[Youth Confessions] 10 Điều Cần Biết Trước Khi Học Ngành Kiến Trúc
Xin chào mọi người. Mình là Quang Anh, vừa tốt nghiệp khoa kiến trúc và quy hoạch chuyên ngành kiến trúc của trường Đại học Xây dựng Hà Nội vào năm ngoái. Bản thân là người vừa trải qua 5 năm học tương đối vất vả và ra trường đúng hạn, mình có một số trải nghiệm có thể chia sẻ/tư vấn với những ai vẫn đang tò mò hoặc chưa biết nên chuẩn bị gì khi nghĩ về việc học ngành kiến trúc nói chung.
1. Gia đình nên có điều kiện kinh tế
Nguồn: Freepik
Có điều kiện ở đây tức là có khả năng vừa đủ để có thể giúp mình theo học ngành kiến trúc này mà không quá lo lắng về kinh tế. Theo mình, kiến trúc nói chung là một ngành rất tốn kém, từ tiền học (tùy từng trường) đến trang thiết bị. Mình (hoặc nói đúng hơn là phụ huynh chúng ta hoặc người quen) sẽ phải bỏ ra vài chục triệu để sắm một con máy tính cấu hình khỏe để theo học kiến trúc, hay là tiền mua các trang thiết bị khác như bút, giấy, màu, thước... Cái này mọi người có thể tham khảo các anh chị khóa trên để biết thêm thông tin. Nói chung là ngành này tốn lắm, tốn đến đâu tùy độ chịu chơi của chúng ta, dần dần học rồi khám phá ra ý mà.
2. Lối sống ổn định, lành mạnh, cân bằng
Thực tế kiến trúc là ngành học nặng, có cường độ và khối lượng bài tập môn học và các đồ án tương đối lớn. Tốt nhất nên rèn cho bản thân một lối sống kỷ luật và vận động cơ thể mọi lúc có thể, vì sau này đi làm sẽ có những khoảng thời gian áp lực gấp nhiều lần lúc chúng ta còn học ở trường.
Nhìn chung, bạn nên cố gắng hạn chế ốm đau nhất có thể và rèn sức chịu đựng cả thể chất lẫn tinh thần. Qua 5 năm học, bản thân mình nhận ra rằng đến cả lúc làm đồ án tốt nghiệp mà vẫn có thể giữ một lối sống lành mạnh (tập thể dục, ăn uống đầy đủ, không uống nước ngọt quá nhiều hay không dùng chất kích thích... ) thì những năm học trước đó mình hoàn toàn có thể có lối sống tốt. Thức đêm là chuyện có xảy ra (nhiều), nhưng những giờ làm việc nặng nhọc chỉ là một nửa của quá trình cân bằng cuộc sống bản thân mà thôi.
3. Đừng thu mình
Nguồn: Freepik
Có một số sinh viên kiến trúc trong suốt 5 năm học không hoặc rất ít giao tiếp với bạn bè, thầy cô, đàn anh đàn chị, cũng như không tham gia các hoạt động ngoại khóa, từ chối thử việc ở các công ty kiến trúc, từ đó làm thui chột 1 đến 2/3 quá trình học kiến trúc, dẫn đến lãng phí thời gian. Hãy tăng cường trải nghiệm bản thân qua việc chủ động tìm kiếm bạn bè, anh chị khóa trên, đàn em khóa dưới, thầy cô trên trường. Nói chung, bạn hãy mở rộng mối quan hệ để kết nối bản thân với mọi người xung quanh nhiều hơn nhé.
4. Tìm hiểu nhiều kĩ năng cùng một lúc
Một số kĩ năng khi đi học ngành kiến trúc là khả năng tạo ra hình ảnh (vẽ tay trên giấy, vẽ bằng phần mềm máy tính), tư duy hình khối, tư duy màu sắc, tư duy logic và phản biện, khả năng giải quyết vấn đề, trình bày bản vẽ, thuyết trình, quản lý và phân bố khối lượng công việc... Việc tìm hiểu sớm về các kỹ năng này sẽ giúp cho quá trình học của bạn được dễ dàng hơn, nhưng những cái này rồi sẽ tự khám phá ra trong suốt quá trình học, bạn cũng đừng nên quá lo lắng.
5. Hạn chế tối đa tật trì hoãn công việc
Điều này rất quan trọng. Lụt nhiều, hay nhiều hơn, tùy thuộc vào tâm lý trì hoãn của bản thân chúng ta. Suy nghĩ để việc đến ngày mai hoặc tuần sau làm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc bạn học trên trường, và kể cả đi làm sau này, vì vậy hãy hạn chế trì hoãn hết sức có thể để nâng cao hiệu suất làm việc của bản thân nhé.
6. Đừng bỏ rơi bản thân
Xung quanh chúng ta sẽ có rất nhiều người giỏi, thậm chí cả những “siêu nhân” cầm tiền học bổng để trong ba lô đi về nhà, hoặc cả những idol giới trẻ, hoặc những người có sức ảnh hưởng tới mọi thứ xung quanh mình. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là bản thân chúng ta. Đừng bị cuốn theo những gì đang xảy ra quá nhiều, hãy dành thời gian ngẫm lại xem bản thân có đang đi đúng hướng không, có đang làm điều mình thích không. Nếu có thì hãy tiếp tục phát huy còn nếu không thì hãy cố gắng sắp xếp lại hoặc tìm kiếm sự trợ giúp.
7. Chuyển ngành khi thấy không phù hợp với bản thân nữa
Đây là điều rất bình thường, và nó xảy ra ở mọi ngành nghề nên bạn đừng hoảng khi thấy mọi người comment bảo mình đừng học kiến trúc các thứ. Thực ra là hãy giữ cho mình một tâm lý vững vàng, vì một khi đã lung lay rồi thì có làm gì đi nữa cũng sẽ bị lung lay ý chí, dễ bị cám dỗ của những thứ hấp dẫn hơn lôi kéo chúng ta "đi chệch hướng".
8. Hãy học phần mềm máy tính
Nguồn: Freepik
Song song đó, bạn cũng nên phát triển kỹ năng vẽ tay và học cách trình bày bản vẽ. Những điều này sẽ bổ trợ cho quá trình học và thực hành của mỗi người, như về tư duy, triển khai, trình bày, tổng kết...
9. Tự tin là bản thân có thể học được
Nếu có trượt môn đi chăng nữa, hãy tự tin là bản thân có thể học lại được. Đây vẫn là câu chuyện tâm lý và nếu vượt qua được, bạn sẽ chiến thắng chính bản thân mình và trở nên vững vàng hơn.
10. 5 năm học trên trường dù sẽ rất nặng nề, nhưng lại là 5 năm nhẹ nhàng cuối cùng của mỗi chúng ta
Học đến năm thứ 6 trở đi, hoặc ra trường đi làm thì mọi thứ đều nặng nề hơn, áp lực sẽ nhiều hơn và không còn giống như khi chúng ta đi học nữa. Vì vậy 5 năm này có thể vất vả, nhưng bạn sẽ thấy mỗi bài học hoặc trải nghiệm chúng ta đạt được đều rất đáng nhớ.
Ở trên là một số chia sẻ mình tổng kết lại trong 5 năm học. Mình đã cố gắng viết ngắn gọn và xúc tích nhất có thể nhưng có vẻ vẫn hơi dài. Cảm ơn mọi người đã đọc đến dòng này, chúc mọi người một ngày tốt lành!
----------------------------
Biên tập: Thục Uyên
Nguồn ảnh: Freepik
Link bài gốc: Đinh Quang Anh - Cột sống Sinh viên Kiến Trúc
(*) Youth Confessions mong nhận được sự ủng hộ và góp sức của các bạn. Trở thành Cộng tác viên có cơ hội đóng góp cho cộng đồng và tích lũy thêm những kiến thức định hướng nghề nghiệp tại đây: https://ybox.vn/idyua9s80nomsj
(**) Follow Facebook Youth Confessions tại https://www.facebook.com/YboxConfession để đọc các bài viết khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
149 lượt xem