Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Youth Confessions] Vài Điều Về Nghề Biên Tập Sách

Mình tốt nghiệp với một tấm bằng ĐH chuyên ngành thiết kế nội thất, cộng thêm một tấm bằng diploma về thiết kế đồ hoạ. Tuy vậy mình đã có thời đi làm biên tập viên ở một cty sách. Không phải làm nhân viên thiết kế đâu nhá (cho dù thi thoảng mình cũng thiết kế bìa).

Vì đã trải qua cả hai cương vị: tác giả và biên tập viên, cũng như quy trình để hoàn thiện một cuốn sách, mình có góc nhìn từ cả hai phía. Với kinh nghiệm ít ỏi gần ba năm làm biên tập viên, mình cảm thấy một số tác giả VN và phần không nhỏ độc giả đang hiểu nhầm, hoặc chưa đầy đủ về công việc biên tập.

Biên tập viên không phải chỉ đi sửa câu chữ và chính tả. 

Có một người làm việc đó, gọi là nhân viên đọc morat.

Biên tập viên là người tìm kiếm/ duyệt các bản thảo có tiềm năng. Biên tập là quá trình gọt giũa, nâng tầm, đôi lúc là định hướng phát triển, định hướng độc giả mục tiêu, xây dựng dáng hình phù hợp cho cuốn sách, đôi lúc là tư vấn, tham gia quá trình PR sách. Biên tập giúp bản thảo trở thành phiên bản tốt nhất có thể của chính nó.

Ví dụ một trường hợp khá thành công của mình là cuốn Đời về cơ bản là buồn cười của nhóm Lê Bích.

Ngày đó fanpage Lê Bích đang nổi lên như một hiện tượng, viral mạnh. Mình đã chủ động liên hệ, mời làm sách. Ban đầu nhóm tác giả đưa mình một sập bản thảo dày cộp, gần trăm trang A4, gồm rất nhiều thứ lổn nhổn, cả những nội dung đã đăng trên fanpage và cả những nội dung góp nhặt ở 9gag hay tumblr. Rất nhiều lỗi sai chính tả và ngữ pháp, nhưng đây là tiểu tiết ở giai đoạn đầu tiên, có thể tạm bỏ qua. Quan trọng nhất là bản thảo có một ý tưởng rõ ràng và thú vị.

ảnh từ stuonl.com

Điều gì khiến độc giả bỏ tiền mua một cuốn sách mà hầu hết nội dung của nó đã có trên Facebook? Từ gần 100 trang nội dung A4, mình rút lại còn vỏn vẹn 10 trang, loại bỏ tất cả nội dung góp nhặt (thật may mình dùng tumblr và 9gag quá nhiều :v ), chỉ giữ những thứ nguyên bản, thể hiện góc nhìn hài hước và sâu cay của Lê Bích.

Sau đó mình sắp xếp lại bố cục các phần nội dung, lựa chọn khổ sách nhỏ gọn, xinh xinh bỏ túi, với hình dung về một cuốn sách có thể đọc mọi lúc mọi nơi, đọc nhanh và thư giãn ngay lập tức.

Tiếp đến mới là giai đoạn chuốt hình ảnh (vẽ thêm hoặc chỉnh sửa nếu cần), sửa lại câu từ cho chính xác và chỉn chu.

Kết quả cuốn sách đó bán rất chạy, được trên 500.000 bản trong vòng vài tháng đầu tiên (ko biết số liệu đến giờ thế nào), liên tục nằm trong top 5 bán chạy nhất của Nhã Nam trong vài năm liền, có thời gian nằm trong top bán chạy của Tiki (cùng rất nhiều bình luận tích cực).

Sau cuốn đó, Lê Bích tiếp tục làm cuốn Dịch từ tiếng Yêu sang tiếng Việt, tuy không thành công bằng cuốn đầu tiên nhưng kết quả vẫn tốt, vẫn lọt vào top bán chạy của năm.

Tiếp đó Lê Bích đưa mình bản thảo cuốn Đời vai phụ. Mình không duyệt và đề nghị nhóm chuốt thêm nội dung, vì bản thảo chưa đủ sức nặng như hai cuốn trước. Sau đấy, thật bất ngờ và thật tình cờ, Lê Bích ra cuốn Đời vai phụ với Alphabook, giữ nguyên format sách do mình tạo ra cùng tập bản thảo y chang như lúc đưa mình lần đầu.

Kết quả thế nào các bạn tự google xem nhé  , ahihi.

Biên tập viên không chỉ là chọn bản thảo có tiềm năng, mà phải giúp biến bản thảo tiềm năng trở thành một cuốn sách thành công.

Biên tập viên còn có thể tạo dựng bản thảo, nghĩ ra ý tưởng và tìm người thực hiện. Một cuốn khác mà mình đã làm tên là Cẩm nang lịch sự cho bé.

Một ngày đẹp trời sếp mình bảo muốn làm một cuốn sách dạy kỹ năng ứng xử cho trẻ em. Mình tổng hợp nội dung, viết lại phần nhiều, chọn hoạ sĩ, tạo ra tất cả các nhân vật trong sách, viết nội dung miêu tả cho từng tranh một (vì Tuấn Anh tuy vẽ tốt nhưng không phải hoạ sĩ hợp với sách tranh, em ấy không tự nghĩ được nội dung), lên format sách và cả bố cục cho bìa… Cuốn này bán không tồi, tuy không vọt lên con số khổng lồ nhưng thuộc vào dạng sách long-sell, tằng tằng, biến đổi được nhiều format khác nhau (sau đó Nhã Nam có làm một phiên bản sách nhỏ bìa cứng, đóng hộp khá xinh). Thêm được cả tập 2 là Cẩm nang an toàn cho bé.

Lợi thế của mình so với các BTV khác là mình có thể biên tập cả hình ảnh, do xuất thân là dân vẽ/ thiết kế. Thường khi làm việc với hoạ sĩ, các BTV có thể gặp khó khăn khi tư duy, tưởng tượng của họ không khớp với cách tư duy, hình dung của hoạ sĩ. Họ không biết sâu về chuyên môn cũng khó truyền đạt chính xác ý tưởng hoặc chỉnh sửa với hoạ sĩ.

Ở vị trí ngược lại, khi là tác giả, mình may mắn gặp được rất nhiều biên tập viên giỏi. Họ giúp mình nhìn thấy những vấn đề ở bản thảo mà mình không tự nhận ra được, cho mình những phương án để cải thiện. Họ còn có thể đưa gợi ý về cách xây dựng bản thảo, giải quyết việc bí ý tưởng, sách tham khảo… BTV của mình, không chỉ hiểu tác phẩm mà còn rất hiểu tính cách và phong cách sáng tác của mình. Nếu không có sự giúp sức âm thầm của họ, mình không thể có các tác phẩm hoàn chỉnh, ra hồn. Mình gặp không ít các hoạ sĩ có thái độ tương đối thù địch với các NXB và đề phòng với các BTV, lo sợ bị gò ép làm hỏng tác phẩm của họ. Thực ra đây là một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, BTV là bạn đồng hành đắc lực của tác giả, không phải kẻ thù (tất nhiên, ngoại trừ BTV bất tài).

Mặt khác, nhờ làm việc ở Nhã Nam, mình hiểu được quy trình làm sách và có thái độ đúng đắn hơn với các NXB và BTV. Dù mình đã “bỏ nghề” biên tập (tuy là BTV khá mát tay, mình thật sự thấy… mệt, vì phải tiếp xúc quá nhiều người), thời gian làm việc ở đó vô cùng có ích.

Vài chuyện vặt ở trên chỉ là một khía cạnh cực kỳ nhỏ trong nghề biên tập viên, và chỉ trong giới hạn sách thiếu nhi và sách có hình minh hoạ mình từng làm. Còn việc biên tập sách chữ lại là cả một thế giới rộng lớn khác, cần những kỹ năng, kiến thức khủng khiếp khác. Mình chỉ muốn nói rằng, BTV là những người thầm lặng, tên không được ghi lên bìa sách, nhưng những đóng góp của họ không hề nhỏ bé chút nào. Nếu có bạn nào muốn trở thành một tác giả sách, hãy yêu lấy BTV của mình nhé :))).

p.s: cảm ơn bạn nào đã lội qua được hết wall of text này. Nếu bạn muốn trở thành BTV, xin hãy liên tục rèn luyện trèo tường chữ nghĩa nhé haha!

Nguồn: Thùy Cốm

-------------------------------------------------------------------------

>>> Giới trẻ Việt Nam thiếu định hướng nghề nghiệp, các anh chị hãy cùng YBOX giúp các bé một tay vì một thế hệ trẻ không lãng phí bao năm đại học bằng những chia sẻ rất thật của mình tại đây nhé: Link

 

(*) Đăng kí làm CTV cho dự án Youth Confessions để có cơ hội đóng góp cho cộng đồng và tích lũy thêm những kiến thức định hướng cho nghề nghiệp tại đây: Link 


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,135 lượt xem

lh-fulllh-x