Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Youth Confessions] Chia Sẻ Dành Cho Sinh Viên Ngành Khách Sạn: 8 Cách Để Nói Tốt Tiếng Anh

8 cách để sinh viên ngành khách sạn nói tốt tiếng Anh

Đối với các bạn sinh viên mới vào làm trong khách sạn thì kỹ năng nghe nói sẽ quan trọng hơn đọc viết vì nghe nói là chủ yếu. Do đó bài này tôi nhấn mạnh vào kỹ năng nghe nói này. Vậy bí quyết để nói tốt tiếng Anh là gì? Sau đây tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm bản thân để cải thiện kỹ năng tiếng Anh:


1. Phát âm đúng: Không như tiếng Việt có rất nhiều từ ghép, nếu bạn nói sai một chữ trong từ ghép thì người nghe vẫn hiểu được, ví dụ như nói Tình yêu ong manh, thì người ta vẫn hiểu đó là Tình yêu mong manh, còn nếu bạn nói tiếng Anh cho người nước ngoài hiểu thì nhất định phải phát âm đúng chữ đó. Hiện nay với iphone, truy cập vào internet, các bạn dễ dàng nghe được phát âm chuẩn của 1 chữ tiếng Anh. Việc phát âm chuẩn vừa giúp bạn nói đúng đồng thời giúp bạn nhớ lâu nghĩa của chữ tiếng Anh đó. Tất nhiên khi nhớ rõ cách phát âm đúng thì bạn sẽ nghe hiểu người nước ngoài nói dễ dàng hơn.


2. Nhớ nhiều từ vựng: Càng có nhiều từ vựng thì các bạn càng dễ diễn tả chính xác điều mình muốn nói. Ngay cả khi bạn không giỏi ngữ pháp cũng không sao, chỉ cần nói ra 1 từ là người nước ngoài đã hiểu bạn muốn nói gì rồi, cho dù có thể mang tiếng là tiếng Anh bồi, nhưng thà khách hiểu mình muốn nói gì còn hơn không biết nói gì với khách. Thật ra khi nói các bạn dùng thì hiện tại là khách cũng đã hiểu rồi, không cần phải dùng thì quá khứ, quá khứ hoàn thành, tương lai hoàn thành, … như các trung tâm hay dạy bài bản đâu, nên các bạn đừng quá lo lắng về vấn đề này như phải chia động từ ở thì quá khứ thế nào, khi hỏi về chuyện quá khử phải thay “do” thành “did” chẳng hạn.


3. Ưu tiên tiếng Anh chuyên ngành: Vì mục đích dùng tiếng Anh của bạn là để làm việc, nên bạn cần ưu tiên cho tiếng Anh chuyên ngành. Đây là cách nhanh nhất để bạn có đủ tiếng Anh để ra nghề mà không phí thời gian cho việc học từ vựng, ngữ pháp thuộc các chủ đề không liên quan đến ngành mình đang học. Ví dụ bạn học về nhà hàng, thì nhất định phải nắm vững tất cả các từ tiếng Anh liên quan đến nhà hàng như các loại dĩa, các loại dao muỗng nĩa, ví dụ như napkin, fork, knife, … các loại nguyên vật liệu, thực phẩm, đồ ăn, đồ uống như beer, wine, sauce, soup, … các từ về nhân sự bộ phận nhà hàng như quản lí, nhân viên, … như manager, staff, waiter, waitress, greeter, cashier, … còn những từ liên quan đến bộ phận khác như sales, tiếp tân, kỹ thuật, kế toán, … thì biết cũng tốt nhưng không cần phải tập trung vào đó. Ví dụ bạn học nhà hàng thì việc biết từ vựng của bộ phận kế toán như financial statement, debt, revenue report, … cũng không giúp gì nhiều cho nghiệp vụ nhà hàng của bạn cả. Nhân đây tôi gửi lại link bài viết giới thiệu “Giáo trình tiếng Anh cho nhân viên nhà hàng” tại đây http://tinyurl.com/y4vvjq4e


4. Sử dụng Youtube: Hiện nay với điện thoại bạn có thể dễ dàng vào Youtube để học tiếng Anh chuyên ngành hoàn toàn miễn phí và đa dạng. Ví dụ bạn đang học về Housekeeping thì vào Youtube gõ “English for Housekeeping” thì sẽ ra biết bao nhiêu là bài tiếng Anh về Housekeeping, ví dụ ở đây là 1 video từ vựng trong Housekeeping sau khi tôi gõ cụm từ trên https://bit.ly/2Gvy6JZ . Tương tự học nhà hàng thì English for Restaurant, tiếp tân thì English for front office


5. Hãy làm mọi cách để khách hiểu mình: Các bạn hãy luôn nhớ rằng mục đích chúng ta hướng tới là làm sao để người kia, cụ thể là khách hoặc sếp người nước ngoài, hiểu được chúng ta; chứ không phải mục đích là phải nói hay, nói giỏi tiếng Anh. Ví dụ khi nói chuyện với khách, các bạn dùng cử chỉ cũng được (mà chúng ta hay nói là động từ “to quơ” đó), dùng lời nói cũng được, dùng hình vẽ, dùng chữ viết, … miễn sao khách hiểu chúng ta muốn nói gì là được. Ví dụ khách hỏi “What time is the restaurant open?”, nếu chúng ta không biết nói 6 giờ chẳng hạn, thì đưa 6 ngón tay, vậy là khách cũng hiểu rồi. Đặc biệt các bạn cần tận dụng chiếc điện thoại của mình, có thể cài google translate, khách nói vào nó sẽ tự động dịch ra tiếng Việt (thường khá chuẩn), còn bạn nói tiếng Việt vào thì nói dịch ra tiếng Anh cho khách nghe (chức năng này đôi khi không chuẩn lắm vì tiếng Việt khó quá, vẫn chưa dịch chính xác được, nhưng có còn không). Hoặc bí quá thì có thể kéo đồng nghiệp, cấp trên lại nói cho khách hiểu. Mục đích là giải quyết cho khách chứ đừng bao giờ đứng yên, lắc đầu, ậm ừ, … Hãy tận dụng hết vốn từ vựng bạn biết để diễn tả, ví dụ, thấy khách đứng mỏi chân, bạn muốn nói cái ghế mà không nhớ chữ Chair thì dùng từ bạn biết để nói, ví dụ như Something to sit - cái gì đó để ngồi, tất nhiên là cái ghế rồi, vậy là khách sẽ hiểu bạn muốn nói về cái ghế.


6. Hãy cứ nói đi: Các bạn hãy cứ nhớ rằng khách người nước ngoài nói tiếng Việt cũng đôi có được, nên việc mình là người Việt Nam nói không chuẩn tiếng Anh là đương nhiên và không có gì phải xấu hổ cả. Nhớ điều này sẽ giúp các bạn thêm tự tin khi nói tiếng Anh, đừng sợ sai, nếu không hiểu khách sẽ hỏi lại mình, và mình sẽ nói rõ hơn những chỗ khách chưa hiểu. Tôi chưa thấy khách nào chê khách sạn vì nhân viên nói tiếng Anh dở cả, ngược lại họ đánh giá cao những nhân viên tuy còn dở tiếng Anh nhưng nhiệt tình cố gắng nói chuyện để giúp giải quyết vấn đề của họ.


7. Nói tiếng Việt giỏi trước khi nói tiếng Anh giỏi: nói bạn nói tiếng Anh không giỏi có thể vì tiếng Việt bạn chưa giỏi, ví dụ như cách trình bày ý nào trước ý nào sau, cần nhấn mạnh điều gì, mở bài nói gì, thân bài nói gì, kết luận nói gì, … Vì dụ đề bài là hãy trình bày bằng tiếng Anh các bước chuẩn bị một bàn ăn chuẩn, nếu các bạn thấy khó khăn thì trước tiên hãy cứ nói các bước trình bày bằng tiếng Việt trước, điều này sẽ giúp bạn có được một dàn ý trong đầu, sắp xếp các ý tưởng, … từ đó bạn chuyển những phần tiếng Việt đó thành tiếng Anh là xong.


8. Tất cả chỉ vì lười: hiện nay do có quá nhiều cám dỗ như facebook, phim, ca nhạc, bạn bè rủ đi cafe, … các bạn sinh viên rất dễ mất nhiều thời gian vào các thứ đó, đến khi muốn học tiếng Anh thì đã tối rồi, không còn thời gian, buồn ngủ, mệt mỏi nên không thể nào rèn luyện được. Thật sự việc tự học là chuyện rất khó, nên nếu bạn không thể tự học được thì chỉ có một cách là đăng ký học tiếng Anh ở trung tâm để có ai đó thúc bạn học. Còn nếu có chút quyết tâm thì tận dụng những lúc rãnh rỗi cũng được vào Youtube như ở điều 4, vừa thư giãn vừa luyện được tiếng Anh.


Nguồn: RethuRe

-----------------------------------------------------------------------------------------

>>> Giới trẻ Việt Nam thiếu định hướng nghề nghiệp, các anh chị hãy cùng YBOX giúp các bé một tay vì một thế hệ trẻ không lãng phí bao năm đại học bằng những chia sẻ rất thật của mình tại đây nhé: Link  🍁

(*) Đăng kí làm CTV cho dự án Youth Confessions để có cơ hội đóng góp cho cộng đồng và tích lũy thêm những kiến thức định hướng cho nghề nghiệp tại đây: Link 😍

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

422 lượt xem