Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[ToMo] Nạn Nhân Khác Của Chiến Tranh: Động Vật

Theo một nghiên cứu mới đây, xung đột vũ trang suốt hàng thập kỉ qua là nguyên nhân gây suy giảm nhiều nhất số lượng động vật ở Châu Phi.

Năm 1996, lúc chiến tranh nổ ra trên vùng nay là Cộng hòa Dân chủ Congo, trong Vườn Quốc gia Garamba chỉ còn lại 31 cá thể cuối cùng của loài tê giác trắng Bắc Phi. Một năm sau đó, khi quân đội tiến đến khu bảo tồn, ½ số voi, 2/3 số lượng trâu và ¾ số hà mã biến mất chỉ trong vòng 3 tháng.

Bên cạnh đó, mặc cho nỗ lực của các nhà bảo tồn, tình trạng săn bắn trái phép tê giác trắng Bắc Phi vẫn tiếp diễn. Thế giới hiện nay chỉ có 3 con tê giác trắng còn sống, được chuyển từ sở thú ở Cộng hòa Czech đến giữ trong cùng một khu bảo tồn tại Kenya.

Một chú tê giác trắng Bắc Phi trong Khu Bảo tồn Quốc gia Garamba ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1989. Ngày nay, chỉ còn 3 cá thể động vật này sống sót. Ảnh: Mark Carwardine/Minden Pictures.

Theo Kes Hillman-Smith – nhà bảo tồn hoạt động ở Nairobi, tác giả cuốn “Garamba: Bảo Tồn Động Vật Giữa Hòa Bình Và Chiến Tranh”: Nơi sống của loài tê giác gồm một phần châu Phi từng xảy ra chiến tranh đã “bị tàn phá vô cùng nghiêm trọng”. “Chiến sự không dứt đã đẩy sự sống hoang dã trong vùng đến bờ vực tuyệt chủng.”

Nhiều nghiên cứu cho thấy chiến tranh ảnh hưởng rất nhiều đến động vật hoang dã, thậm chí đe dọa sự sống của cả giống loài. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng gặp phải mâu thuẫn: Trong vài trường hợp, xung đột vũ trang dường như lại cứu giúp động vật.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã đưa ra phân tích định lượng có phạm vi nhiều thập kỉ, rộng khắp châu lục đầu tiên về hậu quả của chiến tranh lên động vật ở châu Phi. Kết quả cuộc điều tra được đăng trên tạp chí Nature thật đáng kinh ngạc. So sánh với tất cả những cái khác, xung đột vũ trang là yếu tố dự đoán chắc chắn nhất cho sự suy giảm số lượng động vật hoang dã. Tuy nhiên, loài tê giác trắng là một ngoại lệ.

Chiến tranh ít gây ra sự tuyệt chủng – một nghiên cứu mới đây dường như coi nhẹ tầm quan trọng của nỗ lực khắc phục sau chiến tranh. “Chúng ta đều thấy chiến tranh là xấu, nhưng không xấu đến mức bạn nghĩ”, theo Robert Pringle – nhà sinh thái học tại Đại học Princeton, tác giả của nghiên cứu mới trên.

“Chúng ta đặt ra hai giả thuyết,” ông nói thêm. “Một, chiến tranh là thảm họa đối với mọi thứ, bao gồm các loại môi trường. Thứ hai, gần như bất cứ điều gì buộc con người di chuyển ra khỏi một vùng lại có lợi đối với động vật hoang dã.”

Thật vậy, Tiến sỹ Pringle nhấn mạnh, khu phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã trở thành nơi sinh sống cho nhiều loài động vật quý hiếm như sếu đầu đỏ và gấu đen châu Á.

Năm 1997, sau khi quân đội tiến đến Vườn QG Garamba ở CHDC Congo, ½ số voi, 2/3 số lượng trâu và ¾ số hà mã đã bị giết. Ảnh: Jon Jones/Sygma, qua Getty Images.

Cùng với Tiến sỹ Pringle, Joshua Daskin – nhà bảo tồn sinh thái tại Đại học Yale đã tiến hành công cuộc tìm hiểu gồm 500 nghiên cứu khoa học, sách trắng của chính phủ, báo cáo phi lợi nhuận và giấy tờ quản lý khu bảo tồn. Ông tìm ra một con số động vật hoang dã bị mất từ năm 1946 đến 2010 tương đương trên, bất kể có xung đột hay không.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã tính toán sự thay đổi của số lượng động vật theo thời gian và so sánh giữa các cuộc chiến tranh được biết đến. Danh sách cuối cùng gồm tổng cộng 253 con của 36 loài động vật ăn cỏ có vú như voi, hươu cao cổ, ngựa vằn, hà mã và linh dương đầu bò trong 126 vùng bảo tồn trên khắp châu Phi.

Các nhà khoa học phát hiện ra một con số rất ít, chỉ một cuộc chiến tranh trong vòng từ 2 đến 5 thập kỉ đã có thể làm giảm số lượng động vật. “Thậm chí một cuộc xung đột chúng ta coi là rất nhỏ cũng khiến số lượng động vật hoang dã bị giảm sút,” Tiến sỹ Daskin cho biết.

Thực tế, trong danh sách 10 yếu tố được phân tích, có cả hạn hán, dân số và mức độ tham nhũng ở một quốc gia, tần suất các cuộc chiến tranh là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến số lượng động vật hoang dã. Xung đột xảy ra càng thường xuyên thì ảnh hưởng càng nghiêm trọng.

“Bản đánh giá mang phạm vi châu lục này đã xác nhận lại điều mà nhiều nghiên cứu gợi ra – chiến tranh là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm số lượng động vật hoang dã ở châu Phi,” theo Kaitlyn Gaynor – nghiên cứu sinh về ảnh hưởng của xung đột vũ trang đến môi trường hoang dã tại Đại học California Berkeley.

Các loài động vật biến mất là hậu quả của nhiều yếu tố kết hợp, theo Tiến sỹ Hillman-Smith – người dành tới 22 năm ở Garamba để thực hiện việc bảo tồn vườn quốc gia có loài tê giác trắng.

Trong thời gian chiến tranh diễn ra, thịt thú hoang dã trở thành nguồn thức ăn cho binh lính, dân địa phương và người di cư, còn những phần giá trị như ngà voi, sừng tê giác được bán lấy tiền để hỗ trợ cho cuộc chiến đấu. Vũ khí đạn dược dần phổ biến cùng với sự sụp đổ của luật pháp và trật tự xã hội đã khiến săn bắn trái phép dễ dàng hơn, Tiến sỹ Hillman-Smith cho biết.

Bà nói thêm, các tổ chức bảo tồn thường rút đi lúc chiến sự nổ ra. “Thiệt hại lớn nhất về động vật ở Garamba xảy ra những khi dừng tuần tra và thiếu vắng sự hỗ trợ quốc tế.” “Chiến tranh là vấn đề cần được cân nhắc cho thực hiện việc bảo tồn, chứ không nên là lý do để ngừng đầu tư hay rút quá sớm.”

Đương nhiên sau chiến tranh, không phải toàn bộ động vật đều mất hết, kể cả khi không có sự xuất hiện của các nhà bảo tồn. Tiến sỹ Daskin nói, nhiều khi động vật trở nên hiếm hơn khiến kẻ săn bắn khó tìm thấy và số lượng những loài này vẫn duy trì ở mức thấp.

Khu phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trở thành nơi sinh sống cho nhiều động vật quý hiếm như loài sếu đầu đỏ. Ảnh: Kimimasa Mayama/European Pressphoto Agency.

Theo Edd Hammill – nhà sinh thái thuộc Đại học Utah State, người không tham gia nghiên cứu: Thông điệp quan trọng nhất mà bản nghiên cứu muốn chỉ ra là chiến tranh đe dọa sự sống hoang dã nhưng hiếm khi gây ra sự tuyệt chủng.

Ông nói, nghiên cứu cho thấy sự can thiệp nhanh chóng của các nhà bảo tồn quan trọng thế nào đối với việc duy trì và khôi phục giống loài từ số động vật còn sống. Thực tế vào thập niên 80 sau chiến tranh, việc bảo tồn ở Garamba giúp khôi phục lại gấp đôi số lượng voi và tê giác trắng chỉ trong vòng 8 năm.

Rốt cuộc chiến tranh lặp lại, chính trị và một số yếu tố khác đã cản trở việc khôi phục tê giác trắng Bắc Phi trong tự nhiên. Nhưng, Tiến sỹ Daskin nhắc tới Vườn Quốc gia Gorongosa ở Mozambique như một giải pháp triển vọng.

15 năm sau nội chiến đẫm máu, Gorongosa mất gần 90% số lượng động vật. Voi giảm từ 2000 con còn 200, trong khi đó, linh dương đầu bò và ngựa vằn từ hàng nghìn chỉ còn lại chưa đến 50 con mỗi loài.

Động vật ăn cỏ biến mất, cây cối trước đây mọc lấn sang khu bảo tồn trở thành đồng cỏ và động vật ăn thịt không còn được nhìn thấy nữa.

Sau khi hòa bình lập lại, chính phủ Mozambique đã hợp tác với Tổ chức Carr nhằm phục hồi khu bảo tồn động vật. Kiểm lâm hay những người từng là kẻ thù của nhau trong chiến tranh giờ đều được tuyển để huấn luyện, ngăn chặn săn bắn trái phép và chăm sóc động vật.

Người dân sống xung quanh khu bảo tồn cũng được hỗ trợ việc trồng trọt chăn nuôi, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Một số còn làm việc trong khu bảo tồn.

Giờ đây, Gorongosa với hơn 500 con voi, 60 con sư tử và hàng vạn con linh dương, tự gọi mình là “chuyện khôi phục môi trường hoang dã thần kỳ nhất châu Phi”.

Bài học rút ra cho chúng ta, theo Tiến sỹ Pringle: “Trong vòng một thập kỉ, khôi phục lại hệ sinh thái bị tàn phá nghiêm trọng nhất thành kỳ quan thiên nhiên thế giới là một việc CÓ THỂ.”

*Ảnh tiêu đề: Một đàn voi trong Vườn Quốc gia Gorongosa ở Mozambique (Katherine Jones/Idaho Statesman, qua Getty Images).

-----------------------------------------------
Tác giả: Rachel Nuwer

Link bài gốc: War's Other Victims: Animals

Dịch giả: Mai Huê - ToMo - Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Mai Huê - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày!

(***) Trở thành Cộng tác viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

176 lượt xem