Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public7 năm trước

[Youth Confessions] Chia Sẻ Của Một Cao Nhân: Làm Thế Nào Để Trở Thành Phiên Dịch Cabin


Gần đây có một số bạn hỏi về điều kiện để trở thành phiên dịch cabin. Bài viết dưới đây chia sẻ một số thông tin với các bạn.

I. Quá trình phát triển của nghề phiên dịch cabin:

Kỹ thuật dịch cabin, dịch song song hay còn gọi là phiên dịch đồng thời được dùng đến lần đầu trong các phiên tòa xử vụ đại án ở Nuremberg sau Thế chiến thứ II. Khi đó các phiên dịch viên lần đầu sử dụng kỹ thuật này mà không được đào tạo chính quy. Họ tự học là chính và khi dịch cũng không được ngồi trong cabin kín như bây giờ (Các bạn xem ảnh đính kèm).

Từ thập niên 1970, các nghiên cứu liên ngành đã giúp người ta hiểu rõ hơn các quá trình phức tạp liên quan đến phiên dịch và phát triển những phương pháp đào tạo hiệu quả.

Ngày nay các nước đã có những chương trình đào tạo hệ thống rất hiệu quả dành cho phiên dịch cabin, nhưng đa phần phiên dịch viên cabin ở VN đều tự học.

II.Các yêu cầu là gì?
Ngoài tham gia khóa đào tạo học viên còn cần nhiều giờ thực tập với các phiên dịch viên kinh nghiệm. Một số diễn đàn phiên dịch nước ngoài cho rằng thời gian này phải từ 2 đến 3 năm, nhưng ở VN thì yêu cầu này là một điều xa xỉ.

Tuy vậy, yêu cầu tối thiểu của phiên dịch cabin là phải dịch nối tiếp thật tốt. Nếu bạn chưa dịch nối tiếp bao giờ thì hãy khoan nghĩ đến việc phiên dịch cabin, mặc dù bạn vẫn có thể định hướng ngay từ đầu là sẽ học để trở thành một phiên dịch viên như thế. 
Nói về chuẩn mực cũng khó vì còn tùy tố chất mỗi người, nhưng tôi nghĩ nếu bạn thi IELTS được 7.0 hoặc cao hơn thì bạn đã có những kỹ năng tiếng Anh nền tảng để bắt đầu học tập. Một điều các bạn cần lưu ý: Giỏi tiếng Anh không phải đương nhiên sẽ phiên dịch được. Điều này tùy thuộc rất nhiều vào năng khiếu cũng như tố chất. Ngoài ra, tất nhiên bạn phải thật giỏi tiếng Việt nữa.

Sự khác biệt giữa phiên dịch nối tiếp và phiên dịch song song: 
1.Phiên dịch nối tiếp: Phiên dịch viên lắng nghe diễn giả nói, nhớ lại những ý chính, và ghi chép nếu cần (nhất là khi diễn giả nói dài). Khi diễn giả nói xong một ý hay một thông điệp phiên dịch viên sẽ chuyển ngữ ra ngôn ngữ đích theo đúng nội dung những gì diễn giả đã nói.

2.Phiên dịch song song: Khi diễn giả bắt đầu nói cũng là lúc phiên dịch viên bắt đầu dịch. Trong trường hợp này phiên dịch viên phải tai nghe ngôn ngữ này và miệng nói ngôn ngữ khác, quá trình xử lý thông tin (nghe hiểu, phân tích và diễn đạt) diễn ra trong não cực nhanh và liên tục đến khi diễn giả trình bày xong. Thách thức lớn nhất ở đây là phiên dịch viên phải có khả năng phản xạ cực tốt để theo kịp diễn giả và không bị tụt lại phía sau. Chính vì điều này mà phiên dịch cabin thường làm việc theo nhóm hai người để thay phiên nhau, người này dịch thì người kia nghỉ và sẵn sàng hỗ trợ (bằng cách ghi ra giấy) ví dụ khi bạn dịch của mình nghe sót một từ, thường gặp nhất là các con số, hay lúng túng về một thuật ngữ lạ.

III. Cách học / rèn luyện:
Đối với phiên dịch cabin cũng như phiên dịch nối tiếp, nghe hiểu là kỹ năng quan trọng hàng đầu, đơn giản vì nếu không nghe được sẽ không dịch được. Tuy nhiên nghe không chưa đủ mà bạn phải hiểu được những gì mình nghe. Luyện nghe giờ đây rất đơn giản và dễ dàng với quá nhiều phương tiện như phim ảnh, các chương trình dạy miễn phí tiếng Anh trên internet nơi bạn có thể rèn luyện cả 4 kỹ năng nói - nghe - đọc - viết theo các cấp độ từ thấp đến cao. Trau dồi vốn từ là điều bắt buộc, ngoài ra bạn phải thường xuyên ôn luyện ngữ vựng và bổ sung thêm.
Làm quen với các giọng (accent) khác nhau là điều thiết yếu, ví dụ giọng Anh - Anh (UK English) được cho là chuẩn và dễ nghe nhất, rồi đến Anh - Mỹ (American English), Anh - Úc (Australian English), v.v..
Đã có trường hợp phiên dịch gặp sự cố dịch ngắc ngứ vì không quen nghe giọng lạ, nhất là tiếng Anh do người Ấn Độ, Ả Rập, v.v… nói dù ngay ở những nước này vẫn có người nói tiếng Anh rất chuẩn. Ngược lại cũng có những người Anh, Mỹ nói rất khó nghe, có lẽ do yếu tố vùng miền mà ở Việt Nam cũng vậy.

Trước khi phiên dịch cho một sự kiện hay cuộc họp, nếu có thể phiên dịch nên đến chào và bắt chuyện với diễn giả, ngoài phép lịch sự thông thường ta còn tranh thủ làm quen với giọng của họ.

* Chuẩn bị thế nào cho một ngày dịch cabin? 
Việc chuẩn bị luôn quan trọng, mặc dù đôi lúc phải đến khi diễn giả bắt đầu nói phiên dịch viên mới có tài liệu. Những lúc đó phải tập trung cao độ để nghe và dịch. Tốt nhất là tài liệu tham khảo được gửi sớm để phiên dịch có thời gian xem và tra từ cũng như thuật ngữ chuyên ngành mới. Những thuật ngữ hoặc khái niệm tra không được thì cần tham khảo ý kiến chuyên gia. Phiên dịch viên sẽ thấy mình may mắn nếu có được cố vấn chuyên môn là chuyên gia giỏi trong lĩnh vực mình chuẩn bị dịch.
Tùy theo đặc thù chuyên ngành mà thời gian chuẩn bị sẽ khác nhau, nhưng theo tôi y khoa là một trong những ngành chuyên sâu nhất: Trong bài “Tản mạn về nghề phiên dịch cabin” tôi đã nêu ý kiến cá nhân rằng trong lĩnh vực này ba ngày chuẩn bị cho một ngày dịch có khi vẫn là chưa đủ. Nói vậy nhưng có lần dịch ở Singapore cho một công ty Dược đa quốc gia tôi chỉ nhận được tài liệu vào chiều hôm trước, trước khi hội nghị bắt đầu! Hoặc cuộc họp kết thúc chương trình nghiên cứu về bệnh lây từ động vật sang người (Zoonotic diseases) của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng, trường Y, Đại học lừng danh Oxford (Oxford University Clinical Research Unit, viết tắt là OUCRU), các diễn giả đều là Giáo sư hàng đầu của trường và họ có một điểm chung là gần đến ngày họp mới bắt đầu viết bài, có khi ngay trên chuyến bay đến VN! Kết quả là để chuẩn bị cho ngày họp tôi chỉ có vài bài để xem và phải đọc cả tài liệu của kỳ họp trước đó để làm quen với thuật ngữ và các khái niệm chuyên ngành. Một kỷ niệm vui khi xem một trong vài tài liệu ít oi (nhưng lại ít chuyên sâu nhất) được dịch ra tiếng Việt là tôi đã phát hiện ra lỗi biên dịch trong phần nói về nguy cơ lây bệnh từ dơi sang người. Ở một số tỉnh đồng bằng Cửu Long nông dân cất chòi cao, bên trên có chuồng lợp lá thốt nốt để dụ dơi đến ngủ, và họ thu hoạch phân dơi để làm phân bón. Người dịch, có lẽ do thiếu nghiên cứu, đã dịch cụm từ “Bat roosts” (Chuồng dơi) thành “Bẫy dơi”. Thật ra người ta không cất những chòi đó để bắt dơi mà chỉ để lấy chất thải của chúng mà thôi. (Xem thêm phần “Dịch sao cho đúng và làm thế nào để tránh dịch sai” trong bài “Tản mạn về nghề phiên dịch cabin” tôi đã đăng gần đây.)

* Học phiên dịch cabin ở đâu?
Người viết không có câu trả lời cho câu hỏi này vì không có nhu cầu tìm hiểu. Đúng ra trước khi bắt đầu dịch cabin tôi đã liên hệ một trung tâm ngoại ngữ có quảng cáo dạy phiên dịch cabin, chương trình học 12 tuần và đang chiêu sinh, nhưng đăng ký xong chờ mãi vẫn không thấy mở khóa học. May sao sau nhiều năm dịch nối tiếp tôi bỗng có hứng thú giết thời gian (cho đỡ chán) trong khi nghe diễn giả nói bằng cách dịch thầm trong đầu, lâu ngày thành quen, khi họ nói xong thì tôi cũng dịch (thầm) xong . Lúc đó tôi biết mình đã sẵn sàng.

Với các bạn trẻ muốn theo nghề tôi xin có lời khuyên: Luôn rèn luyện và không ngừng nâng cao thử thách với bản thân mình.

Tác giả bài viết: Hien Luu
-----------------------------------------------------
>>> Giới trẻ Việt Nam thiếu định hướng nghề nghiệp, các anh chị hãy cùng YBOX giúp các bé một tay vì một thế hệ trẻ không lãng phí bao năm đại học bằng những chia sẻ rất thật của mình tại đây nhé:http://bit.ly/YboxShare2017 🍁

(*) Đăng kí làm CTV cho dự án Youth Confessions để có cơ hội đóng góp cho cộng đồng và tích lũy thêm những kiến thức định hướng cho nghề nghiệp tại đây: http://bit.ly/YouthCfs-Ybox

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,144 lượt xem

lh-fulllh-x