Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

VAK – Tính Cách Nào Chọn Phương Pháp Học Nào?

Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao có những người có thể nhớ ngay nội dung của một bài vừa học dù chỉ mới đọc qua một lần còn bạn thì có đọc cả năm lần bảy lượt vẫn quên? Hoặc có những người khi học bài cần phải đọc to lên? Những người khác lại phải cầm tập và sách đi qua đi lại thì mới có thể hiểu và nhớ bài được?

Lý do chính là mỗi chúng ta có những tính cách khác nhau, phù hợp với những cách học khác nhau, không ai giống ai cả. Vậy làm thế nào để biết mình phù hợp với cách học nào? VAK sẽ giúp bạn!

1. VAK là gì?

VAK là một phương pháp học tập dựa trên sự tiếp thu thông tin qua hình ảnh, âm thanh và vận động. Mỗi người sẽ có một cách áp dụng khác nhau cho cá nhân tùy theo tính cách bản thân, giúp bạn học tập một cách hiệu quả nhất. Hiểu được phương pháp học phù hợp của bản thân, bạn sẽ vừa phân chia, sắp xếp thời gian biểu của mình hợp lý vừa không lãng phí thời gian
Vậy làm thế nào để tôi biết được tính cách của mình phù hợp với phương pháp nào?

Bạn có thể truy cập link này để làm trắc nghiệm nhé!

Bây giờ mời bạn cùng tìm hiểu về phương pháp học thú vị này!

2. Visual (phương pháp học thông qua hình ảnh)

Bạn có khả năng ghi nhớ và tiếp thu “một cách thần kì” qua chữ viết và hình ảnh cho dù chỉ mới đọc qua một lần, cộng thêm trí tưởng tượng về các hình ảnh, biểu đồ, mô phỏng của bạn cũng rất phát triển. Vì thế, bạn nên phát huy những khả năng này khi học tập bằng cách:

  • Lưu giữ các tài liệu ghi chép và đọc lại chúng ngay sau buổi học. Đây là lúc bạn tiếp thu tốt nhất vì bạn vừa mới được học kiến thức ấy. Khi đọc ngay sau buổi học, bạn sẽ ghi nhớ ngay nội dung bài học với thời gian lâu hơn.
  • Bổ sung những thông tin bằng chữ và hình ảnh như bản phác thảo, bản tóm tắt, sơ đồ tư duy,…để hỗ trợ việc đọc và viết ghi chú. Sử dụng những hình ảnh minh họa hoặc biểu đồ, đồ thị để dễ hình dung kiến thức cần nhớ.
  • Vẽ tranh ảnh bên lề sách vở hoặc ghi chú. Hãy trình bày theo cách hiểu của riêng bạn sẽ dễ nhớ hơn rất nhiều.
  • Cố gắng hình dung hoặc tưởng tượng ra những chủ đề tương tự hoặc liên quan. Lúc này, bạn không chỉ đang phát huy khả năng tốt nhất của mình, mà đây còn là một cách luyện tập não bộ vô cùng thú vị.

Bạn nên sử dụng các công cụ như Paint, Table, Excel,…để hỗ trợ bổ sung hình ảnh nhé.

3. Auditory (phương pháp học thông qua âm thanh)

Người học qua thính giác tiếp nhận qua ngôn ngữ nói và các âm thanh hỗ trợ khác (âm nhạc). Bạn thường có xu hướng đọc nhẩm hoặc đọc to; ghi nhớ tốt hơn khi trao đổi, thảo luận hay ghi âm và nghe lại cuộc thảo luận.

Để áp dụng tốt phương pháp này, bạn có thể tham khảo một vài gợi ý như sau:

  • Ghi âm lại những nội dung bạn cho là quan trọng. Ví dụ như nội dung sắp thi hoặc kiểm tra hay những cuộc thảo luận nhóm để tránh quên các ý tưởng.
  • Tăng cường trao đổi, thảo luận nhóm các nội dung vừa học. Ví dụ, nếu bạn chưa hiểu về bài học, bạn có thể hỏi giáo viên hoặc các bạn khác để cùng nhau trao đổi. Ngược lại, khi đã hiểu bài, bạn có thể giải thích lại cho các bạn khác, thảo luận hoặc tranh luận với các ý kiến khác nhau để hiểu rõ hơn về bài học của mình.

TED-Ed là một website để thu thập thêm kiến thức mà bạn không nên bỏ qua.

  • Hãy đọc to khi đang học bài nhé! Nhấn mạnh vào những từ ngữ quan trọng. Nhờ bạn bè dò bài cho mình là một cách hữu ích đấy! Bạn cũng có thể gắn liền chúng với những bài hát, thuật ngữ tương tự sẽ nhớ lâu hơn.
  • Tập thói quen đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi. Khi âm thanh đi vào tai, não bộ sẽ ghi nhớ những gì nó “nghe” được.
  • Nếu bạn cảm thấy mình cần có âm nhạc để tập trung học hơn, cứ tự nhiên nhé. Nhưng phải lựa chọn những bài nhạc không lời, giai điệu nhẹ nhàng, không quá sôi động cũng không quá buồn ngủ. Hoặc bạn sẽ quá phấn khích vào giai điệu mà mất tập trung, hoặc bạn sẽ ngủ quên trong lúc học.

Bạn có thể vào ứng dụng Deezer, đăng kí bằng tài khoản gmail hoặc facebook, chọn mục Piano Music for Good Brain Function. Ngoài ra, Defonic, Noisli, Coffitivity và Calm là những trang web âm thanh giúp bạn tập trung cao độ.

4. Kinesthetic (phương pháp học thông qua vận động)

Đặc điểm của phương pháp này là sự di chuyển và cảm nhận. Về cơ bản, bạn cần phải hoạt động thì học tập và làm việc mới hiệu quả. Vậy bạn cần áp dụng như thế nào?

  • Ghi chép trong quá trình nghe giảng. Khi ấy, mắt thấy, tai nghe, tay viết. Bạn sẽ theo dõi được tiến độ của bài học. Tiếp thu bài ngay trên lớp sẽ tránh lãng phí thời gian và bạn sẽ khó lòng mà ngủ gục.
  • Cho dù là ghi chép lần thứ nhất hay những lần khác để tổng kết và ôn tập, hãy sử dụng nhiều bút màu, bút dạ quang (luôn phải mang theo bên mình); kí hiệu, đánh dấu, ghi chú của riêng bạn. Hãy thêm những hình ảnh hoặc biểu đồ giúp bạn dễ hình dung bài học hơn nhé!

Foxit PDF Editor sẽ là trợ thủ đắc lực khi bạn muốn ghi chú trực tiếp trên các tệp PDF.

  • Di chuyển và vận động. Những ví dụ như đi lại trong phòng lúc học bài hoặc sử dụng ngôn ngữ cơ thể.
  • Bạn không thể tập trung học quá lâu, sẽ rất căng thẳng. Nên có thời gian giải lao: đi dạo, ăn nhẹ hoặc nhảy múa một chút sẽ giúp bạn thư giãn rất tốt đấy.

Một người có thể chỉ cần một trong những phương pháp trên để đạt hiệu quả trong học tập. Người khác lại cần sự kết hợp của hai hoặc cả ba phương pháp. Nhưng điểm chung là khi đã chọn được phương pháp học tập phù hợp với bản thân, bạn sẽ cảm thấy chất lượng học tập tăng lên đáng kể và bạn sẽ có thêm thời gian cho những kế hoạch khác. Còn chần chừ gì nữa, hãy áp dụng VAK thôi!

 

Theo 8morning

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

12,603 lượt xem