Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

1 Năm Trao Đổi Ở Thụy Sĩ Và Hành Trình Tìm Lại Bản Thân Của Mình

"Dường như phải đi hết chừng ấy chặng đường, gặp gỡ chừng ấy con người, tôi mới bắt đầu gặp được mình. Tôi đi bao nhiêu ngày đường mới đủ học để hiểu chính mình phần nào."

"Có những ai đã từng “phiêu du” để học lấy điều gì đó như tôi, có ai muốn kể lại phần đời của mình, và những ai đã làm điều đó? Hẳn là rất nhiều. Nhưng tôi vẫn muốn viết. Tôi viết về cuộc hành trình của con sông tôi, về một thành phố và con sông của chính nó, về mỗi địa điểm đã gắn liền với tôi như những cột mốc, những bờ bến của cuộc phiêu lưu còn chưa kết thúc.

Dù có sóng gió gập ghềnh, sông càng cuộn chảy, không bao giờ ngừng nghỉ, cũng như con người, không bao giờ đánh mất niềm tin."

 Trích lời tựa quyển "Tôi và Paris, Câu chuyện một dòng sông" của tác giả Hoàng Long


Mình ngơ ngác đặt chân đến Châu Âu lần đầu tiên với tư cách là sinh viên trao đổi của Đại học Ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ (FHNW). 5 tháng của học kì đầu tiên trôi qua với rất nhiều niềm vui khi mình làm quen được với rất nhiều bạn mới từ nhiều quốc gia và cùng nhau khám phá 9 nước Châu Âu khác. Vì những điều này, mình đã quyết định gia hạn học kì trao đổi của mình lên đến một năm để có thêm thời gian trải nghiệm và thực hiện ước mơ của mình. Tuy vậy học kì thứ 2 không hề dễ dàng  khi Châu Âu bắt đầu trở thành tâm dịch COVID 19 vào cuối tháng 3 năm 2020. Giữa lựa chọn quay về Việt Nam hay ở lại, mình đã chọn ở lại để trải nghiệm có một không hai của cuộc đời mình được trọn vẹn và để hoàn thành đúng dự định ban đầu. Sau khi trở về Việt Nam trên chuyến bay cứu trợ vào tháng 8, mình đã quyết định đặt bút xuống viết về câu chuyện và những kinh nghiệm của mình để tiếp thêm sức mạnh cho những người có cùng ước mơ, cũng như lưu giữ lại ký ức về một cột mốc quan trọng của cuộc đời.

Âu Châu và khởi nguồn của những ước mơ

Mình bắt đầu nhen nhóm ước mơ được đến Châu Âu qua những câu chuyện và tấm ảnh của ba mình. Ba luôn kể cho mình nghe về vùng đất ấy, về những người bạn của ba, về 3 lần được học bổng ngắn hạn du học trên đất Pháp bằng ánh mắt lấp lánh. Ước mơ ấy càng trở nên mạnh mẽ khi mình đọc được cuốn sách “Bánh mì thơm, cà phê đắng” của chị Ngô Thị Giáng Uyên. Hành trình của khám phá ẩm thực và văn hóa của chị trong thời gian du học ở Anh khiến mình vừa tò mò, vừa khát khao, vừa ngưỡng mộ. Từ đó, trái tim luôn thôi thúc mình phải một lần đặt chân đến miền đất hứa. Mình đã thử sức với nhiều cuộc thi khác nhau với hi vọng những cuộc thi  sẽ mang mình đến gần hơn với ước mơ, song đều không có kết quả. Đến năm hai đại học, mình quyết định đăng kí 1 học kì trao đổi ở Thụy Sĩ và tự tạo ra cơ hội cho bản thân mình. Điều mình phải đánh đổi là việc tốt nghiệp trễ hơn bạn bè cùng lớp và phải học những môn còn lại một mình, mình vẫn chưa hề hối hận về quyết định này.

Trước khi khởi hành 

Trong quá trình làm hồ sơ xin visa, mình đã từng đau đầu và stress với từ các bước đặt lịch hẹn với lãnh sự quán, chứng minh tài chính và mua bảo hiểm y tế. Mình phải tự tìm hiểu và nhận được rất nhiều sự sự giúp đỡ và tư vấn của các anh chị trong nhóm Hội du học sinh Việt Nam tại Thụy Sĩ trên Facebook. Mình cũng làm quen được với những người bạn Việt Nam cùng đi trao đổi tại Đại học Tây Bắc Thụy Sĩ.


Buddy - người bạn, người thân và người “cố vấn” đặc biệt của mình ở trời Âu

Trước học kì trao đổi, mình từng có 9 tháng làm buddy cho các bạn sinh viên quốc tế. Nhiệm vụ chủ yếu của mình là đón các bạn ở sân bay và giúp đỡ các bạn hòa nhập với văn hóa và cuộc sống ở Việt Nam. Nhờ những hoạt động này, mình cũng bắt đầu làm quen với văn hóa của các bạn cũng như hiểu được những khó khăn mà một sinh viên quốc tế phải trải qua và cả tầm quan trọng của một buddy. Vì thế, mình chủ động chọn một chương trình trao đổi có sự hỗ trợ của buddy trong tất cả các chương trình trao đổi của các đối tác của trường mình. Ngày mình hạ cánh ở Zurich, bạn buddy đón mình ở sân bay, hướng dẫn mình cách làm thẻ đi tàu, mua SIM, dẫn mình về tận nơi ở mới và giúp mình mở tài khoản ngân hàng. Trong suốt một năm ở Châu Âu, cuộc sống và việc học tập của mình trở nên dễ dàng hơn rất nhiều với sự giúp đỡ của bạn. Bạn còn dẫn mình về nhà, giới thiệu với mình con chó và con ngựa yêu quý của bạn cũng như rất nhiệt tình giải đáp thắc mắc của mình hay đưa mình những gợi ý về địa điểm du lịch và quán ăn ngon. Bạn không chỉ là buddy, bạn giống như một người bạn, người thân và người cố vấn đặc biệt của mình.

Mình và con chó yêu quý của buddy mình trong lần đến thăm nhà bạn

Chuyện nhà ở

Trong các lựa chọn mà trường đối tác đưa ra để hỗ trợ cho mình như ở kí túc xá, ở nhà host người Thụy Sĩ và tự thuê phòng ở ngoài, mình đã chọn ở kí túc xá vì với mình đây là phương án tiết kiệm nhất, vừa cho mình cơ hội để giao lưu với các bạn sinh viên trao đổi khác. Chuyện thuê phòng ở kí túc xá bắt đầu việc mình phải kiểm tra tất cả vật chất và đồ dùng trong phòng theo checklist mà bác quản lí tòa nhà đưa ra cho mình trước khi vào ở để đảm bảo mọi thứ đều ổn vì nếu có bất kì hỏng hóc nào mà mình sơ ý không nhận ra, mình phải bồi thường sau khi kết thúc hợp đồng. Ngoài ra mình phải lưu ý không được nấu ăn trong phòng vì có thể khiến chuông báo cháy kêu hoặc là đóng chặt cửa sổ những lúc gió lớn để tránh vỡ cửa sổ và tránh lưu lại vết ố trên thảm trải sàn, nếu không thì phải đền bù tổn thất. Hợp đồng còn quy định là mình không được làm ồn và tụ tập sau 10 giờ đêm, nếu trái quy định sẽ nhận được một biên bản cảnh cáo cho lần đầu tiên, và lần thứ hai thì sẽ bị kết thúc hợp đồng ngay lập tức và sẽ bị đuổi khỏi kí túc xá. Về tiền thuê phòng, mình có thể thanh toán bằng cách chuyển khoản ngân hàng hoặc dùng biên lai (red payment slip) để thanh toán ở bưu điện chứ không thanh toán trực tiếp cho người quản lí tòa nhà. Sau khi kí tên vào Hợp đồng, bác quản lí đưa mình giữ một bản, còn bác giữ một bản để đối chiếu và gia hạn hợp đồng hay kết thúc hợp đồng nếu cần thiết. Khác với phòng kí túc xá Việt Nam, phòng của mình chỉ dành cho một người ở, có đầy đủ bàn, ghế, kệ sách, tủ quần áo, tủ lạnh, máy sưởi và giường.. Một tầng có 14 phòng và nhà vệ sinh, nhà tắm và bếp thuộc về khu vực dùng chung của một tầng. Chính sự sinh hoạt gần gũi ở kí túc xá đã tạo điều kiện cho mình và các bạn thân nhau rất nhanh.Tụi mình sống ở đây như một gia đình lớn và thường xuyên có những buổi giao lưu ẩm thực trong khu vực bếp. Mình cũng rất yêu quý căn phòng ấm cúng nhỏ xinh của mình với khung cửa sổ lớn, nhìn ra ngoài là thấy cả một khoảng trời xanh mênh mông.

Bầu trời nhìn từ khung cửa sổ phòng mình  

Chuyện học và những phút giây ấm lòng

Chương trình học và cách tiếp cận kiến thức ở Châu Âu khá khác ở Việt Nam. Tại trường mà mình đi trao đổi, kì kiểm tra cuối kì bao quát toàn bộ kiến thức của tất cả các chương đã học, không có trọng tâm. Phần câu hỏi tập trung đánh giá khả năng vận dụng những gì đã học vào việc giải quyết  tình huống thực tế hoặc tự cho ví dụ dựa trên lý thuyết, vì thế, mình đã từng trượt một môn vì chăm chăm vào học thuộc lòng ở đây. Ngoài ra, giảng viên thường yêu cầu sinh viên về nhà đọc thêm tài liệu và phần tự học này hoàn toàn có thể xuất hiện trong bài kiểm tra. Về tài liệu, thông thường giảng viên sẽ chia sẻ ebook và tài liệu cho sinh viên, tuy nhiên, với một số loại sách đặc biệt, sinh viên phải đi mượn ở thư viện hoặc mua lại từ sinh viên khóa trước vì tiền mua sách mới khá đắt. Phần khó nhất trong toàn bộ chuyện học của mình ở Châu Âu có lẽ là việc tìm nhóm. Trong những học phần mà thầy cô xếp nhóm ngẫu nhiên thì  dễ dàng hơn cho mình so với những học phần mà giảng viên cho phép sinh viên tự ý ghép nhóm. Mọi thứ rất khó khăn với mình với tư cách là sinh viên trao đổi vì đa phần các bạn sinh viên bản xứ đều đã quen biết nhau từ trước và đã có nhóm hết rồi. Các bạn cũng không biết học lực của mình thế nào để có thể tự nguyện đưa một thành viên mới vào làm việc cùng. Hơn nữa, việc đưa mình vào nhóm đồng nghĩa với việc các bạn phải chuyển sang trao đổi hoàn toàn bằng tiếng Anh, trong khi ngôn ngữ mẹ đẻ của các bạn là tiếng Đức Thụy Sĩ. Mình từng chia sẻ việc này với một người chị Việt Nam là sinh viên trường này theo hệ chuyển tiếp, và chị kể rằng chị đã từng cố gắng rất nhiều để thành tích học tập của mình ấn tượng với sinh viên bản xứ. Chị cũng khuyên mình rằng nếu có bất kì khúc mắc gì trong quá trình làm việc nhóm, mình nên thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình để giải quyết để tránh nhận lấy thiệt thòi hơn là “dĩ hòa vi quí”. Mình cũng được nhìn thấy rất nhiều anh chị Việt Nam khác nỗ lực rất nhiều để đưa thành tích học tập của mình đi lên cũng như hòa nhập với môi trường mới, nhận được sự yêu mến và hâm mộ của thầy cô và sinh viên Thụy Sĩ. Chuyện du học thoạt nhìn có vẻ hào nhoáng và vinh quang, nhưng chỉ có người trong cuộc mới biết nó vốn khó khăn và vất vả thế nào.

Một điều mà mình khá thích ở trong quá trình học tập ở đây là sự quan tâm của giảng viên dành cho sinh viên. Thầy giáo môn tiếng Đức trung cấp đã đến tận bàn của mình sau khi biết mình định rút khỏi môn này và nói với mình: “Thầy đã chấp nhận để em ở lại lớp này có nghĩa là thầy hoàn toàn tự tin là có thể dạy được em, thế thì tại sao em phải sợ? Em học là để tiến lên, là để giỏi hơn ngày hôm qua, đó không phải là mục đích của học tập hay sao? Em trở về lớp cơ bản và giỏi những thứ em đã biết rồi, thế thì có ý nghĩa gì đâu? Mình nghe lời thầy và quyết định ở lại. Về sau, mỗi lần thầy giảng ngữ pháp bằng tiếng Đức và tinh ý nhận ra mình không hiểu, thầy chuyển sang tiếng Anh và kiên nhẫn giảng cho đến khi mình hiểu mới thôi. Điều tương tự cũng diễn ra trong lớp Kế toán tài chính của mình. Cô đến chỗ mình và bảo : “Nếu có gì không hiểu thì em cứ gửi email cho cô nhé. Cô sẽ sắp xếp thời gian 1 hoặc 2 buổi để giảng riêng cho em. Em không muốn rớt môn này có đúng không? Cô với em cùng cố gắng nhé!”. Sự chuyên nghiệp và quan tâm của giảng viên còn được thể hiện qua thái độ của thầy cô đối với khảo sát. Thông thường, vào khoảng giữa học kì, sinh viên sẽ được yêu cầu đánh giá giảng viên và từng môn học của mình và khảo sát này là bắt buộc. Sau đó, giảng viên sẽ nghiêm túc thảo luận về kết quả khảo sát với sinh viên, tìm ra những điểm chưa hài lòng và giải pháp để cải thiện trong nửa học kì còn lại. Được học trong một môi trường học thuật mà ý kiến và quan điểm của mình luôn được lắng nghe và tôn trọng như thế, mình cảm thấy bớt mặc cảm và khuynh hướng “giấu dốt” đi nhiều lắm.


Mình cũng đã được trải qua những phút giây ấm lòng trong 1 năm học tập tại đây. Những lúc các bạn cùng lớp chủ động đến bắt chuyện với mình khi thấy mình lạc lõng giữa lớp hay chủ động mời mình thảo luận bài cùng là những khoảnh khắc khó thể nào quên được sau khi trở về nước.

Chuyện bảo vệ môi trường

Một trong những điều đầu tiên mà buddy cũng như bác quản lí tòa nhà hướng dẫn mình đầu tiên là việc phân loại và vứt rác đúng nơi quy định. Rác được phân chủ yếu thành 4 loại: Chai nhựa PET, nhôm, giấy và các loại rác khác. Riêng về rác thải điện tử thì mình quan sát thấy mọi người hay để riêng ra và đem vứt ở hộc dành cho rác thải loại này ở các siêu thị. Việc phân loại rác được thực hiện rất nghiêm túc từ người già đến trẻ nhỏ và ở khắp mọi nơi. Mình đã có một lần bối rối khi vali mình bị hỏng hoàn toàn và không biết đem vứt ở đâu. Mình đã quyết định đem vali xuống hỏi bác quản lí và sau màn giải thích cực kì chi tiết của bác nhưng mình vẫn không hiểu, bác đã quyết định đem đi vứt đúng chỗ giúp mình.

Thùng rác ở ga tàu Thụy Sĩ. Nguồn ảnh: Internet


Lối “sống xanh” của người Thụy Sĩ còn được thể hiện ở việc sử dụng túi sử dụng nhiều lần. Theo mình quan sát, mọi người có thói quen tự mang theo túi của mình để chứa đồ mỗi lần đi siêu thị. Túi nylon và túi giấy ở đây không hề được phát miễn phí sau khi thanh toán, mà được bán cùng với các loại túi khác, dành cho những người có nhu cầu.

Những việc làm này tuy có bất tiện trong cuộc sống vốn hiện đại và hối hả như hiện nay, song lại thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của mọi người đối với vấn đề môi trường và mình rất vui khi được hòa mình vào lối sống đó. Mình hi vọng rằng một ngày nào đó những điều này sẽ trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam.


Những trải nghiệm thú vị

Hành trình của mình trở nên ý nghĩa và đáng nhớ hơn rất nhiều sau hàng loạt những trải nghiệm để đời. Điều đầu tiên có lẽ là chuyện mình mất thời gian một tuần để học cách sử dụng 3 thẻ ngân hàng,  một máy đọc thẻ mà ban đầu mình tưởng là máy tính và 2 ứng dụng điện thoại, vốn chỉ dành cho 1 tài khoản ngân hàng duy nhất của mình. Ngân hàng Thụy Sĩ có tính bảo mật rất cao và dịch vụ rất tốt, vì thế, dù cho cách sử dụng có chút phức tạp, mình vẫn rất tự hào với trải nghiệm có một không hai này.

Thẻ ngân hàng và máy đọc thẻ của mình

Một câu chuyện không kém phần thú vị khác là việc “vượt biên” sang Đức để mua nhu yếu phẩm. Thực phẩm và đồ dùng ở Thụy Sĩ khá đắt, vì thế, sinh viên quốc tế như tụi mình thường hay đi tàu sang biên giới Đức ở Weil am Rhein mỗi tuần để mua nhu yếu phẩm và tiết kiệm một khoản chi phí. Tụi mình thường đi sau 7 giờ tối và sử dụng thẻ Seven25 để được miễn vé tàu. Mình và các bạn còn vác hẳn vali theo để mang được nhiều đồ về Thụy Sĩ. Chuyện “vác vali đi chợ”, ban đầu nghe thật khó tin và xấu hổ, lâu dần lại trở thành thói quen hàng tuần và chủ đề những câu chuyện cười mà bọn mình kể cho rất nhiều người khác.

Chuyện tập thể thao và leo núi

Trước đây khi ở Việt Nam, mình khét tiếng là một đứa dốt thể dục và lười tập thể thao. Mình thường xuyên đổ lỗi cho việc tập trung vào học hành và không có thời gian. Điều này dần thay đổi khi mình đến Thụy Sĩ và sống giữa những con người cực kì năng động. Lần đầu tiên  mình leo núi là trong một hoạt động chào đón sinh viên trao đổi của trường. Khi mình - đứa cuối cùng trong đoàn vừa thở hì hục leo lên đến đỉnh, mọi người đã dùng xong phân nửa bữa trưa. Lần thứ hai, bạn mình phải nắm tay mình trong suốt đoạn đường đi vì mình sợ trượt té. Lần thứ ba, mình đã hoàn thành khá tốt và không còn sợ gì nữa. Điều mình thích nhất ở đi bộ leo núi, chính là sự yên bình khi vừa đi vừa có thể ngắm nghía và thưởng thức cây cỏ ở xung quanh, hít thở không khí trong lành, cảm giác như được thiên nhiên bao bọc lấy. Cuối cùng, khoảnh khắc đặt chân lên đến đỉnh chính là lúc mình vỡ òa vì mình vừa chiến thắng bản thân, vì đã đạt được một thành tựu mới. Niềm đam mê của mình với việc rèn luyện thân thể cứ thế lớn dần theo thời gian. Sau này, bạn mình còn hướng dẫn cho mình cách eat clean và tập cardio để cải thiện vóc dáng cũng như thể lực. Mình vẫn duy trì thói quen này đến ngày hôm nay, như một cách yêu thương và hoàn thiện bản thân.

Team leo núi của mình

Giữa tâm dịch COVID-19 và những khoảng lặng

Cuối tháng 3 năm 2020, đại dịch COVID 19 bắt đầu bùng nổ ở lục địa già, gieo rắc chết chóc và sợ hãi. Làn sóng kì thị người Châu Á cũng bắt đầu len lỏi trong cuộc sống thường ngày. Rất nhiều du học sinh trao đổi - những người bạn thân thiết của mình đã vội vã nói lời chia tay và trở về nước trước khi hàng loạt quốc gia đóng cửa biên giới với Châu Âu. Mình đã lựa chọn ở lại cho đến hết học kì để tiếp tục thực hiện những điều mà mình mong muốn, để không phải hối hận về sau. Dẫu vậy, mình vẫn chạnh lòng khi thấy từng người một rời đi và tầng mình cứ thưa thớt dần. Mình vẫn thấy đau nhói và tủi thân khi đối diện với cử chỉ xa lánh của người bản xứ hay mỗi lần ra đường lại thoáng nghe ai đó gọi mình là Corona. Để động viên những sinh viên đã lựa chọn ở lại, trường đã quyết định cung cấp ba bữa ăn miễn phí một ngày cho mỗi người và thường xuyên gửi quà tới kí túc xá. Vì thế, mình biết mình vẫn luôn được quan tâm và dõi theo. Mình không hề cô độc khi ở đây. Trong thời gian cách ly xã hội, niềm vui mỗi ngày của mình chỉ đơn giản là đoán xem hôm nay đầu bếp sẽ cho bọn mình ăn món gì và cảm giác như mình đang được thưởng thức một vòng ẩm thực Châu Âu ngay tại nhà. Những khi tâm trạng chùng xuống, mình lại nghĩ ra hoặc làm ti tỉ thứ để xốc lại tinh thần như trồng một cây hoa oải hương ngay bệ cửa sổ, vẽ tranh, làm bánh và học trang điểm. Hạnh phúc chẳng phải luôn đến từ những điều bình dị như thế hay sao?

Cây hoa oải hương mình trồng 

Một mình khám phá 6 nước Châu Âu trong 1 tháng

Học kì của mình kết thúc vào giữa tháng 6, tuy nhiên, vào thời điểm này, mình vẫn chưa thể đăng kí được chỗ trên chuyến bay về nước. Sau tiệc chia tay với các bạn cùng tầng, mình đã lên kế hoạch đi du lịch 6 nước một mình - điều mà mình chưa bao giờ dám làm trước đây. Và thế là, hành trình đi qua Hà Lan, Bỉ, Na Uy, Phần Lan, Ba Lan và Ý của mình bắt đầu.

Du lịch một mình đem đến cho mình nhiều sự tự do hơn để tập trung vào những thứ bản thân mình muốn trải nghiệm hay nhiều thời gian hơn để tĩnh lặng quan sát và tận hưởng không gian xung quanh. Mình vẫn không thể nào quên được cảm giác lành lạnh dễ chịu khi dạo chợ Helsinki vào sáng sớm và thưởng thức món súp cá hồi nóng hổi trứ danh. Mình cũng bắt chước trải nghiệm văn hóa tắm hơi của người Phần Lan bằng cách nhảy xuống biển sau khi xông hơi để làm lạnh cơ thể và sau đó quay trở lại với xông hơi trong tâm thế vừa tò mò vừa hứng thú.


Mỗi khi bị cạn ý tưởng không biết đi đâu, mình lại chọn vào bảo tàng. Khác với phần lớn bảo tàng ở Việt Nam phần nhiều gợi cho mình nhiều nỗi u hoài vào ảm đạm, bảo tàng ở Châu Âu tươi sáng và thú vị hơn từ kiến trúc, ánh sáng, cách bài trí và các hoạt động tương tác, tái hiện một cách trực quan và sinh động về chủ đề mà bảo tàng hướng tới. Bảo tàng nghệ thuật có lẽ là loại bảo tàng phổ biến mà mình thấy ở mọi quốc gia mình đặt chân đến. Ngoài ra, mỗi nơi sẽ có một loại bảo tàng đặc biệt riêng, như bảo tàng Sôcôla ở Bỉ, Bảo tàng Fram và Bảo tàng Viking ở Na Uy. Không chỉ có thế, bảo tàng thường giảm giá vé cho sinh viên hay người có thẻ cư trú ở EU, đôi khi miễn phí hoàn toàn. Bảo tàng cho mình cơ hội được học rất nhiều thứ mới bằng đôi mắt hiếu kì và say mê, như một đứa trẻ.

Bên trong Bảo tàng Fram, Na Uy


Trong hành trình này, mình chủ yếu chọn ở phòng dorm trong hostel và đặt phòng qua Hostelworld. Và thế là, mình được gặp được khá nhiều bạn đồng hành thú vị ở chung phòng. Ở Hà Lan, hai người bạn cùng phòng đã cho mình khá nhiều gợi ý về địa điểm du lịch và thông tin bên lề về các địa điểm đó. Ở Ý, mình rủ được cô bạn người Đức cùng phòng đi chơi, đi ăn, đi chụp hình và đi khám phá khắp mọi ngõ ngách của Venice. Mỗi lần mình mở lòng ra, mỉm cười và chủ động bắt chuyện trước, mình lại kiếm được một người bạn mới.

Lạc đường giữa thời tiết xấu, gặp rắc rối với máy bán vé, không với tới khoang hành lí xách tay trên máy bay là những vấn đề mà mình thường xuyên gặp phải. Thế nhưng, mình vẫn luôn may mắn gặp được những người qua đường tốt bụng luôn tinh ý và sẵn lòng giúp đỡ. Họ nhanh chóng rời đi ngay cả khi mình chưa kịp nói lời cảm ơn song hành động lịch thiệp nho nhỏ ấy có thể khiến mình vui và cảm kích cả một ngày.

Tuy vậy, bất tiện lớn nhất của mình vẫn là việc phải nâng cao cảnh giác và tự  bảo vệ mình trong mọi tình huống. Có lần, trong lúc tàu chuẩn bị khởi hành, mình tranh thủ chợp mắt, chợt có một người lạ mặt xuất hiện và tìm cách lấy vali ra của mình. Mình choàng tỉnh giấc kịp thời, khiến kẻ gian lúng túng và tìm cớ chạy khỏi tàu.

Trước chuyến đi này, mình luôn cho rằng chuyện lên kế hoạch và đi du lịch 6 nước một mình là quá sức. Sau khi hành trình kết thúc, mình tự tin rằng chỉ cần mình muốn, mọi chuyện đều có thể.

Chuyện trở về nước và cách ly

Đại sứ quán thông báo mình có tên trên chuyến bay hồi hương từ Đức trước ngày khởi hành 3 ngày. Và thế là, mình dành trọn 2 ngày và thức trắng 2 đêm để dọn phòng và sắp xếp hành lí, trả phòng và thực hiện những thủ tục giấy tờ khác. Nói lời tạm biệt với Thụy Sĩ, với hai người bạn Tây Ban Nha cùng tầng đã tiễn mình ra tận ga xong cũng là lúc mình gạt đi mọi cảm xúc buồn vui lẫn lộn mà khệ nệ vác 23 cân hành lí kí gửi và 12 cân hành lí xách tay sang Đức ngay trong đêm để đón chuyến bay về nước ngày hôm sau. Mình chính thức nói lời tạm biệt với Châu Âu trong rất nhiều nuối tiếc và lưu luyến tại sân bay Frankfurt am Main ngày 6 tháng 8, với lời hứa và niềm tin rằng một ngày nào đó sẽ quay trở lại.


2 tuần cách ly bắt đầu sau khi chuyến bay hạ cánh và những thủ tục xét nghiệm COVID-19 được tiến hành. Quá trình cách ly đã tạo điều kiện cho mình được quen biết và trò chuyện những người bạn mới có cùng tình yêu Châu Âu với mình. 

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn

Sau gần một năm trao đổi tại nước ngoài với nhiều biến cố, mình trở nên trưởng thành, độc lập hơn, mạnh mẽ hơn và cởi mở hơn nhiều lắm. Không những thế, mình còn học được cách tổ chức và sắp xếp cuộc sống của mình, thay đổi tư duy về học tập, và quan trọng nhất là tôn trọng sự khác biệt để hòa nhập với mọi người cũng như giải quyết mâu thuẫn và các vấn đề thường nhật. Mười một tháng qua cũng là khoảng thời gian mình được kết nối và không ngừng học hỏi về tư duy, lối sống và văn hóa của những người trẻ cùng thế hệ mình từ nhiều quốc gia khác nhau cũng như được mang văn hóa và ẩm thực Việt Nam vươn xa như ước mơ của mình. Trên hết, điều mà mình tự hào nhất vẫn là những tình bạn xuyên biên giới và những kỉ niệm tụi mình đã có cùng nhau. 

Lời kết

Chính quyển sách “Ngón tay mình còn thơm mùi hoa oải hương” của chị Ngô Thị Giáng Uyên đã truyền cảm hứng cho chị Misa Gjone, tác giả của cuốn sách “Châu Âu có gì lạ không em” và Minh Thi, người viết tác phẩm “Tôi bỏ quên tôi ở nước Anh”, trên hành trình Âu tiến. Vì thế, mình cũng muốn trở thành một phần của hiệu ứng domino đó và chia sẻ lại góc nhìn của mình, với hi vọng sẽ tiếp thêm động lực và dũng khí cho những ai có cùng ước mơ và tình yêu châu Âu với mình.

Mình cũng viết lại trải nghiệm này như một cách tri ân với những người đã luôn giúp đỡ, luôn đồng hành để mình có thêm mạnh mẽ vượt qua những thăng trầm của cuộc sống nơi xứ người.

Về tương lai, mình vẫn sẽ tiếp tục cố gắng để thực hiện lời hứa sẽ quay trở lại để thực hiện những ước mơ còn dang dở. Mình không quan trọng liệu nó sẽ trở thành hiện thực một lần nữa hay không, chỉ cần nó khiến cho niềm tin và niềm vui luôn hiện diện quanh mình mỗi sớm mai thức dậy, vậy là đủ rồi.

Tác Giả: Quỳnh Như

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/nhu.nguyenngoc.731

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

373 lượt xem, 364 người xem - 364 điểm