Kinh Nghiệm Thi Big 4 Dưới Góc Nhìn Của Nhà Tuyển Dụng
Sau khi nộp đơn nghỉ việc T12/2015, tôi tiếp tục làm việc 45 ngày trước khi chính thức rời khỏi Big 4. Trong thời gian đó, tôi có nhiều thời gian hơn để tham gia vào công tác tuyển dụng nhân viên mới. Vì những người khác quá bận, còn tôi lúc đó thì rảnh rỗi hơn mọi người khá nhiều.
Những buổi phỏng vấn tuyển dụng cuối cùng tôi tham gia cũng là khoảng thời gian tôi đang làm việc nốt những ngày cuối cùng của mình cho Big 4.
Những kinh nghiệm thi Big 4 dưới đây tôi viết một phần dưới góc nhìn từ phía nhà tuyển dụng sẽ giúp bạn có một cái nhìn bao quát về kỳ tuyển dụng này.
Big 4 là gì?
Big 4 là tên chung, được dùng để gọi 4 hãng kiểm toán, tư vấn lớn nhất thế giới. Bốn công ty này đều có lịch sử hàng trăm năm phát triển, hoạt động ở nhiều quốc gia, bao gồm EY, Deloitte, KPMG và PwC.
Ở mỗi ngành nghề, một số doanh nghiệp lớn thường chiếm được những vị trí thống lĩnh thị trường và tạo nên những nhóm doanh nghiệp lớn như vậy. Một người bạn của tôi làm việc trong ngành dược khi được tôi chia sẻ, cũng nói rằng ngành dược cũng có những doanh nghiệp kiểu Big 4 thế này.
Tại sao nhiều người thi vào Big 4?
Khi mà đa phần các công việc thường yêu cầu kinh nghiệm thì Big 4 hoàn toàn không yêu cầu điều này khi ứng tuyển. Đây là điểm đầu tiên thu hút một lượng lớn các bạn sinh viên mới ra trường.
Bên cạnh việc không yêu cầu kinh nghiệm thì Big 4 cũng không có yêu cầu khắt khe về ngành mà bạn đã từng học. Bỏ đi những rào cản này, Big 4 trở thành điểm đến vô cùng hấp dẫn với các bạn chuẩn bị tốt nghiệp đại học.
Thêm nữa, Big 4 vẫn luôn nằm trong danh sách "Best places/companies to start/launch your career" hàng năm của những tạp chí uy tín thế giới.
Vì vậy mà ở Việt Nam, lượng thí sinh dự thi Big 4 luôn gấp nhiều số lượng cần tuyển của các công ty. Có năm, số lượng hồ sơ nộp vào một trong 4 công ty Big 4 lên đến khoảng 1.500 cho 30-40 vị trí Fresh Graduate.
Làm việc cho Big 4 áp lực đến mức nào?
Tuy là một "Rewarding career choice", làm việc cho Big 4 thực sự sẽ tốn nhiều thời gian, sức lực của bạn.
Nếu bạn không đủ sức khỏe, đừng tham gia thi Big 4; Nếu bạn yêu thích các hoạt động xã hội hơn làm việc với những con số, thì Big 4 không phải nghề bạn nên chọn; Nếu bạn muốn kiếm được nhiều tiền, bạn sẽ cảm thấy thất vọng nếu so sánh với thời gian công sức bạn bỏ ra....
Hơn 5 năm làm kiểm toán, tôi có hàng chục lý do để bạn không nên thi Big 4. Tuy nhiên, cái được lớn nhất mà cũng rất khó đong đếm hay so sánh là những kiến thức, kinh nghiệm bạn có được.
Người Anh vốn có câu ngạn ngữ "No pain, no gain!". Và câu ngạn ngữ này rất đúng khi bạn làm việc cho Big 4. Bạn làm việc chăm chỉ, không ngại gian khổ và bạn sẽ được đền đáp với những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được.
Khối lượng công việc ở Big 4 vô cùng nhiều, và những người thông minh nhất cũng không tránh được cái guồng quay của công việc. Bạn sẽ phải làm thêm giờ, làm việc vào cuối tuần, ngày nghỉ lễ...Và nhiều lúc sẽ làm việc gần như thâu đêm.
Đó là những tâm lý bạn cần chuẩn bị trước khi thi vào Big 4. Mùa bận cuối cùng trước khi tôi quyết định rời khỏi ngành kiểm toán là mùa bận mà tôi đã làm việc khoảng 11 tuần liên tiếp mà không có ngày nghỉ cuối tuần.
Kinh nghiệm thi Big 4
Trải qua những buổi xem CV, phỏng vấn nhóm rồi đến phỏng vấn cá nhân, tôi dần nhận ra được những điểm tốt và những lỗi mà các bạn Apply Big 4 hay mắc phải. Những chia sẻ kinh nghiệm thi Big 4 dưới đây sẽ giúp bạn có những chuẩn bị tốt hơn cho quá trình tuyển dụng áp lực này.
1. Theo dõi thông tin tuyển dụng
Hàng năm, Big 4 thường có hai kỳ tuyển dụng. Một kỳ là tuyển dụng Intership vào khoảng Tháng 9-Tháng 11. Sau khi được tuyển dụng các bạn Intern sẽ bắt đầu công việc của mình từ Tháng 12 đến hết tháng 3 (Mùa bận nhất). Một số bạn có thể được giữ lại Internship dài hơn tùy thuộc vào nhu cầu của các dự án.
Kỳ thi thứ hai là kỳ tuyển Fresh Graduate vào khoảng Tháng 3 - Tháng 6 hàng năm. Sau khi trúng tuyển, bạn sẽ bắt đầu công việc vào khoảng Tháng 9 (là thời điểm bắt đầu lịch kiểm toán giữa kỳ).
Xu hướng những năm gần đây là Big 4 giữ lại rất nhiều các bạn Intern nên số lượng tuyển Fresh Graduate đã giảm đi đáng kể so với trước kia.
Bạn hãy chú ý đừng bỏ lỡ những thông tin tuyển dụng này. Hãy theo dõi Facebook của các câu lạc bộ kế toán, kiểm toán; Facebook của các trung tâm đào tạo như FTMS Global chẳng hạn. Họ là những đơn vị cập nhật thường xuyên các thông tin tuyển dụng của Big 4.
Thêm nữa, Big 4 năm nào cũng tổ chức những hội thảo tuyển dụng. Các hội thảo này thường được tổ chức ở những trường đại học lớn như Kinh Tế Quốc Dân, Ngoại Thương, Tài Chính...Mỗi năm họ lại thay đổi địa điểm nên bạn cần chú ý.
Nếu có thời gian, bạn nên tham gia những hội thảo tuyển dụng để nắm được sơ lược về các vòng thi của Big 4. Giữa các doanh nghiệp khác nhau thì các kỳ thi cũng khác nhau. Và hàng năm, hình thức hoặc câu hỏi của các vòng thi có thể thay đổi.
2. Vượt qua vòng CV
Khi apply vào Big 4, bạn có thể chuẩn bị CV theo hai dạng. Một là tự thiết kế; thứ hai là theo Form của nhà tuyển dụng. Nếu bạn làm CV một cách qua loa theo những Form mẫu của nhà tuyển dụng thì tự bạn đã để CV của mình chìm nghỉm vào đám đông rồi.
Vì vậy, hãy bỏ thời gian, làm CV một cách nghiêm túc. Và đừng dùng theo những cái mẫu khô khan của nhà tuyển dụng.
Những công cụ như Topcv.vn sẽ giúp bạn có được những mẫu CV đẹp mắt, nổi bật hơn cách bạn tự làm với Word thông thường. Nếu bạn biết dụng những công cụ về đồ họa thì bạn sẽ tạo được những CV từ Adobe Illustrator như dưới đây.
Ngoài Form mẫu thì chất lượng nội dung của CV khá quan trọng. Đứng từ phía nhà tuyển dụng thì CV của bạn ở vòng ngoài cùng sẽ được sàng lọc bởi bộ phận nhân sự. Bản thân bộ phận nhân sự cũng có những KPI về tuyển dụng, họ sẽ luôn tìm cách đạt được các KPI để được tăng lương/thưởng.
Vì vậy, họ sẽ không dành hàng giờ để đọc CV của bạn khi số lượng CV họ phải xem quá lớn. Mỗi CV có thể họ chỉ đọc khoảng 1-2 phút.
Có hàng nghìn CV mà bộ phận nhân sự của Big 4 cần đọc trong mùa tuyển dụng. Để sàng lọc nhanh, hiệu quả họ sẽ loại ngay những CV quá kém, có những lỗi quá rõ ràng có thể nhìn thấy ngay khi "lướt sóng" xem CV:
- CV có mức điểm trung bình GPA quá thấp: Với hàng nghìn CV, chẳng có lý do gì mà họ phải giữ lại những bạn điểm quá thấp cả.
- CV quá xấu, bố cục không rõ ràng: Sẽ bị loại ngay một cách nhanh chóng và họ sẽ không bao giờ đọc nội dung bên trong CV
- Những lỗi từ ngữ, ngữ pháp quá rõ ràng: Nếu bạn không đọc lại CV của bạn một cách cẩn thận thì chẳng có lý do gì họ phải đọc thật kỹ để xem có nên giữ bạn vào vòng sau hay không
- CV không có điểm nhấn: Khi mọi nội dung trên CV của bạn đều bình thường và bạn không thể làm nổi bật lên được bất kỳ điểm nào thì bạn đã không để lại ấn tượng gì với người đọc.
Vòng CV là vòng để loại đi những hồ sơ quá kèm chứ không phải để tìm ứng viên xuất sắc nhất. Bạn hãy chịu khó thời gian làm CV tốt một chút thì sẽ vượt qua vòng này một cách dễ dàng.
3. Vòng thi viết/Trắc nghiệm
Sau khi vượt qua vòng CV, bạn sẽ tiếp tục được tham gia vào các bài thi viết/trắc nghiệm. Dạng bài thi này giữa các công ty Big 4 có khá nhiều khác biệt. Có công ty thì cần thi kiến thức chuyên ngành, có công ty thì không cần.
Và ngoài những kiến thức chuyên ngành về kế toán, kiểm toán, thuế, tài chính thì ở vòng thi này đa phần các Công ty Big 4 sẽ đánh giá khả năng tiếng Anh; thường cũng sẽ có thêm phần thi để đánh giá IQ/EQ.
Ở vòng thi này thì rất khó có thể khuyên bạn nên chuẩn bị những gì. Nhưng với những kiến thức chuyên ngành thì bạn nên nắm được cơ bản để không bị điểm quá thấp.
Với các bài kiểm tra IQ thì bạn có thể luyện tập một chút qua việc tìm kiếm các bài Test IQ trên Internet để làm thử. Còn với các bài EQ, khi mà các câu hỏi vốn không có đúng sai thì hãy trả lời theo những ý mà mình thấy đúng nhất.
Bài viết luận được dùng để kiểm tra trình độ tiếng anh của bạn. Nhưng những gì bạn viết còn thể hiện cách bạn tư duy và giải quyết vấn đề. Một bài viết ngữ pháp tốt, dùng từ vựng phong phú nhưng không có nội dung sẽ không bằng được những bài viết đơn giản nhưng mạch lạc, rõ ý.
Nếu Tiếng Anh của bạn không quá tốt thì hãy cố gắng viết đơn giản, rõ câu, rõ nghĩa. Thể hiện tư duy của bạn trong lập luận quan trọng hơn một bài viết chỉ có cái vỏ về ngôn từ mà không mang lại giá trị cho người đọc nó.
- Topic mà bạn phải thi có thể như thế này: "Hãy viết về 5 chính sách mà bạn sẽ ưu tiên nếu bạn trúng cứ làm Thủ tướng."
Thông tin về các vòng thi
Kỳ thi gần nhất của năm 2016 của các công ty Big 4 bao gồm những vòng sau:
1. Deloitte: CV, Test (Kế toán, Thuế, Essay), Teamwork, Final Interview.
2. KPMG: CV, Chơi game, Video Interview, Group Interview, Final Interview
3. PwC: CV, Test (Verbal, Numerical, Essay), Group Interview, Final Interview
4. EY: CV (Screening), Test (Kế toán, kiểm toán, thuế, IQ, Kiến thức xã hội, Essay), Final Interview
4. Vòng phỏng vấn nhóm vào Big 4
Theo kinh nghiệm thi Big 4 của nhiều bạn và theo những quan sát của tôi thì đây là vòng thi đi thường tạo ra áp lực với rất nhiều bạn.
Khi bước vào vòng thi này, bạn sẽ cần thể hiện mình tốt hơn các ứng viên khác hoặc ít nhất là thể hiện mình đủ tốt để đạt được các tiêu chí của nhà tuyển dụng.
Thông thường, một ứng viên muốn vượt qua được vòng này cần thể hiện được những điểm sau trong quá trình phỏng vấn:
- Tích cực tham gia vào quá trình thảo luận
- Đưa ra những ý kiến chất lượng, đóng góp vào quá trình thảo luận của nhóm
- Thể hiện được kỹ năng làm việc nhóm tốt thông qua các hoạt động giao tiếp, trao đổi với các thành viên khác trong nhóm
- Thể hiện được kỹ năng nói rõ ràng, mạch lạc và có mức độ tiếng anh cơ bản đủ để thảo luận, trao đổi
- Thể hiện sự tự tin trong quá trình thuyết trình và đưa ra được những lập luận hỗ trợ cho các ý trong bài thuyết trình.....
Kết quả cuối cùng của từng cá nhân ở vòng này cũng phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của cả nhóm. Tôi đã từng chứng kiến những nhóm không thể hoàn thành bài thuyết trình trong thời gian qui định. Và cuối cùng đó là những nhóm số thành viên được vào vòng trong ít nhất.
Tips: Để tự tin trong vòng này, bạn nên đến sớm. Làm quen trước với các bạn cùng nhóm trước khi vào thi sẽ giúp bạn tự tin hơn rất nhiều.
Nếu như mọi thứ bạn đã chuẩn bị tốt rồi thì điều cuối cùng bạn cần nhớ là cần phải có một Teamwork Spirit. Cố gắng đóng góp thật nhiều cho công việc của nhóm, và bạn sẽ được đền đáp.
5. Final Interview
Final Interview Big 4 là thử thách cuối cùng khi apply vào Big 4. Tỷ lệ những ứng viên không phù hợp và bị loại ở vòng này khá nhiều.
Và tỷ lệ trượt vòng này cũng thay đổi qua các năm. Thông thường cứ mỗi 10 người được phỏng vấn thì Big 4 có thể chọn được khoảng 2-5 bạn. Và nếu muốn tuyển khoảng 40-50 bạn thì có thể các công ty sẽ gọi phỏng vấn khoảng 100 - 200 ứng viên.
Ở vòng này, các câu hỏi cũng rất đa dạng và phụ thuộc rất nhiều vào cách trả lời của ứng viên và người phỏng vấn.
Nhưng những câu hỏi thông thường thì luôn luôn đươc lặp đi lặp lại ở vòng Final Interview này. Dạng thứ nhất là những câu hỏi mang tính chất thông tin:
- Giới thiệu về bản thân
- Điểm mạnh, điểm yếu
- Tính cách của ứng viên
- Quá trình học tập, làm thêm, kinh nghiệm trước kia
- Sở thích cá nhân....
Ngoài những câu hỏi mang tính chất thông tin để tìm hiểu ứng viên thì các nhà tuyển dụng sẽ hỏi rất nhiều câu hỏi khác. Một dạng câu hỏi tuyển dụng được dùng rộng rãi là "Behavioral Interview Questions".
Những câu hỏi dạng này dựa trên những sự việc đã xảy ra trong quá khứ để đánh giá ứng viên và là cơ sở giúp đánh giá ứng viên có làm tốt cho những tình huống tương tự trong tương lai hay không. Ví dụ:
- Kể về một tình huống mà bạn đã phải làm việc khi áp lực công việc rất nhiều?
- Kể về tình huống bạn làm việc trong những nhóm đông người?
- Kể về một lần làm việc nhóm mà bạn từng phải đứng ra giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên?
Với những câu hỏi dạng này, ứng viên rất khó nói dối. Vì nhà tuyển dụng sẽ còn những câu hỏi đi kèm theo đó: Tình huống là gì? Bạn đã làm gì? Kết quả ra sao?...
Nếu bạn chưa từng trải qua những tình huống như vậy, hãy cố gắng chèo lái câu chuyện để nói về một tình huống tương tự.
Sự tự tin, kỹ năng giao tiếp, một vài nụ cười thân thiện và tự nhiên trong quá trình phỏng vấn sẽ giúp cuộc phỏng vấn diễn ra thuận lợi hơn rất nhiều.
Hy vọng những kinh nghiệm thi Big 4 trên đây phần nào giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho kỳ tuyển dụng sắp tới.
Nguồn: blogketoan.com
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
20,215 lượt xem