Thùy Dương (E)@Kỹ Năng
9 tháng trước
Trở Thành Phiên Bản Tốt Nhất Của Chính Mình Từ Những Điều Nhỏ Bé
Trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình là cụm từ truyền cảm hứng cho biết bao người, thúc đẩy họ thay đổi bản thân để tiến đến một cuộc đời hạnh phúc. Thế nhưng, nói thì dễ, làm thì khó, đôi khi chỉ vì không biết nên bắt đầu từ đâu, mà bạn vẫn chưa thể làm gì để bước lên hành trình “sống tốt hơn ngày hôm qua” như mong muốn.
Thay vì động viên nhau “hãy cứ là chính mình”, dạo gần đây mọi người nâng cấp câu nói này thành một cụm từ thú vị hơn “hãy trở thành phiên bản tốt nhất của chính bạn”. Vẫn là bạn đó thôi, nhưng phải ở một “level” cao hơn đấy nhé.
Cuộc sống là một dòng chảy không ngừng và mỗi người chúng ta phải liên tục làm mới và hoàn thiện bản thân, nếu không muốn bị dòng đời cuốn mất. Trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình không hề đơn giản, cũng chẳng phải là chuyện ngày một ngày hai. Thế nhưng, nếu bớt phức tạp hóa mọi thứ và bắt đầu từ những điều nhỏ bé, có thể bạn sẽ thấy mọi chuyện cũng không quá khó khăn đến vậy.

- Gợi ý cách trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình từ những điều nhỏ bé
- Chỉ cần tốt hơn chút xíu mỗi ngày, sau một thời gian ngoảnh đầu nhìn lại, bạn sẽ bất ngờ về “quãng đường” mình đã đi qua. Vì vậy, sao bạn không thử hoàn thiện bản thân, từ những điều đơn giản, dễ dàng và quen thuộc nhỉ?
- 1. Học cách quản lý thời gian
- Chúng ta đều có quỹ thời gian trong ngày giống nhau. Sự khác biệt nằm ở chỗ, bạn sẽ dùng 24 giờ mỗi ngày để làm gì? Nếu chỉ mải mê lướt mạng xã hội, hóng hớt “drama” hay dành thời gian cho những người, những việc không đáng để bận tâm, bạn nghiễm nhiên bỏ lỡ những thứ quan trọng hơn trong đời.
- Học cách quản lý thời gian đồng nghĩa với việc bạn phải xác định được đâu là việc cần được tập trung, đâu là hoạt động nên được hạn chế. Bởi rõ ràng, quỹ thời gian là hữu hạn, nên bạn không thể làm tất cả mọi thứ mình mong muốn trong một ngày, một tuần hay một tháng.

Ví dụ, nếu muốn có thêm thời gian học ngoại ngữ, bạn phải giảm bớt thời gian lướt Instagram. Nếu muốn có thời gian tập thể dục để rèn luyện sức khỏe, bạn cần rút ngắn thời gian ngủ nướng của mình. Bạn không nhất thiết phải thay đổi dồn dập mọi thứ 180 độ cùng một lúc. Hãy cứ bắt đầu từ từ, để bản thân không cảm thấy bị “ngợp” hay chán nản ngay từ khi chưa chính thức hành động.
Nếu muốn quản lý tốt quỹ thời gian của bản thân, bạn cần kết hợp với kỹ năng đặt mục tiêu, lập kế hoạch cũng như cải thiện khả năng tập trung và ngưng trì hoãn. Bên cạnh đó, một vài công cụ thú vị như Google Calendar, Notion,… cũng giúp bạn phân chia và theo dõi “to – do – list” của mình thêm hiệu quả.
Đừng quá tự ti vào bản thân. Chắc chắn, bạn luôn sở hữu một hoặc một vài điểm mạnh nào đó. Nếu thấy bản thân không đi kèm một điểm mạnh nào cả, hãy tự hỏi mình rằng, có phải bạn cảm thấy như vậy vì so sánh bản thân với người khác hay không?
So với người khác, khả năng viết hay cảm thụ điện ảnh/văn học,… của Mee chẳng là gì cả. Thế nhưng, nếu so với chính bản thân mình, đây lại có thể coi là một điểm mạnh, khi nó nổi bật hơn những kỹ năng khác – những thứ mình hoàn toàn yếu kém. Vậy nên, bạn không cần phải lấy người khác làm tiêu chuẩn để tìm ra điểm mạnh. Thay vào đó, hãy đặt trọng tâm vào chính mình.

Nếu bạn giỏi viết, hãy viết nhiều hơn. Lập blog, tạo fanpage rồi viết về những gì mình thích là một vài gợi ý. Nếu bạn giỏi ăn nói, hãy luyện tập thêm nữa. Sao bạn không thử làm video, vlog, livestream, thuyết trình,… để biết mình có thể đi xa đến đâu?
Tập trung vào thế mạnh không chỉ giúp bạn cải thiện kỹ năng, mà còn góp phần nuôi dưỡng sự tự tin – một trong những yếu tố quan trọng nhất để bạn thành công trong cuộc sống. Vì vậy, để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân, bạn đừng ngó lơ những thứ mình giỏi giang nhé!
Đã nhắc đến điểm mạnh thì cũng phải đề cập tới điểm yếu chứ nhỉ? Chúng ta thường có xu hướng bỏ qua hoặc lẩn tránh những mặt hạn chế của bản thân. Thế nhưng, nếu muốn “trưởng thành”, bạn phải học cách thẳng thắn đối mặt với chúng.
Hãy thử viết ra 2W – 1H với gợi ý sau đây:
✤ What: Những gì bạn cảm thấy bản thân cần cải thiện. Chẳng hạn tốc độ nói, khả năng dùng từ, khả năng tập trung, kiềm chế cảm xúc hay một khía cạnh nào đó trong ngoại hình/ tính cách/chuyên môn/kỹ năng,…. của bạn.
✤ Why: Lý do bạn cần cải thiện điều này. Đây chính là động lực thúc đẩy bạn cần thay đổi. Ví dụ để trở thành một người xinh đẹp, tự tin, có thần thái thu hút hoặc để tìm một công việc tốt, kiếm nhiều tiền và được mọi người coi trọng…
✤ How: Làm thế nào để bạn cải thiện khuyết điểm? Câu hỏi này không dễ trả lời. Bởi mỗi khuyết điểm đều đi kèm giải pháp khác nhau. Tuy nhiên, nếu muốn, bạn vẫn luôn tìm được cách. Vì thế, đừng bỏ trống chữ H quan trọng này nhé.

Ngoài ra, bạn cũng có thể quan tâm thêm các yếu tố như Who (người sẽ giúp bạn cải thiện hạn chế) và When (thời điểm bắt đầu thực hiện). Dù vậy, theo mình, đối với việc “lấp đầy” những khiếm khuyết của bản thân, 2 chữ W và 1 chữ H kể trên vẫn là những yếu tố quan trọng nhất.
Sức khỏe là vàng. Nếu không có sức khỏe tốt, chất lượng cuộc sống cũng đương nhiên bị ảnh hưởng theo. Vì thế, bạn nhất định phải quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe của mình bằng cách ăn uống khoa học, sinh hoạt hợp lý, ngủ đủ giấc và vận động đủ nhiều.
Với khía cạnh này, bạn có thể tạo ra những thử thách nho nhỏ cho bản thân như: Ngủ sớm hơn 15 phút (và dậy sớm hơn khoảng thời gian tương đương, nếu được), uống đủ 1.5 – 2l nước mỗi ngày (tưởng dễ nhưng cũng khó phết chứ đùa), đi bộ 2000, 3.000, 4.000… bước chân mỗi ngày (hoặc vận động/tập thể thao ít nhất 30 phút), không uống trà sữa hay nước ngọt trong 1 tháng (thử thách khó nhằn cho các tín đồ hảo ngọt), tăng cường rau và trái cây song song với việc giảm đường bột và thịt đỏ trong khẩu phần,…

Mặt khác, bạn cũng đừng quên chăm sóc sức khỏe tâm lý và tinh thần. Chăm chỉ học tập, siêng năng làm việc tốt thật đấy, nhưng bạn cũng phải nghỉ ngơi để căng thẳng không bị “ứ đọng” nữa cơ.
Dành thời gian cho những sở thích của bản thân là một trong những cách giúp xử lý stress vô cùng hiệu quả. Vậy nên, đôi khi bạn hãy cho phép chính mình được xem bộ phim hợp gu, thưởng thức một món ăn đúng khẩu vị hoặc mua một món đồ mà bản thân đã ao ước từ lâu nhé.
Nhắc đến học, mọi người thường “auto” nghĩ đến trường lớp. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, bạn có thể học qua nhiều hình thức khác nhau. Học qua Youtube, Tiktok, Facebook, Twitter, học qua phim, qua sách hay những khóa học online miễn phí. Tất cả đều có thể là nguồn tài liệu khổng lồ, nếu bạn biết cách tận dụng chúng.
Thậm chí, học qua những người xung quanh, những người giỏi hơn bạn ở một khía cạnh nào đó cũng là hình thức hay ho mà đôi khi bạn không để ý đến. Hãy tự hỏi mình “When was the last time you learned something new?”.
Học vừa giúp bạn nâng cao trí thức, phát triển kỹ năng, vừa giúp bạn làm mới chính bản thân mình để không còn thấy cuộc đời nhàm chán. Vậy nên, bạn đừng quên tiếp cận những tri thức mới bao la ngoài kia, để thấy thế giới này thú vị như thế nào.

Để hoàn thiện và nâng cấp bản thân, buông bỏ là một điều cần thiết. Bạn không được buông bỏ chính mình, nhưng cần buông bỏ những thứ khiến bạn buồn bực, thất vọng, tổn thương hay vốn làm bạn ám ảnh từ ngày này qua ngày khác. Chuyện này không dễ, nhưng lại đáng để thử.
Bên cạnh đó, khi thấy cuộc đời chán chường và đầy ắp những nỗi mệt mỏi không tên, bạn nên thử nhìn lại tất cả mọi thứ và chọn ra những điều không cần thiết mà bạn cần buông bỏ, để “reset” cuộc đời.

Đó không nhất thiết phải là một điều gì đó quá lớn lao. Vậy nên hãy bắt đầu từ những điều quen thuộc và nhỏ bé mà đôi khi bạn vẫn vô tình “làm ngơ”. Chẳng hạn, mình vẫn thường cảm thấy mệt mỏi với những câu chuyện xảy ra trên mạng xã hội, nên đã ngồi unfollow một loạt fanpage, out hoặc unfollow một loạt group trên Facebook.
Ban đầu không quen vì cứ cảm thấy “thiêu thiếu” và sợ bỏ lỡ những tin tức quan trọng nào đó (hội chứng FOMO nè). Tuy nhiên, sau một thời gian, mình đã ngay lập tức thích ứng để bớt phụ thuộc vào mạng xã hội hơn trước kia. Đi kèm với đó là cảm giác yên bình mỗi khi lướt Facebook và đồng thời, khả năng tập trung cũng được cải thiện. Quả là một mũi tên trúng được nhiều đích. ^^
Hãy tập trở thành một người tử tế, theo cách riêng của bạn. Cười với mọi người nhiều hơn, giúp đỡ mọi người khi có thể. Đấy cũng là những cách giúp bạn đến gần hơn phiên bản tốt nhất của chính mình.
Khi khiến một ngày của người khác tươi sáng hơn, bạn cũng như được tiếp thêm năng lượng. Thậm chí, giúp đỡ người khác còn được coi là một phương pháp để bạn “nâng đỡ” tâm trạng của bản thân. Đừng cố gắng phức tạp mọi thứ. Bạn có thể tốt bụng với những người gặp trực tiếp ngoài đời, cũng như tử tế với những người bạn chỉ gặp “online.
Vì vậy, hãy thử chia sẻ, đưa ra lời khuyên hữu ích hoặc nói những lời an ủi,… khi bạn bắt gặp người cần được đồng cảm trên mạng Internet. Giống như mình vẫn thường chia sẻ kinh nghiệm về học tập và làm việc cho những bạn học sinh, sinh viên trong một số group học tập trên Facebook và điều đó khiến mình thấy bản thân có giá trị hơn, dù chỉ là một chút xíu xìu xiu.

Trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân là hành trình không có điểm dừng, cũng không phải là một con đường dễ đi. Tuy nhiên, đây lại là con đường mang đến cho bạn niềm vui, tự hào lẫn hạnh phúc, để bạn thấy bản thân chẳng hề kém cỏi hay vô dụng chút nào.
Bạn đã làm gì để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình? Đừng quên chia sẻ với Learn With Me câu chuyện của riêng bạn nhé!
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
57 lượt xem