Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Youth Confessions] Thư Gửi Nhân Viên Của Sếp: Hashtag #Thanh Xuân Nào Cho Ta?

Sáng sớm dậy làm việc, nhận email nhân viên. Có những thứ cũng không biết diễn tả thế nào, vừa vui, vừa buồn. Vui vì các em có sự ý thức trong công việc của một start-up, buồn vì những thứ mang tính rập khuôn, những thứ hào nhoáng của các công ty to bự ngoài kia khiến “chân” các em chới với và giá trị trong các em bị lung lay. Tôi ngồi vào bàn làm việc và thay vì làm những việc như mình định làm thì tôi quyết định viết thư - mà là thư cho các bạn trẻ.

1. Nhu cầu
Hãy lật lại Maslow để thấy 5 nhu cầu cơ bản của con người. Nhu cầu đầu tiên có lẽ đã quá dư thừa để nói trong thời buổi này, bởi chung quy ai cũng sống có ăn, có mặc. Để có ăn mặc ấm no, lương các em phải đủ, mà đủ thì thế nào do mỗi người một khẩu vị, người thích một tuần ba bữa sushi, người thích một tuần 3 lần cơm tấm. Giá trị của những bữa như thế khác nhau. Thành ra ông nhà nước mới có cái gọi là lương sàn cho những người làm việc ở thành phố hay vùng xa, nên vâng, cái nhóm nhu cầu đầu tiên cũng chỉ tương đối. Hai cái nhóm nhu cầu cao nhất trong Maslow là nhu cầu được công nhận và nhu cầu khẳng định bản thân. Nói đến nhu cầu được tôn trọng và công nhận, trong công ty ấy là gắn liền với sự tưởng thưởng qua động viên, hay sự ghi nhận thông qua giá trị đóng góp. Tất cả đều hợp lý bằng cơ chế chính sách khen thưởng cho nhân viên. Từ chuyện thấy được công nhận, em sẽ thấy mình đang “hiện thực hóa” hay khẳng định những năng lực, tính cách, kỹ năng và giá trị của chính mình. Một điều khi xét đến việc thỏa mãn nhu cầu theo thuyết Maslow mà các em quên đối chiếu là môi trường, là văn hóa, và là đồng nghiệp – đấy là điểm cộng hưởng giúp em đẩy mạnh tiềm năng của em. Trong Maslow, ông ấy chia ra theo cấp bậc và việc thỏa mãn nhu cầu mang tính từ cơ bản đến cao nhất nhưng trong một công ty, chắc chắn em sẽ thấy sự dung hòa về nhu cầu đó một cách tổng thể như em có đủ lương, em được công nhận, em được bảo đảm về sự an toàn, hay em đang thấy mình có đóng góp cho công ty…

2. Môi trường của công ty
Có một hôm nọ, có đứa em gái hỏi mình "chị ơi, giữa hai nơi đó, em nên chọn chỗ nào?". Câu chuyện cân đo giữa hai offer là chuyện bình thường. Em có quyền chọn cho mình chỗ phù hợp, mà câu hỏi để hỏi ngược lại chúng ta "phù hợp cái gì?" và “phù hợp ra sao?”. Vậy thì chúng ta lại mở ra tập hợp các giá trị nghề nghiệp và giá trị em mong muốn. Nếu em thích làm việc với môi trường năng động, một vấn đề của công ty có thể giải quyết nhanh, hay đơn giản là sự vui buồn của em đều có người lắng nghe, thấu hiểu và thông cảm thì có lẽ công ty lớn chưa chắc làm được bởi tính hệ thống và nguyên tắc của nó. Hoặc nếu em đề cao giá tri của sự ngăn nắp, quy trình, quy chuẩn, các côngđoạn rõ ràng thì start-up có lẽ chưa phải là nơi em nên đến vì họ còn nhỏ và còn đang xây dựng từng ngày. Và muốn biết xem giá trị của mình có tương thích không thì em hãy hỏi văn hóa công ty là gì? Văn hóa công ty được tạo dựng từ những người dẫn đầu, nên nếu khi gặp gỡ họ tại cuộc phỏng vấn rồi mà cảm giác (guts) trong em nói rằng "có vẻ hiếu chiến quá” trong khi em mơ đến bình yên, chứ không phải thử thách năng lực và thử thách con số mỗi ngày thì hãy từ từ em ạ, bởi đó chính là lúc giá trị của em đề cao đang bị thách thức.

3. Định hướng của bản thân và Công ty
Tôi còn nhớ cách đây khoảng một thời gian khi tham gia vào một khóa học về “sự phát triển”, hôm ấy thầy đưa cho cả lớp 1 tấm hình trong đó có hai cái thang nương tựa vào nhau và thầy không giải thích. Thầy hỏi nhóm chúng tôi là các em có liên tưởng gì không. Chúng tôi bàn bạc nhau rồi phỏng đoán là sự phát triển của cá nhân và tập thể. Điều Thầy lưu ý cho chúng tôi thấy là hai cái thang này đang dựa vào nhau chứ ko phải là hai cái thang song song. Sự đồng hành và gắn bó của nhân viên và công ty chỉ có khi giữa cả hai có sự tương đồng. Hai bên đều thấy sự phát triển của Công ty cũng là bàn đạp cho sự phát triển của cá nhân, còn sự phát triển của cá nhân thì khiến công ty cũng được hưởng lợi. Bản thân mỗi nhân viên cũng cần xây dựng kế hoạch phát triển và chỉ số đo lường cho chính mình. Em đừng ngồi và chờ đợi công ty làm gì cho em mà hãy cho họ thấy, trong sự phát triển của công ty có đóng góp của em, và em cũng đang từng bước trưởng thành lên từ đó. Em đừng lo mình cố gắng rất nhiều nhưng có thể mình không được đền đáp. Tất cả nằm ở niềm tin. Khi em nhận lời vào làm ở đó, em đang đặt niểm tin nơi họ, và đằng sau những chính sách nếu đã đồng ý thì em cứ mạnh dạn tiến bước, đừng vừa bước vừa hỏi “em được gì nếu em bước thêm bước nữa?”.

4. So sánh công bằng
Tôi bắt đầu hiểu nhân viên mình vì sao các em hỏi tôi như vậy. Nhớ lại thuở hai mươi “trẩu tre”, tôi thấy các em cũng đang giống tôi hồi đó: có năng lực, hơi ngạo mạn và tự tin vào tài năng của mình. Tôi nhớ hồi đó khi tôi 28 như các em bây giờ, khi phải gồng gánh khá nhiều công việc, và vì làm được và giao thêm trọng trách, tôi có tư tưởng “không có mình, công ty này chết chắc”. Nghe rất buồn cười đúng không? Thực ra không có công ty nào, nếu không có nhân viên đó thì công ty đó phải đóng cửa cả, vậy nên đừng nghĩ vậy bởi ngay cả CEO hay vị trí có quan trọng đến đâu “ông chủ” ổng cũng có cách sắp xếp. Chưa kể, thuở ấy khi gặp đám bạn cấp ba, với những câu “làm chức gì, lương bao nhiêu, mấy nhà, mấy xe rồi” là tinh thần tôi hay xao động và bấn loạn. Hay nói xui hơn, lỡ như em bây giờ, gặp một đám bạn huênh hoang như “lương thế là thấp” hay “môi trường thế mà cũng làm”, thì trong phút chốc em quên mất em lựa chọn công ty này là do hồi đó em mới ra trường, CV của em trống trơn và em so với bạn tại giai đoạn đó đã thua đến vài năm kinh nghiệm. Trong giây phút đó em cũng quên mất giá trị ngày xưa em đặt ra là “đồng nghiệp hòa đồng hỗ trợ nhau, sếp tận tình chỉ bảo, môi trường không quá áp lực”, em chỉ so sánh sao lương bạn em thế này, em thế kia. Sự so sánh khập khiễng còn đến khi em so sánh lương mà quên chưa hỏi lại bạn “ê, mấy giờ mày vào làm, mấy giờ ra làm, cuối tuần có được thong thả uống café hay đi chơi với bạn không?”. Bạn em để đạt được mức lương đó có lẽ là phóng xe ra khỏi nhà từ 8 giờ sáng, về nhà lúc 8 giờ tối và cuối tuần cũng đang mải mê học cái gì đó nâng cao kỹ năng hay kiến thức.

Kết thúc thư, quả thật, tôi đắn đo chọn chữ để ngưng. Tôi cũng không thích làm một chị sếp già lải nhải với lũ trẻ. Tôi chỉ muốn các em thay vì dùng thanh xuân của mình ngồi đong đếm quyền lợi và trách nhiệm, ngồi so sánh cái được mất đắn đo mà bỏ quên nhiều thứ ý nghĩa trong cuộc sống. Hãy dành thanh xuân để thành ngôi sao sáng khi em làm hết sức, chơi hết mình, sống thật hơn với giá trị mình theo đuổi, bớt ảo vọng và để một tuổi già nhiều trải nghiệm đáng quý và bình an!


Tác giả bài viết: Hà Phạm


-----------------------------------------------------------------------------------------

>>> Giới trẻ Việt Nam thiếu định hướng nghề nghiệp, các anh chị hãy cùng YBOX giúp các bé một tay vì một thế hệ trẻ không lãng phí bao năm đại học bằng những chia sẻ rất thật của mình tại đây nhé: Link  🍁

(*) Đăng kí làm CTV cho dự án Youth Confessions để có cơ hội đóng góp cho cộng đồng và tích lũy thêm những kiến thức định hướng cho nghề nghiệp tại đây: Link 😍

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

630 lượt xem