Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết Học Tuổi Trẻ] Tại Sao Bạn Chờ Đến Năm Ba Để Đi Thực Tập?

Mỗi ngày bạn nhìn thấy Ybox đăng tuyển khoảng 5 tin tuyển dụng thực tập sinh. Một tuần có hơn 30 công ty lớn bé đang khao khát bạn và những người trẻ đầy nhiệt huyết khác. Nhưng những bạn sinh viên năm nhất, năm hai  nói với tôi rằng: “Thôi chờ đến năm ba rồi hẵng đi thực tập”. Các nhà tuyển dụng lại cũng chia sẻ với tôi rằng: “Tại sao các bạn lại chờ đến năm ba?” Tôi cũng loay hoay cùng các bạn, tôi tự hỏi “Tại sao không?”

Sự bắt đầu không tính bằng bất kỳ con số nào!

Chúng ta thường đặt ra cho mình những cái mốc, những giới hạn vô hình. Không ai đề ra ranh giới đó, nhưng chúng ta cứ tin vào những điều chúng ta tưởng là đúng, tưởng là đương nhiên. 18 tuổi, bạn được xem là đủ năng lực hành vi dân sự, đủ trưởng thành và chín chắn để sống tự lập, được phép lái xe ô tô, được ra vào những quán bar một cách hợp pháp. Nhưng có phải ai đủ 18 tuổi cũng đủ cái sự “trưởng thành” mà xã hội kỳ vọng đó. Có người 20 tuổi rồi vẫn đâu biết mình muốn làm gì, tương lai ra sao. 30 tuổi rồi vào quán bar vẫn hung hăng gây sự như những thanh niên đầu nóng tim lạnh. 40 tuổi rồi lái xe gây ra tai nạn vẫn bỏ trốn như đứa trẻ không dám nhận tội làm vỡ cái lọ hoa.

Dường như xã hội đặt ra những quy chuẩn, và chúng ta đang tự o ép mình vào những quy chuẩn đó một cách rời rạc. Nhưng có những người không nằm trong nhóm “chúng ta” đó.Bạn nghĩ bao nhiêu tuổi thì nên khởi nghiệp? 25 tuổi, Evan Spiegel, CEO của Snapchat. 26 tuổi, John Collison, đồng sáng lập  dịch vụ thanh toán toàn cần Stripe trị giá 1.1 tỷ USD. 31 tuổi, Mark Zuckerberg, “Tổng thống” của đất nước 1.9 tỷ dân Facebook.  Những cái tên khiến cho cả thế giới ngã mũ và mường tượng về một cộng đồng start-up màu mỡ với những vị ceo tài năng và trẻ tuổi. Tuối trẻ thì tài cao! Thế nhưng chắc chúng ta cũng từng nghe đâu đó câu chuyện về ông già làm ở trạm phục vụ vô danh đến năm 62 tuổi. Người ta biết đến ông nhiều hơn khi ông quyết định biến những công thức gà của mình thành 1 thương hiệu mang tên KFC. Bạn có biết những con chip trong chiếc laptop của mình có mặt là nhờ Robert Noyce sáng lập tập đoàn Intel ở tuổi 41. Và mạng xã hội LinkedIn nghe như của những chàng trai cô gái năng động trẻ trung thật ra được cho ra đời khi Reid Hoffman 43 tuổi.

Những người làm thay đổi mọi định kiến về tuổi tác và khởi nghiệp

Quay trở lại câu chuyện thực tập của chúng ta. Ai đã bảo với các bạn rằng năm ba mới nên đi thực tập. Năm ba và năm nhất quy xét cho cùng cũng chỉ là 2 con số vô định. Nếu bạn đang là sinh viên năm nhất nhưng một tuần bạn lên thư viện 3 buổi, 1 tháng bạn đọc 1 quyển sách, 1 năm bạn tham gia thêm 3 câu lạc bộ, đi làm không công, đi tình nguyện suốt 5, 6 tháng trời thì bạn khác! Nếu bạn đang là sinh viên năm ba, sáng cắp sách đi trưa cắp sách về, chiều ngủ, tối chơi game, lâu lâu mò mặt lên thư viện tìm vài quyển vì sắp đến ngày thi rồi, thì bạn cũng khác. Con số ở đây hoàn toàn tương đối, năm nhất hay năm ba thì khi bước vào một công ty, một môi trường làm việc thật sự, các bạn đều có chung 1 điểm: bắt đầu từ con số 0.  Nếu bạn cứ chờ mãi, chờ đến khi ai đó trong xã hội bảo rằng: Em ơi em đủ tuổi đi thực tập rồi đấy, nhìn lại bạn sẽ tiếc nuối. Thực sự tiếc nuối vì mất những năm tháng chỉ dành cho sợ hãi và chết chìm trong cái “định kiến về tuổi”. Ước gì mình biết đến điều này sớm hơn!

Đừng đợi giỏi rồi mới làm

Hầu hết chúng ta đều sợ. Ngày xưa đi học biết câu trả lời rồi đấy, nhưng vẫn không phát biểu vì sợ sai. Cũng thật hài hước khi chúng ta sợ là chúng ta không giỏi như chúng ta nghĩ. Sợ mình bị ảo tưởng sức mạnh. Sợ thật đấy chứ! Tôi vẫn còn nhớ những ngày đi học, cô giáo thưởng hỏi “Ai làm được giúp cô nào?”. Tôi muốn, muốn lắm, muốn rất nhiều luôn ấy. Nhưng cũng sợ, vì nghĩ mình chắc gì đã làm được những công việc của lớp trưởng, của bí thư. Thế là tôi quyết định đợi. Đợi cho mình giỏi hơn, đợi mình trau dồi đủ mọi kiến thức, kỹ năng để trở thành một điều gì đó, thật sự giỏi giang và không làm ai thất vọng, đặc biệt là chính bản thân mình. Trong thời gian tôi đợi, lần lượt những người khác ngồi vào vị trí đó. Họ ban đầu cũng khờ khạo quá. Nhưng rồi tôi cố gắng trong thầm lặng bao nhiêu thì người ta lại cố gắng ra mặt bấy nhiêu, chẳng kém gì tôi cả. Tôi nghĩ rằng cái ngày mà tôi học đủ để trở thành ai đó mà tôi kỳ vọng, thì người ta đã nhảy lên một bậc mới rồi. Đến cuối cùng, điều tồi tệ nhất lại là tôi không bao giờ cảm thấy mình đủ giỏi để làm ở vị trí đó.

Bạn có bao giờ cũng trải qua những cảm xúc tương tự như vậy. Chúng ta thường ngoài nghi về chính mình hơn là tin tưởng nó. Không phải là vì chúng ta không đủ giỏi đâu, tin tôi đi, mà bởi vì xung quanh chúng ta có quá nhiều những hệ quy chiếu xa vời. Các bạn luôn cảm thấy mình chưa đủ, luôn luôn chưa đủ. Bởi vì xung quanh mình toàn người giỏi quá. Em này bằng tuổi mình mà đã làm cộng tác viên cho Hoa Học Trò. Anh này hơn mình có 2 tuổi mà đã mở được công ty riêng rồi cơ đấy. Cô hôm qua mình gặp là Account Executive của Dentsu được 3 năm. Nhưng thực ra, trên thế giới này không có ai tự nhận mình đủ giỏi, đủ tốt, đủ hoàn hảo để làm được một công việc cả. Người ta xông xáo cả đấy! Người ta vẫn tự thử thách đấy thôi. Nếu ở một nơi làm việc mà cả mọi thứ mình đều biết thì bạn phải là CEO chứ không phải nhân viên bình thường. Nếu ở một nơi bạn là người giỏi nhất thì người học được ít nhất là bạn. Đừng sợ những nỗi sợ “buồn cười”, đừng ngại những vấn đề không đáng để tồn tại. Chỉ là đi thực tập thôi mà, bạn vẫn có quyền học, quyền đúng, quyền sai và quyền làm lại mọi thứ.

Bạn đừng quên rằng, khi mình quyết định đi làm thực tập sinh cho một công ty nào đó nghĩa là chúng ta đi tìm thầy, thầy trong công việc thật. Chẳng có gì phải ngại khi chúng ta dở tệ, làm việc vụng về, hỏi đâu không biết đấy. Hãy thấy đó là sự tiến lên, đó là sự phát triển bởi ở bên cạnh những người giỏi mới khiến bạn giỏi hơn. Chờ giỏi ư, đừng chờ nữa. Bởi nó ở ngay trước mắt bạn cơ mà. Cứ học đi bạn à. Năng lực không phải là điểm số để ta định lượng 10 lớn hơn 1. Năng lực phải thử bằng những phép thử cuộc sống. Bạn nghĩ bạn có đủ giỏi để làm thực tập sinh cho Facebook không? Thử nộp đơn đi. Bị từ chối ư, vậy tiếp tục tìm kiếm xem thực ra năng lực của mình đang ở đâu. Ở Unilever? Ở Pepsico? Ở VC Corp? Ở những công ty start-up Tiki, Lozi, Ybox…? Hiểu mình đang ở đâu rồi, hãy học từ đó, học, học thật nhiều vào, học từng giây bạn được làm thực tập sinh tại đó. Một ngày nhìn lại, bạn sẽ thấy mình giỏi hơn, trưởng thành hơn ngày hôm qua nhiều lắm. Cũng chính là nhờ cái sự không ngại dốt, khù khờ một cách thông minh như vậy đấy.

Hãy cho nhà tuyển dụng thấy sự cầu thị, lòng kiên trì và ham học hỏi, họ sẽ cho bạn những kiến thức quý giá không được dạy ở trường

Có một nguyên tắc ngầm mà bất kỳ công ty, tập đoàn lớn nào cũng thường áp dụng: Chúng tôi không chọn người giỏi nhất, chúng tôi chọn người phù hợp nhất. Như thế nào là phù hợp nhất? Bạn nhớ lại xem đã bao giờ bạn tham gia một câu lạc bộ, đơn giản vì bạn cảm thấy “hợp” với những người ở đó. Có thể bạn học chuyên ngành Khoa học máy tính, rất khó và chính xác đến khô róc cả người. Nhưng khi tham gia câu lạc bộ hát, bạn thấy hòa hợp, bạn thấy những người bạn cười mỗi lần bạn kể chuyện, bạn cũng hào hứng hơn khi được cùng các bạn đi hát tình nguyện dù chẳng nhận lại được xu nào. Những bạn vẫn ở lại, đơn giản vì đó là sự phù hợp nhất. Sự phù hợp đơn giản là bạn đưa tay ra thì có người nắm lấy, vậy thôi!

Khi bạn đi làm thực tập sinh, người ta không yêu cầu bạn sự xuất chúng, không cần bạn phải là kẻ đứng đầu ba hoa. Cái những công ty cần là những trái tim nhiệt huyết, những bộ não trẻ trung và chẳng mấy phần xám đi vì lợi nhuận. Nhiều người thắc mắc, tại sao thực tập sinh lại chẳng có lương. Tôi không khẳng định tất cả, nhưng nếu bạn sẵn sàng làm không công để học và bạn đủ kiên trì để theo đến cùng từng dự án, tôi tin rằng bạn là người họ tìm kiếm. Còn họ, nếu những nhà tuyển dụng tìm kiếm được những người “phèn nghề” từ con số 0, truyền nghề, thuyết phục được ta ở lại công ty qua từng giai đoạn khó khăn và nhàm chán nhất, tôi cũng tin rằng họ là những người thầy giỏi. Nếu bạn thực sự muốn học, thực sự muốn phát triển, đi thực tập đi. Yên tâm là chẳng có cái tuổi nào được quy định là mốc để biết cầu thị và ham học hỏi đâu, đúng không?

Một điều cuối cùng, hãy giữ lòng kiên trì với công việc của bạn. Sẽ chẳng ai giao cho một đứa học việc những việc quan trọng. Đừng vì vậy mà thấy mình kém cỏi. Sẽ rất tốn thời gian để cho một đứa học việc thành thạo mọi quy trình ổn định của một doanh nghiệp bất kỳ. Đừng vì vậy mà thấy chán rồi bỏ đi. Và sẽ chẳng có người lãnh đạo nào để bạn làm mãi một vị trí, nếu bạn mở lời với anh ấy. Đầu tiên hãy để lòng nhiệt huyết của bạn dẫn lối. Tiếp đến, để lòng kiên trì biến những công việc nhàm chán thành trải nghiệm vàng. Không có bước “cuối cùng” đâu, vì sau đấy sẽ là những ngày tháng học tập còn say mê, còn thú vị hơn nhiều những trang lý thuyết trên giảng đường hàng ngày. Đi đâu cũng là học, quan trọng học ở đâu chúng ta mới thật sự biết đi.

Thực tập thôi mà, chẳng có gì to tát cả. Đâu cần phải chờ đến năm ba?

Tác Giả: Cloudrea 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/dotrabava

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là ""Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ"". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,540 lượt xem, 4,538 người xem - 4563 điểm