Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây
logo ybox

Cách Viết Thư Ứng Tuyển - Cover Letter Dành Cho Người Mới Ra Trường

Để có được cơ hội việc làm tại công ty mình mong muốn, mỗi ứng viên đều phải trải qua các vòng như xét duyệt CV, phỏng vấn với HR, phỏng vấn với Manager, v.v. Tuy nhiên trước khi “chạm” đến được vòng phỏng vấn, bản thân bạn phải cạnh tranh với hàng chục, hàng trăm hoặc thậm chí là hàng ngàn ứng viên khác. 

CV tuy rất quan trọng, nhưng vẫn còn một yếu tố khác chính là thư ứng tuyển – Cover Letter có thể ảnh hưởng đến quyết định của các nhà tuyển dụng. Vì thế hãy cùng “theo chân” chị Nguyễn Thị Trang – Chuyên viên Tuyển dụng và Truyền thông tại Medinet Group để học hỏi ngay cách viết thư ứng tuyển chuẩn chỉnh, chuyên nghiệp nhé!

 

Cover Letter là gì?
Cover Letter hay còn được gọi là Thư ứng tuyển. Trong thư này, ứng viên sẽ thể hiện nguyện vọng ứng tuyển của mình vào một công việc hoặc công ty cụ thể, cũng như các khả năng nổi bật của bản thân phục vụ cho công việc đó.

 

Nhà tuyển dụng có đọc Cover Letter không?
Trong nhiều trường hợp thì Cover Letter là không bắt buộc (optional), bởi có những công ty yêu cầu ứng viên phải có thư ứng tuyển, trong khi đó các công ty khác lại không có yêu cầu này. Chị Trang chia sẻ rằng: “Mình hồi xưa hay nghĩ, Optional tức là không nộp không sao. Vậy thôi khỏi nộp. Tuy nhiên thực tế là… ngược lại đó các bạn. Khi Cover Letter là Optional, tức là ứng viên nào có nộp Cover Letter sẽ có lợi thế hơn, khi chứng minh mình là người hứng thú với công việc và có đầu tư cho quá trình tuyển dụng hơn. Mình tin rằng khi yêu cầu Thư ứng tuyển (bao gồm optional), nhà tuyển dụng đương nhiên sẽ đọc nó. Thậm chí nếu không yêu cầu, họ cũng sẽ đọc bởi vì… tò mò”.

Qua những chia sẻ trên, chị Trang đã đúc kết kinh nghiệm dành cho các bạn sinh viên mới ra trường rằng là cứ nên viết Cover Letter cho những công việc thực sự tiềm năng.

Các lỗi thường gặp khi viết thư ứng tuyển
Ứng tuyển “lộn chỗ”
Về câu chuyện ứng tuyển “lộn chỗ”, chị Trang đã có những chia sẻ hóm hỉnh: Bạn đã bao giờ nhắn tin cho bạn gái này mà nói lộn tên cô khác chưa? À mình thì chưa. Và bạn đã bao giờ viết thư cho công ty này mà ghi tên vị trí và tên công ty khác chưa? Cái này thì mình rồi. Khỏi nói là mình thấy nhục cỡ nào! Việc apply đó thôi coi như bái bai đi nha, vì cái sự cẩu thả từ chuyện cái thư người ta có thể suy ra luôn mình cẩu thả trong công việc luôn rồi”.

Câu chuyện này cho thấy tầm quan trọng của việc xác định đúng nơi, đúng chỗ mình cần ứng tuyển. Bạn không thể chỉ sử dụng một Cover Letter duy nhất và “rải” cho hàng chục công ty tuyển dụng khác nhau, bởi điều này rất dễ gây ra sự sai sót. Thay vào đó, hãy điều chỉnh thông tin trong Cover Letter, từ tên công ty, vị trí ứng tuyển cho đến những kinh nghiệm, kỹ năng bạn có thể áp dụng được vào công việc sao cho phù hợp với từng doanh nghiệp khác nhau. Nếu như Cover Letter của bạn có dấu hiệu ứng tuyển sai chỗ, bạn sẽ có nguy cơ bị nhà tuyển dụng bấm nút “next” ngay cả trước khi họ xét duyệt CV.

 

Sai chính tả
Viết CV, viết Cover Letter hay tìm công việc cũng đã tiêu tốn của bạn hết nhiều tiếng đồng hồ. Do đó, chỉ một lỗi sai chính tả nho nhỏ trong thư ứng tuyển cũng có thể khiến tất cả đổ sông đổ bể. Theo chị Trang, giải pháp cho vấn đề này là khi viết Cover Letter hãy kiểm tra chính tả bằng ít nhất hai công cụ. Chị Trang cũng gợi ý cho các bạn có thể “double check” chính tả bằng tính năng tự động của Microsoft Word hoặc của Google Docs. Với những bạn viết thư ứng tuyển bằng tính năng thì cũng có thể rà lỗi chính tả thêm bằng Grammarly – một công cụ miễn phí cho phép bạn kiểm tra cả lỗi chính tả và ngữ pháp cơ bản.

 

Nội dung chung chung
Một lỗi sai phổ biến khác mà nhiều bạn trẻ thường mắc phải chính là nội dung trong thư ứng tuyển quá chung chung. Đó có thể là những đặc tính của công ty được viết chung chung, ví dụ như là “một công ty năng động, thân thiện, đáng ngưỡng mộ” hay là những điểm mạnh của cá nhân bạn được viết không quá chi tiết, không liên quan đến công việc, chẳng hạn như ứng tuyển vào vị trí sales mà chỉ toàn nói kinh nghiệm marketing.

Chị Trang cho rằng: “Thư là gửi đến một người cụ thể, nếu không viết riêng, viết customize, thì tốt nhất mình đừng viết luôn, như vậy sẽ có cơ hội cao hơn đó các bạn”.

 

Cấu trúc của Cover Letter
Phần giới thiệu
Phần giới thiệu hay còn gọi là phần mở đầu của Cover Letter, đây là phần rất quan trọng bởi nó đại diện cho ấn tượng đầu tiên. Vì thế phần giới thiệu cần được viết chỉn chu và cẩn thận ngay từ ban đầu. Điều này nhằm tạo sự thu hút, chú ý của nhà tuyển dụng. Mục tiêu của phần giới thiệu này bạn cần lý giải tại sao bạn mong muốn có được công việc, vị trí mà bạn đang ứng tuyển.

 

Phần trọng tâm
Sau khi đã kết thúc phần giới thiệu, Cover Letter sẽ đi đến phần trọng tâm. Đây là phần chủ chốt để bạn thể hiện bản thân một cách tối đa. Hãy thông minh và có tư duy chiến lược trong việc trình bày những nội dung. Một phần trọng tâm đạt hiệu quả cao nhất sẽ bao gồm ít nhất 2 đoạn văn bản mô tả chi tiết về trình độ học vấn, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc,… Nhà tuyển dụng sẽ xem xét kỹ phần này để đánh giá mức độ phù hợp của bạn với công việc ứng tuyển.

 

Phần kết luận
Tương tự như một bài văn ngắn, Cover Letter cần có đủ ba phần “Mở – Thân – Kết”. Vì thế ở cuối thư, hãy kết thúc lại lá thư xin việc của bạn với những dòng mô tả ngắn gọn. Lưu ý là bạn đừng quên gợi nhắc người quản lý tuyển dụng liên hệ với bạn (hay còn được gọi là lời kêu gọi hành động – Call To Action).

 


 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

9,108 lượt xem


Bình luận

lh-fulllh-x