Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết Học Tuổi Trẻ] Thói Quen Giải Tỏa Cảm Xúc Cùng Mạng Xã Hội

Mấy tháng trước tôi như thế nào?       

Mỗi sáng thức dậy công việc đầu tiên nhất của tôi là vớ lấy chiếc điện thoại trên bàn để kiểm tra Facebook và các tờ báo mạng. Dường như nó đã trở thành thói quen trong giới trẻ chúng tôi. Khi lướt web, lên các trang mạng xã hội chúng tôi biết hết mọi thứ từ chuyện gia đình, chuyện làng, chuyện xóm, nói chung tất tần tần tật các chuyện trên đời. Tôi nhận ra rằng, những câu chuyện không còn được cá nhân giữ hay khó nói như lúc trước nữa, giờ đây, cái gì công khai được thì người ta cứ vô tư đăng tải. Nhu cầu giải tỏa cảm xúc cá nhân trên các trạng mạng xã hội ngày càng gia tăng. Người ta cảm thấy hào hứng khi có nhiều lượt “Like”, lượt “Share” của mọi người. Tôi cũng một trong số đó, đọc rồi nhấn nút thích và thỉnh thoảng lại bình luận một vài câu băng quơ. Tôi vẫn dán mắt vào màn hình và một tay đánh răng…Biểu hiện của dân nghiện Facebook hầu như tương tự.

Gần đây là việc chàng trai đăng tải các clip lên mạng xã hội nói về việc cha mẹ cấm kết hôn để mong cộng đồng giúp đỡ. Hay như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng livestream trên Facebook nói lên sự đau khổ hơn 20 năm trời phải trả nợ cho mẹ trong tình trạng đầy căng thẳng. Với sự phát triển nhanh chóng của điện toán đám mây đã khiến cho mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter,… có cơ hội ra đời với khả năng cung cấp và lan truyền thông tin nhanh chóng. Thông tin được đăng lên với nhiều ý kiến bình luận xoay quanh, nó tạo thành hội đồng của các cư dân mạng. Họ có quyền đánh giá, bình phẩm hay thậm chí mắng chửi lên các thông tin đó. Ở nơi đó, sẽ có người là bạn bè mình nhưng cũng có người chúng ta chưa từng chạm mặt một lần. Thế nhưng, trong thế giới của mạng xã hội chúng ta gắn kết khăng khít như láng giềng. Và cuộc sống đó là cuộc sống ảo. Trong cuộc sống ấy, chúng ta khó mà kiểm soát được thông tin đâu là thật và đâu là giả. Chỉ biết rằng những tin tức trên mạng xã hội được lan truyền với tốc độ được tính bằng giây. Họ đưa tin để mong cầu tìm được tiếng nói chung với chính bản thân. Họ sẽ cảm thấy biết ơn bạn khi bạn chăm chú đọc và ấn nút bày tỏ sự yêu thích.

Những đối thoại trực tiếp giờ đây không còn hiệu quả nữa. Bởi ít tiếp xúc hoặc hiểu biết về nhau mà sự cảm thông sẻ chia hầu như thiếu đi và thay vào đó là những khoảng cách vô hình. Những cuộc đối thoại thường kèm theo sự to tiếng hoặc cãi vã hoặc sự im lặng. Nó làm cho con người trở nên bế tắc với cảm xúc của chính mình. Thực tế cho thấy, con người ta ai ai cũng có nhu cầu được giao tiếp và được hiểu mình. Tuy nhiên, khi không tìm được tiếng nói chung bằng cách dung hòa thì bắt buộc phải tìm cách tự vệ. Họ dùng dư luận xã hội để làm rào chắn cho mình bởi những tiêu cực và bế tắc họ phải đối diện. Dư luận là cộng đồng giấu mặt họ có thể quen hoặc không quen, song nhìn chung họ có thể lan truyền các thông tin để tạo nên những điều mà xã hội cần chú ý. Với lối sống đô thị thì con người ta bị thu hẹp về các mối quan hệ xóm giềng. Lối sống đô thị bận rộn, con người càng ít khi giao thiệp với nhau. Sáng mở mắt đi làm đến chiều về thì đóng cửa sinh hoạt trong gia đình. Người thân thì lâu ít có thời gian gặp và trò chuyện cùng nhau. Hầu như, con người đô thị rất ít cơ hội nói hết những điều mình nghĩ với nhau. Hết rồi cái thời “Sống để bụng, chết mang đi”.

Cách đây mươi năm thì “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng” từ lâu đã trở thành quan niệm sống của mỗi người dân Việt. Vốn xuất thân trong nền nông nghiệp lúa nước nên từ nhỏ mỗi con người đã được gắn bó với gia đình, với dòng họ và với làng quê. Họ được giáo dục rằng phải sống vì nhau, cho nhau và theo nhau. Cũng vì vậy, tâm lý trọng danh dự đã được hình thành, coi danh dự là một điều gì đó hết sức thiêng liêng. Cho nên mọi việc trong nhà từ lớn đến bé đều âm thầm xử lý trong gia đình. Bởi nếu chuyện bị đổ vỡ thì mất mặt cả tông họ hàng. Vì thế, con người ta càng phải học cách kiềm chế cảm xúc và cam chịu để mọi chuyện trở nên trong ấm ngoài êm. Mẹ tôi bà là điển hình của những người con dâu ngoan ngoãn, người vợ đảm đang và người mẹ mẫu mực. Hơn 15 năm làm dâu ở nhà chồng bà chịu đựng những nỗi oan ức, những bức xúc nhưng chưa bao giờ bà dám nói với bất kì ai. Nhiều năm như vậy, bà âm thầm chịu đựng để rồi dẫn đến tình trạng “đông cứng cảm xúc”. Đó là hiện tượng làm cho con người không cảm thấy vui vẻ, cảm thấy buồn hay thậm chí cảm nhận được nỗi đau của chính mình.

Thế hệ trẻ chúng tôi thì “Đời người sống chỉ một lần” cho nên sống làm sao cho người ta biết tiếng biết tên. Được cho là thế hệ năng động, dám nghĩ và dám làm. Chúng tôi đòi hỏi người khác hiểu mình và phải tôn trọng mình. Nếu chuyện nào làm chúng tôi bức xúc thì tội gì phải để trong lòng quá lâu. Chúng tôi phải tìm kiếm thêm nhiều đồng minh để cùng chia sẻ những cảm xúc đó. Thế hệ này, gần như sống dựa vào niềm tin trên cộng đồng nhiều hơn là thẳng thắn nói với gia đình và bạn bè. Tôi cảm thấy chưa bao giờ như lúc này con người khó quản lý cảm xúc nhiều đến vậy.

         Ở một khía cạnh khác, mạng xã hội đã đem lại những tình huống dở khóc, dở cười cho những người xung quanh tôi quen biết. Người ta gọi đó là “truyền thông ngược”, bởi mục đích ban đầu của chủ nhân là tìm kiếm sự thông cảm hoặc ngưỡng mộ của cộng đồng, tuy nhiên, nó lại là những thảm họa. Một cô bạn gái cùng khóa đã nói với tôi rằng mạng xã hội là con dao hai lưỡi cho nên đừng đăng bất cứ cảm xúc kích động nào của mình lên đấy. Cô bạn đó cho biết ngày trước khi đi làm thêm cô gặp một vị khách hàng khó tính và chảnh chọe. Thế là tối hôm đó cô về và đăng dòng tâm trạng hằn học và chửi bới mặc dù cô không trực tiếp nêu tên của vị khách hàng hay thông tin của công ty đó. Và cô đã không biết rằng, vị khách hàng đó sau khi có số điện thoại của cô đã tìm kiếm thử trên trang mạng xã hội Facebook đã đọc các dòng trạng thái của cô bạn ấy. Vị khách hàng thấy những dòng tâm trạng và các hoạt động đã đánh giá cô bạn của tôi là người hời hợt, nóng vội và thiếu văn hóa. Vì thế, vị khách hàng đó đã hủy hợp đồng với cô bạn của tôi. Ngày nay, một số doanh nghiệp sẽ lướt Facebook tìm hiểu về cá nhân của các ứng viên trước khi bắt đầu xem xét tuyển dụng. Do vậy, việc xây dựng hình ảnh cá nhân trên các trang mạng xã hội cũng là một điều quan trọng mà thế hệ trẻ chúng ta cần lưu tâm.

Hiện tại của tôi...

Tôi đã dè dặt hơn với các trang mạng xã hội, thay vào đó tôi hẹn hò và gặp gỡ giao lưu trực tiếp nhiều hơn. Tôi cảm thấy đối thoại sẽ khiến con người ta gần gũi và cởi mở hơn. Và đôi khi giữ lại một phần cảm xúc của cá nhân mình sẽ khiến cho mình trở nên hấp dẫn hơn. Các trang mạng xã hội của tôi không còn mục đích để câu “like” mà đã chuyển sang như một phương tiện kết nối và giữ liên lạc với mọi người. Sau cùng, đó đơn giản là những quan điểm riêng của cá nhân tôi, còn bạn thì sao?

Tác Giả: Huỳnh  Cẩm Tiên, Giám đốc điều hành @ Công ty Huỳnh Tiến Global Co.,Ltd

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/huynhtienxhhk18

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

  (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là ""Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ"". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,299 lượt xem, 1,285 người xem - 1290 điểm

lh-fulllh-x