Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

10 Bộ Phim Châu Á Hay Nhất Mọi Thời Đại

Đây là 10 tác phẩm đứng đầu danh sách 100 kiệt tác châu Á mọi thời đại, được các nhà làm phim, nhà phê bình uy tín bình chọn. 

1. Tokyo Story (1953) - Nhật

Bộ phim kể về câu chuyện của một cặp vợ chồng già từ vùng quê lên Tokyo thăm các con. Cuộc sống đô thị hối hả khiến những người con không thể dành thời gian quan tâm bố mẹ. Mối quan hệ giữa thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo, bị cuốn theo nhịp sống bận rộn hàng ngày. Tác phẩm của đạo diễn Yasujiro Ozu được xếp vào hàng kiệt tác của điện ảnh Nhật nói riêng và điện ảnh thế giới nói chung. 

2. Rashomon (1950) - Nhật

Bộ phim dựa trên 2 truyện ngắn của nhà văn Akugatawa là Rashomon  In a Grove. Vợ của một samurai bị tên cướp Tajomaru hãm hiếp còn chàng samurai bị giết chết bởi một thanh gươm đâm vào ngực. Vụ án này được kể lại qua 4 góc nhìn khác nhau: Tên cướp Tajomaru, thiếu phụ bị cưỡng bức Masago, samurai bị giết nhập hồn vào thầy đồng và một tiều phu vô danh. Mỗi lời khai cung cấp một phiên bản khác nhau về sự việc, đưa khán giả vào một mê cung phức tạp không biết đâu mới là sự thật.

3. In the Mood for Love (2000) - Hong Kong

In the Mood for Love của đạo diễn Vương Gia Vệ luôn được xem là kiệt tác hiếm có trong làng điện ảnh châu Á, đứng top trong những bảng xếp hạng uy tín. Bộ phim lấy bối cảnh Hong Kong năm 1962, ông Châu (Lương Triều Vĩ) và bà Trần (Trương Mạn Ngọc) là hàng xóm sát vách nhà nhau. Vợ ông Châu ngoại tình với chồng bà Trần, những lần gặp nhau nói chuyện, chia sẻ nỗi cô đơn đã khiến 2 người nảy sinh thứ tình cảm thầm kín không thể tỏ bày. Dư vị phương Đông trầm buồn, phảng phất sự nuối tiếc khiến bộ phim dù nhẹ nhàng vẫn day dứt khôn nguôi trong lòng người xem. 

4. The Apu Trilogy (1955) - Ấn Độ

The Apu Trilogy gồm 3 phần phim lẻ, kể lại các giai đoạn trưởng thành của một chàng trai người Bengal tên Apu. 3 phần phim chia theo độ tuổi gồm thời thơ ấu, tuổi thiếu niên và giai đoạn trưởng thành lập gia đình của Apu. Song song với câu chuyện của cá nhân Apu, khán giả được theo dõi cả những thay đổi trong văn hóa, xã hội của Bengal.

5. A City of Sadness (1989) - Đài Loan

Bộ phim được xem là tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền, trở thành phim Hoa ngữ đầu tiên giành giải thưởng Sư tử vàng tại LHP Venice. A City of Sadness tái hiện cuộc sống của người dân Đài Loan trong suốt 4 năm xung đột với Nhật Bản. Câu chuyện xoay quanh gia đình họ Lâm với 3 anh em, mỗi người một tính cách, một lựa chọn riêng nhưng cùng phải tồn tại trong giai đoạn lịch sử đầy biến động. Phim khắc họa sâu sắc mâu thuẫn giữa người dân bản địa với những người nhập cư và tình thế khó khăn Đài Loan phải đối mặt trong thời kỳ đen tối.

6. Seven Samurai (1954) - Nhật Bản

Seven Samurai là biểu tượng kinh điển của điện ảnh châu Á, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim anh hùng - võ thuật sau này của phương Tây. Câu chuyện xảy ra ở nước Nhật vào đầu thế kỷ 16, giai đoạn mà nạn đói hoành hành, bạo loạn khắp nơi vì thiên tai và sự bóc lột của tầng lớp thống trị. Bị đe dọa liên miên bởi băng cướp gồm 40 tên, một ngôi làng tổ chức cuộc họp toàn dân để nghĩ phương cách bảo vệ số lúa mùa thu hoạch. Việc tìm các võ sĩ đạo trợ giúp là điều rất khó khăn vì các samurai chỉ phục vụ giới thượng lưu. Trưởng làng chỉ đạo đám chức sắc thuê những "võ sĩ đói ăn" ở thành phố để giải quyết băng cướp.

7. A Brighter Summer Day (1991) - Đài Loan

A Brighter Summer Day kể về tuổi mới lớn nổi loạn của Tiểu Tứ. Cậu lớn lên trong gia đình gia giáo với người bố luôn sống theo lý tưởng bất kể bối cảnh hỗn loạn của Đài Loan thập niên 1960. Tiểu Tứ được đặt trung tâm trong mối quan hệ với gia đình, những "anh em" trong băng nhóm đầu gấu, cô bạn gái Tiểu Minh, thầy giám thị, ông chủ tiệm tạp hóa và cả kẻ thù trong "giang hồ". Bộ phim dài gần 4 tiếng với lối kể chuyện tinh tế, hình ảnh đẹp nao lòng. Đến nay A Brighter Summer Day và đạo diễn Dương Đức Xương vẫn là niềm tự hào không thể thay thế của điện ảnh Đài Loan.

8. Spring in a Small Town (1948) - Trung Quốc

10-bo-phim-chau-a-hay-nhat-moi-thoi-dai-7

Spring in a Small Town  được chuyển thể từ một vở kịch ngắn của Lý Thiên Tế, xoay quanh một chuyện tình tay ba day dứt. Không có cốt truyện đột phá, phức tạp, bộ phim ghi điểm bởi nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật đỉnh cao. Tác phẩm được khen ngợi hết lời khi khám phá nội tâm và cảm xúc thông qua những hoàn cảnh khó xử. Đây cũng được coi là bộ phim tiên phong trong việc sử dụng ngôn ngữ thơ ca trên màn ảnh.

9. Still Life (2006) - Trung Quốc

10-bo-phim-chau-a-hay-nhat-moi-thoi-dai-8

Still Life (tên dịch là Người tốt ở Tam Hiệp) được dựng theo một sự kiện có thật, là vụ việc hơn 1,13 triệu người dân Trung Quốc phải thay đổi nơi sinh sống để xây dựng đập Tam Hiệp.  bộ phim đã xuất sắc giành chiến thắng tại LHP danh giá Venice, gây ngạc nhiên cho các nhà chuyên môn và giới mộ điệu. Bộ phim có lối kể chuyện giản dị, thực tế nhưng ẩn chứa nhiều chiêm nghiệm sâu sắc về giá trị cuộc sống, nhất là trong thời kỳ phát triển công nghiệp. 

10. The Housemaid (1960) - Hàn Quốc

10-bo-phim-chau-a-hay-nhat-moi-thoi-dai-9

Bộ phim có đề tài gây tranh cãi là ngoại tình. Dong Shik là thầy dạy nhạc với mức lương trung bình, sống hạnh phúc với gia đình nhỏ gồm vợ và 2 con. Thu nhập chủ yếu của gia đình anh đến từ tiệm may mặc của người vợ. Sau nhiều năm tích góp, 2 vợ chồng xây được một căn nhà khang trang. Lúc này vợ Dong Shik mang thai đứa con thứ ba. Dong Shik quyết định thuê một cô giúp việc theo lời giới thiệu của học viên để đỡ đần vợ trong lúc thai kỳ. Anh không thể ngờ cô hầu gái sẽ là nhân tố gây sóng gió cho gia đình yên ấm của mình.

Theo vn.express

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

14,582 lượt xem