Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Youth Confessions] Chia Sẻ Của Một Tư Vấn Tâm Lý Về Nghề: Liệu Bạn Có Thể Chịu Đau Đến Mức Nào? Trong Bao Lâu

Nghề

Kể từ ngày thất học, cố gắng cắn kiếm qua ngày bằng nghề buôn nước bọt, thi thoảng tớ lại được mật thư bởi vài kiều nữ hỏi thăm với cùng một mô-típ: “Anh ơi, chứ học cái ngành này xong ra trường thì em mần gì bỏ vào mồm.” Nghe xong, lần nào tớ chỉ cả cười rồi đáp nhỏ: “mần chồng”. Hiếm có nghề nào áp lực cao, trách nhiệm lớn, hay bị đòi hỏi, dễ bị lạm dụng, chưa có mã nghề nên ở trong cơ quan còn bị coi thường thua cả kỹ thuật viên, chứ chẳng mần chồng thì còn mần gì nữa. Để tớ kể cho các bạn nghe một câu chuyện là thông ngay thôi nha:

Cách đây nhiều năm, khi mới bắt đầu tập tành làm việc và mới có những khách hàng đầu tiên. Tớ được nhận một trường hợp một phụ nữ mới trốn chồng đi cặp bồ với một anh làm cùng cơ quan. Lý do chị cặp bồ rất đơn giản, chồng chị được coi là một tay ngu ngốc, nhu nhược, không biết cách quan tâm, chiều chuộng chị, không biết cách làm chị vui, tất cả những gì “lão” đấy biết là công việc. Tuần 6 ngày, đều như chanh vắt, 7h có mặt ở công ty, 8h tối hết việc đi về, 9h cơm xong, 10h giờ lên giường đi ngủ. Riêng có ngày chủ nhật thì khác hơn một chút, ngủ cả sáng, chiều đưa vợ đi mua đồ trong siêu thị bằng con lead cà tàng màu xanh, tối tự thưởng cho mình một hai vại bia trên ghế sofa xong lại lăn ra ngủ. Anh chẳng có tài cán gì ngoài khả năng nhịn ăn, nhịn tiêu, nhịn mặc để chiều vợ. Ấy thế nhưng mỗi lần nói về chồng, câu cửa miệng của chị luôn là: thằng này ngoài ăn với hốc, chẳng được tích sự gì, cần gì phải nói nó mới sắm, chứ không thì lạnh nhạt, chán đời lắm; kể từ khi ở với nói đến nay, chưa nhận được bông hoa, cái bánh nào. Và chị ngoại tình, để, theo chị, là chống trầm cảm.

Nhưng mà chị lại tìm đến tớ vì trầm cảm các bạn ạ. Cách thời điểm gặp vài tháng, chị mang thai, tất nhiên con không phải của anh. Chị cảm thấy tội lỗi vì mình đã không kiềm chế được bản thân, chị vừa muốn giữ đứa trẻ, vừa muốn phá thai, chị vừa muốn thú nhận với anh, nhưng cũng vừa không muốn anh biết sự thật. Chị nói chị trầm cảm, nhưng mỗi lần gặp tớ chị đều nói rất nhiều, suốt 2 giờ liền chị chỉ nói, không thể ngắt lời, cũng không thể định hướng hay hỏi thêm. Chị tự tìm cách giải tỏa căng thẳng cho bản thân bằng việc kể tội chồng và hợp lý hóa câu chuyện mang thai là đúng đắn. Tuy nhiên, lần nào cũng vậy, kết thúc cuộc trao đổi bao giờ cũng được chốt lại bằng câu: nhưng chị vẫn yêu anh, yêu anh rất nhiều, thứ tình cảm của chị với người tình không phải là tình yêu…

Sau 3 tháng hỗ trợ liên tục, chị quyết định sinh con ra, ca kết thúc êm xuôi với sự hài lòng nhất định từ phía chị, lúc này thì một vấn đề khó nảy sinh: chị từ chối thanh toán cho tớ các bạn ạ. Bỏ qua mọi thỏa thuận, bỏ qua mọi buổi gặp hàng tuần kéo dài từ 2-5h, bỏ qua hết… chị chém thẳng vào mặt tớ: “mày là quân súc sinh, quân đốn mạt, quân khốn nạn, mày lấy tư cách gì để tính phí, cái tờ giấy mày bảo là thỏa thuận đấy chẳng có ý nghĩa gì hết, nó chỉ cho thấy mày là thằng cơ hội muốn tranh thủ lúc tao gặp chuyện nhảy vào kiếm chác vài đồng bạc. Tiền tao không thiếu, nhưng sẽ không bao giờ bỏ ra dù chỉ là một đồng cho loại như mày.”
Chuyện kết thúc luôn ở đấy, nhiều năm sau, cho đến tận bây giờ, tớ vẫn chưa có cơ hội gặp lại chị, hy vọng chị vẫn mạnh khỏe và hạnh phúc bên gia đình dù cũ dù mới. Trường hợp của chị không phải là duy nhất, sau chị cũng có nhiều người tìm cách lách qua những khe nhỏ xíu trong thỏa thuận giữa hai bên, cố tình lờ đi việc thanh toán… Sự khó khăn trong nghề là điều nghiễm nhiên mà bất kỳ nghề nào, ngành nào cũng phải chấp nhận, tuy nhiên, có vẻ như một số ngành thì phần nghiễm nhiên buộc phải chấp nhận đấy lại có vẻ lớn và năng hơn hẳn những phần khác.

Những em trai, em gái trên độ tuổi đi học có thể thấy trên tivi việc làm một chuyên gia tâm lý, một bác sỹ tâm lý có vẻ rất kool ngầu: có thể rọi thẳng đèn vào mặt thân chủ như hỏi cung, đưa ra lời khuyên theo dạng thẩm mỹ Thái Lan, thấy phần nào thừa ra hay gây khó chịu thì cắt luôn như anh Thành Ngọc Hối (chuyên gia tâm lý phim Người phán xử) hoặc đóng bộ kiểu cách sang chảnh velvet kiếm hàng Trump dollars từ việc hỏi vài câu đơn giản hết ngày này qua tháng khác, hoặc có khả năng điều khiển tâm trí, phân tích tâm lý kiểu đọc suy nghĩ… nếu chỉ vì vài ấn tượng nhỏ nhoi từ phía sân khấu mà bạn muốn trở thành nhà tâm lý thì nên cân nhắc thật kỹ. Nghề tâm lý không thiếu việc nếu bạn có đủ đam mê, kiến thức và kỹ năng, việc làm hay thu nhập chưa bao giờ là vấn đề trong bất kỳ ngành nghề nào khi một cá nhân có đủ khả năng, vấn đề lớn nhất ở nghề này mà bạn phải đối mặt là những nỗi đau, những nỗi đau không thể gọi tên cũng không thể chia sẻ với ai của cả thân chủ lẫn cả của bạn mới là điều mà bạn cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định dấn thân vào nghề này.

Suy cho cùng, câu hỏi đúng đắn duy nhất trong nghề này không phải là có việc không hay lương bao nhiêu? Mà nó phải là: liệu bạn có thể chịu đau đến mức nào? Và trong bao lâu?

Tác giả bài viết: Phong Nguyên
-----------------------------------------------------
>>> Giới trẻ Việt Nam thiếu định hướng nghề nghiệp, các anh chị hãy cùng YBOX giúp các bé một tay vì một thế hệ trẻ không lãng phí bao năm đại học bằng những chia sẻ rất thật của mình tại đây nhé:http://bit.ly/YboxShare2017 🍁

(*) Đăng kí làm CTV cho dự án Youth Confessions để có cơ hội đóng góp cho cộng đồng và tích lũy them những kiến thức định hướng cho nghề nghiệp tại đây: http://bit.ly/YouthCfs-Ybox

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

84 lượt xem