Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Youth Confessions] Tâm Sự Trải Lòng Về Nghề Telesales

Bây giờ là 03:33 phút sáng. Trong phút rảnh rang chờ phần mềm chỉnh sửa video bận render, mình đọc báo mạng. Một bài báo về nghề Telesales đập vào mắt và mình muốn tranh thủ viết về nó, có thể sẽ khá trần trụi nếu bạn không phải người trong ngành kinh tế, marketing. Nhưng phải viết. Để chứng minh luận điểm gì, mình cũng chưa biết. Nhưng nếu muốn hiểu thêm vài khía cạnh xung quanh cái nghề Telesales, bạn cứ đọc tiếp đã.

***LƯU Ý: Nghề nào lương thiện cũng đều đáng quý. Bài viết nêu ra một số khía cạnh dựa trên tiếp thu và phân tích cá nhân, không vơ đũa cả nắm, không đại diện cho toàn bộ các cơ quan đoàn thể và cá nhân làm nghề Telesales trên toàn quốc.

Telesales ý là sale qua telephone, là tên tây ngắn gọn của công việc chào bán hàng qua điện thoại. Đây thường được coi là nghề dành cho sinh viên và những bạn mới ra trường xin việc làm vì nó khá dễ xin, các công ty lớn nhỏ thường tuyển nhiều. Mô tả công việc: đi qua chương trình tập huấn, nắm sản phẩm, đọc script (kịch bản), nhận danh sách số điện thoại, ổn định tư thế xuống ghế và bắt đầu gọi. Gọi từ đầu đến cuối. Ai máy bận hoặc không nghe máy thì đánh dấu vàng (hoặc đỏ xanh gì đó), tí gọi lại. Nếu may mắn, bạn sẽ có cơ hội đi gặp những người đồng ý cho bạn cơ hội trình bày và tìm cách chốt một cuộc mua bán thành công. Nếu không may, bạn sẽ cứ ngồi lõm cả cái ghế ấy cả ngày, ngày nào cũng vậy, cứ thế gọi điện thoại.

Mô tả công việc sơ sơ là như vậy, thế còn lương lậu thì sao? Thường thì các bạn sẽ có lương cứng vài triệu, chẳng thấm vào đâu, nếu bán được hàng mới có tiền, gọi là commission và đây là một % nhỏ trong tổng giá trị đơn hàng mà bạn bán được cho công ty. Dễ hiểu đúng không? Nhưng đây là điều có thể bạn chưa biết: Commission chỉ được tính từ điểm mà nó vượt qua lương cứng. Ví dụ lương cứng của bạn là 3 triệu đồng/tháng. Một gói sản phẩm mà bạn cần bán có giá 300,000 đồng và bạn ăn (tính xông xênh) là 10% giá trị gói ấy, tức là 30,000 đồng/sản phẩm là của bạn. Vậy thì 100 sản phẩm đầu tiên bạn bán được sẽ coi như là lương, vì 30 ngàn nhân lên 100 món mới được 3 triệu đồng. Bán từ sản phẩm thứ 101 trở đi thì thu nhập của bạn tháng ấy mới là 3 triệu đồng + commission. Nếu tháng ấy bạn bán được 101 món, thu nhập của bạn là 3 triệu lẻ 30 ngàn đồng. Nhưng nếu chỉ bán được 99 món, 3 triệu tròn là con số bạn nhận được chứ không hơn. Sau một thời gian làm nghề, hoặc là bạn sẽ “slay” (ý là nổi trội) cả cái phòng sale và lên làm Sales Manager, hoặc là bạn văng ra. Hoặc cũng có thể bạn cứ thế ráng và ráng và ráng với hiệu suất bán hàng tằng tằng, không quá tốt cũng không quá tệ.

Công việc tưởng như chỉ có ngồi phòng lạnh suốt ngày nhưng cực kỳ vất vả và phải chịu nhiều uất ức. Thực ra có cái nghề nào phải phục vụ trực tiếp khách hàng mà không nhiều uất ức, nhưng uất ức của nghề Telesales là khá đặc trưng. Bị chửi, bị cúp máy giữa chừng, bị mắng sa sả là phần nhiều, trả lời lịch sự hay đồng ý mua mới là phần ít, rất ít. Thương cái nghề sướng ít khổ nhiều, nhưng thôi nghề nào mà không phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, nghề nào mà không phải vất vả vì chén cơm. Tự nói với mình thôi vạn sự khởi đầu nan, mới vào đời phải ráng chịu khó thôi, nhưng thực ra từ đó trở đi đời chả bao giờ hết nan. Thậm chí càng ngày cái nan nó càng to. Phải chịu.

Giờ mới nói đến khía cạnh mệt mỏi từ phía bên kia của cái điện thoại nè. Đây mới thực sự là lý do mà các bạn bị chửi, bị cúp máy ngang. Mình biết bạn tủi thân rất nhiều và tuổi trẻ chưa hiểu tại sao, để mình giải thích.

Cái danh sách tên và điện thoại mà bạn đang cầm trên tay không tự nhiên mà có. Quý công ty của bạn phải bỏ tiền ra mua, và tiền bán thông tin này thường là tiền lén lút. Tức là rất có thể hầu hết các anh A, chị B mà bạn thấy trong danh sách không hề muốn cũng như không hề cho phép sự mua bán thông tin của họ. Bảo mật thông tin thời hiện đại là một vấn đề hết sức phức tạp và mình sẽ không đi sâu vào nó trong blog này, nhưng để nói ngắn gọn thì thường danh sách thông tin bạn cầm trên tay là trái phép (hay ít nhất là “không được cho phép bởi khổ chủ”). Vấn đề của việc này không chỉ dừng lại ở “Em chào anh A, em là B ở công ty C xin giới thiệu với anh gói khuyến mãi xyz”. Nó nghiêm trọng hơn khi “Em chào anh A, căn hộ 1234 của anh có nhu cầu cho thuê không?”. Nếu bạn là người nhận cuộc gọi, bạn có thoải mái với việc một người lạ hoắc biết họ tên, số điện thoại và số nhà chính xác của bạn không? Nghĩ mà xem.

Mình hiểu rằng sự riêng tư trong thời đại số là vấn đề hết sức nhạy cảm và nhiều khi không phân định trắng đen được. Mình hiểu rằng có những người check-in ở mọi nơi họ đến bao gồm khu căn hộ họ sống, có những người trình bày cả tiểu sử cá nhân lẫn công việc trên mạng xã hội, có những người không đọc điều khoản (Terms and Conditions) trước khi tải app linh tinh về chơi. Mình hiểu. Nhưng nếu mình không tình nguyện đưa thông tin riêng tư lên mạng thì mình tuyệt đối không chấp nhận việc các bạn – những nhân viên sale xa xôi lạ hoắc ở đâu đó – đang truyền tay nhau địa chỉ chính xác nhà mình, tên tuổi ba mẹ mình hay trường lớp con mình. Tất nhiên có trường hợp nọ trường hợp kia, nhưng nếu bạn đang làm nghề này thì khi cầm tấm danh sách trên tay thì hãy nghĩ một chút đến khía cạnh đạo đức của nó. Làm một khách hàng thời nay cũng có thể vô cùng mệt mỏi. Đồng ý rằng đã sống trong thời đại số, đã dùng internet tức là quên đi một số sự riêng tư của mình. Nhưng công ty nào cũng hứa lên hứa xuống về “bảo mật thông tin”, sau đó thì cả làng cả chợ ai cũng biết nốt ruồi của mình nằm ở bộ phận cơ thể nào, rồi muốn lên tiếng thì công ty chủ đổ lỗi cho ban quản lý, ban quản lý đổ lỗi cho ngân hàng, ngân hàng đổ lỗi cho nhà thi công, nhà thi công đổ lỗi cho đội thiết kế.

Nhiều bạn Telesales bị mắng thì tủi thân nhưng hãy nghĩ từ vị trí của người bị gọi, không xác định được khởi đầu của vấn đề, không có cách giải quyết, bó tay chịu đựng hàng chục cuộc gọi mỗi ngày là trải nghiệm có lẽ chính bạn cũng sẽ không muốn. Mình hiểu rằng bạn vì miếng cơm manh áo mà cắn răng chịu đựng uất ức để hàng ngày tiếp tục với nghề, nhưng chẳng lẽ những người nghe điện thoại của bạn không có nỗi lo, không có áp lực, không có cuộc sống riêng của họ hay sao?

Đây cũng là điểm tiếp theo mà mình muốn nói đến. Nghề Telesales đã ra đời từ rất lâu trong khi thời đại đã có nhiều thay đổi. Mình tin rằng mình đại diện cho rất nhiều người tiêu dùng khác khi mình nói rằng mình muốn chủ động tìm đến những thứ mình thích vào thời gian mà mình muốn. Một trong những lý do những thương hiệu như Netflix, YouTube, Shopee, Tiki hay Grab có được thành công là vì họ cho phép người dùng chủ động tìm đến và sử dụng dịch vụ vào thời gian mà người dùng mong muốn sắp xếp thay vì chầu chực giờ mở cửa hàng, lịch chiếu TV hay taxi chạy trên đường. Một phần lớn tiền mà người tiêu dùng bỏ ra là nhằm mua lại thời gian, rút ngắn thời gian, chủ động thời gian. Thời gian là một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc sống bên cạnh tiền bạc.

Đây chính là lý do mà nhiều khách hàng từ chối bỏ thời gian của họ để nghe điện thoại của bạn, dựa trên thời gian tiện lợi cho bạn, nhằm mục đích kiếm lời của bạn.

Hạnh phúc là tấm chăn hẹp, muốn bán được nhiều hàng thì phải cạnh tranh. Ai cũng phải vậy thôi. Nhưng người tiêu dùng bây giờ không còn ngờ nghệch như thời mỗi nhà chỉ có một điện thoại cố định cả nhà dùng chung nữa. “Xin chúc mừng anh đã may mắn trúng 1 trong 10 suất thử sản phẩm miễn phí”, “Chị A ơi bạn chị là khách hàng bên em và anh ấy đã chọn chị để nhận quà tặng là suất thử sản phẩm miễn phí”, người tiêu dùng họ biết bạn đang nói xạo. Họ biết đó là script (kịch bản) của công ty bạn. Bạn không phải nhân viên duy nhất trong công ty gọi cho họ với cùng một kịch bản như vậy. Và có lẽ không ai thích bị ném vào mặt những gì không thật.

Ôi viết tới đây mệt quá mình đi ngủ đây, đã 5 giờ sáng rồi. Hy vọng là bài viết đã mang đến cho bạn điều gì đó hữu ích. Bạn đã quyết định dành thời gian của bạn để xem/nghe/đọc nội dung mình làm ra, đây là điều mình mãi mãi trân trọng. Nghề gì lương thiện cũng đáng quý, dù giàu hay nghèo cuộc đời hiếm ai không phải vắt óc vắt sức ra để lo miếng cơm manh áo. Nhưng chọn lựa cho mình một công việc, một môi trường lao động có đạo đức cũng rất quan trọng.

Tác giả: Giang Ơi

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

>>> Giới trẻ Việt Nam thiếu định hướng nghề nghiệp, các anh chị hãy cùng YBOX giúp các bé một tay vì một thế hệ trẻ không lãng phí bao năm đại học bằng những chia sẻ rất thật của mình tại đây nhé: Link  🍁

(*) Đăng kí làm CTV cho dự án Youth Confessions để có cơ hội đóng góp cho cộng đồng và tích lũy thêm những kiến thức định hướng cho nghề nghiệp tại đây: Link 😍

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

837 lượt xem