Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tổ Chức Aikido Thế Giới Là Yêu Thương Của Võ Sư Nguyễn Thị Thanh Loan

Aikido Thế Giới Là Yêu Thương là "một mái nhà" do hai vợ chồng Võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan xây dựng nên nhằm tạo nên một môi trường sinh hoạt và học tập toàn diện cho các bạn trẻ bị khuyết tật cả về tâm hồn và thể xác.

Bạn có một vùng trời của riêng mình và chúng tôi cũng vậy, chúng tôi cùng nhau trưởng thành, cùng nhau học tập, cùng nhau vui chơi và cuối cùng là cùng nhau mang đến những tiếng cười cho cuộc sống.

Mối nhân duyên kì lạ! Thật sự rất kì lạ!


Ba ơi, màu nào là màu của hạnh phúc?

Chọn một hạnh phúc nhỏ hay chọn một nỗi buồn to? Nghe cứ như một kẻ ngốc ấy nhỉ, so sánh khập khiễng như vậy, dĩ nhiên là biết rõ câu trả lời. Đó là tôi chỉ vừa nói với bạn một khía cạnh của vấn đề thôi, vì có những sự lựa chọn, ngay từ đầu biết chắc rằng nó sẽ mang đến một nỗi buồn to, vậy mà có những người vẫn bất chấp lựa chọn chúng, lựa chọn làm theo tiếng nói con tim mình, lựa chọn làm khác đi đám đông ngoài kia, lựa chọn biến những điều không thể thành có thể. Đơn giản vì họ tin rằng, mọi thứ rồi sẽ ổn thôi, mọi thứ rồi sẽ có con đường của riêng nó, mọi thứ rồi sẽ tốt hơn theo cách mà nó có thể tốt hơn. 

Để tôi kể bạn nghe về một người mẹ mang thai, khi nghe bác sĩ thông báo rằng sinh linh trong bụng người mẹ ấy, đứa con mà người mẹ vẽ ra trong đầu bao nhiêu suy nghĩ cao đẹp không may có một khiếm khuyết, về thể xác, về tinh thần hay có thể về cả thể xác lẫn tinh thần. Bác sĩ khuyên rằng nếu bỏ đi sẽ tốt hơn cho cả mẹ và bé. Nhưng cái lý thuyết mà bác sĩ nói, một người mẹ đã từng cảm nhận được sự tồn tại của đứa con mình, sẽ không bao giờ chấp nhận được. Và rồi người mẹ ấy lựa chọn sinh em ra, giống như mang thứ áp lực lớn lao nhất đặt lên vai mình, vì người mẹ ấy đơn giản tin rằng chỉ cần mình cố gắng hết sức, chỉ cần mình không ngừng nỗ lực dù chỉ một giây ngắn ngủi thôi, sinh linh này sẽ có cơ hội trở nên hạnh phúc. Và chỉ cần có một cơ hội nhỏ nhoi thôi, người mẹ ấy sẽ không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ quay lưng lại. Chắc chắn là không bao giờ!

Trời ngày nào vẫn xanh đấy thôi! 

Thế nhưng, có những vùng trời thật khác, có những mảng màu thật khác. 

 Khi ta bước vào, mới có thể cảm nhận được, kì tích của kì tích, niềm tin của niềm tin, nghị lực của nghị lực, sức mạnh của sức mạnh. Và cuối cùng, niềm vui của niềm vui. 

Tôi lại muốn kể bạn nghe về một bức tranh gần đây tôi được xem, và những nhân vật trong bức tranh đó, trực tiếp hay gián tiếp, đã mang lại cho tôi ý niệm của lòng kiên trì, của ý chí, của sự nỗ lực và nhất là của sự khác biệt.


Tôi bắt đầu câu chuyện bằng một ván cờ sinh tử, bởi vì cuộc đời ta, lúc ta đau thương nhất, cũng là lúc ta cần mạnh mẽ nhất. Cô Loan, tôi không biết gọi cô như thế nào thì mới có thể lột tả hết sự vĩ đại của công việc mà cô đang làm, từ nhỏ tôi luôn không tin vào bà tiên trong chuyện cổ tích nhưng gần đây tôi đang rất cân nhắc về việc kể cho bố mẹ tôi nghe về một minh chứng sống mà tôi gặp được là cô Loan. Cô nay cũng đã 71 tuổi, một cái tuổi mà ngoài những sinh hoạt thường nhật ra những người sức khỏe trung bình sẽ khó làm được điều gì nhiều hơn. Ấy vậy mà cô Loan, cùng với thầy Phát- chồng cô đã mở ra rất nhiều cánh cửa cho những mảnh đời kém may mắn. Lần đầu gặp cô, được nghe những câu chuyện cô kể, cảm giác giống như một ngày bạn ngẩng đầu lên nhìn bầu trời đêm, mỗi một ngôi sao là mỗi một cơ hội, ngôi sao này vì sao lại sáng hơn ngôi sao kia, ngôi sao kia vì sao lại to hơn ngôi sao nọ. Phía sau chúng, đều là những câu chuyện, có những câu chuyện thật buồn cười, có những câu chuyện quá đau lòng, có những câu chuyện đầy tranh cãi và cũng có những câu chuyện nghe xong làm ta không thôi suy ngẫm. 

Vũ Tú- chiếc ô xanh, mẹ che cho con đã bao lâu rồi?

Tú là một thành viên không mới không cũ của lớp võ. Tuổi Tú và tuổi mẹ anh hơn kém nhau chỉ vỏn vẹn hai mươi hơn, Tú thích nhất là được đếm cùng các bạn theo mỗi nhịp tập. Thế nhưng mà Tú ơi, Tú không biết chân của mình nào là phải, còn nào là trái, Tú không biết làm thế nào để duỗi thẳng hai chân ra, Tú không biết làm sao để nằm xuống bật thẳng người ra sau đầu và buồn thay Tú cũng không biết rằng người mẹ hết bò rồi lại trườn cùng anh, hết giơ tay anh lên rồi lại nâng chân anh xuống, thi thoảng gương mặt ấy lại sáng lên rồi rạng rỡ khi nghe anh đếm, thi thoảng lại lén lút lau những giọt mồ hôi và cố nén những hơi thở mệt mỏi. Tôi ao ước sao mỗi lần nỗ lực cùng anh, anh có thể nhìn vào mắt tôi, để mà tôi có thể nói với anh chỉ một điều thôi, một điều rằng mẹ của Tú đã không còn nhanh nhẹn nữa rồi, khuôn mặt mẹ đến bao giờ mới hết đâm chiêu đây, đôi tay mẹ đến bao giờ mới có thể an tâm buông tay anh ra đây và đến bao giờ anh mới có thể che ô cho mẹ anh trên đường về đây? 

Minh Thuận- Mẹ ơi, mẹ đã ở đâu trong những ngày con 26?

Nhìn Thuận mà tôi bỗng suy nghĩ “ Trò chuyện với một cô gái 26 tuổi bình thường sẽ thế nào nhỉ?”. Chị là người đầu tiên nói với tôi khi tôi bước vào lớp võ, tôi lúc ấy đã nghĩ cô gái này ra dáng thủ lĩnh phết, thật lanh lợi và còn có chút gì đó dũng cảm nữa. Chị bày tôi hết động tác này đến thế võ khác, cách chị gọi tên tất cả các bạn khác trong lớp nghe sao thật thân mật, nó làm ta có cảm giác như một gia đình, rồi những lời trách mắng đanh thép ấy cốt cũng để cho các bạn tiến bộ hơn. Và cũng rất nhanh thôi, hệt như các bạn khác, tôi trở thành“ đàn em” của chị. Với tôi, cô gái này không những mạnh mẽ, còn thật là giỏi giang nữa. Rồi khi chị khoe hình mẹ trong ví với một cô phụ huynh, tim tôi như có ai đó mang đá tảng đặt vào. Chị không thôi nhắc đi nhắc lại rằng“ Mẹ con mất rồi, con nhớ mẹ con lắm, con để hình mẹ ở đây và con không làm mất đâu!”. Tôi lúc ấy chỉ ước giá mà mình có thể thay cái nhìn bằng một cái ôm, miền đau thương của một đứa trẻ trong thân xác cô gái 26 tuổi tròn trĩnh, chị ơi một cái ôm thật chặt có thể xua đi những nỗi đau đậm sâu nơi khóe mắt chị không?

Tiến Thành- Kì tích của kì tích là cách gọi khác của tên em?

Chàng trai này là bạn tập cùng mỗi khi tôi đến lớp sớm, xong mỗi khi ra về cậu ấy lại nán lại đợi tôi cùng ra về. Nếu không nghe câu chuyện cô kể về cậu, có đánh chết tôi cũng không tin được cậu ấy ban đầu là một đứa trẻ nước dãi chảy lòng thòng, tay chân mất kiểm soát. Cậu ấy bây giờ đã lên tận đai đen, tuy giọng nói vẫn chưa hoàn thiện nhưng nếu tiếp xúc lâu ta vẫn có thể nghe được điều cậu muốn nói. Cậu nay đã có thể tự đi xe đạp, đã biết cùng mẹ làm việc nhà, đã có thể tự mình pha cà phê uống. Gần cậu mà tôi cảm thấy bản thân mình thật nhỏ bé, nhỏ bé trước nghị lực phi thường và nhỏ bé trước phép màu của lòng kiên trì. Và tôi tin phép màu chỉ thật sự xuất hiện, đối với những ai không ngừng nỗ lực tìm kiếm nó!

Chí Thành- Đôi giày thể thao và ước mơ to lớn nhất?

Tôi đặc biệt chú ý cậu vì trường hợp của cậu không giống với các bạn khác, đầu óc cậu linh hoạt như những người bình thường, duy chỉ có một bên thân tay chân cậu bị biến dạng. Tôi có tập cùng cậu một lần và chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện làm tôi không thôi suy ngẫm:

Thành: Linh vô làm tình nguyện viên hả?

Tôi: Ừm. Linh vào học Aikido cùng mọi người.

Thành: Linh còn đi học hay đang đi làm?

Tôi: Linh còn đi học!

Thành: Học đại học hả?

Tôi: Ừm. Linh học đại học.

Xong tôi thấy ánh mắt chàng trai ấy buồn thiu, tôi không biết nên nói thế nào thì mới phải. Ánh mắt bi thương như vậy, tôi xoay xở thế nào đây Thành ơi? Thành hay bị ngã do cơ thể mất thăng bằng, bài tập trượt dài thân trên sàn làm được hai ba cái thì ngồi dậy vì cảm thấy phiền các bạn, quả bóng thầy kêu chặn lại rồi đá cậu vẫn làm được nhưng do chân mất sức đá quá nhẹ làm các bạn cười ầm lên, tôi không cười vì sao mà tôi buồn quá, tôi buồn vì thấy cậu mặt cảm về khiếm khuyết cơ thể. Rồi khi các bạn hỏi cậu sao lại không mang giày thể thao, tôi ước có thể xóa câu hỏi ấy đi, vì nỗi đau mà một câu hỏi vô tư gây ra cho cậu tôi cảm nhận nó to như cả một bầu trời. Tôi chỉ mong ngày sau, khi đôi sandal cũ kĩ mang vết hằn cơ thể khiếm khuyết ấy hỏng, sẽ có một đôi giày thể thao thật thoải mái thay thế nó. Thành ơi, đi bên cậu tôi cảm thấy đau lòng quá, nỗi buồn của tôi cứ thế lớn mạnh từ bao giờ. Và đó là khi tôi biết, nỗi buồn có thể lây lan, chỉ bằng một ánh mắt!

Phú- Ngoài ba ra liệu con có thể vui đùa cùng ai khác?

Ai rồi cũng có những sự lựa chọn khó khăn và ba của Phú đã mang cậu ấy- một sự lựa chọn khó khăn đến lớp Aikido. Cậu ấy bị chướng ngại tâm lí, khép kín hoàn toàn với mọi người xung quanh. Mỗi ngày tập tôi lại ghé qua, cố gắng hết sức trò chuyện với cậu nhưng cậu hệt như một căn phòng không người khóa trái cửa. Cô, thầy,  rồi các sư huynh, sư tỷ ai ai cũng đã từng thử làm một người gõ cửa, câu trả lời luôn là con số không tròn trĩnh. Rồi cái hôm mà ba cậu đưa cậu đến lớp, tôi thấy cậu cùng ba cười đùa, thấy cậu ấy say sưa, cậu ấy còn lăn tròn rất đẹp nữa! Là chiếc chìa khóa duy nhất mở cửa vào trái tim con trai mình, ba của Phú có lẽ là người cha hạnh phúc nhất trong số những ông bố kém hạnh phúc, Phú nhỉ? Mong sao chiếc chìa khóa ấy, mãi mãi là chiếc chìa khóa vạn năng, Phú sẽ cùng ba mở ra những chân trời trong vắt.

Cô Loan- Ly nước rót mãi rồi cùng đầy thôi!

Lần đầu trao đổi, chúng tôi đã có một cuộc điện thoại thật dài và sâu sắc. Nói cô là một người thuyền trưởng cũng đúng mà nói cô là một người truyền lửa cũng không sai. Cứ nhìn vào cách mà cô tập trung cao độ trên sân tập, tầm nhìn ấy như thể không bỏ sót bất cứ một thành viên nào trên sân, kể cả những bạn nghịch ngợm nhất, không thể nào ngừng di chuyển dù chỉ một giây. Cô như là người đại diện tiêu biểu nhất cho sự tận tụy, cô yêu mỗi một đứa trẻ như chính đứa con mình sinh ra, cô luôn không ngừng nỗ lực để giúp chúng nhiều nhất có thể. Giúp chúng chui ra khỏi vỏ ốc của mình, giúp chúng đếm số bằng chính đôi tay mình, giúp chúng có một môi trường học tập thật tốt, giúp chúng vui ca múa hát, giúp chúng đá bóng bơi lội, giúp chúng thôi nghịch ngợm đi và ngoan ngoãn hơn hẳn những đứa trẻ bình thường khác. 12 năm cuộc đời làm công việc tưởng chừng như không thể ấy, liệu có bao giờ cô mệt mỏi không và liệu ở đâu đó trên thế giới này ta sẽ tìm được ai đủ kiên nhẫn, đủ niềm tin, đủ cố gắng và đủ hy sinh như cô không? Nụ cười tậm tâm của người tôi xem như bà của mình ấy, hy vọng ngày mai, ngày kia và nhiều ngày sau nữa vẫn luôn rạng rỡ. Nụ cười ấy chính là động lực để những người như tôi đây nhìn vào mà nỗ lực không ngừng. Nỗ lực hơn nữa vì cô đã từng nói rằng“ Chúng ta không thể nào bên cạnh tụi nó mãi, cô mong sau này sẽ có những người tiếp bước cô, giữ gìn những thứ đã đi theo cô đến tận bây giờ!” Cô ơi, con mong cho cô những điều tốt lành nhất, vì không có cô, không ai dạy con một vùng trời nồng ấm trong bầu trời tuổi trẻ.

Có những nơi, đi qua một lần làm người ta vấn vương một đời. Tôi không biết sẽ đi cùng cô và tổ chức “ Aikido thế giới là yêu thương” được bao xa nhưng tôi xin hứa sẽ hành động nhiều nhất có thể, sẽ cống hiến hết sức mình vì nụ cười của những đứa trẻ. Hay chỉ đơn giản là vì cái cách mà bọn trẻ chạy đến ôm chầm lấy tôi và huyên thuyên hết hỏi rồi lại kể tôi nghe những chuyện trong lớp hôm tôi vắng mặt. Nói đến đây thôi là tôi lại nhớ mấy cái bánh chúng trao tặng hay vị của những món thức uống chúng tự làm cho tôi nữa rồi!

Và đó là một trong những mùa hè ý nghĩa nhất trong đời tôi! 

Tôi đến đây không chỉ để học võ, tôi đến để học về cuộc đời!

Linh Phan.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

752 lượt xem