Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Bạn Sẽ Ở Đâu Trong 5 Năm Tới?

Hầu hết mọi người đều đã từng nhận được một câu hỏi cứ trở đi trở lại mãi thậm chí là gây bực mình, kiểu như là: “Bạn thấy mình ở đâu trong 5 năm tới?” Dĩ nhiên, câu hỏi này thường được đưa ra trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng, nhưng nó cũng có thể xuất hiện trong một cuộc đối thoại tại một sự kiện hay một bữa tiệc cocktail nào đó. Hiểu và chia sẻ những mục tiêu nghề nghiệp là một thách thức đối với mọi người, kể cả người tham vọng nhất. Bạn có thực sự biết bạn sẽ làm gì hay thậm chí là “muốn” làm gì, trong 5 năm tới?

Ý kiến của các chuyên gia

Trong thế giới công việc ngày nay, nghề nghiệp thường có nhiều khúc quanh, nhiều ngã rẽ và tương lại thậm chí là mù mịt. “5 năm nữa, trong môi trường ngày nay, rất khó để dự đoán bất cứ điều gì. Hầu hết các thương nhân thậm chí còn không biết nhu cầu trong hai hay ba năm tới là gì,” Joseph Weintraub, một giáo sư ngành quản lý và hành vi tổ chức tại Cao đẳng Babson và đồng tác giả của cuốn sách, The Coaching Manager: Developing Top Talent in Business. Thật sự rất khó để đưa ra một câu trả lời trực tiếp và trung thực cho câu hỏi này. Weintraub và Timothy Butler, một thành viên cao cấp và giám đốc của chương trình Phát triển nghề nghiệp của trường Kinh doanh Havard, đồng ý rằng bạn cần phải được chuẩn bị tinh thần để trả lời câu hỏi này. Và bạn cần phải coi bất cứ cuộc trò chuyện nào cũng giống như một buổi phỏng vấn. “Mọi người bạn gặp và nói chuyện đều là những mối quan hệ tiềm năng, trong hiện tại hoặc tương lai,” Weintraub nói.

Bước đầu tiên là bạn phải biết rõ câu trả lời của mình. “Đó là một câu hỏi rất sâu sắc. Điểm mấu chốt trong câu hỏi này là “ nơi nào có ý nghĩa để tôi chọn lựa gắn bó lâu dài?” Butler nói. Bạn phải hiểu rõ ràng điều bạn mong muốn làm với nghề nghiệp của mình trước khi bạn có thể trình bày một cách tự tin ý kiến của mình trước người khác.

Hãy tự suy xét

Việc tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. “Vấn đề thực sự ở đây là cần phải giải quyết câu hỏi này như một bài tập về nhà, và cần có thời gian suy nghĩ cẩn thận. Nếu bạn chỉ đơn giản nghĩ rồi đưa ngay câu trả lời, chắc chắn bạn sẽ gặp rắc rối”, Butler nói. Trong cuốn sách của ông “Getting unstuck: A guide to Discovering Your Next Career Path, (Tháo gỡ: Cách khám phá con đường nghề nghiệp tiếp theo của bạn), Butler cảnh báo rằng bạn cần chuẩn bị sẵn sàng để suy xét một cách nghiêm túc về những điều trong cuộc sống mà có thể, bạn đã không thường xuyên chú ý tới. “Quá trình đó giúp bạn nhận ra rằng bạn giỏi ở lĩnh vực gì và không thật sự suất sắc ở lĩnh vực gì,” Weintraub nói. Có rất nhiều người đã tiêu phí thời gian để làm những việc họ không thích hay không phù hợp. Weintraub gợi ý bạn tự đặt cho mình 3 câu hỏi sau:

1. Giá trị của tôi là gì?

2. Mục tiêu của tôi là gì?

3. Điều tôi sẵn sàng làm để đạt được những điều đó?

Những câu hỏi mang tính dự tính này có thể giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về 5 năm tới. Thách thức sau đó là trình bày rõ dự tính đớ trong những tình huống khác nhau: một buổi nói chuyện với người quản lý của bạn, một cuộc đối thoại công việc, hay một cuộc phỏng vấn tuyển dụng.

Nếu bạn không biết hãy thừa nhận nó

Một kế hoạch rõ ràng cũng khó có thể được xác định, ngay cả với những người tìm kiếm nhiệt tình nhất. Có rất nhiều ngã rẽ trong quyết định nghề nghiệp của mỗi người – gia đình, nền kinh tế, tài chính – và bạn đơn giản là không biết điều gì sẽ xảy ra trong năm năm tới. Một vài người lo lắng rằng nếu không có một câu trả lời thật rõ ràng, thật hoàn hảo thì họ sẽ mất phương hướng. Điều này có thể đúng trong một vài trường hợp. “Đối với quan điểm của một vài người, nếu bạn không có tham vọng, bạn cũng sẽ không thể làm việc gì một cách nghiêm túc,” Weintraub nói. Nhưng bạn cũng không nên tự lừa dối mình và tạo ra một câu trả lời bóng bẩy để làm hài lòng khán giả của bạn. Điều này có thể sẽ rất nguy hiểm trong một cuộc phỏng vấn tuyển dụng. Nói rằng bạn muốn đảm nhận vị trí lãnh đạo trong năm năm tới khi bạn không hề có tham vọng nào, có thể bạn sẽ đạt được điều này, nhưng liệu rồi bạn có cảm thấy hạnh phúc? “Hãy nhớ rằng mục tiêu là tìm ra công việc phù hợp, chứ không chỉ đơn thuần là tìm việc. Bạn sẽ không muốn nhận việc đó chỉ bởi vì bạn đã là người trả lời phỏng vấn giỏi,” Weintraub nói.

Biết rõ điều họ đang muốn hỏi

Butler và Weintraub đồng ý rằng câu hỏi về năm năm tới không phải là một câu hỏi có đáp án trực tiếp. Butler nói rằng các nhà tuyển dụng dựa vào câu hỏi này để thu nhận những thông tin khác nhau cùng một lúc. Người phỏng vấn có thể muốn biết, liệu người này có phải là đồng nghiệp của chúng ta trong năm tới? “ Với vai trò của một nhà tuyển dụng, điều tôi quan tâm là tuyển được những người sẽ gắn bó lâu dài với công ty của mình, bởi lẽ chi phí điều chỉnh nhân sự không phải là một khoản chi nhỏ,” Butler nói.  Có một câu hỏi khác cũng ngụ ý rằng: Liệu vị trí này có phù hợp với năng lực của bạn? Người phỏng vấn muốn biết liệu bạn có yêu thích công việc này. Weintraub cũng chỉ ra một khả năng khác: “Họ đang cố gắng để hiểu định hướng mục tiêu và khát vọng của ứng viên. “Nói cách khác, tham vọng của bạn lớn tới đâu? Trước khi đưa ra câu trả lời, bạn hãy suy xét điều người hỏi muốn biết là gì.

Tập trung vào việc rèn luyện và phát triển

Bạn có nguy cơ sẽ bị loại nếu ngạo mạn trả lời rằng bạn hy vọng được giữ một chức vụ cụ thể trong công ty, đặc biệt nếu người tuyển dụng hiện đang giữ chức vụ đó. Butler gợi ý rằng bạn nên tránh gọi tên một chức vụ cụ thể, và trả lời hướng vào mục tiêu rèn luyện và phát triển: Những khả năng nào bạn muốn xây dựng được trong 5 năm tới? Ví dụ, “Tôi không thể nói chính xác tôi sẽ làm gì trong 5 năm tới, nhưng tôi hy vọng tôi có thể phát triển hơn nữa những kỹ năng cá nhân như là một nhà xây dựng chiến lược và một nhà quản lý.” Đó là một cách an toàn để trả lời bất kể tuổi tác hay giai đoạn nghề nghiệp. “Bạn sẽ không muốn gây ấn tượng rằng bạn đã rèn luyện đủ rồi,” Weintraub nói.

Điều chỉnh lại câu hỏi

Nghiên cứu chỉ ra rằng không quá quan trọng khi bạn trả lời một cách chính xác nhưng lại quan trọng khi bạn đưa ra một câu trả lời bóng bẩy. Đối với một cuộc phỏng vấn, bạn nên hiểu rõ ba điều nhà phỏng vấn muốn biết từ câu trả lời của bạn. Bạn nên sử dụng mọi câu hỏi, không riêng gì câu hỏi này, để truyền đạt thông tin đó. Bạn cũng có thể rút ngắn thời gian của câu hỏi bằng cách nói điều gì đó giống như là: “Tôi không biết tôi sẽ ở đâu trong 5 năm tới, nhưng trong vòng một năm nữa, tôi hy vọng có thể có được một vài khách hàng lớn.”Bạn cũng có thể sử dụng cơ hội này để bày tỏ điều gì bạn quan tâm nhất về công việc trong câu hỏi. “Trong bất cứ môi trường cạnh tranh nào, công việc sẽ được trao cho người thực sự quan tâm và có thể bày tỏ sự quan tâm của họ,” Butler nói.

Những nguyên tắc cần ghi nhớ:

Nên:

  • Thứ nhất, bạn nên suy xét để tìm ra câu trả lời của riêng mình đối với câu hỏi.
  • Hiểu rõ điều các nhà tuyển dụng đang cố gắng thu thập thông tin từ câu trả lời của bạn.
  • Rút ngắn thời gian của câu hỏi để bạn có thể trả lời cụ thể và hợp lý hơn.

Đừng nên:

  • Đưa ra một câu trả lời mà chính bạn còn không tin tưởng vào đó.
  • Đưa ra một vị trí hay chức vụ cụ thể; thay vào đó hãy tập trung vào những những gì bạn hy vọng sẽ có cơ hội học tập.
  • Giới hạn trả lời với câu hỏi hẹp – hãy mở rộng câu hỏi để truyền đạt điều bạn muốn nhà tuyển dụng biết về bạn.

Trường hợp 1: Biết nơi bạn sẽ phát triển

Bob Halsey đã thông báo qua email về việc trở thành hiệu phó chương trình đào tạo Babson’s – việc thông báo này cũng giống như cách bao người tại trường đã thực hiện. Trong khoa, ông là một giáo sư kế toán có 12 năm kinh nghiệm. Và mới đây ông đã trở thành trưởng khoa. Trước khi đến với sự nghiệp giáo dục của mình, ông đã từng tham gia vào thế giới kinh doanh, nắm giữ vai trò vị trí giám đốc tài chính tại một công ty bán lẻ và làm việc như một phó chủ tịch và giám đốc bộ phận tín dụng thương mại của một ngân hàng lớn.

Công việc của một hiệu phó lôi cuốn ông bởi vì nó tương tự như vị trí ông đã từng phát triển trong thế giới kinh doanh. Qua nhiều năm kinh nghiệm của, Bob biết rằng ông thích đóng vai trò hỗ trợ hơn là một vị trí của một nhân vật chủ chốt. Trong khi vị trí của một hiệu phó được xem như là một bước đệm cho những ai muốn trở thành hiệu trưởng, Bob thì không quan tâm đến điều đó. Ông không muốn trở thành trung tâm của sự chú ý, trong hiện tại cũng như tương lai.

Cùng với tất cả mọi người ở trường đều yêu quý hiệu trưởng hiện nay, Dennis Hanno, và Bob biết rằng sẽ rất khó để bày tỏ với các thành viên hội đồng về việc dần dần thế chỗ Dennis. Khi được hỏi về kế hoạch tương lai, Bob đã rất rõ ràng: “Tôi đã nói rằng, tôi không có ý định trở thành hiệu trưởng tiếp theo. Và nếu Dennis dời bỏ chức vụ, tôi vẫn sẽ tiếp tục giữ cho công việc hoạt động bình thường cho đến khi chúng ta có một hiệu trưởng mới. Tôi luôn luôn là một nhân vật số hai cực kỳ xuất sắc. Tôi sẽ là người có thể giúp nhân vật số một thành công.” Joe Weintraub, chuyên gia trong lĩnh vực vừa nêu trên, đồng thời cũng là một thành viên trong hội đồng, đã nói, rõ ràng là Bob đam mê công việc này, và hội đồng đã rất ấn tượng với sự ngay thẳng của ông. Weintraub nói rằng, trong trường hợp khác, Bob có thể  thể hiện sự thiếu khát vọng, nhưng trong trường hợp này, câu trả lời của ông ta đơn giản là muốn nói với các thành viên hội đồng rằng ông là người thích hợp cho công việc.

“Khi mọi người thực sự muốn có công việc, họ có xu hướng hứa hẹn quá nhiều. Tôi cho rằng điều đó không tốt chút nào, ngược lại còn khiến mình phải có trách nhiệm với những kỳ vọng sai lầm,” Bob nói. “Động cơ của tôi trong việc đảm nhận công việc này là để làm việc cùng và học hỏi từ Dennis.” Ông đã làm việc như là một hiệu phó trong gần một năm và tìm thấy sự hài lòng mà ông đã tìm kiếm.

Trường hợp 2: Hãy trung thực về tương lai

3 năm trước, Magaret Quandt đã làm việc như là một trưởng phòng nhân sự tại Bristol Myers Squibb khi một đồng nghiệp cũ, người đã làm việc cùng cô tại Citigroup gọi điện đề hỏi liệu cô có quan tâm tới việc ứng tuyển vị trí trưởng phòng hay không. Tại thời điểm đó, Magaret không chắc cô ấy có muốn tiếp tục công việc này không. Cô ấy hiểu rằng cô ấy đặc biệt mong muốn có những kinh nghiệm chuyên sâu hơn. “Tôi đã vào bộ phận nhân sự để trở thành một chuyên viên nhân sự, chứ không phải là một người lãnh đạo,” Magaret nói. Nhưng các mối liên hệ của cô ấy nói lên rằng cô ấy sẽ có khả năng chuyên sâu hơn vào tương lai, vì vậy cô ấy đã quyết định ứng tuyển.

Trong suốt buổi phỏng vấn với Brian, phó chủ tịch cấp cao của công ty, Margaret đã được hỏi rằng: “Ngày nào đó, cô có muốn điều hành bộ phận nhân sự?” Brian là một nhà quản trị cấp cao khá tham vọng, với chức vụ là phó chủ tịch cấp cao của CPS - Giải pháp thanh toán thương mại, ông ta có vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo công ty. Margaret đã trả lời: “Tôi không biết.” Cô ấy có thể thấy Brian phản ứng ngay lập tức. “Hầu như toàn bộ ngôn ngữ cơ thể thay đổi và ông ấy ngồi lùi lại”. Sau đó cô ấy nói rõ quan điểm của mình, “ Theo một cách tham vọng thì có, nhưng tôi cũng rất thích việc dạy học và nghiên cứu. Tôi là một phụ nữ trẻ đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ và tôi vừa làm việc với đầy đủ kiểu phụ nữ trong bộ phận nhân sự để biết rằng chúng tôi luôn gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện những điều chúng tôi mong muốn. Thật sự rất khó cho tôi để nhìn về tương lai xa hơn 3 năm trong công việc của mình. Brian đã ngừng lại hồi lâu và sau đó đã nói, “Đó là câu trả lời trung thực nhất mà tôi từng nghe.” Sau buổi phỏng vấn, Margaret đã tin chắc rằng mình đã bị loại, nhưng cô ấy vẫn rất vui với quyết định trung thực của mình. “Tôi không muốn nói dối trong cuộc phỏng vấn,” cô ấy nói.

Margaret đã thành công và ngay sau đó cô ấy đã được Brian tuyển dụng. Ông ta đã thực sự ấn tượng trước câu trả lời của Margaret. Câu trả lời đó giúp ông nhận ra rằng Margaret vừa sâu sắc lại vừa nghiêm túc với nghề nghiệp của mình. Margaret đã từng là một trưởng phòng nhân sự trong bộ phận của Brian trong 17 tháng; sau đó, như cô ấy hy vọng, cô ấy đã thăng chức, đến vị trí hiện lại, một giám đốc của một chương trình phát triển lãnh đạo quốc tế dành cho các nhà quản lý cấp cao.

Theo topicaedu.vn (dịch từ hbr.org)

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,016 lượt xem