Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Youth Confessions] Quản Trị Viên Tập Sự - Những Điều Nên Và Không Nên Làm Ở Vòng Thảo Luận Nhóm

Thảo luận nhóm (hay còn gọi là group work, group discussion) thường là “nỗi ám ảnh” với các bạn sinh viên mới ra trường khi tham gia chương trình Management Trainee (Quản trị viên tập sự) và các chương trình tuyển dụng của các công ty lớn. Vậy thì hãy trang bị cho mình những tips hay sau đây để biến vòng thi ác mộng đó thành chuyện nhỏ nhé

TIP 1: XEM MỌI NGƯỜI NHƯ ĐỐI TÁC

10 bạn thì hết 9 bạn bước vào phòng thi với tâm lý ai cũng là đối thủ vì xác định rằng đây là một cuộc thi tuyển chọn những ứng cử viên xuất sắc nhất để trở thành quản trị viên tập sự tương lai của công ty, vì vậy mình phải giành giật vị trí và chứng tỏ bản thân.  Ấy vậy nhưng tâm lý này sẽ gây nhiều “hậu quả” hơn! Nên nhớ đích đến cuối cùng của vòng thảo luận nhóm KHÔNG PHẢI là mình bạn giỏi, MÌNH BẠN tỏa sáng mà là CẢ NHÓM phải cùng đưa ra được giải pháp tốt nhất và bản thân bạn phải có những đóng góp giá trị cho phần thảo luận.  Thảo luận NHÓM chứ không phải là phần thi  “TÔI TỎA SÁNG” nhé!

Với tâm lý xem bạn cùng nhóm là đối thủ, bạn sẽ thường theo xu hướng bác bỏ những ý kiến người khác đề xuất và giữ khư khư ý kiến của mình nhằm mong “giành phần thắng”, nếu vậy làm sao có thể thảo luận một cách thoải mái nhất, làm sao nhìn vấn đề ở nhiều phương diện để đạt đến hiệu quả cuối cùng? Và chị có thể tưởng tượng được không khí căng thẳng như chiến trường của phần thảo luận đó, một điều cực kì tối kị khi làm việc nhóm.

Ngược lại,  hãy đến với tâm lý mọi người là đối tác với chung mục tiêu, ai cũng có  lí lẽ của mình. Nhờ vậy, các bạn sẽ có thể có phần tranh luận không những hiệu quả, văn minh và  mà quan trọng nhất là còn tận dụng được thế mạnh của nhiều cá nhân trong nhóm, nhiều góc nhìn để đề ra được giải pháp xuất sắc nhất.? Cũng giống như khi bạn đi làm sau này, mỗi lần họp các phòng ban là để giải quyết vấn đề kinh doanh, lắng nghe góp ý từ nhiều người để ra giải pháp, chứ đâu phải là “sân chơi” để bạn thể hiện mình, đúng không? Làm được như vậy thì bạn mới có tố chất và tiềm năng để trở thành quản trị viên tập sự tương lai.

Và một chia sẻ nhỏ để bạn tự tin hơn, đó là nếu thực sự trong nhóm có nhiều bạn xuất sắc đạt được yêu cầu công ty thì các bạn đều được chọn, chứ không phải chỉ được chọn duy nhất 1 bạn trong nhóm. Ví dụ như năm của chị, vòng thảo luận nhóm có đến 6 người, buổi họp diễn ra trong không khí chia sẻ và cởi mở, cuối cùng vẫn có đến 3/ 6 người trong nhóm được chọn làm quản trị viên tập sự phòng marketing (và cho tới bây giờ tụi chị vẫn thân nhau cực kì!)


TIP 2: LẬP LUẬN BẰNG SỐ LIỆU VÀ DẪN CHỨNG THAY VÌ BẰNG CẢM TÍNH

Là một quản trị viên tập sự cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ có khả năng trở thành nhà lãnh đạo tương lai của công ty – vì vậy kĩ năng thuyết phục người khác là rất quan trọng, và dĩ nhiên để tiếng nói của mình có trọng lượng hơn thì không thể chỉ dùng cảm tính được rồi!

Câu hỏi ví dụ: Công ty nước hoa nên đầu tư quảng cáo cho đối tượng thu nhập thấp, trung bình hay cao cấp?


Cách trả lời bằng cảm tính: “Mình nghĩ là công ty nên tập trung quảng cáo cho nhóm khách hàng thu nhập trung bình vì mình thấy mấy nhà nghèo ít xài nước hoa”. Đề bài có cung cấp thông tin nhà nghèo ít xài nước hoa không? Số liệu nào chứng minh điều đó? Nếu bạn không trả lời được những câu hỏi này thì chẳng khác nào bạn nói bừa cho có và hoàn toàn không có tí tính thuyết phục nào. Đừng nghĩ là thà có phát biểu còn hơn im re. Không đúng nha, quan trọng là bạn phát biểu phải có chất lượng cơ chứ phát biểu bừa thì chẳng khác gì thầy bói mù xem voi!


Cách trả lời bằng số liệu và dẫn chứng: “Em nghĩ công ty nên hướng đến đối tượng là khách hàng có thu nhập trung bình thay vì phát triển ở cả 2 nhóm đối tượng có thu nhập trung bình và thấp như hiện tại. Lí do là với mức giá nước hoa của công ty định ra là 10 triệu như hiện nay và mức thu nhập thấp ở từ 3-4 triệu/tháng của họ,1 sản phẩm tương đương với 3 tháng thu nhập và nghiên cứu thị trường cũng cho thấy nước hoa không nằm trong thứ tự ưu tiên trong những mặt hàng họ mua sắm, do đó họ sẽ không sẵn sàng chi trả. Mặc dù số lượng đối tượng thu nhập thấp nhiều nhưng nếu họ không thể chi trả được thì đổ tiền vào để quảng cáo cho phân khúc này là không phù hợp”. Cùng kết luận nhưng nghe chặt chẽ và thuyết phục hơn rất nhiều vì bạn đã sử dụng được những dữ kiện đề bài, phân tích và liên kết được vấn đề để đưa ra giải pháp. Chưa nói đến nhận định là đúng hay sai nhưng bạn đã được 1 điểm cộng cho khả năng phân tích cũng như dễ dàng thuyết phục được các bạn cùng nhóm với ý kiến của mình hơn.

Tóm lại : Khi chia sẻ quan điểm, luôn nêu rõ lí do tại sao bạn có ý kiến đó với số liệu và dẫn chứng rõ ràng, đừng thảy lửng suy luận của bạn mà không có thông tin bổ trợ nhé!

TIP 3: NÓI ÍT NHƯNG CHẤT THAY VÌ NÓI NHIỀU NHƯNG NHẢM

Bạn có biết, trong vòng thảo luận nhóm, từng câu từng chữ, từng hành động của bạn sẽ được quan sát và ghi chép lại? Và vì vậy, có trường hợp chỉ phát biểu vài câu nhưng lại được tuyển thẳng vào vòng tiếp theo, còn có trường hợp giật micro nói sang sảng mà vẫn cầm thất bại về nhà! Thật ra cũng dễ hiểu bởi vì một quản trị viên tập sự xứng đáng không phải là một người nói nhiều mà không có suy nghĩ – vì vậy quan trọng là chất lượng của lời nói bạn đưa ra.

Thế này nè, nhiều bạn vào phòng thi nói nhiều khủng khiếp nha, nhưng trong tờ ghi chép của ban giám khảo toàn là những câu dạng như thế này

«Mình thấy bạn A nói đúng» (ngưng, hết câu) 
➡
 Nếu không có ý kiến xây dựng hơn thì cái này chẳng khác nào «a dua», «hùa theo».

«Mình nghĩ nên làm theo hướng B vì mình thấy hướng A cứ sai sai làm sao đó» 
➡
vì sao bạn thấy sai? Không biết ư, vậy thì đây chỉ là lập luận cảm tính vô căn cứ, không có ích!

Lâu lâu sẽ phát ngôn theo kiểu đầy cảm xúc như «wow» «yeah» «oh» 
➡
mấy từ này nếu mang tính khích lệ thì không sao, nhưng nhiều bạn lạm dụng như là từ đệm, sử dụng lung tung khắp mọi nơi đến nỗi rốt cuộc không ai hiểu là cái nào bạn thật sự thích và để tâm.

Ok, cho là bạn nói được hẳn 10 câu kiểu kiểu những câu như trên đi, thì giá trị của bạn trong buổi thảo luận là gì? Những điều bạn nói ai cũng biết, ai cũng phát biểu được, không có bạn cũng chả sao – «Vắng mợ thì chợ vẫn đông». Vậy thì ban giám khảo đành phải hát bài «goodbye baby goodbye» với bạn thôi

Vậy làm sao để nói chất?

Nhớ có lần chị chấm thi thảo luận nhóm của AIESEC (cũng khá giống với hình thức group discussion của chương trình tuyển chọn management trainee – quản trị viên tập sự), đợt đó có 1 bạn nói rất ít, nhưng cuối cùng mọi người vẫn lựa chọn bạn vào trong. Vì sao ư? Vì với một nhóm toàn những người ham nói, bạn không lựa chọn việc giành giật nói mà chọn việc nói CHẤT, dù bạn chỉ phát biểu vài câu, nhưng nhìn lại tờ note của chị và các giám khảo sẽ thấy, từng lời của bạn hết sức giá trị, luôn có những lập luận chặt chẽ, số liệu và dẫn chứng rõ ràng, gợi mở hướng suy luận mới cho nhóm. Đồng thời, không chỉ nêu ý kiến của mình, bạn còn phân tích được điểm mạnh điểm yếu của những lập luận khác vì bạn dành thời gian để lắng nghe và hiểu thay vì chăm chăm vào việc «nói» «nói» và «nói». Thành ra, số lần bạn được nói không quá nhiều nhưng bạn lại đóng vai trò cực kì chủ chốt trong việc tìm ra giải pháp của nhóm. Hay nói cách khác, bạn là nhân vật Không thể thiếu trong nhóm.

Vậy nên, nếu bạn chuẩn bị nói chỉ vì thấy cần phải nói gì đó cho người ta không quên mình, cho đỡ trống thì làm ơn suy nghĩ lại nhé. Chỉ nên nói khi lời nói đó thật sự hữu dụng, và bạn cũng cần giành thời gian để lắng nghe thay vì chăm chăm «chiếm sóng phát thanh».

Còn nếu bạn vẫn muốn nói nhiều? Không sao, miễn sao là «NÓI NHIỀU VÀ CHẤT» chứ không Phải «NHIỀU NHƯNG NHẢM» thì lại càng tuyệt vời ông mặt trời nha!Và đừng quên là những kĩ năng này cần được luyện tập trau dồi mỗi ngày, chứ không phải đợi đến kì thi mới lôi ra dùng nhé!?

Chúc các bạn thành công chinh phục công việc đầu đời mơ ước, đặc biệt là với chương trình Management Trainee (Quản trị viên tập sự) nhé!

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

>>> Giới trẻ Việt Nam thiếu định hướng nghề nghiệp, các anh chị hãy cùng YBOX giúp các bé một tay vì một thế hệ trẻ không lãng phí bao năm đại học bằng những chia sẻ rất thật của mình tại đây nhé: Link  🍁

(*) Đăng kí làm CTV cho dự án Youth Confessions để có cơ hội đóng góp cho cộng đồng và tích lũy thêm những kiến thức định hướng cho nghề nghiệp tại đây: Link 😍

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

587 lượt xem