Phạm Huyền Thương@Kỹ Năng
năm ngoái
[Youth Confessions] Product Owner - Hành Trình Chinh Phục Của Cô Gái Học Ngoại Thương
Tada,Tada…
Như đã ấp ủ dự án này cũng đã lâu thì bây giờ mình chính thức ra mắt chuỗi Seri: #chuyentrainganh là câu chuyện của các nhân vật, các bạn đã thành công trong việc chuyển ngành, chuyển career path, cùng nhau lắng nghe các câu chuyện và kinh nghiệm của bạn các bạn nha.
Và nhân vật đầu tiên mở màn là bạn Trần Thị Ngọc Phượng - Hiện đang là Senior Product Owner tại MoMo. Chúng ta cùng tìm hiểu và nghe câu chuyện về Phượng nhé ^^
1/Cho mình xin 1 chút xíu in4 nè ^^
Mình là Ngọc Phượng (hoặc Anpy), một Sư Tử và thuộc nhóm ENFP-A.
2/Bạn có thể định nghĩa Product Owner là làm gì?
Thật ra mình nghĩ tuỳ thuộc môi trường làm việc và quy mô công ty, PO sẽ được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Về cơ bản, công việc của PO sẽ có một phần giao với công việc của BA - Busniness Analyst, PM - Project Manager hay Coordinator, đôi lúc thì cũng sẽ đóng vai là QC - Quality Control và cả một chút Marketer. Theo mình thì dù ở “hình thái” nào thì nhiệm vụ tối thượng của PO là làm tất cả những gì có thể để sản phẩm hoặc tính năng đáp ứng được những mục tiêu đã đặt ra, mục tiêu này có thể là về hiệu quả vận hành hoặc kết quả kinh doanh.
3/Một ngày làm việc của một Product Owner sẽ thế nào?
Đối với mình, gần như mỗi ngày đều có một thời gian biểu khác nhau, nhưng về cơ bản công việc của mình sẽ xoanh quanh các việc: MEETINGS + DISCUSSION + RESEARCH + REPORT + CREATE DOCUMENTS.
Thông qua những việc này, mình sẽ biết được:
- Tiến độ phát triển sản phẩm/tính năng
- Tình trạng hiện tại của sản phẩm/tính năng
- Tiến trình phát triển sắp tới của sản phẩm/tính năng
Nên sẽ có lúc mình sẽ nói rất nhiều, lúc thì lặng như tờ để tập trung đọc tài liệu, “vẽ vời”, lúc “high” thì sẽ ngồi lẩm bẩm, lúc “low” thì tay cũng gõ liên hồi để kịp note lại nội dung trao đổi, yêu cầu, dữ liệu…
Thi thoảng thì mình cũng sẽ ngồi tâm sự với users, để biết được sản phẩm/tính năng của mình có thực hiện được “sứ mệnh” như kỳ vọng hay không.
Nguồn ảnh: Pinterest
4/Cơ hội nào để bạn bén duyên với công việc này?
Thật sự rất khó để chọn một sự kiện hoặc sự việc nào đó để gán mác “cơ hội”, nhưng nhìn lại thì “trộm vía” từ lúc bắt đầu đi làm mình đã gặp được nhiều anh, chị tâm huyết và đam mê ở các start-ups. Không chỉ vậy, các anh, chị cũng tạo nhiều cơ hội để mình được học hỏi và trải nghiệm công việc ở các team. Thông qua đó, mình dần nhìn thấy ngày một rõ ràng điểm mạnh, điểm yếu của bản, cũng như những câu hỏi lớn, không chỉ về nghề nghiệp và còn về cuộc sống, cần phải trả lời. Từ đây, mình tìm thấy Product Development, một chất liệu thích hợp để mình xây dựng sự nghiệp và dần hoàn thiện bản thân.
5/Là một người từ Non-Tech chuyển sang High-Tech thì bạn gặp phải những khó khăn gì?
Nếu hiểu “High-Tech” tức là nhiều nồng độ “Tech” thì đúng là công việc của mình thật sự “High-Tech”. Và đó cũng là thách thức đối với cánh chim chuyển đàn như mình. Trong khoảng thời gian đầu, mình cảm giác như bị “rách hộp sọ” vì não lớn quá nhanh. Có quá nhiều kiến thức mới, thuật ngữ mới cần phải học, không chỉ vậy, cách tiếp cận vấn đề, tư duy và kỹ năng tích luỹ trước đó cũng cần điều chỉnh để thích ứng với yêu cầu “vào ngành”.
Đến giờ, mặc dù đã vào ngành được một khoảng thời gian nhưng mình vẫn luôn giữ tinh thần của thuở ban đầu: liên tục học, thực hành, làm bài tập, kiểm tra, vì ở mỗi giai đoạn, sẽ luôn có những thách thức mới buộc bản thân mình tiếp tục trao đổi để vượt qua.
Nguồn ảnh: Pinterest
6/Bạn đánh giá thế nào về cơ hội nghề nghiệp và lộ trình thăng tiến của vị trí này?
Thật sự thì câu hỏi này đối với mình tương đối vĩ mô.
Dưới góc nhìn của mình, hiện có rất nhiều công ty dựa trên nền tảng công nghệ đang tồn tại, chưa kể đến các nhóm dự án vẫn đang từng ngày từng giờ vun đắp cho ý tưởng của mình và cả những doanh nghiệp truyền thống cũng rục rịch cho các hoạt động số hoá. Do đó, sẽ có rất nhiều cơ hội cho những ai thực sự đam mê với việc giải quyết vấn đề bằng cách giải pháp công nghệ.
Còn về cơ hội thăng tiến thì sẽ là một phương trình khác. Phương trình này có sự tham gia của nhiều biến số như là: đỉnh cao nghề nghiệp mà bạn muốn hướng đến, sự cạnh tranh trong ngành, cấu trúc cũng như định hướng của công ty... Nên có lẽ là trong một ngữ cảnh cụ thể thì câu hỏi này sẽ đơn giản hơn. Nhưng hơn cả cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, product development cũng là lĩnh vực có thể giúp bạn khai phá nhiều tầng năng lực của bản thân. Theo mình thì đây mới là phần thưởng lớn nhất của các ngành nghề.
Nguồn ảnh: Pinterest
7/Bạn có chia sẻ hay lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ có dự định theo đuổi công việc này hay không?
Mình nghĩ là trước khi bắt đầu lựa chọn và theo đuổi một công việc, một ngành nghề hay một lĩnh vực, các bạn nên thực hiện bước tìm – hiểu thật kỹ. Đầu tiên là tìm thấy bản thân, nhận ra điểm mạnh, yếu để hiểu được động lực khiến bạn thức dậy mỗi ngày và dấn thân vào lao động. Tiếp đến là tìm thông tin về công việc muốn làm để hiểu được yêu cầu thực sự về năng lực và phẩm chất mà ngành nghề đòi hỏi. Sau đó, các bạn nên ngồi xuống để ráp lại mảnh ghép “công việc” vào bức tranh cuộc đời, việc này sẽ giúp các bạn chuẩn bị tinh thần cũng như trang bị một lượng kiến thức tương đối để sẵn sàng trải nghiệm công việc mới.
Ngoài nguồn dữ liệu thứ cấp sẵn có, các bạn cũng nên chủ động kết nối với các anh, chị đi trước trong ngành, vì chỉ có người trong cuộc mới hiểu người trong kẹt thôi à.
----------------------------
Biên tập: Phạm Huyền Thương
Nguồn ảnh: Pinterest
Link bài gốc: Quynh Nguyen - Hành Trình Trở Thành Product Owner Của Cô Gái Học Ngoại Thương
(*) Youth Confessions mong nhận được sự ủng hộ và góp sức của các bạn. Trở thành Cộng tác viên có cơ hội đóng góp cho cộng đồng và tích lũy thêm những kiến thức định hướng nghề nghiệp tại đây: https://ybox.vn/idyua9s80nomsj
(**) Follow Facebook Youth Confessions tại https://www.facebook.com/YboxConfession để đọc các bài viết khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
91 lượt xem