Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Đọc Sách Quả Là Rất Tốt, Nhưng Đọc Quá Nhiều Lại Hóa Không Hay Chút Nào

Ắt hẳn khi đọc tiêu đề, nhiều bạn sẽ cảm thấy quá ư tò mò và oái ăm. Dễ đoán được trong đầu các bạn sẽ nghĩ:

“Đọc nhiều sách mà cũng không tốt ư?? Mình có đọc nhầm không nhỉ??”

rồi,

“Sao ai cũng khuyên đọc càng nhiều sách càng tốt vậy??”

và thậm chí,

“Thật không đấy? Tôi quen nhiều người trở thành siêu sao nhờ đọc sách lắm đấy nhé anh bạn tác giả à!!”

Nếu chịu ngồi xuống lắng nghe thì chúng ta sẽ có hàng tá những ý kiến đại loại như vậy nữa. Những ý nghĩ này phải thừa nhận rằng rất phổ biến. Xã hội chất xám ngày nay không thể không nhắc tới vai trò của những quyển sách, của văn hóa đọc. Những người trẻ như tôi và bạn đều có vẻ như thuộc nằm lòng những ích lợi to lớn mà đọc sách mang lại. Bất kể là bạn tự trải nghiệm hay đơn giản là qua thông tin đại chúng, bạn đều sẽ dễ bắt gặp một mệnh đề “bất diệt” rằng chúng ta không thể thành công to lớn được nếu thiếu đọc sách. Tôi cũng sẽ không định ghi lại những vai trò này để không làm dài dòng bài viết.

Nhưng,

Các bạn có khi nào thử nghĩ ở một khía cạnh khác, đọc quá nhiều sách cũng gây hại tương tự như việc không đọc một cuốn sách nào không? Nghe có vẻ là một điều lạ lùng khác nhưng đừng ngại suy nghĩ bạn nhé! Bạn có từng nghĩ rằng đọc quá nhiều sách là không hề cần thiết và việc này sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới mình không? Liệu như thế có làm phản tác dụng tuyệt vời của sách hay không? Một phút suy nghĩ nhé, bắt đầu!

Nào, đã có ý kiến riêng của bạn rồi chứ? Tuyệt vời! Bài viết này được viết nên bởi chính những kinh nghiệm rút ra của bản thân cùng sự quan sát, nhận biết của tôi xung quanh vấn đề này. Thú thật, tôi từng là một chú mọt sách chính hiệu, một kẻ cuồng sách đến nổi đã đọc qua chế độ đến năm cuốn sách trong một tuần lễ. Chính tôi là người trực tiếp chứng kiến và trải nghiệm qua những tác động khá tiêu cực mà điều này mang lại. Có thể và có lẽ là tất nhiên, những quan điểm này sẽ xung đột với cách nhìn của nhiều bạn, nhưng đâu có gì phải lăn tăn đúng không nào? Tôi và bạn còn trẻ, chúng ta không sợ sai, bởi thật đơn giản, sai thì sửa thôi!

SÁCH KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG VIÊN ĐÁ RUBY LẤP LÁNH ĐỂ NẠM LÊN CHIẾC VƯƠNG MIỆN TRI THỨC

Đọc nhiều sách làm bạn cảm thấy mình rất quyền lực phải không? Tôi đã từng đinh ninh như vậy. Bức ảnh bạn “sống ảo” đang lật một cuốn sách luôn là ảnh có lượt like cao ngút trên Facebook đúng không? Ồ, hiển nhiên rồi! Đi vào thư viện là cách tuyệt nhất để tỏ ra mình thông thái hay đơn giản là gây ấn tượng với người trong mộng nhỉ? Ơ, cần phải nói sao, ai mà chẳng tôn sùng sách?!

Có lẽ do truyền thông đại chúng ngày nay rỉ vào tai quá nhiều nên chúng ta đều rất tôn trọng sách và cả những anh chàng, cô bạn mọt sách. Chính tôi đã tự áp đặt nguyên tắc vô thưởng vô phạt ấy lên bản thân, rằng muốn được người khác tôn trọng, tôi phải đọc thật nhiều sách, thật nhiều vào. Có thể nói vào thời điếm đó, tôi đã quá đỗi ám ảnh với sách. Chúng ta cố gắng mua vô tội vạ và đọc một cách rất hời hợt để rồi mau chóng xếp chúng lên giá sách. Thật vậy đó! Chính cái việc xếp càng nhiều sách lên chiếc kệ lại là thứ chúng ta ham muốn, chứ nào phải những điều kì diệu trong những quyển sách kia đâu! Tôi mua sách nhiều đến nỗi không thể kiểm soát được tài chính cá nhân của mình. Thậm chí, khi cháy túi, tôi lại lên trường đại học tìm mượn sách thư viện và đã bị kỉ luật khi nhiều lần không trả sách đúng hạn. Nhìn những kệ sách tươm tất, đầy ắp sách vở trên phim ảnh hay qua Internet, chúng ta không thể cầm lòng mình được. Còn gì hơn khi ngắm nhìn những gáy sách đầy đủ sắc màu, hít hà mùi hương đặc trưng của giấy sách ngay tại nhà và cảm thấy bản thân trông thật “trí thức” và “bác học”. Tin tôi đi! Cảm giác đó quả rất dễ chịu và “gây nghiện” đấy! Nhưng sự thật rằng nó chỉ là cảm giác giả tạo mà não bộ của bạn tạo ra mà thôi. Điều này góp phần dẫn tới thực trạng chung của rất nhiều bạn trẻ hiện nay rằng các bạn chúng ta không ngừng sắm sách trong khi ở nhà còn cả một ô kệ sách mới toanh chưa từng giở ra nổi đến trang bìa.

Nếu bạn còn cho rằng kệ sách chỉ là món trang sức cầu kì cho tri thức thì hãy nhanh chóng bỏ đi ý nghĩ đó ngay nhé! Theo anh Sasaki Fumio, tác giả quyển sách có tác động lớn đến tôi là “Lối sống tối giản của người Nhật”, chúng ta không cần thiết phải xem kệ sách “ sặc sỡ” là biểu trưng của sự hiểu biết hay tỏ ra vẻ hào nhoáng, trọng hình thức. Sách vẫn là chỉ là sách, chúng đơn giản chỉ là phương tiện truyển đạt tri thức. Sau khi nhận ra điều đó, tôi đã mạnh dạn đem bán và cho bớt  sách cũ, những cuốn mà thậm chí chưa từng đọc trên kệ. Lúc đầu sẽ khó để mà làm quen đấy, nhưng “nghiện” sách ở một mức độ như tôi làm được thì bạn cũng sẽ thành công thôi.  

ĐỌC SÁCH CỐT LÀ ĐỂ TỰ KHÁM PHÁ, CHỨ KHÔNG PHẢI ĐỂ DỄ DÃI ĐI THEO LỐI MÒN NHẬN THỨC

Triết gia René Descartes có câu nói nổi tiếng: “Tôi tư duy, vì thế tôi tồn tại”. Đây quả là một tuyên ngôn đầy ý nghĩa với mọi người. Tư duy, động não chính là gốc rễ của sự phát triển, là nguồn gốc của mọi nền học thuật. Loài người chúng ta từ buổi khai sơ nguyên bản cho tới khi đạt được đỉnh cao văn minh ngày hôm nay đều chẳng phải do không ngừng sáng tạo, vận dụng bộ não quí giá trời ban của mình hay sao?

Tôi và các bạn đều phải luôn tư duy hàng ngày, khi chúng ta làm một điều gì đó, học vài điều mới lạ nào đó. Ngay cả khi bạn đang ngủ, não bộ vẫn còn hoạt động, dù là ở một mức độ thấp. Chúng ta có thể có những ý kiến, luận điểm khác xa nhau về cùng một vấn đề, hiện tượng nào đó. Nhưng cái tôi muốn nói ở bài viết này, chính ở việc mỗi người phải có những suy nghĩ của riêng chúng ta, xuất phát từ chính bộ óc, bối cảnh của mình. Xin đừng đánh giá nhẹ điều đó! Sao chép tư duy của người khác sẽ không mang lại lợi ích gì cả. Chúng ta muốn phát triển thực sự, chúng ta nhất thiết phải không ngừng cọ xát, gọt đẽo những chính kiến riêng của mình với thế giới bên ngoài. Quá trình này không hề dễ dàng nhưng thành quả nhận được sẽ vô cùng xứng đáng, hệt như khi chú sâu bướm tiến hành lột xác. Đó chính là những tri thức chất lượng nhất, phù hợp nhất với bản thân bạn và chỉ riêng bạn mà thôi. Đây cũng là nguyên tắc cơ bản nhất trong thuyết tiến hóa của Darwin.

Đọc sách quá nhiều sẽ làm bạn dễ dàng mắc phải lối suy nghĩ dễ dãi, rập khuôn. Khi đọc năm quyển sách một tuần, tôi đơn giản chỉ đang đọc ở cấp độ thấp nhất. Tôi chỉ đơn thuần đọc chữ cái mà thôi! Tư duy theo chiều sâu dần biến mất, thay vào đó là một bộ não tiếp nhận tri thức máy móc, đầy tính chủ quan. Tôi đã tin vào mọi luận điểm mà tác giả trình bày mà không một chút nghi ngờ, nghĩ ngợi. Các bạn mọt sách ắt hẳn đã  từng trải qua cảm giác khi đọc một quan điểm nào đó từ một tác giả, các bạn bỗng băn khoăn không biết điều này là đúng hay sai. Tôi cũng vậy! Cách xử lí khoa học nhất ở đây chính là bạn phải đọc chậm lại, suy ngẫm lại, tìm tòi đối chiếu các nguồn thông tin khác nhau để làm sáng tỏ luận kiến ấy. Nhưng ôi thôi! Nào là bản liệt kê “sách phải đọc” dài đằng đẳng, nào là ganh đua với bạn bè, nào là không có thời gian…và còn nhiều thứ khác nữa, chính chúng làm não bạn hời hợt chấp nhận mà không một chút tư duy phản biện. Sự tò mò, sáng tạo quí giá của bộ óc đã bị tính hấp tấp chạy theo số lượng, hình thức giết chết.

Ngày nay, thị trường nổi lên một dòng sách với tên gọi khá hào nhoáng là Self-help (tự thân phát triển), không chỉ ở nước ta mà còn trên thế giới. Những quyển sách loại này luôn chiếm đầu bảng xếp hạng doanh số của các nhà sách. Tôi đã rất hâm mộ chúng. Chúng luôn là liều thuốc “an thần” ngọt ngào mỗi khi tôi thấy khó khăn với thực tại. Tôi đọc rất nhiều và tin tưởng tuyệt đối vào các tác giả, những viễn cảnh tương lai tốt đẹp, thành công mà họ vẽ ra. Trong tôi bắt đầu hình thành những quan điểm nhân sinh quan trái với giá trị sống của bản thân mình. Nhưng cũng không lâu sau đó, tôi bất thần nhận ra mình đã quá tự nuông chiều, vô kỉ luật. Sự thật là, sách Self-help chỉ là những viên gạch không hơn không kém để bạn tự xây nên tòa lâu đài tri thức của chính bản thân bạn. Mỗi chúng ta đều là mỗi cá thể đặc biệt với mỗi bối cảnh khác biệt nên không thể có một công thức thành công nào tương tự nhau cả. Chỉ có một mẫu số chung cho thành công mà tôi biết, đó là thói quen không ngừng tư duy đa chiều và luôn luôn có sự phản biện.

ĐỌC RẤT NHIỀU SÁCH À? CÓ VẺ HAY ĐẤY, NHƯNG BẠN HIỂU ĐƯỢC BAO SÂU NÀO?

Tôi đã từng nghĩ rằng, cứ đọc sách thật nhanh rồi tôi sẽ tiết kiệm được khối thời gian. Có giai đoạn tôi thật sự bị stress và mất ngủ khá nhiều khi mải mê luyện phương pháp đọc nhanh trên 1500 trong một phút. Tôi đã quá lãng phí sức lực để học phương pháp ấy để rồi phải hối tiếc rất nhiều. Sao chúng ta lại phải o ép bản thân mình để tiếp thu kiến thức một cách khó chịu như vậy! Thay vì thế, hãy đọc chậm lại, đọc một cách thông thả và đắm mình nhất vào quyển sách. Tôi từng nghe qua rằng sách chính là thứ duy nhất vừa đem lại cho bạn sự giải trí và kiến thức song song cùng một lúc. Không nên để bản chất tốt đẹp thứ nhất này của chúng bị méo mó, bạn nhé!

Việc đọc quá nhanh để chạy theo số lượng còn làm tôi không thể hiểu thấu đáo hết được nội dung cốt lõi của sách. Chúng ta dễ có quan niệm sai lầm rằng đọc đi đọc lại một cuốn sách là phí phạm rất nhiều thời gian. Nhưng chính việc ấy lại sẽ tiết kiệm cho bạn một lượng lớn thời gian sau này đấy! Tôi tin rằng, một quyển sách khiến bạn nắm chắc được ngọn ngành nội dung chỉ sau duy nhất một lần đọc thì chưa phải một quyển sách hay.

Các tác phẩm văn học kinh điển luôn là món khoái khẩu của nhiều bạn yêu sách. Nhưng sự thật là khá ít người chịu đọc lại một lần thứ hai bởi họ nghĩ chúng đơn thuần chỉ là một câu chuyện, khi đọc lại thì đã mất đi cảm hứng, háo hức và cảm thấy nhàm chán. Nói cách khác, họ đánh đồng tiểu thuyết kinh điển y hệt như một bộ phim. Tôi cũng đã cho rằng như thế và mắc sai lầm rất nhiều.

Khi đọc qua kiệt tác “Ông già và biển cả” của Earnest Hemingway lần đầu, bạn hiểu được bao nhiêu tầng của “tảng băng trôi” ý nghĩa câu chuyện? Hay như các tác phẩm đồ sộ “Suối nguồn” của Ayn Rand và “1Q84” của Haruki Murakami? Chắc hẳn các bạn không thể không đọc lại trên dưới năm lần để hiểu rõ được ý nghĩa sâu xa của chúng. Với tôi, mỗi lần đọc lại, tôi lại hiểu ra một lớp ý nghĩa mới mẻ khác. Điều tương tự cũng xảy ra với những loại sách mang nhiều kiến thức hàn lâm, học thuật. Nếu chỉ hiểu được phần ngọn thì giá trị của quyển sách rõ ràng chưa được khai phá hết và do đó việc đọc của bạn coi như mất đi phần lớn thu hoạch. Nhiều người có thể mang nguyên tắc Pareto (thật buồn cười là chính tôi cũng đã từng như vậy?!) ra để phản biện lại, nhưng sau tất cả, tôi vẫn cho rằng đã đọc thì phải hiểu thật thấu đáo, nếu không thì không nên đọc vì sẽ không mang lại kết quả gì cả. Và, đọc sách quá nhiều chính là kẻ thù số một của điều này.

ĐỌC ĐÚNG SÁCH VÀ ĐỌC SÁCH ĐÚNG

Phải thừa nhận rằng, thói quen xấu đọc sách quá lan man, chạy theo cảm xúc chính là hệ quả của việc cố gắng đọc quá nhiều.

“10 cuốn sách hay nhất nhất định bạn phải đọc một lần trong đời”,

“20 quyển sách này sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc đời bạn”,

“30 quyển sách kinh doanh hay nhất mọi thời đại”

“40 cuốn sách…,

… .

Nào, cảm thấy rất quen thuộc chứ, bạn nhỉ? Chúng ta đều từng một lần click vào đọc cũng như lên “khí thế” hừng hực để luyện hết cái list sách đó càng sớm càng tốt. Tôi từng rất ư là cuồng những bài tít kiểu này. Tôi vùi đầu tìm mua sách giấy, hết tiền thì lại lục tung Internet lên để tìm ebook. Nhưng, chúng ta có bao giờ đặt ra câu hỏi rất đơn giản là:

“Liệu chúng có hợp với tôi hay không? Nếu tôi không thích chúng thì sao?”

Những bản danh sách trên thật sự chỉ là quan điểm rất chủ quan của các tác giả bài báo đó. Một bi kịch là chúng ta cứ cố gắng nuốt và tiêu hóa từng con chữ trong quyển sách không hợp khẩu vị của mình. Bản thân tôi đã đọc một cách rất tràn lan và không có chọn lọc. Tôi thậm chí không có chút cảm giác nào về những kiến thức mình nạp vào đầu. Bạn ơi, trên thế giới này không bao giờ thiếu sách để bạn đọc đâu! Bạn đừng nên bao giờ dùng thời gian vốn đã rất hữu hạn của mình để đọc những cuốn sách dở. Điều này hoàn toàn trái lại với việc ngụy biện rằng mình không có thời gian nên “buộc phải” đọc thật nhanh nhé.

Tệ hơn là, chúng ta mãi mê thu nhặt kiến thức theo chiều rộng mà quên mất những gì chúng ta giỏi nhất, tức theo chiều sâu. Điều này là hậu quả của việc không kềm chế nổi được cảm xúc của mình. Khi nổi hứng nhất thời, tôi đọc rất nhiều sách với các chủ đề vô cùng lạ lẫm, những kiến thức không hề được vận dụng sau này để rồi mau chóng chán nản. Theo tôi, là một cuốn sách chuyên ngành sẽ tốt hơn là một cuốn bách khoa toàn thư, đặc biệt với những người trẻ. Các bạn trẻ đều phải có một điểm mạnh, một sở trường mình ưa thích nhất. Sách sẽ là công cụ rất hiệu quả để tôi và bạn bồi đắp, phát triển chúng hơn nữa. Hãy biết chọn đúng sách với mình, bạn nhé!

Hãy biết nghỉ ngơi và cân bằng! Đọc sách quá nhiều làm chúng ta quên đi nhiều điều bổ ích khác và rất dễ gây mệt mỏi. Hiện tại, tôi chỉ đọc một quyển sách trong một tuần. Sự uể oải, bù đầu dần dần biến mất. Có một nguyên tắc khá hay là khi bạn làm việc bằng đầu óc thì nên giải trí bằng tay chân và ngược lại. Lí tưởng nhất chính là chơi một môn thể thao nào đó. Tôi bắt đầu đi tập gym và kết quả thật vượt ngoài mong đợi. Tôi tiếp thu kiến thức một cách rất hiệu quả và sảng khoái, không còn bị cảm giác quá tải nữa. Sử dụng những công cụ như đồng hồ cà chua Pomodoro, sổ ghi chép cũng  khiến việc đọc của bạn mang lại nhiều thành quả nhất. Tôi cũng đã tập thử viết review cho từng quyển sách tôi đọc, cho dù chỉ cho một mình tôi xem lại mà thôi. Hãy tin tôi! Chúng tuy đơn giản nhưng sẽ khiến bạn thay đổi rất nhiều đấy!

Nhớ nhé bạn tôi ơi, đã trót làm một chú mọt sách, thì hãy làm một chú mọt sách thật khoa học nhé!

Với tất cả lòng yêu sách, chúc cho tất cả chúng ta cùng thành công!

Tác Giả: Thanh Tín, Sinh viên @ UFM

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/tin.lethanh.77

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

 (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là ""Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ"". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

20,209 lượt xem, 19,342 người xem - 19342 điểm