 ngân hàng lớn, lương tháng hơn 30 triệu nhưng vẫn luôn trong tình trạng “bức bối tài chính”. Sau này người đó lương tăng lên 50 triệu/tháng và bạn đoán xem, người đó vẫn luôn trong bài ca “không biết tiền đi đâu hết?”. Tóm lại, bí quyết để thoát khỏi tình trạng “bức bối tài chính” không phải là bạn phải tăng thu nhập hay cắt giảm chi tiêu, mà bí quyết là bạn phải tìm cách để quản lý số tiền bạn sở hữu được dùng vào việc gì.

Hãy tưởng tượng cảnh bạn ngồi trước bàn làm việc với 1 cái điện thoại, 1 tờ giấy và 1 cây bút trong tay. Bạn ngồi đó và đang xem lại tháng vừa rồi bạn chi tiêu cho việc gì. Bạn biết rõ bạn đã ăn sáng hết bao nhiêu tiền, đổ xăng hết bao nhiêu tiền. Bạn nhận ra tháng vừa rồi mình chi tiêu cho việc cà phê hơi nhiều, trong khi chưa mua quyển sách nào. Bạn gật gù nhận ra mình nên làm gì cho tháng sau rồi thư thái đứng lên, cảm thấy hài lòng với bản thân. Trong khi cách đây 3 tháng bạn vẫn ngồi tại chỗ đó, đang suy nghĩ tại sao chưa hết tháng mà bạn đã hết sạch tiền. Bạn cố ghi nhớ xem mình đã chi tiêu những gì nhưng sau 10 phút bạn đầu hàng, thở dài rồi tự nhủ mình cần phải tiết kiệm hơn (như tất cả các tháng trước đó). Bạn thích viễn cảnh nào hơn? Và cần phải lưu ý là trong cả 2 viễn cảnh bạn đều có mức thu nhập như nhau nhưng việc quản lý được tài chính cá nhân đã mang đến cho bạn cảm giác tuyệt vời.

OK, giờ mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính của mình sau hơn 6 năm thực hiện. Cần lưu ý bạn rằng cách mình đang dùng là phù hợp với mình (không có nghĩa nó sẽ phù hợp với bạn), nhưng bạn có thể dựa vào đó để xây dựng cách làm phù hợp cho bản thân.

Có 4 điểm chính cần lưu ý là: Tự Nhận Xét ,Lên Kế Hoạch, Ghi Chép và Phân Tích.

1. Tự Nhận Xét:

Bạn cần phải hiểu được tình hình hiện nay của bản thân để có thể lên kế hoạch 1 cách hiệu quả. Cụ thể là bạn cần xác định rõ:

- Thu nhập hàng tháng: lương, thưởng, chu cấp hàng tháng, lợi nhuận kinh doanh?

- Chi tiêu hàng tháng: đây là phần khó nhất và cần thời gian nhất. Bạn phải thực sự ghi chép số tiền mình tiêu trong vòng 1 tháng nếu chi tiêu của bạn có nhiều khoản và phức tạp. Nếu cuộc sống của bạn chỉ đơn giản là tiêu A đồng cho tiền nhà, B đồng cho ăn sáng, C đồng cho ăn tối thì bạn có thể bỏ qua việc ghi chép chi tiêu. Nhưng đa phần chúng ta đều có chi tiêu phức tạp như là tiền cà phê, tiền đám cưới, tiền sửa xe, tiền điện thoại. Tôi thực sự khuyên bạn nên ghi chép chi tiêu của bạn trong vòng 1 tháng trước khi đi đến các bước kế tiếp. Cách thực hiện sẽ ở trong phần “Ghi chép” bên dưới.

2. Lên Kế Hoạch:

Việc bạn ghi chép chi tiêu trong 1 tháng trước khi thực hiện bước lên kế hoạch là rất quan trọng. Vì chúng ta thường xuyên đánh giá sai tình hình tài chính của bản thân dẫn đến lên kế hoạch bị sai.

Đây là cách mình làm, bạn chỉ nên tham khảo và chỉnh sửa lại cho phù hợp với bản thân.

Mình chia thu nhập hàng tháng thành 6 mục:

Mục 1: Chi tiêu cố định. Mục này những chi phí chắc chắn bạn phải chi hàng tháng bao gồm:tiền nhà, tiện điện nước internet, xăng xe, điện thoại, etc

Nói chung là dù thế nào thì những khoản này luôn luôn cố định hàng tháng. Dù muốn bạn cũng khó có thể cắt giảm được. Bạn xem hàng tháng chi tiêu cố định của mình tương ứng với bao nhiêu phần trăm thu nhập. Với tôi thì con số này là 72%

Mục 2: Chi tiêu bồi dưỡng bản thân. Đây là khoản không được xem thường. Bạn bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm cho bản thân càng nhiều càng tốt. Tôi xin phép không đi sâu vào tầm quan trọng của việc này. Mục này sẽ bao gồm: tiền mua sách, tiền tham gia các khóa học ngắn hạn như (kĩ năng mềm, tin học, mua các khóa học online, etc). Tôi thường dùng mục này vào việc mua sách thôi nên để mục này là 3% thu nhập.

Mục 3: Quỹ dự phòng. Mục này là số tiền phòng thân của bạn. Sẽ ra sao nếu 1 ngày bạn bị ốm, điện thoại hỏng phải mua mới hay thậm chí là mất việc? Các chuyên gia khuyên nên duy trì quỹ dự phòng này ở mức 3 tháng lương của bạn. Giờ bạn hãy để ra hàng tháng 1 khoản để xây dựng quỹ dự phòng này dần dần. Mục này cũng giúp bạn không phải đi vay mượn khi cần 1 khoản tiền gấp. Bạn có tiền trong tài khoản tức là bạn ở thế chủ động và tránh được việc phải trả lãi vay. Tùy theo thu nhập của bạn để chọn ra con số phù hợp. Với tôi thì mục này chiếm 6% thu nhập

Mục 4: Biếu tặng. Mùa cưới, sinh nhật những người quan trọng bạn sẽ sử dụng tiền trong mục này để chi trả. Đôi khi bạn cho tiền 1 người ăn xin bên đường, hãy dùng tiền từ mục này. 4% thu nhập

Mục 5: Chi tiêu cá nhân. Mục này là những chi phí mà bạn sẽ tiêu hàng ngày, mỗi tháng mỗi khác như là: tiền ăn (sáng, trưa, tối), tiền cà phê trà sữa. Đây là mục để ghi những chi tiêu mà không nằm trong 4 mục trên. Chủ yếu là tiền ăn uống, đi chợ, chi tiêu sinh hoạt, phim ảnh, giải trí, etc. Mục này trước đây chiếm 25% thu nhập của tôi, nhưng đây là mục bạn dễ kiểm soát nhất nên tôi đã giảm xuống còn 15% thu nhập. Tôi thử giảm xuống 10% nhưng không thể, 15% là con số phù hợp rồi.

Cần phải nhấn mạnh rằng thu nhập và chi tiêu của tôi rất khác của bạn. Nên những mục và con số cho từng mục ở trên chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn cảm thấy 5 mục là nhiều hãy ghép chúng lại với nhau. Nếu bạn muốn có thêm 1 mục dành cho việc đầu tư thì hãy thêm 1 mục vào danh sách. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm trong việc này, hãy trao đổi với tôi. Tôi sẽ giúp bạn (link FB bên dưới).

3. Ghi chép:

Bạn nên sử dụng phương pháp ghi chép này ngay từ bước 1. Tự nhận xét. Như vậy bạn sẽ có thời gian làm quen. Có 3 cách phổ biến để ghi chép chi tiêu là sổ tay, excel (trên máy tính) và app (trên điện thoại). Bạn không cần phải đọc về cả 3 phương pháp tôi liệt kê bên dưới, nếu đã xác định mình sẽ dùng sổ tay thì bạn hãy thoải mái bỏ qua 2 phương pháp còn lại.

Sổ tay chi tiêu: đơn giản là 1 quyển sổ để ghi chép lại các chi tiêu của bạn, bạn có thể chi chép theo bất cứ cách nào bạn muốn, trình bày theo cách riêng của bạn, hay là thêm 1 vài câu quotes bạn thích. Dùng sổ tay giúp bạn tùy biến cách thức trình bày theo ý mình, phù hợp với những bạn ham mê sáng tạo, thích viết, thích dùng sổ. Tuy nhiên bạn không thể mang theo cuốn sổ đó đi khắp nơi. Tỷ phú Carlos Slim (người thường đứng trong danh sách những người giàu nhất thế giới) đến nay vẫn còn giữ những cuốn sổ ghi chép chi tiêu từ khi ông còn là 1 cậu bé. Thật thú vị.

Excel file: 1 file excel để ghi chép chi tiêu. Quá thích hợp nếu bạn là người thường xuyên sử dụng excel trong công việc. Bạn sẽ biết hàng chục hàm-lệnh để phục vụ cho việc ghi chép của bạn. Ghi chép tất cả trong cùng 1 tab hay chia mỗi mục thành 1 tab là do bạn quyết định, sử dụng biểu đồ trực quan để thể hiện tình hình tài chính, sử dụng màu sắc theo cách bạn muốn, etc. Tất cả đều phụ thuộc vào kĩ năng excel của bạn. Mình chỉ khuyên bạn nên đưa file lên google drive chẳng hạn để tránh việc mất file.

App ghi chép chi tiêu:chỉ cần lên app store hay CH Play search “chi tiêu” là bạn sẽ có 1 danh sách các app cho bạn chọn. Cá nhân mình thì dùng Sổ thu chi Misa, các bạn có thể chọn bất kì app nào nhưng cần lưu ý: app đó phải có hẹn giờ để nhắc bạn ghi chép, đồng bộ hóa để bạn không bị mất dữ liệu (mình xóa app đi thì chỉ cần tải lại và đăng nhập là toàn bộ dữ liệu đều được khôi phục), giao diện dễ dùng, thao tác đơn giản. App ghi chép chi tiêu dù không dễ tùy biến như 2 phương án trên nhưng bù lại có ưu điểm lớn là nó nằm trong điện thoại, mà điện thoại thì sẽ đi theo bạn muôn nơi. Bạn chi tiêu bất cứ thứ gì chỉ cần rút điện thoại ra và thao tác trong 5 giây, nỗi lo quên ghi chép sẽ không còn nữa. Bạn còn có thể đặt lịch để app nhắc bạn ghi chép chi tiêu vào buổi tối. App còn tự động tích số tiền bạn đã tiêu trong 1 tuần hay 1 tháng cho bạn nữa. Tiện ghê luôn.

                         

4. Phân tích:

Việc ghi chép sẽ là vô ích nếu nó không đưa ra cho bạn những thông tin hữu ích. Đáng tiếc là mình đã có 1 thời gian bị như vậy, mình chỉ ghi chép theo thói quen mà không phân tích chi tiêu. Thường cuối tuần mình sẽ kiểm tra lại số tiền trên app và số tiền thực tế của mình có khớp nhau không? Nếu không khớp chứng tỏ đã có 1 khoản nào đó bạn quên không ghi chép lại (phổ biến nhất) hoặc bạn nhập thông tin vào app bị sai (ít phổ biến hơn). Có lúc bạn chấp nhận rằng mình không tìm ra được lỗi và phải ghi số tiền chênh đó thành 1 khoản chi phí. Luôn đảm bảo số tiền trên giấy tờ và số tiền thực tế bạn có phải khớp nhau nhé. Sau đó bạn xem mục nào của mình đang lạm chi? Mục nào còn dư nhiều tiền? Tự hỏi mình những câu hỏi để giúp bạn quản lý tài chính cá nhân tốt hơn.

Có 1 điều thú vị là việc quản lý chi tiêu bị tác động vô cùng lớn bởi cảm xúc. Trước đây thu nhập của mình vẫn vậy, nhưng việc Biết Rõ tiền của mình được tiêu vào đâu đem lại Sự Hài Lòng vô cùng lớn. Và sự hài lòng đó thường đến sau khi mình thực hiện bước phân tích chi tiêu này. Số tiền trên app và số tiền thực tế mình có đã khớp, chứng tỏ việc ghi chép không có sai sót. Nhìn lại mình biết rõ số tiền mình tiêu trong 1 tuần qua, tiêu vào mục gì, cho cái gì. Vậy là tạm biệt cảm giác “tiền của mình cứ đi đâu hết?” (lần tới nghe thấy ai nói câu này bạn hãy khuyên người đó đọc bài viết này nhé).

Tóm lại, đây là những điểm chính cần nhớ mình đã đúc rút từ kinh nghiệm của bản thân, quan sát người khác và thực hiện khảo sát thực tế:

- Việc tăng thu nhập không đảm bảo bạn sẽ có tình hình tài chính khá khẩm và sáng sủa hơn. Đơn giản là mức chi tiêu sẽ tăng lên tỉ lệ thuận với thu nhập của bạn. Cuối tháng, số tiền bạn còn lại vẫn là con số 0 tròn trĩnh.

- Thói quen ghi chép chi tiêu là thói quen của nhiều tỉ phú trên thế giới nên đừng cảm thấy kì cục khi bạn dừng lại 1 chút, rút điện thoại ra để ghi chép chi tiêu bạn vừa thực hiện hay là dành ra 10-15p mỗi tối để ghi sổ/cập nhật file excel.

- Bạn nên theo dõi chi tiêu của mình 1 thời gian trước khi lên kế hoạch chi tiêu cho tháng tiếp theo.

- Việc lên kế hoạch chi tiêu cần phù hợp với hoàn cảnh của từng người. Xin đừng cứng nhắc áp dụng quy tắc “6 chiếc lọ tài chính” hay là “50/20/30” hay tất cả những gì tôi chia sẻ trong bài viết này. Nếu điểm nào đó bạn thấy không phù hợp, hãy linh hoạt.

- Có 3 cách phổ biến để ghi chép chi tiêu là dùng sổ, excel file hoặc là app trên điện thoại. Mỗi cách đều có ưu điểm riêng.

- Phân tích chi tiêu của bối tối thiểu 1 lần mỗi tuần để đảm bảo việc ghi chép không có sai sót, nhìn lại chi tiêu của bạn để có thay đổi nếu cần và quan trọng hơn là tận hưởng cảm giác tuyệt vời khi bạn không còn phải thốt lên “Tiền của mình cứ đi đâu mất”.

- “Quản lý tài chính cá nhân nên là môn học bắt buộc cho tất cả mọi người”- KaoKat

Tác Giả: KaoKat

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/ru.hika.1656  

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là ""Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ"". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,205 lượt xem, 1,199 người xem - 1207 điểm