Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Youth Confessions] Tản Mạn Y Dược: Học Dược Ra Làm Gì?

Mấy ngày vừa qua, đưa ông đi Bệnh viện thấy cảnh xô bồ, ”náo nhiệt” rất đỗi bình thường của bệnh viện mà lòng chạnh lại. Ngẫm rằng học Dược cũng để phục vụ nhân dân mà đến giờ mình vẫn chưa làm được gì cho đời cả! Cái ước mơ thay đổi bản đồ Y Dược ở Việt Nam của mình vẫn còn bỏ ngỏ không 1 lý do nào xác đáng từ bản thân mình.

Năm 1 mình thi vào Dược đơn giản vì điểm cao, mình học tốt + học Dược ra giàu ==> thi Dược. Còn cái cứu người giúp đời chỉ là bổ trợ mà thôi. Không cần thống kê cũng biết lý do 90% học sinh thi vào Dược (hay các trường đại học) đều liên quan đến $$$$…Chứ nói thật, cũng như đa số sinh viên bây giờ, mình còn chưa biết học Dược rồi ra làm gì.

Và rồi, vào Dược mới biết cái khác lạ của nó, cả về cách dạy, cách học, và khác nhất là ở công việc sau khi ra trường. Có nhiều nghề đôi lúc chả liên quan lắm đến kiến thức cả. Không biết có nên khâm phục thằng bạn mình dám post 1 status facebook nói rằng mục đích của nó học Dược là để lấy cái bằng, để kiếm cái công việc cho phù hợp,thi cử chi là chuyện phụ, cố cho qua thôi. Đối với mình, mình cũng vậy. Sang năm 4 này, mục đích của mình và khá nhiều mem ở O1K65- Lớp Quản Lý & Kinh Tế Dược cũng như vậy, học xong kiếm cái bằng ra trường, làm gì thì tùy mỗi người. Nói chuyện với mấy anh chị đi làm GSK, DKSH, Sanofi,… mới biết học Dược xong đi làm nó phũ phàng thế nào. Sinh Viên vào chỉ biết học để lấy cái bằng, chứ mấy ai biết ra trường làm gì?

Không cần 1 con số thống kê nào cả, cũng biết rằng 90% ọc sinh thi vào Dược chưa biết ra trường làm gì (hay đúng hơn hiểu bâng quơ là học Dược ra sau này đi bán thuốc), và ít nhất 60% sinh viên năm 4 cũng với tình trạng trên. Mình cũng đã tìm hiểu Học Dược ra làm gì từ hồi năm 2, hồi đó mình thích Dược Lâm Sàng lắm, vì thích nghiên cứu, phát minh ra thuốc chữa bệnh mà. Sau lên năm 3, làm thêm về mảng Kinh tế làm mình thấy tiềm năng của Kinh tế Dược cao hơn , và thế là mình đi theo Kinh Tế Dược với 1 ý tưởng start-up trong đầu.

Với vốn kiến thức của mình, mình sẽ tự phân tích xem  học Dược ra làm gì xem sao (coi như giúp các cô cậu sắp hoặc đang học Dược một tí :)) )

Có thể thấy năm K66 trở đi đã đổi sang học tín chỉ, rồi sang năm 4 phân khoa sẽ không còn Đa khoa và sẽ học 4 phân ngành chính: ( sau này ko biết có thêm không chứ giờ 4 ngành này cũng là full việc cho sinh viên Dược rồi)

1. Quản lý & Kinh tế Dược.

2. Dược Lâm Sàng

3. Dược Cổ truyền.

4. Kiểm nghiệm thuốc

5. Công nghiệp Dược

Nhớ cái hồi học Chính trị, các thầy cô các bộ môn chuyên ngành lên để nói về chuyên ngành mình, mà hình như chỉ mỗi Bộ Môn Kinh tế là nói kĩ hơn cả về công việc sau này của sinh viên :))

Dự đoán 1 tương lại không xa, khi nền giáo dục Việt Nam phát triển hơn, sinh viên Dược sẽ được phân khoa ngay từ đầu như trường Dược ở các nước bạn hay ít ra cũng như các trường ĐH khác ở VN. Và đương nhiên, SV khi vào học sẽ biết ra trường mình làm gì để mà phấn đấu.

HỌC DƯỢC RA LÀM GÌ?

Mình sẽ đi theo từng khâu trong vòng đời của 1 viên thuốc cho dễ hiểu. Chứ thực chất việc phân khoa bây giờ cũng ko có ý nghĩa nhiều lắm, vì sinh viên còn chưa biết gì về tương lai cơ mà. Đồng thời, đi đôi với mỗi nghề mình sẽ đưa ra 1 con số dự đoán số ng làm việc/100 người để dễ hình dung.

1.Nghiên cứu và kiểm nghiệm thuốc.

Không cần nói thêm, ta cũng biết muốn vào làm việc này thì kiến thức chuyên môn Y Dược phải khá tốt rồi.

– Bạn sẽ tham gia nghiên cứu, phát triển 1 sản phẩm thuốc có ích cho con người, có hiệu quả điều trị cao như Panadol giảm đau- hạ sốt, hay có thể là thuốc chữa ung thư chẳng hạn. Trên thế giới, công việc của chuyên gia nghiên cứu rất được trọng vọng, ưu tiên bởi họ tạo ra những giá trị mới có ích cho xã hội. Nhiều nước trên thế giới rất coi trọng việc nghiên cứu các thuốc mới, hoạt chất mới như Mỹ, Nhật , Pháp bởi việc nghiên cứu sử dụng nhiều chất xám và vất vả hơn rất nhiều so với các công việc khác. Còn ở Việt Nam do nhiều điều kiện về khoa học- kỹ thuật, vấn đề con người,… nên việc nghiên cứu không được phát triển ( thay vào đó là các công việc liên quan về kinh doanh vì sinh lợi nhuận nhanh).  Thường thì các doanh nghiệp sản xuất có tầm nhìn lâu dài, có tiềm lực kinh tế, khoa học- kĩ thuật mới phát triển phòng Nghiên cứu và phát triển sản phẩm như Dược Hậu Giang, Traphaco, Pymepharco,…

Cách đây 4 năm, lúc mình đỗ ĐH Dược Hà Nội, mình đã từng có ước mơ là sau này sẽ phát minh ra thuốc chữa ung thư cho loài người, chỉ tiếc là ước mơ đó tạm thời chưa thực hiện được. Sau này khi có đầy đủ điều kiện về tài chính, nhân lực, khoa học- kĩ thuật mình sẽ làm. Mong rằng các bạn Dược sĩ có tâm hãy quan tâm đến việc nghiên cứu và phát triển các thuốc mới hơn.

– Bạn sẽ tham gia nghiên cứu các phản ứng có hại của thuốc, hoặc là đánh giá 1 sản phẩm thuốc xem có đủ tiêu chuẩn không để cấp giấy phép lưu hành ra thị trường (Viện Kiểm nghiệm)…

Bạn sẽ làm ở đâu? Đó là các Viện Dược liệu, Viện Kiểm nghiệm thuốc,Viện Dịch tễ, Viện Y học Cổ truyền, hoặc phòng ban nghiên cứu phát triển sản phẩm của 1 công ty Dược phẩm. Có thể đó là Trung tâm ADR Quốc Gia ở ngay trong trường ĐH Dược Hà Nội, cũng có thể làm giảng viên ngay tại trường để tiện nghiên cứu khoa học luôn.

Tỉ lệ: 5/100.

2. Nghiên cứu viên tiến hành các thử nghiệm lâm sàng (CRA)

Khi nghiên cứu xong 1 công thức thuốc có khả năng điều trị, việc tiếp theo chính là phải thử nghiệm lâm sàng, trên động vật rồi trên con người. Việc của CRA chính là đi liên hệ với các đơn vị nhận thử thuốc trên lâm sàng, rồi phối hợp với họ để tiến hành thử thuốc trên lâm sàng. Công việc khá nặng nhọc gồm nhiều khâu: lên đề cương nghiên cứu, phối hợp với bên nghiên cứu để bảo vệ đề cương, lúc đó mới được thử thuốc trên người, phải lựa chọn đúng bệnh nhân phù hợp, theo dõi , đánh giá bệnh nhân, đánh giá tác dụng của thuốc trên cơ thể người… Nếu các bước thử nghiệm lâm sàng thành công thì thuốc mới có thể được cấp phép và sản xuất hàng loạt ra thị trường.

Đây là mảng công việc khá mới ở Việt Nam và đang có xu hướng phát triển khi thị trường Dược phẩm ngày càng rối ren và Bộ Y tế đang có những chỉ đạo nghiêm khắc để làm trong sạch thị trường Dược phẩm, do đó việc thử thuốc trên lâm sàng vô cùng quan trọng.

Tỉ lệ: 2/100

3. Sản xuất thuốc

Việc của bạn là điều hành ,vận hành các máy móc trong công xưởng sản xuất Dược phẩm. Ban đầu có thể vất vả chút vì bạn làm như người công nhân (mới ra chưa có kinh nghiệm ai cho làm manager). Sau đó từ từ có thể lên quản lý.

Không chỉ vận hành, kiểm tra hoạt động sản xuất thuốc mà bạn còn phải liên kết với bên nghiên cứu để tham mưu các cách bào chế thuốc để tăng sinh khả dụng cũng như thời gian bảo quản, độ bền sinh lý… cho thuốc, với bên kinh doanh để phân phối sản phẩm tốt nhất. Đương nhiên vì các lý do chuyên môn này nên không thể chọn 1 anh Cao Đẳng hay Trung Cấp Dược, hoặc 1 anh học Kinh Tế Quốc Dân ra để làm bên sản xuất thuốc được.

Tỉ lệ: 10/100

4. Phân phối thuốc.

Đến đây ai cũng đoán đó sẽ là nghề Trình Dược Viên (TDV) rồi. Định nghĩa Trình Dược Viên khá đơn giản như tên gọi của nó: là đảm bảo khâu giới thiệu thuốc đến người dùng như Bác sĩ, Nhà thuốc, bệnh nhân. Ra trường hầu hết Sinh Viên rất thích kiếm tiền, nhanh giàu nên làm Trình Dược Viên là 1 nghề hay. Công việc này cũng khá phù hợp cho những Sinh Viên điểm chác không được tốt, vì mấy nghề khác đôi khi đòi hỏi khá nhiều kiến thức chuyên môn, trong khi TDV thì dùng ”cực kỳ ít”, bởi trong khi đi làm, TDV sẽ được các Hãng đào tạo lại về Chuyên môn, để đáp ứng việc giới thiệu thuốc. Nghề này phổ biến và theo mình thì những nhà Kinh tế Dược tương lai thì nên theo nghề TDV trước đã. Khi làm TDV cho 1 hãng Dược phẩm lớn, họ sẽ đào tạo cho bạn rất nhiều kỹ năng về giao tiếp, team work, về sales, marketing ,…mà trường ĐH không dạy bạn. Có thể nghề này bị đánh giá thấp hơn các nghề khác nhưng nó thực tế hơn rất nhiều so với các công việc nhà nước nhàm chán, hay đứng máy ở 1 xí nghiệp sản xuất thuốc, ít ra nó cũng tạo 1 hành trang mới cho bạn lúc vào đời, và chính hành trang đó có thể giúp bạn thăng tiến sau này.

Tuy nhiên, đã xác định làm nghề này thì ban đầu bạn cũng phải có chút kỹ năng giao tiếp và ngoại hình tốt,… để ”tiếp thị” thuốc.

Nói về công việc TDV thì có 1 điều chắc chắn đó là : ÁP LỰC. Bạn sẽ có lương càng cao, tương ứng với công sức của bạn. Công ty ép Doanh số và bạn phải đạt được doanh số đó,ko làm được thì có lẽ bạn nên tìm công ty khác và nếu bạn làm hơn thì đương nhiên sẽ có thưởng cho bạn. Có thể hôm nay bạn chơi ở nhà cả ngày nhưng ngày mai bạn sẽ đi tiếp khách hàng cả ngày (có thể lẫn đêm)… Bạn phải nhẹ nhàng, tình cảm hết sức với các bác sĩ, chủ nhà thuốc,… Nhưng được cái sướng là gì? Lương cao, chế độ đãi ngộ của các cty Dược thì cực tốt, bạn có thể nhanh kiếm tiền để xây dựng cuộc sống và vốn để sau này tiếp tục kinh doanh… Ra trường làm khắc biết.

Và cái nghề nhiều người vào thì ắt sẽ có cạnh tranh, lớp già cỗi , 1 là sẽ thăng chức lên làm Quản lý ở các công ty, 2 là sẽ nghỉ ngơi, góp vốn , tìm địa điểm tốt và mở 1 nhà thuốc GPP, hoặc 3 là sẽ ra làm riêng: mở 1 công ty sản xuất hoặc phân phối thuốc chẳng hạn (phân phối thì còn được chứ SX thì toàn đi nhờ các công ty gia công rồi về bán) hoặc 4 là dùng biện-pháp-nào-đó để làm các việc khác mà mình nói ở các phần còn lại.

Kể từ năm 2014 trở đi, sự cạnh tranh vào nghề Trình Dược Viên ngày càng trở nên gay gắt bởi các thông tư mới về Đấu thầu thuốc của Bộ Y tế càng giảm sự ảnh hưởng của Trình Dược Viên trong khâu phân phối thuốc, cùng với việc hàng loạt trường, khoa Dược mới mở ”xuất xưởng” những lứa đầu tiên ( nếu vài năm trước ở Hà Nội chỉ có ĐH Dược Hà Nội đào tạo Dược sĩ thì hiện tại 2014 đã có thêm Khoa Dược của ĐH QG Hà Nội và Khoa Dược của ĐH Đại Nam đào tạo Dược sĩ).

Nếu 2,3 năm trước, Dược sĩ ra trường hầu hết theo nghề Trình Dược Viên thì giờ hầu hết sinh viên ra trường chuyển sang các mảng khác làm do sự cạnh tranh cũng như con đường dài hạn cho nghề TDV dường như không có.

Tỉ lệ SV ra trường đi làm: 40/100.

5. Marketing Dược.

Nếu Trình Dược Viên là những người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng: nhà thuốc, bác sĩ, bệnh nhân thì người làm Marketing là những người đứng đằng sau phụ trách các công việc để hỗ trợ cho TDV như thực hiện các chiến dịch truyền thông – quảng cáo (trên Tivi, Báo mạng, Báo giấy, Radio, Mạng xã hội,…), Tổ chức các sự kiện hay tổ chức các khảo sát, nghiên cứu thị trường,…giúp ” thu hút và gìn giữ” khách hàng về với sản phẩm, về với Doanh nghiệp.  Công việc cụ thể như thế nào xin phép được đề cập trong 1 bài viết khác gần đây vì mình cũng đang theo mảng này, và mình sẽ viết 1 bài viết chi tiết hơn.

Phòng Marketing là 1 bộ phận có vị thế quan trọng trong mỗi Doanh nghiệp, quyết định đến sự thành bại trong Kinh doanh của Doanh nghiệp. Nhân lực của Phòng Marketing thường là các ứng viên đến từ các khối trường chuyên về Kinh tế như ĐH Thương mại, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương,…Tuy nhiên, sẽ là 1 lợi thế cực kỳ lớn nếu bạn là 1 Sinh viên Dược có kiến thức và kỹ năng tốt về Marketing. Rõ ràng 1 Doanh nghiệp ưu tiên 1 Marketer có hiểu biết về bệnh nhân, về nhà thuốc, bác sĩ, có chuyên môn về Dược hơn là 1 ứng viên chỉ giỏi về Marketing chung. Đương nhiên, để cạnh tranh với ứng viên học chuyên về Marketing, đòi hỏi 1 sự phấn đấu rất lớn từ sinh viên Dược bởi hầu hết thời gian của bạn giành cho các môn học chuyên ngành Dược, khá hiếm thời gian để tìm hiểu mảng khác. Dù vậy thì không có gì là không thể, nếu bạn có khả năng, hãy học Marketing đi. Có thể tương lai của bạn sẽ ở Bộ phận Marketing của một trong hàng ngàn Doanh nghiệp Dược Việt Nam cũng như Doanh nghiệp Dược Nước ngoài đấy 

Về thời gian làm việc thì làm Marketing có khoảng thời gian làm việc đều đặn hơn và cũng ít áp lực hơn nghề TDV nên trong vài năm trở lại đây, số lượng Dược sĩ ra trường làm Marketing ngày càng tăng thêm. Đây là 1 xu hướng tất yếu khi mà phạm vi hoạt động của nghề Trình Dược Viên ngày càng bó hẹp.

Tỉ lệ: 8/ 100

5. Dược sĩ Lâm sàng.

– Nhiệm vụ của 1 Dược sĩ Lâm sàng là hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiêu quả không những cho người bệnh, cho cộng đồng mà còn cho cả bác sĩ, phối hợp cùng bác sĩ trong việc thiết kế danh mục thuốc trong Bệnh viên,…

Đây là một lĩnh vực đang rất được ưu tiên phát triển ở Việt Nam mặc dù trên thế giới đã phát triển rất lâu rồi.

Thực sự đây là 1 lĩnh vực rất quan trọng, bởi như các bạn đã thấy, rất nhiều ca bệnh dùng nhầm thuốc, sử dụng thuốc không có hiệu quả xảy ra rất thường xuyên ở các bệnh viện từ tuyến trung ương cho đến tuyến huyện. Khi mà dân số ngày càng tăng, theo đó số người mắc bệnh cũng tăng, vai trò của Dược sĩ Lâm sàng là rất lớn.

– Rất mong các bạn nào có đam mê thực sự hãy theo Dược Lâm sàng để nâng cao chất lượng kê đơn thuốc cũng như sử dụng thuốc hợp lý ở Việt Nam

– Nơi làm việc của Dược sĩ lâm sàng thường ở các bệnh viện, phòng khám, hoặc nhà thuốc, hoặc tương lai có thể là Dược sĩ gia đình (chuyên tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc cho gia đình, ở nước ngoài mình thấy Dược sĩ gia đình khá nhiều).

– Về mức lương thưởng: Mình chưa có thông tin cụ thể nên chưa luận bàn ở đây được, nhưng mong rằng các bạn luôn hướng tới cái cao cả để làm tốt công việc Dược sĩ lâm sàng của mình

Tỉ lệ: 10/100

6. Bộ phận quản lý Dược.

Bạn sẽ làm việc ở các bộ phận Quản lý về thuốc như:

– Quản lý Chất lượng thuốc (bên kiểm nghiệm người ta sẽ kiểm nghiệm thuốc rồi gửi về các phòng ban khác – chính là nơi này đấy)

– Đấu thầu thuốc ( ở Tỉnh, các Bệnh viện)

– Sở , Phòng Y tế…

Làm ở Bộ phận này thì có lẽ ”hoa màu” nhiều hơn lương cứng. Học Dược ra, làm nhà nước lươn ” ba cọc ba đồng” thường ít bạn quan tâm. Thường những bạn nào gia đình có điều kiện hoặc thực sự yêu thích thì mới làm ở bộ phận quản lý Dược. Nếu biết cách ”làm ăn” thì ”hoa màu” của mảng này cũng không thua kém gì các mảng nghề khác.

Dù gì mất mấy năm học Dược vất vả ra, lương nhà nước không được bao nhiêu, các bạn có thêm ”hoa màu” cũng được, nhưng mong rằng các bạn vẫn luôn coi bản thân mình là 1 DƯỢC SĨ, luôn làm những gì đúng lương tâm của 1 Dược sĩ cứu người, đừng đưa những thuốc rởm, thuốc giả, thuốc kém chất lượng ra thị trường.

Tỉ lệ: 7/100

7. Các mảng khác.

– Làm giáo viên ở các trường Y Dược.

– Dịch thuật chuyên ngành Dược phẩm ở các công ty Dịch thuật: Công việc chính là dịch các tờ thông tin dành cho bệnh nhân, dành cho cán bộ y tế, hướng dẫn sử dụng hay các giấy tờ tương tự liên quan đến sản phẩm thuốc cho các Doanh nghiệp nước ngoài đưa thuốc vào thị trường Việt Nam.

Thực ra mấy điều mình nói trên là để an ủi các bạn thôi, giờ CCCC và $$ là quốc nhục của VN rồi, nếu bạn không đủ cạnh tranh thì hãy cố gắng nhiều hơn nữa bằng 2 bàn tay của mình và tốt nhất là đừng than phiền gì hết.


Tác giả: Nguyễn Quang Huy

-------------------------------------------------------------------------

>>> Giới trẻ Việt Nam thiếu định hướng nghề nghiệp, các anh chị hãy cùng YBOX giúp các bé một tay vì một thế hệ trẻ không lãng phí bao năm đại học bằng những chia sẻ rất thật của mình tại đây nhé: Link

(*) Đăng kí làm CTV cho dự án Youth Confessions để có cơ hội đóng góp cho cộng đồng và tích lũy thêm những kiến thức định hướng cho nghề nghiệp tại đây: Link <3

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,589 lượt xem

lh-fulllh-x