Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây
logo ybox

Nỗ Lực Ảo Là Gì? Những Cách Khắc Phục Nỗ Lực Ảo Có Thể Bạn Sẽ Cần

Có bao giờ bạn rơi vào một trong những trường hợp trên? Nếu có, bạn đang gặp tình trạng “nỗ lực ảo” – “căn bệnh giết chết” rất nhiều bạn học sinh, sinh viên. Vậy, nỗ lực ảo là gì? Làm sao để khắc phục triệu chứng nỗ lực ảo? Những thông tin bên dưới sẽ mang đến cho bạn câu trả lời.

1. Tìm hiểu: Nỗ lực ảo là gì?

Nỗ lực ảo là việc đặt ra rất nhiều mục tiêu nhưng không thực hiện nó hoặc làm rất qua loa, luôn tỏ ra bận rộn nhưng thực chất không làm gì và thường biện minh cho sự trì hoãn của chính mình.

Chữ “ảo” ở đây chính là sự ảo tưởng về “nỗ lực” của bản thân, tưởng rằng mình đã rất chăm chỉ nhưng thực tế chẳng đi được đến đâu cả.

Dưới sự phổ biến của mạng xã hội, áp lực ngày càng nặng nề của chương trình học và các kì thi, cũng như trào lưu chạy đua theo thành tích, cụm từ “nỗ lực ảo” ngày càng trở nên quen thuộc hơn, trở thành tình trạng chung của rất nhiều bạn trẻ.

2. Nỗ lực ảo từ đâu mà ra?
✪ Thói quen trì hoãn

Nỗ lực ảo bắt nguồn từ thói quen trì hoãn – căn bệnh ăn sâu vào máu của không ít người trẻ trong cuộc sống hiện đại. Sẽ thật tuyệt nếu bạn lập ra rất nhiều kế hoạch trong to-do-list của mình và hoàn thành tất cả mọi thứ.

Nhưng chính lối sống “để mai tính”, “một lát nữa làm sau” sẽ khiến bạn lãng phí thời gian vào các công việc vô bổ như lướt mạng xã hội, đi chơi tiệc tùng hay xem phim truyền hình. Để rồi cuối ngày, bạn không làm được hết những mục tiêu mà mình đặt ra, bạn đẩy chúng sang ngày hôm sau.

Bạn thức dậy với niềm tin tràn trề rằng mình sẽ hoàn thành hết những công việc còn dang dở, nhưng vẫn tiếp tục trì hoãn cho đến khi lên giường đi ngủ. Vòng tuần hoàn đó sẽ cuốn bạn vào ảo tưởng rằng mình đang tiến bộ hơn mỗi ngày, tuy nhiên, rõ ràng bạn chỉ đang giậm chân tại chỗ.   

✪ Quá tham lam

Quá tham lam cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng nỗ lực ảo. Hãy nhớ về cảm giác phấn khích khi lập danh sách mục tiêu cho năm mới, hay sự háo hức mỗi buổi sáng khi viết to-do-list. Chúng ta nghĩ đến viễn cảnh tốt đẹp khi ta hoàn thành những việc cần làm, chứ không nghĩ đến quá trình thực hiện nó.

Vì vậy, khi ngọn lửa động lực đang sục sôi trong tâm trí, ta thường đặt ra rất nhiều mục tiêu, liệt kê hàng tá nhiệm vụ và vui thích tận hưởng cảm giác hoàn thành tất cả. Nhưng thực tế, ta lại không kham nổi quá nhiều việc như ta tưởng.

✪ Muốn được ghi nhận

Một dạng khác của nỗ lực ảo là cố chứng minh cho người khác thấy rằng mình “nỗ lực”. Nhiều bạn học sinh thích chụp những bức ảnh góc học tập lung linh, những đống sách, bài tập chất chồng để sống ảo, để được bạn bè khen “chăm chỉ quá”, xong lại ngồi đó lướt mạng xã hội.

Tâm lý ấy xuất phát từ nhu cầu cần được ghi nhận, muốn được người khác đánh giá là có cố gắng. Những người như thế chạy theo trào lưu thành tích, tạo vẻ ngoài thật “nỗ lực”, bất kể bản thân không thực sự cố gắng như thế. 

3. Làm thế nào để khắc phục nỗ lực ảo đây ta?

Sau khi “bắt mạch triệu chứng” và gốc rễ của căn bệnh nỗ lực ảo, hãy cùng mình tìm cách điều trị tận gốc nhé. 

✪ Lập mục tiêu đúng cách, chia nhỏ các việc cần làm

Phần lớn trường hợp nỗ lực ảo đến từ việc lập mục tiêu sai cách. Hãy chia nhỏ mục tiêu ra: cả năm – hàng tháng – hàng tuần – mỗi ngày.

Ví dụ, đổi “đọc 20 quyển sách trong năm” thành đọc “2 trang sách mỗi ngày”. Từ đó, thói quen đọc sách của bạn vừa trở nên thiết thực vừa mang lại hiệu quả thực sự thay vì cảm giác thành tựu ảo. 

✪ Quy định rõ thời gian làm việc và giải trí

Kỹ năng tập trung là chìa khoá để vượt qua hội chứng nỗ lực ảo. Khi bắt tay vào công việc và học tập, bạn phải tắt các thiết bị di động, tránh xa những thứ gây xao nhãng. Tự quy định cho bản thân khi nào được giải trí, khi nào phải tuyệt đối tập trung vào việc phải làm. Làm như vậy, thời gian bạn bỏ ra mới đem lại năng suất thật sự thay vì lãng phí. 

✪ Biết tự lượng sức mình

Nếu ôm đồm quá nhiều khiến ta mệt mỏi, tại sao không bỏ bớt những thứ không cần thiết? Thay vì liệt kê quá nhiều mục tiêu to lớn, hãy chỉ viết ra vừa đủ, phù hợp với sức mình. Thành thật đối mặt với những thiếu sót, những điều bản thân chưa làm được. Chất lượng hơn số lượng, bạn nhé.   

Lời khuyên cuối cùng mình dành cho bạn là: hãy nỗ lực vì chính mình chứ không phải ai khác. Ai cũng có khao khát được công nhận, nhưng hãy để người khác công nhận bạn bằng những gì bạn thực sự đạt được, chứ không phải bằng những gì bạn cố phơi ra cho họ thấy.

Bạn phải xác định rõ rằng bạn cần chăm chỉ làm việc để bản thân tốt hơn. Âm thầm cố gắng cũng là một tên gọi khác của đợi chờ kỳ tích. 

4. KẾT

Suy cho cùng, nỗ lực ảo là một viên thuốc an thần nguy hiểm. Nó khiến chúng ta trì trệ trong việc học nhưng lại mang đến ảo tưởng về một thành công xa vời. Điều quan trọng hơn cả là ta biết nhìn nhận lại bản thân khi mình rơi vào nỗ lực ảo, tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục nó. Hãy nhớ rằng, nếu nỗ lực chỉ là ảo thì kết quả cuối cùng sẽ không bao giờ là thật.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,316 lượt xem


Bình luận

lh-fulllh-x